Một hành trình khám phá lịch sử và ý nghĩa của đại học

GS PHẠM PHỤ (*) 06/04/2019 18:04 GMT+7

"Hi vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam có quyển sách này trong tay như một la bàn để định hướng cho GDĐH Việt Nam" (Chuyên gia Vũ Quang Việt)

Bìa sách Đại học
 


Có lẽ khoảng 20 năm nay, trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam thỉnh thoảng lại rộ lên “phong trào” bàn về triết lý của nền giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam. Cũng đã xuất hiện nhiều bài viết, nhiều đề xuất về vấn đề này.

Tuy nhiên, sau các bài viết đó thường lại không tìm thấy những ý kiến ủng hộ - đồng tình hoặc phản đối (!). Điều này nói lên rằng ở Việt Nam, có lẽ còn rất ít tổ chức hoặc cá nhân thực sự bỏ công nghiên cứu - và có lẽ cũng còn rất ít tài liệu tham khảo có giá trị - về triết lý GDĐH, dù đây là một vấn đề tối cần thiết của một nền GDĐH.

Trong bối cảnh đó, may thay, đầu năm nay, cuốn sách Đại học - Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới - từ Trung cổ đến Hiện đại(**) của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh đã được in và ra mắt độc giả. Tôi nói “may thay” vì theo tôi, cùng với lịch sử các định chế ĐH, đây còn là quyển sách bàn về triết lý GDĐH của châu Âu nói chung, đặc biệt là của Đức và Mỹ nói riêng suốt nhiều thế kỷ qua và cả từ thời Hi-La cổ đại.

Để đi đến được xác định: “Khoa học và lý tính là thuộc tính của định chế GDĐH” mà châu Âu có được sự phát triển như ngày nay, để đi đến được xác định vai trò của mô hình ĐH nghiên cứu Humboldt, gắn chặt nghiên cứu với giảng dạy qua điểm mốc là việc thành lập ĐH Berlin vào năm 1810..., các nhà triết học, các học giả châu Âu có lẽ cũng đã nhiều lần “lên bờ xuống ruộng”.

Tác giả nhắc lại tư tưởng rất tiên phong của nhà triết học Đức Schelling đầu thế kỷ 19, một trong những người cha tinh thần của ĐH nghiên cứu Đức, cho rằng ở ĐH, người thầy để là người thầy cần phải có phần sáng tạo cái mới độc đáo, có năng lực tư duy bao trùm, chứ không phải chỉ đơn giản sao chép và truyền bá. Với những phẩm chất sáng tạo đó, người thầy sẽ đánh thức sự hứng khởi và thúc đẩy lực lượng sáng tạo trong học trò.

Cũng thế, người học trò cũng phải từ bỏ tâm thức của một học sinh trung học, thái độ thụ động, không để mình như một cái bồn chứa để lấp đầy tùy tiện. Cái học của người sinh viên không phải là sự trả bài của những cái đã dạy và học để nâng cao tính sáng tạo trong anh ta.

Schelling có một quy tắc đặc biệt: “Hãy học để tự khám phá. Chỉ bằng năng lực sáng tạo thánh thiện này, con người mới trở thành con người đích thực mà nếu không có, con người chỉ là một chiếc máy được trang bị cỡ trung bình”. Quan hệ giữa thầy và trò không phải là lệ thuộc mà tự do, bình đẳng, không phải là sự bao biện tinh thần mà có tính hợp tác sáng tạo, như tác giả viết.

Tác giả cũng đã bàn về “giáo dục khai phóng” (liberal arts) có từ thời cổ Hi-La, một vấn đề mà Việt Nam cũng đã được nhắc đến trong khoảng 10 năm gần đây.

Tất nhiên, GDĐH ngày nay đã có nhiều biến đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong bối cảnh GDĐH đã trở thành “đại trà” (mass) - kể cả ở Việt Nam, khi tỉ lệ sinh viên trong thanh niên ở độ tuổi đã chiếm trên 15%, hay thậm chí đã trở thành phổ cập (universal) với số sinh viên trong thanh niên ở độ tuổi đã chiếm trên 50%..., việc nói rõ được triết lý của GDĐH càng trở nên phức tạp hơn. Mặt khác, có lẽ ngày nay không có nước nào mà trường ĐH nào cũng là ĐH nghiên cứu. Vì vậy, trong tác phẩm của mình, tác giả cũng đã nêu lên vấn đề “phân tầng” trong GDĐH với mô hình khá thành công của bang California (Mỹ).

Trong cuốn sách này, tác giả Nguyễn Xuân Xanh đã trích dẫn hoặc nêu ra những đoạn câu ngắn nhưng đầy triết lý để chúng ta suy ngẫm ngay trong cuộc sống thường nhật của mình. Ví dụ như: “Tư duy là một công việc cô đơn” (trang 12); “Cái khó hiểu, không rõ ràng, cái huyền bí là những thứ thu hút nhiều đầu óc hơn là những cái rõ ràng...” (trang 193); “Sự ổn định cũng chưa hẳn là dấu hiệu của sự lành mạnh, nó cũng có thể xảy ra trong trạng thái xơ cứng, già nua” (trang 228)...

Cuốn sách thực sự là một nguồn tư liệu hết sức phong phú và giá trị về lịch sử định chế các ĐH nói chung và về triết lý GDĐH nói riêng. Vì vậy, tôi cho rằng nó rất có ích cho các nhà quản lý, những chuyên gia về GDĐH và cho cả sinh viên ĐH trong bối cảnh hiện nay.■

(*) Nhà giáo nhân dân, nguyên ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục của Việt Nam.

(**) NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2019.

Hi vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam có quyển sách này trong tay như một la bàn để định hướng cho GDĐH Việt Nam. Không thể có một nền kinh tế tri thức và một xã hội văn minh, hòa nhập thế giới trên nền của một hệ thống ĐH lạc hậu, xa rời quỹ đạo ĐH thế giới, đó là tự do tư duy, tự do nghiên cứu và tự do giảng dạy trong khuôn khổ ĐH, như được chứng minh hùng hồn bằng lịch sử qua quyển sách đầy tính khai sáng này.

Vũ Quang Việt

(Chuyên gia tư vấn kinh tế và thống kê cho nhiều nước và tổ chức quốc tế, đã có nhiều nghiên cứu về giáo dục Việt Nam)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận