TTCT - Một số bà mẹ đã không đưa các sản phẩm từ đậu nành như tương chao, đậu hũ, tàu hũ, sữa đậu nành, yogurt đậu nành… vào món ăn hằng ngày, vì e rằng đậu nành sẽ làm tan vỡ giấc mơ trở thành bà nội, một khi cậu quý tử bị biến thành… nữ. Và ngay cả "ông nội" ăn đậu nành cũng có nguy cơ “trên nở dưới teo”. Thôi, cấm tiệt đậu nành luôn cho chắc. null Trăm tội của đậu nành được quy cho nhóm isoflavones. Các isoflavones này có đặc tính gần giống với estrogen. Mà estrogen là nội tiết tố (hormone) phái nữ; nhờ có estrogen, phụ nữ mới ra… phụ nữ. Đàn ông ăn đậu nành là ăn isoflavones, ăn nội tiết tố nữ estrogen. Hậu quả sớm muộn cũng bị đổi giống. Sự thật thế nào?Một chút đàn bà là đàn… ôngEstrogen (thứ thiệt) đóng vai trò phát triển đặc tính thể hình phái nữ như vai hẹp, mông nở, eo thon, rồi vòng 1, vòng 2… Ngoại hình là chuyện nhỏ, estrogen ảnh hưởng đến sinh dục, sinh sản mới là chuyện lớn. Nội tiết tố estrogen giảm đáng kể ở thời kỳ mãn kinh. Lúc này mấy bà âm thầm quýnh lên, níu kéo tuổi xuân bằng đủ loại thuốc có bà con họ hàng với estrogen.Estrogen cũng có vài ba loại, E1, E2 và E3 do hệ nội tiết sản xuất hoặc chuyển hóa qua lại theo nhu cầu từng thời điểm của cơ thể. Dù estrogen do buồng trứng tiết ra, nhưng không phải là hàng độc quyền của quý bà. Ngoài nội tiết tố đặc trưng của phái nam là testosterone, đàn ông cũng có một chút estrogen. Một chút nhưng rất cần thiết. Đàn ông thiếu hay thừa estrogen đều sanh bệnh. Một chút “đàn bà”, dù chỉ là một chút, mới ra đàn ông thứ thiệt được.Vậy, đừng ai lên “phây”, show hàng 6 múi, chuẩn “men” 100%. Bác sĩ nam khoa rất hân hoan chờ đón những chuẩn “men” 100% đó. Đàn bà cũng chẳng vừa. Cơ thể họ cũng có một chút testosterone, thiếu hay thừa đều mang họa.Vấn đề là đàn ông lấy đâu ra buồng trứng mà sản xuất estrogen? À, một phần testosterone của họ sẽ chuyển hóa thành estrogen theo nhu cầu. Còn đàn bà, tinh hoàn đâu ra mà đòi có testosterone? Tuyến thượng thận và buồng trứng (đa năng) của họ sẽ sản xuất ra một lượng nhỏ hormone này.Isoflavones - chìa khóa vạn năngNhư nói trên, các isoflavones trong đậu nành có đặc tính gần giống với estrogen của phái nữ. Nói là gần giống, thật ra khác nhau khá nhiều. Estrogen thuộc nhóm steroids. Các steroids là nhóm chất béo có một phần cấu trúc hóa học giống nhau, nhưng đặc tính thì khác nhau vạn dặm. Hầu hết các hormone trong cơ thể đều là steroids, mỡ máu cholesterol cũng là steroid. Mùa dịch COVID-19, từ “steroid” nghe có vẻ quen quen. Chính nó là kháng viêm nhóm steroid như dexamethasone, methyl predniosolone… dùng trong điều trị nhiễm Sars-Cov-2. Đó là những steroid tổng hợp, không phải steroid nội sinh do cơ thể tiết ra. Còn các isoflavons trong đậu nành là các non steroid, nhìn rộng hơn, đó là các hợp chất polyphenolic.Estrogen do cơ thể tiết ra theo máu đến các tế bào, nhưng estrogen chỉ có thể hoạt động được khi nó gắn vào các thụ thể (receptor) có trong tế bào chất, tương tự như chìa khóa (estrogen) gắn vào ổ khóa (thụ thể).Các isoflavones trong đậu nành chẳng biết loay hoay thế nào lại có thể gắn được vào thụ thể như estrogene, rồi kích hoạt. Điều này cũng giống như dùng chìa khóa nhà mình đi mở ổ khóa nhà người khác. Vào được nhà người ta rồi thì bắt đầu quậy phá, hoạt động như những chất gây rối loạn nội tiết (endocrine disruptors), có khi được việc, nhưng cũng có lúc làm rách việc. Và cũng có nhiều loại isoflavons, nên tác động của nó lên con người vẫn còn nhiều bí ẩn.Các isoflavones của đậu nành “nhái” estrogen của người, nên được gọi là estrogen thực vật (phytoestrogen). Thật ra, không chỉ có isoflavones mới “nhái” được estrogen, mà nhóm lignans trong hạt lanh, hạt vừng cũng “nhái” được. Một số loại nấm mốc cũng “nhái” được estrogen luôn, mà khoa học gọi là estrogen nấm (mycoestrogen). Không hiểu sao hàng hiệu estrogen của quý bà lại dễ bị “nhái” thế? Chả trách đàn ông dễ mắc nạn!Lời nguyền ác ôn nhấtĐậu nành bị gán cho là gây rối loạn cương dương (RLCD), suy giảm tính dục, vô sinh, hay “trên nở dưới teo” khiến giới đàn ông không ít người phát rét. Chỉ có lèo tèo một, hai nghiên cứu nói về mối liên hệ giữa việc ăn đậu nành và sụt giảm lượng tinh trùng. Tuy nhiên số mẫu còn ít, chọn mẫu có tính ngẫu nhiên thấp và cũng không đề cập gì tới mật độ tinh trùng, tính di động của tinh trùng, số lượng phóng tinh… RLCD, hay trên nở dưới teo lại càng không nhắc gì đến. Nói chung mấy bài này đọc cho vui, chứ độ tin cậy rất thấp.Thật ra, cũng có một “nghiên cứu” với số lượng mẫu là 1 người. Đó là thanh niên 19 tuổi, sau một năm ăn chay tuyệt đối (không ăn bất cứ thứ gì liên quan tới động vật như trứng sữa, phô mai…) đã bị RLCD, suy giảm tính dục (hyposexuality), kèm theo số lượng tinh trùng sụt giảm thê thảm. Với số mẫu là một thì không thể gọi là nghiên cứu, đó là chưa kể anh này còn mắc bệnh tiểu đường type I. Từ tiểu đường tới RLCD chỉ là gang tấc.Còn các nghiên cứu khác lại thử nghiệm trên chuột, và tha hồ nạp cho chuột isoflavones chiết xuất liều cao. Nếu chuột biến thành người, và lượng isoflavons thí nghiệm “hóa thân” hết vào đậu nành thì nghiên cứu chỉ là đọc chơi cho biết, cho dù kết quả là chuột đực bị RLCD.Cho đến nay, chưa có cơ quan dinh dưỡng hay an toàn thực phẩm nào khuyến cáo hoặc nói bóng gió về cái tội ác ôn đó của đậu nành. Xin quý ông bình tĩnh lại, đậu nành không phải là cái cớ để đổ thừa. Và cũng xin quý bà bỏ “cấm vận” đậu nành cho các cậu nhóc trong nhà được nhờ.null Đậu nành: lợi hay hại?Đậu nành được cho là làm giảm rủi ro bệnh tim mạch, giảm các triệu chứng khó chịu ở tuổi mãn kinh, giảm loãng xương và giảm cả nguy cơ ung thư liên quan đến hormone như ung thư vú, tử cung, tuyến tiền liệt… Số lượng bài báo nghiên cứu về đậu nành và các isoflavons chiết xuất từ nó lên đến cả ngàn. Lượng thì nhiều, nhưng chất lại xuôi ngược, đá nhau chan chát. Cũng không loại trừ các ông trùm thực phẩm chức năng isoflavones kín đáo tài trợ cho các nghiên cứu. Khổ thân các nhà khoa học chân chính.Tóm tắt dưới đây dựa trên những đánh giá về đậu nành của Trung tâm y học thuộc Đại học Maryland, Viện Linus Pauling của Đại học Oregon State và Mayo Clinic, một trung tâm nghiên cứu y học phi lợi nhuận ở Mỹ. Những đánh giá này dựa trên nhiều công trình nghiên cứu trước đó, thận trọng và cũng gần giống nhau. Hầu hết giới khoa học đều cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để khẳng định về lợi - hại của đậu nành và các viên isoflavones.Dù vậy, ít nhiều nghiêng về một vài khía cạnh lợi ích sức khỏe của đậu nành:● Giảm cholesterol xấu (LDL) nhưng phải giảm thịt mỡ, vì chỉ riêng đậu nành thì không đủ hiệu quả.● Đậu nành có vẻ làm dịu đi phần nào những cơn “bốc hỏa”, khó chịu, đổ mồ hôi ban đêm ở giai đoạn mãn kinh.● Với ung thư vú, phải ăn đậu nành từ hồi nhỏ mới có thể làm giảm rủi ro (nghiên cứu quan sát bên Nhật), chứ đợi đến lúc trung niên mới ăn thì rủi ro như nhau. Theo một nghiên cứu khác, một khi đã bị ung thư vú, đậu nành rất có thể làm phát triển khối u. Vấn đề còn đang được nghiên cứu thêm để làm rõ.● Với ung thư tuyến tiền liệt, đậu nành không làm giảm rủi ro, nhưng có thể làm giảm tăng trưởng khối u (có vẻ là thế).● Bị đánh giá yếu nhất là giảm loãng xương, đậu nành hầu như không thuyết phục được các nhà khoa học.Riêng với các viên bổ sung isoflavones, hiệu quả thắng/thua chỉ thấy qua nghiên cứu ở chuột. Nhưng với thực phẩm chức năng thì, chuột là người, thành thử nên dè dặt với những lạc quan “bốc hỏa” của quảng cáo.Giới khoa học đánh giá đậu nành và sản phẩm từ đậu nành là an toàn, có lợi cho sức khỏe, còn uống dài hạn các viên bổ sung isoflavons liều cao, theo Viện Linus Pauling, có an toàn hay không thì họ không biết. FDA (Mỹ) chắc chắn là không khẳng định điều này, ngay cả độ tinh khiết và hàm lượng có đúng như khai báo trên nhãn hay không. Như đã nói ở trên, isoflavones là “hàng nhái” của nội tiết tố nữ estrogen. Mở được ổ khóa rồi, có thể gây ảnh hưởng cả lợi lẫn hại, nên tác động của isoflavons lên con người vẫn còn nhiều bí ẩn. Nếu muốn sử dụng các viên bổ sung isoflavones, nên có ý kiến của bác sĩ điều trị.Oan cho đậu nànhĐậu nành ngàn năm vẫn được xem là thực phẩm lành mạnh, nhưng lại chịu nhiều oan ức, làm tôi liên tưởng đến vở kinh kịch Đậu Nga oan của Quan Hán Khanh. Cho chuột ăn đậu nành, chuột uể oải, rồi kết luận protein đậu nành không tốt cho người. Họ quên là chuột cần nhiều acid amin methionine để phát triển bộ lông của chúng. Người có nhiều lông như chuột đâu mà kết tội đậu nành. Rồi thì ăn đậu nành khó tiêu hóa chất đạm, nhưng nấu chín thì chất ức chế trong đậu nành bị vô hiệu thì họ lại lơ đi. Và nay, ăn đậu nành chẳng khác nào bị án “cung hình” thái giám. Đúng là oan ngút trời.Đậu nành có hàm lượng protein cao, đủ các acid amin thiết yếu, chất béo tốt, không cholesterol, nhiều chất xơ, vitamin, khoáng, chất chống oxid hóa, isoflavones… đâu thua gì thịt cá. Đậu hũ, tương bần, sữa đậu, sữa chua đậu nành, đồ chay giả mặn… từ đậu nành mà ra. Lẽ ra phải có một nền ẩm thực đậu nành mới bù đắp được nỗi oan của nó. Tags: Đậu nànhLời nguyền về đậu nànhRối loạn cương dươngĂn đậu nành thành đàn bàTrên nở dưới teo
Thành phố Huế chính thức trực thuộc trung ương TIẾN LONG 30/11/2024 Với số phiếu tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Tin tức thế giới 30-11: Ukraine chịu nhường đất cho Nga; Ông Kim ủng hộ sự đáp trả mạnh của Nga BÌNH AN 30/11/2024 Ông Zelensky thể hiện thay đổi đáng kể trong lập trường với Nga; Ông Kim Jong Un nói Nga cần buộc "các thế lực thù địch phải trả giá".
Vĩnh biệt nhạc sĩ Lã Văn Cường, lỡ hẹn với đêm nhạc mừng sinh nhật HOÀI PHƯƠNG 30/11/2024 Nhạc sĩ Lã Văn Cường - chủ nhân của những bản hit Có đôi khi, Lẻ loi, Vườn yêu, Tìm bóng, Ngón út trái tim… - ra đi mãi mãi, để lại niềm tiếc thương cho người hâm mộ.
Tạm giữ bốn vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa TRÀ PHƯƠNG 29/11/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự bốn nhân viên vệ sĩ phân luồng tại ngã tư để đoàn xe đám cưới đi qua.