Lắng nghe các trí thức

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 12/03/2011 21:03 GMT+7

TTCT - Tổ chức phiên điều trần về lãi suất đối với Ngân hàng Nhà nước hay lần đầu tiên lập nhóm tư vấn về kinh tế vĩ mô... là những “kênh” mới mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mở ra như một nỗ lực huy động thêm sức mạnh trí tuệ. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội LÊ QUỐC DUNG trao đổi với TTCT.

“Thực tế là lực lượng của ủy ban khá mỏng, đầu nhiệm kỳ trong thường trực ủy ban có 8 người nhưng nay chỉ còn 5 người, 38 thành viên khác của ủy ban chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm - ông Dung cho biết - Vì vậy, chúng tôi nhận thức được sự cần thiết phải huy động sức mạnh trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ủy ban bên cạnh sự phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và một số trường đại học...”.

* Các vấn đề kinh tế thường có các ý kiến, quan điểm khác nhau, Ủy ban kinh tế xử lý như thế nào?

Nhóm tư vấn kinh tế vĩ mô (Macroeconomic Advisory Group - MAG) được thành lập trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do UNDP tài trợ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì. MAG sẽ tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho Ủy ban kinh tế của Quốc hội trong lĩnh vực chính sách kinh tế vĩ mô và các vấn đề kinh tế quan trọng khác. Nhóm cũng hỗ trợ, tham mưu cho ủy ban thực hiện các đối thoại chính sách hay các khóa đào tạo nâng cao năng lực phân tích chính sách kinh tế vĩ mô. Nhóm gồm khoảng 20 chuyên gia kinh tế từ các cơ quan nghiên cứu và trường đại học trong cả nước, dự kiến họp thường kỳ hai tháng một lần.

- Chúng tôi rất dân chủ trong thảo luận các nội dung này. Trong các phiên họp của ủy ban hay trong khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia bên ngoài, tất cả ý kiến khác nhau đều được đặt ra trên bàn nghị sự, từ đó chọn ra các ý kiến xác đáng, hợp lý.

Trong trường hợp có nhiều nhóm ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề, chúng tôi cũng ghi rõ trong báo cáo của ủy ban là đa số ý kiến như thế này, nhưng còn một số ý kiến khác như thế kia... Tất nhiên, ủy ban cũng luôn thể hiện rõ quan điểm nhất quán của mình.

Ví dụ, ngay từ Quốc hội khóa trước, Ủy ban Kinh tế - ngân sách (nay thành Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - ngân sách) đã đặt vấn đề cần coi trọng chất lượng phát triển của nền kinh tế; hay tại thời điểm cuối năm 2007 đầu năm 2008, chúng tôi cũng đã đề nghị không nêu ưu tiên tăng trưởng mà phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.

* Có đề xuất nào của các chuyên gia được ủy ban tiếp thu để trở thành quan điểm chính thống của mình?

- Những gì tự nghiên cứu cũng như ý kiến của chuyên gia, khi áp vào tình hình thực tiễn đã giúp chúng tôi hình dung sáng rõ nhiều vấn đề. Ví dụ qua tiếp cận ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, chúng tôi đã đi đến thống nhất cần sớm đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta, vì mô hình vừa qua là mô hình cho giai đoạn phát triển thấp, bây giờ phải đẩy lên mô hình phát triển cao với động lực chính là cải thiện năng suất lao động và sự sáng tạo. Câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp nhà nước... cũng vậy, chúng tôi đã đề cập từ rất sớm với Chính phủ và các bộ ngành chức năng.

* Việc hình thành nhóm tư vấn kinh tế vĩ mô, dù chỉ là hoạt động trong khuôn khổ một dự án, có phải là cách ủy ban mở ra một kênh mới để gia tăng hiệu quả hoạt động?

- Chúng tôi đã đổi mới rất nhiều trong cách thức làm việc. Trong ủy ban đã phân ra các tiểu ban để đi chuyên sâu vào từng lĩnh vực. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức một cuộc điều trần về lãi suất với Ngân hàng Nhà nước, bước đầu có tác dụng tốt.

Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tương tự về vấn đề lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng đối với một số bộ, ngành liên quan. Cuộc điều trần về lãi suất nêu trên chúng tôi không chỉ mời lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các đại biểu Quốc hội, mà còn mời nhiều chuyên gia kinh tế tham gia và có ý kiến như ông Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), ông Võ Trí Thành (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)... Các hoạt động tới đây cũng sẽ được thực hiện với tinh thần như vậy.

Nước ta đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh nghiệm thực tiễn chưa có nhiều lại đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới đầy biến động, do vậy việc giao lưu, trao đổi, học hỏi các lý thuyết kinh tế, các kinh nghiệm điều hành kinh tế trong thực tiễn là hết sức quan trọng.

Tất nhiên học phải có chọn lọc và sáng tạo để phù hợp với thực tiễn nước ta vì không phải một lý thuyết đã đúng với nền kinh tế nào đó thì sẽ đúng với nước ta, do trình độ phát triển khác nhau nên khi áp dụng phải căn cứ vào thực tế. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe với tinh thần cầu thị để chọn ra ý kiến phù hợp nhất. Thực tế cho thấy chính sách nào đem lại lợi ích cho đông đảo người dân thì sẽ sớm đi vào cuộc sống và được cuộc sống chấp nhận.

* Chính phủ vừa đưa ra các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Có vấn đề gì ông cũng như một số chuyên gia mà ông tiếp xúc đều thấy cần phải thực hiện?

- Các giải pháp của Chính phủ đã rất cụ thể và kịp thời. Tuy nhiên, việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức 7% như nghị quyết Quốc hội là khó khăn. Hai tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng đã hơn 3%, như vậy dư địa cho 10 tháng còn lại chỉ có gần 4%, trong khi những tháng cuối năm sẽ chịu tác động của tăng giá điện, giá xăng dầu, điều chỉnh tỉ giá...

Chúng tôi cho rằng việc cắt giảm đầu tư công, tập trung vốn vào khu vực sản xuất, nhất là sản xuất phục vụ xuất khẩu là giải pháp quan trọng hàng đầu. Chính phủ đã thành lập các đoàn kiểm tra những công trình, dự án liên quan đến ngân sách, nhưng chúng tôi cho rằng Chính phủ cần đề ra nguyên tắc cụ thể loại dự án, công trình nào phải dừng, phải giãn. Từ đây, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các địa phương chủ động cắt giảm, tránh tình trạng lại xuất hiện “xin - cho” trong cắt giảm đầu tư công.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận