Lao vào điểm nóng để kể chuyện qua ảnh

VÕ TRUNG DUNG (TỪ PARIS) 23/06/2013 03:06 GMT+7

TTCT - 25 tuổi, sinh ra tại Bỉ, Virginie Nguyễn Hoàng Vy là phóng viên ảnh chuyên nghiệp thuộc dạng trẻ nhất mà tôi biết.

Phóng to
Ngày chủ nhật 27-1-2013, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Ai Cập diễn ra trước khách sạn InterContinental ở Cairo - Ảnh: Virginie Nguyễn Hoàng Vy

Tốt nghiệp báo chí tại Viện khoa học truyền thông IHECS (Bỉ), sau đó cô theo học ảnh báo chí tại Đan Mạch. Từ một năm nay, cô gái có cha là người Việt này sống ở Ai Cập và làm việc cho tờ Egypt Independent. Cô cũng cộng tác với văn phòng khu vực của Hãng thông tấn AP.

Phóng viên ảnh Virginie Nguyễn Hoàng Vy - Ảnh nhân vật cung cấp
Virginie và tôi chưa hề gặp mặt mà chỉ biết nhau qua các phóng sự ảnh đăng đó đây và có chung bạn bè, những phóng viên đủ mọi quốc tịch. Đôi lúc qua điện thoại và Internet, chúng tôi trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin. Cũng có lúc chúng tôi ở cùng địa điểm, chỉ cách nhau có vài mét tại quảng trường Tahir ở Ai Cập, một quảng trường đi vào lịch sử với “Mùa xuân Ai Cập” từng hạ bệ một tổng thống độc tài để thay bằng một chế độ cũng độc tài không kém. Tám tháng qua, chúng tôi đã có thể gặp nhau tại nhiều điểm nóng chiến sự và chính trị như Libya, Syria, Palestine, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ…

“Xin lỗi anh, tôi phải chạy đi ngay! Nghe nói có biểu tình của nông dân tại nhà ga trung tâm. Sẽ liên lạc trong hai giờ nữa…” - Virginie nói với tôi trên Skype. Lúc đó cô đang ở Ai Cập và tôi ở Beirut, thủ đô Lebanon. Chúng tôi nối lại liên lạc dở dang này đúng… hai tháng sau, lần này thông qua những dòng chữ viết trên Facebook. Trong khoảng thời gian đó, Virginie đi kể lại chuyện đời của các phụ nữ Syria trong cuộc chiến ở Aleppo. Cô trở về từ Libya thời “hậu Gaddafi”. Virginie cũng kể lại cuộc sống bình dị của những nông dân sống cách thủ đô Cairo một giờ đường.

Cái nhìn trong sáng

Những bức ảnh của Virginie thể hiện sự tươi tắn của cái nhìn, làm toát lên sự trong sáng ở tuổi của cô nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc của những năm học nghề. Trong những bức ảnh có cả sự thấu cảm và trìu mến. “Tôi muốn gần với mọi người, hòa vào đám đông!” - cô tâm sự. Khi đi làm phóng sự ảnh, Virginie dùng xe buýt, xe lửa, thậm chí đi bộ băng qua thành phố Cairo thường xuyên bị nghẽn giao thông.

Những bức ảnh của cô có cấu trúc, màu sắc, chuyển động và nhân vật rất tốt, nhưng đôi lúc chưa đủ làm thành một phóng sự ảnh với câu chuyện kể mang tính báo chí. Trái lại, từng ảnh riêng lẻ của Virginie thường giúp mở ra một đề tài viết hoặc lên trang bìa của các tờ báo, đảm bảo chất lượng thị giác lẫn sự nhạy cảm.

Virginie hành nghề rất đơn giản, rất xa hình ảnh thường thấy của các phóng viên ảnh mang lỉnh kỉnh máy ảnh và những ống kính to đùng. Cô cần di chuyển nhanh và nhẹ nhàng. Một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, hai ống kính tiêu cự ngắn để chụp gần đề tài, một túi nhỏ và một khăn choàng vai kiểu du mục rất cần thiết cho phụ nữ ở quốc gia Ả Rập này. Chiếc khăn choàng đa năng giúp cô che nắng, giấu máy ảnh và giấu cả mái tóc, gương mặt nữ trong một số tình huống liên quan đến phong tục đạo Hồi.

Phóng to
Hàng trăm người Syria, đa số là thiếu niên, tham gia biểu tình tại khu phố Alkaterji, đông bắc Aleppo - Ảnh: Virginie Nguyễn Hoàng Vy

Lấy đam mê làm nghề

Từ đam mê chụp ảnh báo chí, Virginie xem đây là nghề giúp cô sống được. Cô kể: “Khi học xong trung học, tôi đã muốn làm phóng viên, trước tiên là phóng viên truyền hình vì tôi thường xem BBC World và muốn được như các phóng viên mà mình nhìn thấy mọi lúc. Ở trường báo chí có rất nhiều khóa đào tạo chuyên ngành nhiếp ảnh, thế là tôi bắt đầu say mê ảnh.

Trong năm 2009, tôi đến Palestine cùng một nhóm phóng viên và phóng viên ảnh. Nhờ họ mà tôi học được và hiểu được thế nào là kể chuyện bằng ảnh báo chí”. Như vậy, liệu những bức ảnh mạnh hơn cả ngôn từ? “Tôi nghĩ ảnh nói nhiều hơn từ ngữ. Người ta không thể nói dối bằng một bức ảnh, nó phản ảnh sự thật một cách trực diện…” - Virginie tin thế.

Là chứng nhân của lịch sử thế giới đang chuyển biến không ngừng, tường thuật những gì mình chứng kiến, sống với sự kiện và đôi lúc đau khổ vì nó, Virginie tin vào lợi ích của thông tin mang đến cho người dân và sự hiểu biết có thể làm thế giới tươi đẹp hơn.

Cô nói: “Tôi thích có mặt ở nơi sự kiện diễn ra, tận mắt chứng kiến và kể lại những gì người dân đang trải qua. Tôi thích phóng sự ảnh có thời gian chuẩn bị kỹ và nếu nó gắn với thời sự thì càng hay. Tôi không thích thời sự nóng và tức thời. Chẳng hạn nếu lựa chọn giữa việc thông tin một vụ biểu tình bạo lực hoặc đến một ngôi làng ở ngoại ô Cairo để phản ảnh đời sống người nông dân, tôi sẽ chọn người nông dân. Ở Syria cũng vậy. Không phải lúc nào tôi cũng có mặt ngoài chiến tuyến, tôi cũng ở với những gia đình để phản ảnh họ sống ra sao với chiến tranh”.

Ở một xã hội theo đạo Hồi, làm phụ nữ là lợi thế rất lớn. Một phóng viên ảnh nữ có thể ở lâu trong một gia đình và phản ảnh chân thật đời sống thường nhật. Nhưng trong cùng tình huống, một phóng viên ảnh nam, trừ trường hợp hiếm hoi, không thể nào bước qua được giới hạn của phòng khách.

Về Việt Nam thì sao?

“Tôi sẽ tạm ngưng các đề tài trong thế giới Ả Rập ngay khi thời sự lắng xuống và trở về Việt Nam thường xuyên hơn” - Virginie Nguyễn Hoàng Vy nghĩ vậy vì cô có những dự án về vai trò của phụ nữ, vị trí của tôn giáo trong xã hội ngày nay ở quê hương thứ hai. “Cha tôi sống ở đó từ sáu năm nay. Tôi đã về quê năm lần, gần đây nhất là tháng 8 năm ngoái để thăm cha và làm một phóng sự ảnh ở Sa Pa”.

Trong khi chờ đợi, cô vừa mới sang Istanbul, nơi đang diễn ra những cuộc biểu tình làm thổn thức trái tim của một thành phố kỳ bí nằm giữa châu Âu và châu Á. Virginie lại ra đi với một túi xách nhỏ, những nụ cười cùng… một khẩu trang chống hơi cay!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận