Lì xì trước, đánh thuế sau

NGUYỄN VẠN PHÚ 06/03/2018 23:03 GMT+7

TTCT - Ở mọi chính sách, Singapore đều chú ý để giảm thiểu tác động tiêu cực lên người nghèo và bắt người giàu gánh chịu một phần chi phí cao hơn.

Dân số già sẽ sớm trở thành vấn đề nghiêm trọng với Singapore. Ảnh: alamy.com
Dân số già sẽ sớm trở thành vấn đề nghiêm trọng với Singapore. Ảnh: alamy.com

 Kể cũng lạ: báo chí Việt Nam hăm hở đưa tin Chính phủ Singapore lì xì (hồng bao) cho người dân vài trăm đôla tiêu chơi dịp tết vừa rồi, trong khi báo chí Singapore lại chú trọng hơn đến chuyện thuế giá trị gia tăng sẽ tăng. Cụ thể hơn, tờ The Straits Times đặt câu hỏi thẳng thừng: “Tại sao chúng ta không nên đòi hồng bao từ ngân sách?”.

Một chính phủ không vui mừng vì thu thuế nhiều

Cảm nhận của người đọc báo Việt là Singapore quá giàu, thu ngân sách dư tiền không tiêu hết nên chia bớt cho dân. Cảm nhận của người đọc báo Singapore là nỗi lo trong dài hạn, khi dân số đảo quốc nhỏ bé này già đi, không còn đi làm để đóng thuế trong khi nhà nước phải chăm lo sức khỏe cho họ.

Trong ngắn hạn, đúng là ngân sách Singapore năm 2017 thặng dư, dự kiến thu dưới 70 tỉ đôla Sing mà cuối cùng thu dư ra được 9,6 tỉ đôla Sing. Chỉ có điều các báo cáo của chính phủ đều nhấn mạnh thu ngân sách cao hơn dự kiến là chuyện đột xuất chứ không phải năm nào cũng vậy.

Hai khoản thu đột xuất cao nhất là chênh lệch tỉ giá trên các khoản dự trữ mà Singapore đầu tư ra bên ngoài và thuế bất động sản do thị trường bùng nổ giao dịch sau nhiều năm trầm lắng, sẽ không lặp lại trong những năm tới.

Chính vì vậy, Singapore không đem hết 9,6 tỉ đôla ra để chia cho dân. Họ dành 5 tỉ đôla đưa vào quỹ phát triển hạ tầng xe lửa, 2 tỉ đôla để trợ cấp chi phí chăm sóc cho người già, chỉ để ra 700 triệu đôla làm hồng bao lì xì. Ngay khi làm kế hoạch cho năm 2018, Singapore dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách nhẹ, chừng 0,6 tỉ đôla.

Điều đáng ngạc nhiên với chúng ta là Chính phủ Singapore không lấy chuyện thu nhiều từ thuế bất động sản mà mừng. Họ lo ngại sốt nhà đất sẽ dẫn tới sốt giá, ảnh hưởng đến khả năng sở hữu nhà của người dân nên quyết định nâng thêm thuế bất động sản từ 3% lên 4% đối với phần giá trị từ 1 triệu đôla Sing trở lên, cho dù dự báo thu từ thuế nhà đất sẽ giảm chừng 1 tỉ đôla trong năm 2018.

Ở đây cách đánh thuế lũy tiến lên giao dịch nhà cũng là một điều nên tham khảo: thuế chỉ 1% cho phần giá trị 180.000 đôla, 2% cho phần giá trị 180.000 đôla tiếp theo và 3% cho phần giá trị 640.000 đôla sau đó.

Trong dài hạn, Chính phủ Singapore quyết định sẽ nâng thuế giá trị gia tăng từ 7% lên 9% với mốc thời gian đâu đó giữa năm 2021 và 2025. Đây mới là quyết định ảnh hưởng nhiều nhất đến người có thu nhập thấp.

Trả lời phỏng vấn của The Straits Times, Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat thừa nhận: “Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh tài khóa eo hẹp, không phải năm nay hay năm sau mà về lâu về dài”. 

Ông cho biết Singapore đã cân nhắc nhiều chọn lựa khác như tăng thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng trong bối cảnh nhiều nước đang giảm sắc thuế này (Mỹ vừa cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%) nếu Singapore làm theo, họ sợ có những hậu quả không lường hết được, kể cả việc doanh nghiệp rời bỏ nơi này mà đi nơi khác.

Cái khó của chính quyền Singapore là làm sao giải thích được cho người dân: ngân sách thì thặng dư mà lại tính chuyện tăng thuế. Bởi người dân bình thường đâu quan tâm đến các khoản thu một lần kiểu như ăn may nhờ tỉ giá hay các khoản chi thường xuyên như chăm sóc y tế cứ tăng đều hằng năm.

Đây sẽ là chủ đề nóng trong kỳ bầu cử sắp tới của Singapore (tháng 1-2021) và cũng có lẽ vì thế nên thời điểm tăng thuế được trì hoãn lại. Năm tài khóa của Singapore là từ 1-4 đến 31-3 năm sau. Và Singapore từng nâng thuế giá trị gia tăng từ 5% lên 7% vào năm 2007.

Báo chí khi đưa đậm tin lì xì cũng quên một chuyện thuế khác: đó là Singapore quyết định tăng thuế thuốc lá thêm 10%. Riêng sắc thuế này không nhắm đến thu cho ngân sách mà nhằm giảm số lượng người hút thuốc ở đảo quốc này, hiện chiếm chừng 12-14% dân số.

Vì thế ngoài tăng thuế, Chính phủ Singapore sang năm còn tăng độ tuổi thanh niên được quyền hút thuốc lên 19 tuổi, cứ mỗi năm tăng thêm một tuổi, đến năm 2021 chỉ ai đủ 21 tuổi mới được hút thuốc.

Ngoài ra, Singapore cũng sẽ đánh một loại thuế môi trường gọi là carbon tax, chừng 5 đôla mỗi tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ năm 2019. Kế hoạch của họ là tăng dần mức thuế này lên 10-15 đôla mỗi tấn vào năm 2030.

Biểu đồ dân số ngày càng già của Singapore (màu cam: tỉ lệ dân cư 65 tuổi trở lên; màu vàng: tỉ lệ dân cư dưới 15 tuổi).
Biểu đồ dân số ngày càng già của Singapore (màu cam: tỉ lệ dân cư 65 tuổi trở lên; màu vàng: tỉ lệ dân cư dưới 15 tuổi).

 Và nghĩ nhiều hơn về người nghèo

Trở lại bài viết “Tại sao chúng ta không nên đòi hồng bao từ ngân sách?” trên The Straits Times, tác giả là giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), lập luận chủ yếu là đắt đỏ, không đo lường được tác động, tạo kỳ vọng do dân chúng, không công bằng và không giúp cá nhân có cái nhìn chắc chắn về kế hoạch tài chính cá nhân. 

Quan trọng hơn, tác giả cho rằng lì xì như thế nghe thì hay nhưng lại lấy đi sự chú ý và nguồn lực lẽ ra phải tập trung vào các thách thức mà xã hội đương đầu.

Một trong những vấn đề Singapore phải đương đầu là dân số ngày càng già đi (xem biểu đồ). Theo Hãng tin Reuters, lần đầu tiên năm 2018 này, tỉ lệ dân cư 65 tuổi trở lên bằng tỉ lệ dân cư 15 tuổi trở xuống và sau đó số lượng người 65 tuổi trở lên ngày càng tăng, đến năm 2030 thì gấp đôi ngày nay.

Hệ quả sẽ rất rõ, chẳng hạn chi tiêu cho y tế sẽ vượt qua chi tiêu cho giáo dục trong vòng mười năm tới hay trợ cấp y tế cho người già cao gấp 6 lần trợ cấp y tế cho người trẻ.

Mức tăng thuế giá trị gia tăng dự kiến vào năm 2021 sẽ vừa bằng mức tăng chi tiêu ngân sách cho y tế cùng thời điểm đó. Điểm đáng chú ý cuối cùng là ở mọi chính sách, Singapore đều chú ý để giảm thiểu tác động tiêu cực lên người nghèo và bắt người giàu gánh chịu một phần chi phí cao hơn. Ví dụ chuyện lì xì, người thu nhập thấp được lì xì nhiều hơn người thu nhập cao.

Đi kèm chuyện tăng thuế giá trị gia tăng trong tương lai, Singapore cũng sẽ tăng ngân sách cho chương trình trợ cấp thuế giá trị gia tăng cho những gia đình có thu nhập thấp, hiện ở mức 800 triệu đôla sẽ lên đến 2 tỉ đôla. Với thuế carbon, theo tính toán thì giá điện và gas sẽ tăng bình quân 13,7 đôla/năm cho mỗi nhà.

Vì thế Chính phủ Singapore sẽ tăng tiền trợ cấp điện nước mỗi nhà thêm 20 đôla từ năm 2019 đến năm 2021. Chỉ trợ cấp ba năm thôi, sau đó mỗi nhà phải tự điều chỉnh mức điện tiêu thụ.

Ngược lại, lệ phí cấp phép cho người nước ngoài vào giúp việc gia đình tại Singapore sẽ tăng từ 265 đôla lên 300 đôla cho người thứ nhất và đến 450 đôla cho người giúp việc thứ hai.■

Những câu hỏi sát sườn

Ngay khi có kế hoạch tăng thuế và dự kiến ngân sách, The Straits Times nêu ra 3 câu hỏi sát sườn, thực tế với đời sống người dân Singapore về hướng đi tương lai.

1. “Liệu nhà nước có cần làm nhiều hơn cho những người già và người chăm sóc họ?”. Cụ thể, tờ báo nêu chương trình hỗ trợ nhà ở gần cha mẹ, vốn khuyến khích các cặp vợ chồng ở gần nhà cha mẹ mình cho tiện chăm sóc.

2. “Liệu các bộ ban ngành có thể thắt chặt thêm chi tiêu?”. “Một chính quyền hối thúc người dân phải tự lực và lo lắng cho thời gian hưu trí và phúc lợi xã hội phải cho thấy họ cũng có trách nhiệm tương tự trong việc chi tiêu tằn tiện” - tờ báo dẫn lời giáo sư Stephen Phua (ĐH Quốc gia Singapore).

3. “Liệu Singapore phải vay mượn như thế nào để xây dựng cơ sở hạ tầng?”. Cho tới những năm 1980, Chính phủ Singapore vẫn phải vay tiền cho các cơ sở hạ tầng, nhưng khi trở thành một nước giàu, họ đã ngừng việc này. Giờ thì Singapore lại phải cân nhắc vay tiền cho các khoản đầu tư hạ tầng dài hạn như từng làm trước kia với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cho các dự án nhà ga số 1 sân bay Changi và một số tuyến đường sắt đô thị. H.M.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận