TTCT - Giới nhiếp ảnh hoang dã luôn canh cánh với nỗi lo lần đầu và lần cuối gặp một loài chim. Trèo cây lưng đen. Từ khi được phát hiện bởi các nhà điểu học người Pháp hơn trăm năm trước, gần như không ai bắt gặp lại được. Sau nhiều năm tìm kiếm, gần đây những người yêu chim mới phát hiện sự hiện diện của loài này ở Mù Căng Chải, Yên Bái và Kỳ Sơn, Nghệ An. Tác giả: HUỲNH THANH DANHNhững tấm ảnh chim hoang dã ở Việt Nam đều là kết quả của những hành trình theo đuổi kiên nhẫn, hoặc tìm kiếm vất vả nơi rừng sâu núi thẳm của giới nhiếp ảnh hoang dã - những người luôn canh cánh với nỗi lo lần đầu và lần cuối gặp loài chim ấy.Giới chụp ảnh chim hoang dã VN phát triển khá mạnh trong vài năm gần đây, có thể tạm chia thành hai trường phái. Có những người nghiêng về phần nhiếp ảnh, đôi khi chỉ cần một con bồng chanh (một loài chim bói cá) xuất hiện ở khu vực Kỳ Hòa giữa TP.HCM là cũng đủ để họ đắm đuối theo cả mấy tháng trời, chụp con chim nhỏ ấy với đủ kiểu ảnh, từ cảnh nó lao mình xuống mặt nước bắt cá đến đứng rũ lông trên một cành cây nhỏ. Trường phái còn lại là lặn lội đi tìm kiếm những loài chim đặc hữu, quý hiếm trong rừng sâu núi thẳm. Với họ, mục tiêu là tìm kiếm chụp thật nhiều loài chim hoang dã để giới thiệu với cộng đồng yêu thiên nhiên. Trong giới, người ta biết tới những nhân vật như "thánh chim" Tobi Trung, nhiếp ảnh gia Nguyễn Phố - người đã chụp được ảnh của hơn 700 loài chim ở VN; các nhiếp ảnh gia Sâm Thương, Tuấn Trần… với ảnh của hơn 600 loài; hay Thuần Võ - người tuy mới tập trung chụp hơn 3 năm gần đây nhưng cũng có bộ sưu tập ảnh của hơn 500 loài…Gà lôi tía - Temminck's Tragopan: Gà lôi tía là loài gà duy nhất thuộc nhóm Tragopan có xuất hiện ở Việt Nam, việc ghi nhận lại được loài này ở Việt Nam đã thu hút nhiều nhiếp ảnh gia đến Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn để săn ảnh, tuy nhiên cá thể gà lôi tía sau đó đã bị thợ săn bắn chết. Tác giả: NGUYỄN NGỌC VINH"Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng chụp ảnh chim hoang dã đã đóng góp rất nhiều trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn chim nói riêng, bảo tồn thiên nhiên nói chung" - ông Nguyễn Hoài Bảo, chuyên gia điểu học, giảng viên khoa sinh Trường ĐH KHTN TP.HCM, nói. Trong cuộc thi ảnh chim hoang dã VN lần đầu tiên (do Hội bảo tồn chim quốc tế BirdLife, Wildtour, Chi hội bảo tồn chim hoang dã VN và Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.HCM tổ chức), ông Bảo là một trong những giám khảo. "Ngoài những tiêu chí cơ bản như đẹp, độ khó của tác phẩm… bức ảnh chim hoang dã phải có ý nghĩa về bảo tồn, ví dụ tấm ảnh chụp một con công đang bay. Công là một loài rất khó chụp trong môi trường hoang dã vì nó chỉ bay men bìa rừng, rất nhát. Trên thực tế loài chim công chỉ còn được thấy nhiều trong… sở thú, trong tự nhiên còn rất ít, ở vào mức CR (Critically Endangered - rất nguy cấp)"."Tôi đã vui khôn tả khi tình cờ chụp được con gà lôi tía ở Fansipan, nhưng vài ngày sau lại buồn đến lặng người khi nghe tin nó bị thợ săn bắn chết…" - kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vinh, một nhiếp ảnh gia có thâm niên 10 năm chụp ảnh chim hoang dã, tâm sự. Cuối tháng 3-2023, anh thu xếp đi Fansipan để tìm chụp ảnh một loài gõ kiến rất hiếm. Lên đến nơi thì nghe tin con gõ kiến đã bị bắn chết. Trên đường leo đỉnh Fansipan từ phía bản Cát Cát, anh nghe tiếng lao xao của gà lôi tía (loài gà duy nhất thuộc nhóm Tragopan có xuất hiện ở Việt Nam) nhưng không chụp được vì cây cối quá rậm rạp. Khi xuống núi để quay về, anh mới gặp và chụp được ảnh con gà lôi tía. "Sau đó, anh em trong giới nhiếp ảnh chim hoang dã rần rần đổ về Fansipan để chụp ảnh con gà, và tất cả đều suy sụp khi biết nó cũng đã bị thợ săn bắn chết - anh Vinh kể - Tôi buồn kinh khủng, nhưng không giận những người đã bắn nó. Cứ nghĩ mà xem, nhiều người ở thành phố lớn, đọc sách vở nhiều, hiểu biết luật pháp mà còn ăn động vật hoang dã hà rầm thì trách gì những người dân tộc sống trong bản sâu. Nỗi buồn lớn nhất của tôi và anh em trong giới nhiếp ảnh động vật hoang dã là không biết đến bao giờ người Việt ở bất cứ đâu cũng có được nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên".Công - Indochinese Green Peafowl: Hiện nay do áp lực săn bắn và mất sinh cảnh sống, công còn lại với số lượng rất ít ở miền Trung và Tây Nguyên, khu vực dễ gặp được công nhất hiện nay là ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Tác giả: Nguyễn Mạnh HiệpHồng hoàng (Great Hornbill). Chất lượng và quy mô rừng ở Việt Nam liên tục suy giảm trong những năm qua khiến loài chim này gặp nhiều khó khăn khi tìm nơi làm tổ do chúng thường làm tổ ở các hốc cây to. Tác giả: Kiều Đình ThápMay mắn nhất trong số những tác giả có ảnh đoạt giải là dược sĩ Huỳnh Thanh Danh (TP.HCM). Tháng 5-2023, anh được Bùi Đức Tiến - một hướng dẫn viên chụp ảnh chim hoang dã nổi tiếng ở phía Bắc - đưa đi Fansipan chụp. Chuyến đi thất bại vì thời tiết xấu, họ di chuyển sang Mù Căng Chải (Yên Bái) dù tình hình ở đấy cũng không khá gì hơn do lúc mưa lúc nắng thất thường. "Chúng tôi quyết định đi về, nhưng trên đường xuống núi, anh Tiến bỗng phấn khích giục tôi "chụp đi, chụp đi". Theo hướng chỉ của Tiến, tôi chỉ thấy một con chim rất đẹp, và phản xạ là đưa máy lên bấm liên hồi, vừa bấm máy vừa hỏi con gì thế… Anh Tiến bảo cứ chụp đi, nói cho biết sau. Chụp được một lúc thì trời lại mờ mịt. Khi ấy, anh Tiến bảo tôi vừa trúng số độc đắc, vì đó là con chim trèo cây lưng đen…".Trèo cây lưng đen (Beautiful Nuthatch) nằm trong Sách đỏ, ở mức VU (Vulnerable - sắp nguy cấp) và cũng rất khó chụp được ảnh nó. "Trên thế giới, theo tôi biết chỉ tầm 100 người chụp được loài chim này, còn ở VN chắc không quá 10 người. Vì đây là loài chim sinh sống ở vùng có độ ẩm cực cao, ở độ cao 950m trở lên, khu vực đó luôn mù mịt, ai may mắn lắm mới gặp được nó ngay đúng lúc trời quang mây tạnh để chụp. Ở Việt Nam, loài này được ghi nhận ở Kỳ Sơn (Nghệ An), có nhiếp ảnh gia chụp được ảnh nó ở đấy nhưng cũng phải đi nhiều lần" - nhà điểu học Nguyễn Hoài Bảo nhận xét.Te mào - Northern Lapwing: Loài chim này thường sinh sống ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ VN. Đây là loài di cư. Thường sống thành từng đàn nhỏ. Gặp ở độ cao khoảng 500m. Tác giả: Bùi Thành Trung Cuộc thi ảnh chim hoang dã VN lần đầu tiên được trao giải ngày 14-10 tại Trung tâm thương mại SC VivoCity, quận 7 (TP.HCM). 13 tác phẩm đoạt giải cùng hơn 40 bức ảnh khác sẽ được triển lãm tại đây đến hết ngày 19-10. Thời gian nhận ảnh chỉ trong vòng 1 tháng, nhưng đã có 469 tác phẩm của 141 tác giả gửi tới. Tags: Chim hoang dã ở Việt NamChim hoang dãNhiếp ảnh giaBảo tồn thiên nhiênCuộc thi ảnhĐộng vật hoang dã
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.