Lấy lại niềm tin của người bệnh

BS TĂNG HÀ NAM ANH 07/06/2009 20:06 GMT+7

TTCT - Cứ lâu lâu lại rộ lên tin người dân đổ xô tới một “ông thầy” hay “bà lang” trị bá bệnh rất mát tay. Cách đây mấy tuần, người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng ùn ùn đổ về giếng nước ở miếu ông Hảo (thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) để cúng vái, lấy “nước thánh” về chữa bệnh...

Phóng to

Bệnh viện công có chất lượng điều trị cao bao giờ cũng chật kín người (ảnh chụp tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM) - Thanh Đạm

Thật ra ở phương Tây cũng có những người tin kiểu như vậy, nên họ mới có từ “lang vườn” (tạm dịch từ chữ guérisseur). Thế nhưng tại sao người ta ngày càng ít tin kiểu chữa bệnh này mà ở VN thì ngày càng... tin nhiều? Có nhiều nguyên nhân để việc này xảy ra mà nếu truy tìm được nguyên nhân thì có thể giải quyết được vấn đề.

Nguyên nhân thứ nhất, ai cũng có thể thấy rõ ràng là sự tiếp cận với các nguồn nước thánh hay các lang vườn dễ dàng hơn tiếp cận với dịch vụ y tế. Ai cũng thấy những bệnh viện công có chất lượng điều trị cao lúc nào cũng chật kín người. Sự quá tải của các bệnh viện tuyến trung ương là một minh chứng rõ ràng. Trong khi đó các bệnh viện công lại không có đủ đội ngũ hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân để thông tin, hướng dẫn cho người bệnh. Bất kỳ trong một bệnh viện nào cũng thấy cảnh người bệnh níu áo nhân viên y tế hỏi thăm khoa này, khoa kia hay cách thức đi làm xét nghiệm như thế nào. Những bảng chỉ dẫn hiếm hoi không đáp ứng nổi nhu cầu thông tin của người bệnh.

Thứ hai, chi phí cho dịch vụ y tế là chi phí rất cao vì lẽ đơn giản là dụng cụ y khoa phục vụ người bệnh có giá thành rất cao. Mỗi chuyến đi bệnh viện cho dù rẻ nhất cũng hết vài trăm ngàn đến bạc triệu. Trong khi đó các thứ nước chữa bệnh hay các phương thuốc “thần tiên” thường không mắc lắm và được quảng cáo là dùng một hai toa hết bệnh ngay.

Giải quyết vấn đề này không phải bằng cách giảm giá thành chi phí y khoa (vì không thể giảm hơn được nữa) mà phải dùng biện pháp khác. Đó chính là hình thức bảo hiểm y tế với mục đích gom tiền những người lành để chữa cho người bệnh. Tại sao những nước phát triển ít có hiện tượng tin vào lang vườn? Vì mọi người dân đều bắt buộc có bảo hiểm. Hơn nữa, không có sự phân biệt giữa khám chữa bệnh bảo hiểm hay không bảo hiểm vì ai cũng bảo hiểm, tư nhân hay nhà nước đều nhận bảo hiểm. Chất lượng điều trị như nhau.

Thứ ba, quảng cáo kiểu truyền miệng (bouche à l’oreil) được cho là hình thức quảng cáo hiệu quả nhất. Không có lang vườn hay bà đồng bóng nào quảng cáo chính thức về họ, nhưng những lời truyền miệng từ người này sang người khác khiến mọi người tin và đổ xô về. Ngành y tế, đặc biệt là y tế công, ít khi chú ý đến việc tự quảng bá tên tuổi của mình vì nếp suy nghĩ bệnh nhân cần bệnh viện, bệnh viện không cần bệnh nhân đã ăn sâu vào tiềm thức. Việc quát nạt, la mắng bệnh nhân đã đẩy người bệnh xa dần dịch vụ y tế công. Người bệnh không biết phải đi đâu để chữa bệnh. Hệ thống y tế tuyến dưới quá ôm đồm những thứ mình không làm được khiến bệnh nặng thêm làm người bệnh càng rỉ tai nhau tránh xa dịch vụ y tế tuyến dưới. Việc quảng cáo đúng mức về khả năng và nhiệm vụ của bệnh viện, mạnh dạn nói không và tư vấn bệnh nhân đi đúng chỗ chữa bệnh sẽ làm tăng uy tín của các bệnh viện công tuyến dưới.

Thứ tư, vì sự quá tải trong bệnh viện nên người nhà cũng như người bệnh không có sự giải thích an ủi thỏa đáng từ nhân viên ngành y tế. Không có kỹ năng giải thích, quỹ thời gian hạn hẹp hoặc đôi khi không nhận thức được tầm quan trọng của việc giải thích, an ủi, chia sẻ cùng người bệnh và thân nhân khiến nhân viên y tế (nhân viên y tế không phải chỉ có mỗi bác sĩ) không chiếm được niềm tin nơi người bệnh. Khi không có niềm tin trong ngành y tế chính thống, người ta sẽ dễ dàng ngả theo những kiểu chữa bệnh không chính thống.

Để hạn chế những cách chữa bệnh kiểu nước thánh hay lên đồng, cần lấy lại niềm tin nơi người bệnh. Để làm được việc này, ngành y tế cần phải chú ý những vấn đề như quảng cáo đúng mực về những công việc bệnh viện có thể làm, tư vấn chính xác nơi có thể chữa được bệnh của bệnh nhân, phối hợp nhịp nhàng giữa tuyến trên và dưới trong việc quản lý điều trị bệnh nhân. Thực hiện hình thức bảo hiểm toàn dân bắt buộc, giảm sự phân biệt giữa khám chữa bệnh bảo hiểm và không bảo hiểm...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận