Mặc áo chật đến bao giờ?

SỸ PHU 01/07/2016 03:06 GMT+7

TTCT - Vấn đề là cải tổ cơ chế chủ quản nói chung như chúng ta từng cải tổ mối quan hệ giữa bộ chủ quản và các doanh nghiệp trực thuộc. Tất cả nên quy về một mối: cơ quan nhà nước quản lý về mặt hành chính, các đơn vị hoạt động theo luật như Luật doanh nghiệp hay các luật lệ chuyên ngành hiện không thiếu. Và song song là đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa để không còn vướng bận chuyện chủ quản nữa.

nguoi
 


Khái niệm cơ quan chủ quản nhiều lúc được hiểu một cách rất méo mó, nhập nhằng. Nhiều bảng hiệu một cơ sở khám chữa bệnh rõ ràng là của tư nhân thế mà ở trên cùng vẫn ghi sở y tế... như thể sở y tế là cơ quan chủ quản của họ.

Thậm chí một trường mầm non tư nhân vẫn ghi đầy đủ trên bảng tên treo ở cổng trường: UBND quận X, phòng giáo dục và đào tạo... Trong các trường hợp này, sở y tế hay UBND quận chỉ là nơi cấp phép hoạt động chứ không phải là cơ quan chủ quản theo nghĩa thông thường.

Hiện tượng này phản ánh một suy nghĩ: cơ quan, tổ chức, thậm chí công ty nào cũng có một cơ quan chủ quản do lịch sử đúng là từng như thế. Chính vì thế, một trong những nội dung được kiến nghị dai dẳng trong những năm sau mở cửa là tách chức năng chủ quản của bộ với chức năng quản lý nhà nước.

Lúc đó bộ nào cũng có trong tay hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp, vừa phải đưa ra những quyết định mang tính kinh doanh cho các đơn vị này, vừa làm chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các doanh nghiệp, bất kể thành phần.

Tình trạng chồng chéo này dễ dẫn tới sự ưu ái cho doanh nghiệp trực thuộc, sự ghẻ lạnh các doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, làm cho kiến nghị tách bộ chủ quản được sự tán đồng của nhiều người, nhiều bên.

Cho đến nay, số lượng doanh nghiệp trực thuộc các bộ đã giảm, sự ưu ái, phân biệt đối xử tuy chưa hẳn đã chấm dứt nhưng không còn công khai như ngày xưa. Thế nhưng khái niệm chủ quản vẫn còn rất nặng đối với các loại hình khác, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp trực thuộc những đơn vị này.

Các đơn vị thay mặt cho cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công thì chuyện chủ quản là hợp lý và cần thiết. Nhưng đa số các trường hợp khác, nói như một người trong cuộc từng nhận xét, quan hệ giữa chủ quản với một đơn vị trực thuộc là cuộc hôn nhân không có tình yêu!

Thử hỏi, xét về mặt chuyên môn, cơ quan chủ quản là đơn vị hành chính có thể giúp gì về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cho một nhà hát với bề dày kinh nghiệm hàng chục năm. Hay một bệnh viện công lập với đội ngũ các bác sĩ hùng hậu có thể trông chờ gì từ cơ quan chủ quản về nghiệp vụ?

Về mặt tài chính cũng vậy, với các đơn vị tự hạch toán, cái khó là họ không được chủ động trong chi tiêu mà nhất nhất phải làm theo quy định - những quy định trói buộc họ không thể cạnh tranh được với các loại hình khác.

Cứ giả thử một số đơn vị, tương tự như một số doanh nghiệp nhà nước trước kia, được cổ phần hóa, chuyển đổi hình thức sở hữu và phương thức hoạt động, lúc đó họ không còn bị ràng buộc bởi hình thức chủ quản nữa. Thế còn những đơn vị còn lại sẽ như thế nào, vẫn phải mặc chiếc áo chật chủ quản cho đến bao giờ?

Bởi thế, vấn đề không phải là thí điểm cổ phần hóa một bộ phận rất quan trọng của bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay là các đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Vấn đề là cải tổ cơ chế chủ quản nói chung như chúng ta từng cải tổ mối quan hệ giữa bộ chủ quản và các doanh nghiệp trực thuộc.

Tất cả nên quy về một mối: cơ quan nhà nước quản lý về mặt hành chính, các đơn vị hoạt động theo luật như Luật doanh nghiệp hay các luật lệ chuyên ngành hiện không thiếu. Và song song đó là đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa để không còn vướng bận chuyện chủ quản nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận