TTCT - Tự cho mình chỉ là người “góp nhặt dọc đường”, hơn 60 năm qua ông đã góp nhặt về cho hát bội nước ta một nguồn di sản không nhỏ. Trọn đời cho hát bội, giờ đây ở tuổi 87 ông vẫn còn làm người góp nhặt không mỏi mệt trên hành trình vốn luôn lặng thầm, đơn độc... Phóng to Một đời cho hát bội, ông Liễn sống thanh bạch nơi căn hộ nhỏ giữa phố thị Quy Nhơn - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), hỏi ông Vũ Ngọc Liễn, từ người bán hàng ở chợ đến người chạy xe ôm trên đường có lẽ không ai là không biết. Đơn giản, bởi ông từng là nghệ sĩ, là nhà nghiên cứu, nhà hoạt động hát bội gần gũi với hầu hết người dân ở đây. “Người Bình Định ai mà không mê hát bội. Mà đã mê hát bội thì phải biết những người hết lòng cho hát bội như ông Liễn chứ...” - nhiều người ở Quy Nhơn đã nói. Xây nền học thuật 8g sáng, trong ngôi nhà bên phố, ông Liễn bắt đầu ngày làm việc mới bên bàn viết. Dáng vẻ hiền minh, nghệ sĩ làm ông trẻ hơn tuổi khá nhiều, trông ông còn rất năng nổ với công việc. “Mình đang viết quyển sách mới. Đề tài nghiên cứu hát bội còn quá nhiều. Phải ráng mà làm thôi...” - ông nói và cười. Trong nỗi phấn chấn, ông cho biết tác phẩm Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ do ông biên soạn (khoảng 700 trang) sẽ được NXB Sân Khấu phát hành. Đây là công trình nghiên cứu mới nhất của ông về nhà Nho, nhà nghệ sĩ từng là thầy của Đào Tấn - vị tổ khai sáng hát bội Bình Định trong nền hát bội Việt Nam. Chăm chắm với công việc, ông Liễn nói nhiều khi ông quên mất thời gian, quên mất tuổi mình cùng những thiệt hơn của cuộc sống. Nhưng những gì trải qua trong cuộc đời “làm hát bội” của mình thì chỉ một kỷ niệm cỏn con cũng được ông lưu giữ. Hát bội đến với ông như là định mệnh, duyên số nhưng cũng là một sự chọn lựa, dấn thân. Cách mạng Tháng Tám mở ra cho chàng trai Vũ Ngọc Liễn chức chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã cũng chính là sự mở đầu cho người chủ tịch trẻ này con đường đến với hát bội. Vùng quê Nhơn Lý ở ngoại ô Quy Nhơn của ông ngày ấy khó nghèo nhưng là nơi tụ hội của khách thương hồ, những trang hảo hán, cũng là một trong những chiếc nôi hát bội của Bình Định. Không có nhiều ruộng đất để lập quỹ nuôi quân, bí bách quá, ông cùng anh em trong xã nghĩ ra việc lập gánh hát để kiếm tiền. Thiếu diễn viên, vậy là ông chủ tịch trẻ phải tập tành đóng vai hết tuồng này đến tuồng khác, cố có nguồn thu cho quỹ nuôi quân trong suốt nhiều năm. Vốn chữ Nho học với cha (là thầy đồ), sự nhanh nhạy trong diễn xuất nhờ đắm mình trong không khí hát bội từ thuở nhỏ đã giúp ông chủ tịch trẻ sớm nổi trên sân khấu hát bội quê nhà thời kháng chiến. “Nếu không vì quỹ nuôi quân thúc bách, mình chưa chắc đã “theo hát bội” như thế này. Nói thật, cái mình có hôm nay cũng là một phần của thừa tự....” - ông nói. Nặng lòng với di sản hát bội Bình Định - nguồn vốn lớn của hát bội Việt Nam, điều ấp ủ với ông là phải làm sao khám phá, giới thiệu một cách tốt nhất tài sản quý này. Được chọn gửi sang học tại Trung Quốc hý khúc học viện ở Bắc Kinh sau khi tập kết ra Bắc trong biên chế Đoàn tuồng Liên khu 5, còn trên ghế nhà trường ông đã nghĩ đến việc phải làm khi về nước. Chuyên về hát bội, tấm bằng nghiên cứu sinh - thời ấy học viện này của Trung Quốc không lập văn bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ - đã cho ông biết mình phải làm gì cho kịch nghệ này trên cơ sở học thuật. Từ một diễn viên trở thành nhà nghiên cứu, sàn diễn và môi trường học tập hàn lâm đã góp thêm cho ông nhiều lợi thế. Với hàng vạn trang biên khảo, hàng loạt hoạt động sân khấu trong nhiều thập kỷ ở nhiều vùng đất, vậy mà ông vẫn cho rằng mình chưa làm được nhiều cho hát bội. “Không thể có một nền nghệ thuật sân khấu kịch hát lâu đời, cao đẹp mà lại không có hoặc không biết nghệ sĩ lớn, tác giả, tác phẩm lớn của nền nghệ thuật ấy là ai, là gì. Bởi vậy, nhiều năm qua tui dốc sức nghiên cứu một hiện tượng nghệ thuật tiêu biểu cho nền nghệ thuật sân khấu kịch hát của đất nước ta thông qua một nhân vật là Đào Tấn” - ông Liễn nói khi vân vê “tập đại thành” về Đào Tấn, bộ sách ba tập của ông được NXB Sân Khấu xuất bản năm 2007. Phóng to Tác phẩm Góp nhặt dọc đường được xuất bản tháng 1-2011 và ba tập sách về Đào Tấn (2007) là một phần trong các biên khảo về hát bội của ông Liễn được xuất bản - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Đào tạo khán giả… yêu hát bội “Gọi Vũ Ngọc Liễn là “nhà Đào Tấn học” không chỉ vì ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Đào Tấn, mà chính vì ông đã chọn Đào Tấn và nghệ thuật tuồng của cụ Đào như một nghiệm sinh của mình. Vũ Ngọc Liễn đọc Đào Tấn, học Đào Tấn, nghiên cứu Đào Tấn và cuối cùng ông chiêm nghiệm Đào Tấn rồi có thể ông thiền Đào Tấn, thường khi là với một nụ cười lặng lẽ. Nó mất của ông cả đời người. Và được cho ông cũng cả đời người” Kiểm lại cuộc đời làm hát bội của mình, ông Liễn cho rằng ông luôn gặp cơ duyên, thuận lợi. Ngoài vốn chữ Nho đọc thông viết thạo học từ cha, ông may mắn được những vị thầy ở nước ngoài thương yêu, hỗ trợ trên đường học thuật. Nhưng cái thuận lợi lớn ông có được là sức khỏe. “Năm 2000, khi nhận lời soạn lại vở Đông Lộ Địch của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị để Đoàn hát tuồng Đào Tấn mang sang Munich (Đức) diễn, dù công việc rất khó, lại phải đi xa, điều tự tin của tui chính là sức khỏe. Năm ấy tui đã 76 tuổi vậy mà vẫn làm việc, vẫn đi xa được như các bạn trẻ trong đoàn. Chính hát bội đã cho mình niềm vui, cho mình sức khỏe...” - ông Liễn nhắc lại. Làm để “trả nợ” quê nhà, ông Liễn thường nói. Bình Định quê ông như là một “đại kho” còn lại của vốn hát bội nước ta với nhiều kịch tác gia, nghệ sĩ tên tuổi mà nổi bật là Đào Tấn, với hàng trăm gánh hát có khắp mọi quê làng ngày trước, và nay cũng còn đến trên mười gánh hát chuyên lưu diễn nhiều nơi. Từ một chàng trai “tay ngang” làm diễn viên, rồi làm nhà nghiên cứu, ông thấy mình càng nặng nợ với hát bội. Vài năm nay ông ít đi xa, viết sách vẫn là hoạt động chính để ông vun đắp vào việc bảo tồn và phát huy hát bội. “Mình không chạy theo số lượng mà nặng về chất lượng cho những quyển sách viết về hát bội, từ phê bình, lý luận đến giới thiệu vở tuồng. Phải cố gắng làm thật kỹ thì người đọc mới hiểu đúng hát bội để mà yêu hát bội, quý hát bội...” - ông tâm sự. Ngoài Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ sắp phát hành, ông còn đến ba đầu sách chờ in, trong đó có Vạn bửu trình tường - một đại tác phẩm của Đào Tấn. Đau đáu với sự thăng trầm của hát bội, đi sâu vào nghiên cứu học thuật, ông xót xa nhận ra những bất cập của hoạt động “làm hát bội” từ người soạn tuồng đến đạo diễn, diễn viên, cả đến những người làm nghiên cứu, lý luận vốn tồn tại lâu nay. Hát bội ở Bình Định may mắn hơn các nơi khác trong nước, còn thịnh hành nhưng vẫn trong chiều đi xuống, đang cần có những giải pháp cứu vãn. Từ thực trạng đó, ông càng nhận thấy vai trò của người nghệ sĩ lớn, của kịch tác gia tài năng là vô cùng quan trọng trong hát bội. “Nhiều năm tui để công nghiên cứu Đào Tấn cũng là để có cách kiến giải làm sao chấn hưng hát bội. Ông không chỉ là nghệ sĩ giỏi, người viết kịch tài mà còn là nhà tổ chức nghệ thuật, xây dựng khán giả. Phải theo cách của ông mà làm mới có thể chấn hưng, cứu vãn được hát bội” - ông Liễn bộc bạch. Coi Đào Tấn như là Shakespeare của kịch nghệ Việt Nam, mong mỏi có ngày kịch tác gia này sẽ sớm được tôn vinh là một danh nhân văn hóa, một kịch tác gia thế giới, ông Liễn lại đề xuất nhiều giải pháp cho hát bội. “Tui đã đề xuất nên lập Trung tâm nghiên cứu hát bội (Việt Nam) ở Bình Định. Rồi tái lập Học bộ đình của cụ Đào Tấn ngày trước để đào tạo người viết tuồng, đạo diễn, diễn viên cho hát bội. Cái khoa học nhất, thiết thực nhất của Học bộ đình ngày trước là làm kinh tài cho nghệ thuật, là đào tạo khán giả...” - ông tâm sự. Miệt mài bên bàn viết, niềm vui của ông là được gặp lại bạn bè văn nghệ, nhất là những người trong các đoàn hát bội. Vẫn còn trẻ trung trong mơ ước dấn thân cho nghệ thuật, ông luôn trút tâm sự với những ai để lòng đến hát bội khi ông được gặp. Và điều ông mong mỏi nhất, kế sách thiết thực nhất ông học được ở nước người lại cũng là việc... đào tạo khán giả. “Phải làm sao để các trường đại học, cao đẳng - nhất là ngành xã hội nhân văn, có chương trình về kịch chủng hát bội, về các tác gia lớn và tác phẩm hay của kịch chủng này thì người ta mới yêu thích, mới tìm đến với hát bội. Như ở các nước châu Âu, hễ ai có vốn văn hóa kha khá là biết đến Shakespeare, yêu kịch của Shakespeare vậy đó” - ông bày giải và hi vọng. Tags: Nghệ sĩKhán giảHát bộiVũ Ngọc Liễn
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.