TTCT - Trong các loại tranh chấp, thì tranh chấp đất đai, hay với các quốc gia, thêm tranh chấp lãnh hải, luôn là khó xử lý nhất và dễ dẫn tới đụng chân đụng tay nhất. Vụ việc mới đây, khi Kenya và Somalia lôi nhau ra tòa mà vẫn không giải quyết được việc phân định một vùng biển chồng lấn đã hàng nửa thế kỷ, là một ví dụ. Tuần trước, Kenya tuyên bố “bác bỏ hoàn toàn” phán quyết có lợi cho Somalia của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Liên Hiệp Quốc về tranh chấp biên giới trên biển giữa hai nước. Theo đó, một biên giới mới trên biển được xác định sẽ gần hơn với đường biên mà Somalia tuyên bố, dù Kenya vẫn giữ được một diện tích 100.000km2. Các đường biên giới tuyên xưng của Kenya và Somalia. Ảnh: herald-review.com “Quyết định này rõ ràng là sai quấy”, Phủ tổng thống Kenya phát đi thông cáo vào ngày 13-10, một ngày sau phán quyết, “[phán quyết] cho thấy tình trạng kéo dài của ICJ trong việc đưa ra các phán quyết vượt quá thẩm quyền và nêu ra câu hỏi cơ bản về chủ quyền quốc gia và sự đồng thuận của các nước với những tiến trình tố tụng quốc tế”.Mặc dù vụ việc có thể sẽ khiến căng thẳng leo thang, ngay trong cách hành xử và ăn nói, hai quốc gia châu Phi vào loại nghèo nhất thế giới - Kenya có thu nhập bình quân đầu người hơn 1.800 USD (2020), trong khi Somalia chỉ là 309 USD - vẫn cho thấy sự văn minh hơn nhiều nơi khác. Trước hết, Kenya không đặt vấn đề sự đúng sai của phán quyết, mà trước hết nói về “sự vượt quá thẩm quyền” tài phán của ICJ. Quan ngại của họ về “những tiến trình tố tụng quốc tế” cũng cho thấy các nước vẫn cần những tiến trình đó, chứ không phải là một sự phủi tay sạch trơn, bất chấp pháp luật, mạnh được yếu thua.Cũng cần nhắc “tương quan lực lượng” để thấy rõ hơn tính chất vụ việc. Kenya có dân số nhiều gấp 3,5 lần (57 triệu so với 16 triệu) Somalia và tiềm lực kinh tế vượt trội, GDP gần 100 tỉ đôla so với chưa tới 5 tỉ đôla. Ở ICJ, dù công nhận biên giới mới gần hơn với phiên bản Somalia, 14 thẩm phán đã bác bỏ lập luận của phía Somalia rằng Kenya vi phạm chủ quyền của họ, đồng thời yêu cầu Somalia phải bồi thường cho Kenya. (Tòa cũng nói không có bằng chứng ủng hộ tuyên bố của Kenya rằng Somalia trước đó từng đồng ý với đường biên giới như Kenya đệ trình).Phán quyết của tòa là có tính ràng buộc pháp lý, dù bản thân ICJ không có năng lực nào để chế tài các quốc gia phớt lờ phán quyết của họ, tức bản án thì đã có, nhưng thi hành án được không là chuyện khác.Nguồn cơnTranh chấp giữa hai quốc gia Đông Phi ven bờ Ấn Độ Dương này là do cách xác định biên giới trên biển của mỗi nước. Trong khi Somalia cho rằng biên giới đó là một đường thẳng tiếp nối phần biên giới đất liền giữa hai nước - cũng là một đường thẳng, thì Kenya lại nghĩ đó là đường kẻ ngang tạo thành một góc khoảng 45 độ với bờ biển Somalia (xem bản đồ). Ngoài quyền đánh cá, khu vực tranh chấp còn được cho là có nhiều tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.Những đường biên giới thẳng băng đó có lịch sử của nó và đã là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc xung đột tai họa tại Phi châu. Biên giới Kenya - Somalia được vẽ lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19, và như mọi đường biên giới khác ở lục địa đen, là tác phẩm của những nhà bản đồ học thực dân châu Âu. Khắp châu Phi, họ ấn định những đường kẻ thẳng tắp như trong vở bài tập hình học lên các không gian thực tế cực kỳ đa dạng và đan cài về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, bộ tộc và chủng tộc.Mâu thuẫn trên biển giữa hai quốc gia non trẻ này (Somalia giành độc lập năm 1960 từ tay Anh và Ý, Kenya 3 năm sau đó từ Anh) có quá khứ rất dài. Ở vùng Sừng châu Phi, suốt nhiều thế kỷ, dân Somalia có câu cửa miệng, và khá quen tai: “Ở đâu có lạc đà, ở đó là đất Somalia”. Dễ hiểu là những đường biên giới thuộc địa gặp phải phản ứng dữ dội. Tại Kenya, việc vẽ bản đồ tỉnh Đông Bắc, vùng tiếp giáp và có nhiều người Somalia sinh sống, từng làm bùng lên cuộc chiến tranh Shifta 1963 - 1967 khiến hơn 4.000 người chết.Di chứng đó giờ dịch chuyển vào Ấn Độ Dương.Để hiểu hết sự vô lý của những đường biên giới như vậy, phải nghe lời Lord Salisbury, nhân vật từng 3 lần làm thủ tướng Anh vào cuối thế kỷ 19, cũng là những năm huy hoàng nhất của đế quốc “mặt trời không bao giờ lặn”. Theo ông, các cường quốc thuộc địa “chia nhau núi non và sông ngòi và hồ nước, với sự bất tiện nho nhỏ duy nhất là bọn tôi cũng cóc biết những thứ đó nằm ở đâu” - tức một tấm bản đồ được trải ra trên bàn, và người ta bắt đầu lấy thước kẻ để khẳng định chỗ này của anh, chỗ kia của tôi, giống như kiểu xí phần dự án bất động sản tại Việt Nam cách đây chưa lâu, mà không cần biết “dân cư hiện hữu” ra sao. Đại diện Somalia ở ICJ. Ảnh: icj-icj.org Những đường biên đó chỉ có một mục đích là tạo sự thuận tiện tối đa cho các cường quốc thuộc địa chia chác đất đai, chứ chẳng lý gì tới những bi kịch con người, các cuộc di dân cưỡng bức, và cả nội chiến, ở vùng Đông Phi bị chia năm xẻ bảy.Winston Churchill, lúc còn là nghị sĩ Anh và ngay trước khi lên làm thủ tướng, biện minh cho sự chia cắt đó bằng sứ mệnh khai phá văn minh của châu Âu. Năm 1907, ông từng vượt gần 1.000 cây số đường sắt được đế quốc Anh xây dựng nhằm kết nối Xứ bảo hộ Đông Phi (tức Kenya) từ cảng Mombasa tới hồ Victoria. Churchill ghi lại chuyến đi trong cuốn du ký in năm 1908, “Hành trình Phi châu của tôi” và ca ngợi tuyến đường sắt là một tuyệt tác, “một sợi chỉ văn minh khoa học mong manh... xuyên qua những hỗn loạn bán khai của thế giới này”.Vụ kiện 7 nămThế giới đó quả là hỗn loạn, nhưng một phần không nhỏ do chính những người như Churchill gây ra. Sau cuộc chiến nửa thế kỷ trước, quan hệ Somalia - Kenya chưa bao giờ là thật sự bình thường, với vướng mắc mới nhất là những tranh chấp trên biển.Năm 2014, Somalia kiện Kenya ra ICJ sau khi vòng đàm phán xác định biên giới trên biển thứ ba giữa hai nước đổ vỡ. Sau 3 năm xem xét hồ sơ và cân nhắc, tới tháng 2-2017, ICJ mới đồng ý chính thức thụ lý vụ kiện. Năm 2019, Kenya từng đột ngột triệu hồi đại sứ ở Mogadishu, đồng thời trục xuất đại sứ Somalia ở Nairobi với cáo buộc Somalia cố tình bán đấu giá các lô thăm dò dầu khí ở vùng biển đang tranh chấp cho những công ty năng lượng châu Âu, một động thái gợi lại thời thuộc địa.Tháng 6-2019, ICJ nói các phiên tranh luận công khai sẽ diễn ra vào tháng 9 sắp tới, nhưng rồi dời sang tháng 11 sau khi Kenya nói họ cần thời gian để tập hợp đội ngũ pháp lý. Đến tháng 11, Kenya lại phản đối, nói họ cần ít nhất một năm mới có được lực lượng trạng sư cần thiết. ICJ bèn dời sang tháng 6-2020, mà Kenya lại đòi hoãn với lý do đại dịch. Tòa đẩy thời hạn mới sang tháng 3-2021, nhưng đến tháng 1, Kenya lại yêu cầu hoãn xử lần thứ tư với lý do một tấm bản đồ quan trọng làm bằng chứng cho vụ tranh chấp bị mất. Lần này thì Somalia phản đối và ICJ thông báo phiên xử sẽ diễn ra vào ngày 15-3. Kenya sau đó quyết định tẩy chay phiên tòa, và một tuần trước phán quyết cuối cùng, Nairobi tuyên bố không tham gia vụ kiện nữa, cũng như rút lại sự công nhận quyền tài phán của ICJ mà trước đó họ là thành viên.Tuy nhiên, lần cãi vã này có lẽ ít nguy cơ xảy ra xung đột hơn. Một bài xã luận đăng trên trang theeastafrican.co.ke của Kenya cho thấy tầm nhìn của một xã hội văn minh và tiến bộ. Ngay từ tựa đề “Tranh chấp trên biển không nhất thiết phải làm đổ máu hay tổn thất sinh mạng” (Marine dispute shouldn’t cost blood and life) đã cho thấy thái độ “người lớn”.Tác giả bài báo thuyết phục cả hai nước nhìn vào bức tranh chung bằng những lập luận rất thực tế: “Cùng tồn tại hòa bình trong thế giới hiện đại đồng nghĩa phải chấp nhận sự chi phối của vô số luật pháp quốc tế có thể phủ định chủ quyền quốc gia tuyệt đối, trừ khi bạn thuộc về câu lạc bộ các siêu cường hạt nhân”. Quan trọng không kém, “việc cố gắng áp đặt những tuyên bố của mình sẽ đồng nghĩa hướng một phần đáng kể ngân sách vào việc đảm bảo một đường biên giới trên biển mà giá trị thật sự hiện giờ chỉ ở mức đồn đoán”.Hơn nữa, trách nhiệm của các bên tranh chấp không chỉ là với ngân sách quốc gia: “Giả sử việc đảm bảo hòa bình là động cơ chính để họ tìm kiếm sự phân xử ở ICJ, thì Kenya và Somalia giờ phải nhìn ra khỏi phán quyết hiện tại để thấy sự cùng tồn tại hòa bình có thể mang tới gì cho người dân của họ... Việc đổ máu rốt cuộc rồi cũng phải dẫn tới một sự dàn xếp quốc tế nào đó. Sẽ là rất dại dột nếu các nhà lãnh đạo cả hai phía dàn xếp bằng cách đổ máu khi mà có những phương tiện ít tốn kém hơn nhiều”.■ Tags: Tranh chấp lãnh hảiSomaliaKenyaICJ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.