TTCT - Trước khi đắc cử tổng thống, ông Donald Trump là một nhà tài phiệt khét tiếng ở Mỹ, và những mối quan hệ kinh doanh cũ có thể trở thành chướng ngại lớn trên hành trình sắp tới của chủ nhân Nhà Trắng. Ông Trump (trái) và con gái Ivanka Trump chụp ảnh cùng Hussain Sajwani, chủ tịch Tập đoàn bất động sản DAMAC của UAE, nhân khai trương một dự án sân golf hợp tác - dailybeast.com Mùa hè 2016, giữa lúc cuộc đua tổng thống đang trong giai đoạn nước rút, Donald Trump đến Washington vì một sự kiện khiến nhiều người bất ngờ: ông dừng vận động để đi dự lễ khai trương khách sạn Trump International ngay giữa Washington DC. Khách sạn Trump International mới chỉ cách Nhà Trắng vài dãy phố, và vấn đề lợi ích ngầm đằng sau khách sạn này ngay lập tức được đặt ra. Đây cũng được coi là một trong những tài sản có thể gây mâu thuẫn lợi ích lớn nhất đối với chính quyền tân tổng thống. Từng là tòa nhà bưu điện cũ, khách sạn này được ông Trump cải tạo thành nơi nghỉ sang trọng bậc nhất Washington. Một phòng suite có giá tới 20.000 USD/đêm. Năm đêm ở đây để gặp tân tổng thống Mỹ sẽ tốn ít nhất 100.000 USD. Tờ Washington Post trong giai đoạn chuyển giao đã viết về việc rất nhiều nhóm quan tâm tới việc đặt phòng ở khách sạn này như cách để thể hiện sự ủng hộ với ông Trump. Richard Painter, luật sư của cựu tổng thống George W. Bush, và chuyên gia luật nổi tiếng Lawrence Tribe đều gọi cách thức lấy lòng này là một kiểu “quà biếu” mà tổng thống lẽ ra không được phép nhận. Hiến pháp Mỹ cũng không cho phép các tổng thống nhận quà từ các tổ chức quốc tế. Mạng lưới chằng chịt Dù ông Trump có tài sản hơn 10 tỉ USD (như tuyên bố của ông), hay 3-4 tỉ USD như Bloomberg tính toán, thì ông vẫn là một trong những người giàu nhất từng bước vào Nhà Trắng. Dinh thự của tổng thống Mỹ ở Washington DC thậm chí được coi là sự hạ cấp so với ngôi nhà tầng thượng ở Trump Tower trên New York. Nội thất chuyên cơ Air Force One cũng không sang bằng chiếc Boeing 757 ông Trump thường dùng. Ông cũng là tổng thống có mối quan hệ lợi ích chằng chịt nhất, khiến giới quan sát đặt dấu hỏi về khả năng mâu thuẫn lợi ích trong các quyết định. Theo New York Times, Trump Organization đã công bố danh sách 488 công ty mà ông Trump có giữ vị trí và nói ông đã từ chức khỏi tất cả tổ chức này. Tuy vậy, việc xác định ông Trump còn lợi ích hay không vẫn là dấu hỏi lớn. Dù ông tuyên bố không còn điều hành, hai người nắm chính quỹ ủy thác quản lý tài sản của ông vẫn là con trai lớn Donald Jr. và Allen H. Weisselberg - người phụ trách tài chính của Trump Organization. Vẫn nhận báo cáo về tình hình tài chính của tổ chức, ông còn có thể sa thải hai vị lãnh đạo doanh nghiệp này bất cứ lúc nào ông muốn. Frederick J. Tansill, luật sư chuyên về quỹ ủy thác, nói với New York Times: “Không cách nào có thể tránh mâu thuẫn lợi ích”. Trong quỹ ủy thác có hơn 100 công ty của ông Trump đang kinh doanh ở 18 quốc gia. Dư luận vì thế lo ngại việc hoạch định chính sách của ông Trump - tân tổng thống, có thể dây mơ rễ má chằng chịt với các thương vụ của ông Trump - cựu tài phiệt. Đó là chưa kể con cái của tổng thống đều sở hữu hoặc điều hành những tập đoàn lớn, còn bản thân không ít công ty cũ của ông đang đối mặt với hàng chục vụ kiện khác nhau. Kiểu Berlusconi? Tạp chí Slate đã so sánh tình hình mới của chính quyền Trump với những gì từng diễn ra tại nước Ý cách đây chưa lâu. Năm 1994, một thương nhân - người của công chúng cũng nổi bật vì những tuyên bố tranh cãi và những trò lố bịch bắt đầu theo đuổi chính trị và chạy đua cho chức thủ tướng. Ông giống ông Trump đến kỳ lạ: không kinh nghiệm nhưng rất thích “trình diễn” trước công chúng. Mặc dù có quá khứ không lấy gì làm sạch sẽ (bị cáo buộc từ trốn thuế đến tội phạm có tổ chức) và bất chấp thói quen đưa ra thông tin bạt mạng, chính trị gia mới phất đã được cử tri lựa chọn vì họ đã chán ngấy những kẻ kỳ cựu. Thế là Silvio Berlusconi trở thành thủ tướng Ý. Không có gì ngạc nhiên khi hiện nhiều nhà quan sát chính trị nghiên cứu Berlusconi để dự đoán về nước Mỹ dưới thời ông Trump. Và những đánh giá của họ không hay ho gì. Nghiên cứu kỹ đế chế của Berlusconi cho thấy rất nhiều khe hở mà các tập đoàn của ông có thể kiếm chác được từ vị thế chính trị của ngài thủ tướng. Việc kiểm soát những hành vi “ưu ái” xung đột lợi ích, trong khi đó, chẳng dễ chút nào. Ý là một quốc gia ít kiểm soát hoạt động kinh doanh của các chính trị gia. Giovanni Agnelli, cổ đông chính của Tập đoàn Fiat, có thể làm suốt đời ở thượng viện đến tận khi ông qua đời mà không cần bán cổ phiếu. Tương tự, khi Berlusconi trở thành thủ tướng, ông tiếp tục giữ cổ phần ở đế chế truyền thông Mediaset, với ba kênh truyền hình chủ chốt ở nước này. Việc không kiểm soát hoạt động kinh doanh này cũng có mặt tốt, nó cho phép nước Ý thu hút được đa dạng nhân tài tham gia chính trị. Nhưng rõ ràng sẽ tạo ra xung đột lợi ích. Giá cổ phiếu Fiat tăng 3% ngay sau khi Agnelli được bổ nhiệm nghị sĩ suốt đời. Giá cổ phiếu của Mediaset cũng lên cao chót vót ngay trước cuộc bầu cử mà ông Berlusconi được dự báo nắm chắc phần thắng. Khó thể là ngẫu nhiên! Một nhóm các học giả Ý và Mỹ đã bắt tay nghiên cứu thời gian Berlusconi nắm quyền để xác định rõ hơn các lợi ích chồng chéo của ông này, chiếc ghế thủ tướng, và đế chế kinh doanh của ông. Nghiên cứu với tựa đề “Vận động hành lang dựa trên thị trường: Bằng chứng về việc chi tiêu cho quảng cáo ở Ý” thực hiện tháng 5-2015 của bốn học giả người Ý, Anh, Pháp và Mỹ đặc biệt nhấn mạnh một hình thức vận động mà họ gọi là “vận động gián tiếp” để phân biệt với cách làm trực tiếp hơn mà các tập đoàn và nhóm lợi ích thường dùng để tác động lên chính phủ như cho tiền các chiến dịch tranh cử. Các nhóm lợi ích càng dễ thao túng khi bản thân chính trị gia xuất phát từ giới kinh doanh. Việc đổi chác lợi ích này có thể thực hiện bằng việc đơn giản như mua hàng hóa hay dịch vụ từ chính trị gia - doanh nhân nhưng với mức giá đội lên nhiều lần (hoặc là bán ở mức thấp hơn). Đây là lý do luật pháp nhiều nước quy định chính trị gia không được tham gia hoạt động kinh doanh (hoặc ít ra là những ngành họ quản lý trong chính phủ). Trong khi đó ở Ý, ông Berlusconi tiếp tục là cổ đông chi phối của Mediaset suốt thời gian ông tại nhiệm (hãng này cũng do một người con trai của ông điều hành)! Nghiên cứu chỉ ra khi ông Berlusconi tái đắc cử năm 2001 sau 6 năm vắng mặt trên chính trường, chi quảng cáo của Hãng xe Fiat trên các kênh của Mediaset ngay lập tức tăng từ 45% giai đoạn 1995-2001 lên 60%! Đáng nói hơn, thời lượng quảng cáo trên các đài của Mediaset vẫn giữ nguyên, nhưng giá quảng cáo cao hơn khi ông Berlusconi nắm quyền. Việc vận động gián tiếp này đặc biệt lợi hại ở những ngành quy định về giấy phép và thủ tục chặt chẽ như viễn thông, dược, xây dựng..., những nơi việc lời lỗ chịu nhiều tác động từ chính sách. Mối lo ngại ở Mỹ cũng lớn không kém ở Ý, khi mà thế mạnh kinh doanh lớn nhất của ông Trump là ngành chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các quyết định hành chính nhà nước: địa ốc. Các bất động sản của ông Trump cùng thời gian ông là ngôi sao truyền hình là những thông tin được công khai, nhưng việc kinh doanh của ông không chỉ có thế. Còn rất nhiều thương vụ mà lợi ích cực kỳ chằng chịt. Một trong những ví dụ điển hình là việc tám công ty của ông Trump ngay trước khi ông tranh cử đã có kế hoạch đầu tư một loạt dự án bất động sản ở Saudi Arabia. Điều đó khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao trong danh sách bảy nước có công dân bị cấm nhập cảnh Mỹ trong sắc lệnh đầy tranh cãi của ông Trump mới đây không có tên Saudi Arabia, dù đây là nơi xuất thân của nhiều phần tử khủng bố tham gia vào vụ 11-9. Đế chế kinh doanh của tân tổng thống còn có hàng loạt hợp đồng làm ăn ở Scotland, Azerbaijan, Uruguay, Philippines, Hàn Quốc, UAE... nữa. Tạp chí Time thậm chí nói chính ông Trump không ngại ngần gì trong việc kết hợp công vụ ở Nhà Trắng với “tư vụ” ở nước ngoài. Bà Kellyanne Conway, cố vấn của ông Trump, nói với các phóng viên rằng “ông có rất nhiều luật sư, kế toán và cố vấn, những người sẽ nói ông nên làm gì và không thể làm gì”. Luật sư Painter thì nghĩ mọi việc không đơn giản vậy: “Không thể bỏ hết tài sản vào một quỹ ủy thác rồi giả vờ là anh không sở hữu quỹ đấy”.■ Tags: Donald TrumpMạng lợi ích Donald TrumpQuan hệ kinh doanh Donald Trump
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất Chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.