TTCT - Tranh cãi về loa phường ở Hà Nội cho thấy tinh thần đổi mới được kêu gọi lâu nay với đội ngũ công vụ còn là một hành trình gian nan. UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 200/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố, bao gồm một tổng nhóm nhiệm vụ đồng bộ. Trong đó được nêu đầu tiên là "thiết lập hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, trang thông tin điện tử cấp xã, bảng tin điện tử công cộng".Loa phường (ảnh chụp ở phường 12, Q.8, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNHGiải thích của chính quyềnTừ đó, câu chuyện "loa phường" inh ỏi như đã nghe và thấy, buộc phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội phải giải thích: "Hà Nội chưa bao giờ ra thông báo khai tử hay khởi động lại loa phường. Chúng tôi nhấn mạnh loa phường chỉ là một kênh thông tin cơ sở. Bên cạnh đó, Hà Nội còn sử dụng nhiều phương thức thông tin đến với người dân như cổng thông tin điện tử, mạng xã hội…". Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định loa phường là phương tiện thông tin cơ sở không thể thay thế, do những thông tin này thường chỉ tập trung tới một xã, phường, hoặc thậm chí một tổ dân phố riêng biệt; thế nên việc thông tin trực tiếp tới cộng đồng dân cư đó sẽ hiệu quả hơn.Công bằng mà nói, việc sử dụng loa phường - truyền thông cho cơ sở - cũng đã có những điểm mới, phục vụ tuyên truyền hiệu quả, ngay cả trong thời buổi mạng xã hội. Bằng chứng là trong giai đoạn phòng chống dịch vừa qua, với yêu cầu cấp bách về truy vết, khoanh vùng, dập dịch, đòi hỏi thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên và liên tục. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các đợt tiêm chủng, loa phường cũng đã góp phần đảm bảo cho thông tin thông suốt, có tính định hướng, bao phủ rộng và được truyền tải đầy đủ đến người dân. Đó chính là những cách làm mới cho một phương tiện cũ cần phát huy.Nhưng thiết nghĩ, vấn đề dường như lớn hơn câu hỏi "loa phường hay không loa phường?" cả ở Hà Nội và khoảng 20 địa phương khác đang hoặc sắp sử dụng lại loa phường. Đó là làm sao thông tin giữa chính quyền, nhất là chính quyền địa phương và người dân được thông suốt, rõ ràng.Sẽ cần thêm những định lượng rõ ràng hơn để sự ủng hộ loa phường thuyết phục hơn. Không rõ đã có sự "đong đếm" lượng thông tin thực sự cần thiết phải phổ biến kịp thời tới người dân hay chưa? Những mẩu tin như UBND phường X thông báo lịch chích ngừa, làm căn cước công dân hoặc mời lĩnh tiền Tết dành cho người cao tuổi… trên thực tế có tần suất như thế nào, hiệu quả được đến bao nhiêu, có phải là hằng ngày, được phủ đủ rộng trong cộng đồng dân cư, để rồi ấn định thời lượng phát thanh, mỗi ngày hai lần?Dân chúng cần gì?Dường như do không đủ tin để loan, nên ở một phường nọ thuộc quận 7, TP.HCM, sáng 7h, chiều 5h bật loa đọc miết những thông tin mà hầu hết dân chúng không có nhu cầu. Chính quyền cần cân đong lại yêu cầu phát thanh một cách thực tế hơn, xem có cần bật loa định kỳ không, hay chỉ khi hữu sự, để người dân thực sự dừng tay và dừng tai, khi loa phường bỗng dưng bật lên: có chuyện cần kíp đấy. Hơn nữa, trước khi quyết định chuyện này, liệu đã có mô tả đúng và đủ cục diện thông tin, truyền thông giữa chính quyền với người dân chưa? Sự thành bại của mọi kế sách đều bắt đầu bằng khâu mô tả hiện trạng này: càng chính xác, giải pháp càng đúng việc, đúng người, còn mô tả càng xa thực tế, giải pháp sẽ càng trật, dẫn tới những biện pháp "quyết đoán" không khớp với thực tế.Chính quyền phải trả lời được câu hỏi thông tin gì là cần kíp với người dân khi cuộc sống của họ ngày càng đa đoan và xã hội ngày càng có nhiều công cụ truyền thông mới, trước khi quyết định "phủ sóng" trở lại một phương tiện đã cũ. Thêm nữa, cần xác định rõ rằng loa phường không có chức năng làm một tờ báo nói 15 phút mỗi buổi, ngày hai buổi như trước giờ nữa.Từ một góc nhìn khác, với người ra chính sách, làm thế nào để quả quyết ngay một biện pháp là duy nhất đúng chỉ vì đó là những "bài bản" cũ, biện pháp cũ, thói quen cũ, trong khi hiện trạng đã thay đổi rất nhiều? Có phải thói quen "ôn cố tri tân" này đã mặc nhiên dẫn đến việc cho rằng lợi ích của các biện pháp cũ vẫn "nặng ký" hơn các va chạm và xung đột mới. Thói quen "đường xưa lối cũ" như thế, vốn điển hình ở các cơ quan hành chính - không chỉ của Việt Nam, thường làm thui chột những ý định muốn và cần nghĩ ra một giải pháp mới mẻ để giải quyết các bài toán cũng mới mẻ không kém.Khẩu hiệu toàn cầu 20 năm qua, sáng tạo & đổi mới (innovation) không chỉ áp dụng trong kinh doanh, mà trong cả quản lý xã hội. Từ nguyên mà nói, innovation bắt đầu bằng làm mới (nova) tự bên trong mình (in). ■ Tags: Loa phườngTruyền thôngĐổi mớiHành chínhTuyên truyền
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Toàn cảnh con đường nghìn tỉ chuẩn bị khánh thành ở quận Long Biên, Hà Nội HỒNG QUANG 15/09/2024 Tuyến đường nối từ Nguyễn Văn Cừ đến đê Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) đang hoàn thiện những công đoạn cuối, chuẩn bị khánh thành dịp 70 năm Giải phóng thủ đô (10-10).
Tàu Bắc - Nam lại trật bánh khi đi qua đoạn đường sắt thuộc Thừa Thiên Huế NHẬT LINH 15/09/2024 Tàu SE6 khi đi qua đoạn đường sắt thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) thì bị trật bánh. Đây là vụ trật bánh tàu Bắc - Nam thứ tư trong vòng hơn 1 tháng ở đoạn đường sắt này.
Bị xử phạt, người bị tố 'chặt chém' IshowSpeed trả lại tiền, xin lỗi nam streamer ĐAN THUẦN 15/09/2024 Sau khi làm việc với công an, người đàn ông bị tố "chặt chém" streamer IshowSpeed ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã nhận thức được hành vi của mình là sai và đến xin lỗi, trả lại tiền cho IshowSpeed.
Bão Bebinca với sức gió 180km/giờ hướng về phía đông Trung Quốc TRẦN PHƯƠNG 15/09/2024 Bão Bebinca di chuyển ra khỏi vùng đảo Amami phía tây nam Nhật Bản vào sáng sớm 15-9 và hướng về khu vực phía đông Trung Quốc.