Một mái ấm không phải là đặc quyền

CHIÊU VĂN 12/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Hiến pháp Việt Nam 2013, điều 22 nêu rõ: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”, và dù việc thực thi quyền này trong thực tế không hề dễ dàng, việc mọi người dân đều có một mái ấm là mong ước phổ quát của mọi quốc gia.

Những lý do nào khiến một “đặc quyền” (privilege) trở thành một “quyền” (right), đâu là ranh giới của hai điều đó, và vì sao nó lại quan trọng với vấn đề nhà ở? 

Một ví dụ: giáo dục bậc cao là quyền hay đặc quyền? Câu hỏi đó chắc sẽ gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu là giáo dục tiểu học, hẳn số người nhất trí đó là quyền, chứ không phải đặc quyền, sẽ cao hơn nhiều. Vậy nhà ở thì sao?

Ảnh: Thestar.com

 

Từ đặc quyền thành quyền

Mọi vấn đề đều có lịch sử của nó. Giáo dục tiểu học, ngày nay được coi là quyền nghiễm nhiên ở hầu hết các quốc gia, một thời cũng từng gây tranh cãi. 

Vào đầu cuộc cách mạng công nghiệp, việc sử dụng và bóc lột lao động trẻ em là hết sức bình thường, nhưng rồi xã hội thay đổi. 

Ý tưởng mọi đứa trẻ cần được bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho học hành trở nên thắng thế, và đủ thứ quyền được pháp luật bảo vệ gắn với bà mẹ và trẻ em ra đời, những điều mà không lâu trước đó còn là một đặc quyền.

Giống như giáo dục, việc có một nơi tá túc cũng đang dần thay đổi từ đặc quyền thành quyền, dù chậm chạp và nhọc nhằn hơn. Ý tưởng mọi người có quyền yên giấc mỗi tối, không phải lo sợ hay chịu đựng mưa gió, giá lạnh, bạo lực… không chỉ đẹp và nhân văn, nó còn hợp pháp nữa.

Trong nhiều thứ bất bình đẳng thì bất bình đẳng về nhà ở đang là điều hiển hiện nhất ở hầu hết các xã hội đã phát triển, hoặc đang chuyển mình trở nên khá giả. 

Dạo qua một vòng những khu đô thị hiện đại và sang chảnh như Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, ta chẳng khó bắt gặp những siêu biệt thự, những căn hộ cao cấp, những nhà phố cửa đóng then cài, không có người ở, chỉ ngạo nghễ đứng đó như một thứ tài sản để dành. 

Cách đó không xa là những khu xóm trọ nghèo của đủ thứ dân lao động và không lao động, ngập nước, chen chúc, và cả không ít những người vô gia cư.

Khi căn nhà không chỉ là một nơi trú ngụ, mà còn là một tài sản lớn, thậm chí là lớn nhất đời người, tình trạng bất bình đẳng về nhà ở đang là vấn đề nhức nhối với gần như mọi quốc gia. 

Ở New Zealand chẳng hạn, giá nhà trung bình, theo một bài báo trên Stuff ngày 21-9-2021, là hơn 900.000 đôla New Zealand (14 tỉ đồng). 

Là một quốc gia giàu có bậc nhất, nhưng vẫn có tới 300.000 người New Zealand (dân số 5 triệu người) sống trong tình trạng nhà ở “không thể chấp nhận được” và hơn 360.000 hộ vẫn phải nhận trợ cấp nhà ở. Tỉ lệ sở hữu nhà chỉ là dưới 30% và ở thành phố lớn nhất nước Aukland là không tới 50%.

Đó là một tình thế chung ở gần như mọi quốc gia. 

Thị trường bất động sản sau nhiều năm tích tụ của cải hình thành nên trạng thái gần như không thể lay chuyển: Những người sở hữu nhà đất sẽ tăng tài sản của mình lên mà không phải làm gì và gần như luôn với mức tăng giá nhanh hơn nhiều so với tăng thu nhập từ lương. 

Trong khi đó, những người không sở hữu nhà phải chấp nhận triển vọng có nơi ở lâu dài ngày một xa vời, một số người sẽ phải vay mượn những khoản tiền lớn, nhiều người khác đành cam chịu. 

Hệ quả, nhất là khi các đô thị ngày một mở rộng, là số người lao động phải chấp nhận những điều kiện chỗ ở tồi tệ sẽ tăng lên.

Hầu như tuần nào trên các trang tin bất động sản, thị trường, kinh doanh cũng xuất hiện một bài báo chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến nhà cửa đắt đỏ: thiếu nguồn cung, khó tiếp cận tài chính, lãi suất thấp khiến đầu cơ nhà đất tăng lên, thủ tục xây dựng rườm rà, giá vật liệu xây dựng tăng, vân vân và vân vân. 

Rồi cũng gần như mỗi tuần, những giải pháp cũ rích lại được đề đạt: đánh thuế bất động sản thứ hai, sửa đổi luật nhà đất, hay mới đây nhất, siết lại việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp… Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, giá nhà tăng vẫn cứ tăng, và hiệu lực của các chính sách vẫn cứ ở lại trên giấy.

Để nhà ở xã hội thành công

Những nỗ lực xoay chuyển tình thế ít nhiều thành công cho tới giờ, thực ra, cho thấy Nhà nước sẽ phải can thiệp mạnh tay hơn là các “giải pháp thị trường” thuần túy, và để nhiều người hơn có nhà ở, lợi ích của một số người khác sẽ phải bị hy sinh.

Ngay cả ở Mỹ, thiên đường của chủ nghĩa tư bản kiểu Darwin, những dự án phát triển nhà ở xã hội đã có từ rất lâu đời, ít ra là gần một thế kỷ, và hiện 1,2 triệu người Mỹ đang sống trong những căn nhà thuộc sự quản lý của hơn 3.300 cơ quan quản lý nhà ở xã hội, hầu hết là các khu có điều kiện sống tốt. 

Các dự án này từng nhận nhiều chỉ trích, bị giới kinh tế gia tự do cho là sự lãng phí nguồn lực phi thị trường và làm mọc lên các khu ổ chuột ở những thành phố lớn, nhưng cũng có những ý kiến khác. 

“Câu chuyện về nhà ở xã hội ở Mỹ là một thành công lặng lẽ bị nhấn chìm bởi một số ít thất bại bị làm rùm beng” - Ed Goetz, giáo sư Đại học Minnesota, viết trong cuốn New Deal Ruins: Race, Economic Justice and Public Housing Policy (Tàn tích của chính sách Kinh tế mới: Chủng tộc, công lý kinh tế và chính sách nhà ở xã hội) in năm 2013.

Những nỗ lực ở quy mô liên bang đầu tiên để xây nhà ở xã hội là vào những năm 1930, khi cuộc Đại suy thoái đang hoành hành, được chính thức hóa qua đạo luật nhà ở 1937. 

Sự chống đối là gần như ngay lập tức: nhiều người không muốn đóng thuế để xây nhà cho người nghèo và giới chủ đầu tư bất động sản không muốn phải cạnh tranh với nhà nước. 

Các nhóm vận động hành lang dựng lên những tấm bảng: “Bạn có muốn trả tiền thuê nhà cho người khác không?”, theo Goetz.

Đó là một cuộc tranh đấu dai dẳng, với cái tên nổi bật là Lyndon B. Johnson. Từ khi làm nghị sĩ ở tuổi 29 (1937) cho tới khi làm tổng thống 30 năm sau đó (1963-1969), nhà ở xã hội đã luôn là trọng tâm trong mọi nghị trình của ông. 

Ngay từ năm 1938, ông đã nói: “Những người đang sống trong các hoàn cảnh mà tôi đã mô tả giờ có thể chuyển tới những nơi mới, sạch sẽ và an toàn. Sẽ không có thảm Ba Tư trải sàn, không có màn cửa kiểu Venice, nhưng sẽ có đèn điện, nước sạch, khí trời, và cửa sổ mở ra đón nắng, và những bức tường vững chãi đủ để chống lại giá rét mùa đông”.

Theo đuổi triết lý đơn giản đó, ngày nay, nói ví dụ ở New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ, có khoảng 180.000 đơn vị nhà ở xã hội, góp phần quan trọng giúp nhiều người có thu nhập thấp tìm được chỗ tá túc đàng hoàng ở siêu đô thị mà giá nhà vào loại thuộc “cõi trên” nhất thế giới.

Trong một ví dụ khác, Thái Lan cho thấy một chương trình nhà ở xã hội thành công là quan trọng ra sao với các quốc gia và đô thị đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

Bangkok được dự báo sẽ bị ngập tới 40% vì biến đổi khí hậu ngay từ năm 2030, theo Ngân hàng Thế giới. 

Điều đó đồng nghĩa hàng chục nghìn cư dân của đô thị 11 triệu dân này, vốn sống dọc các bờ kênh, các nhánh của sông Chao Phraya, trong các khu ổ chuột, hầu hết là người lao động nghèo, sẽ gặp khó khăn về nhà ở.

Những nỗ lực có hệ thống đã được thực hiện để tái định cư cho họ. Chương trình Baan Mankong của chính quyền, khởi động từ năm 2003, nhắm tới việc hỗ trợ dân các khu ổ chuột có được nhà ở đàng hoàng qua các khoản trợ cấp, cho vay ưu đãi mua hoặc nâng cấp nhà cửa. 

Hơn 130.000 hộ gia đình khắp Thái Lan, cả ở nông thôn và thành thị, đã hưởng lợi từ chương trình này.

Chính quyền đã đều đặn nâng mức trợ cấp cho Baan Mankong và tuyên bố mục tiêu xây 1,2 triệu đơn vị nhà ở xã hội trong 10 năm tới, chủ yếu là để tái định cư cho những người sống dọc các bờ sông và kênh rạch. 

Theo đó, các cộng đồng dân cư sẽ tổ chức hợp tác xã để thương lượng với chủ đất tư nhân và chính quyền nhằm mua hoặc thuê đất, tự quyết định phương án thiết kế cũng như các khoản vay. Quyền sở hữu sẽ là tập thể, thông qua hợp tác xã.

Bằng cách tập hợp nguồn lực và có tư cách pháp nhân tổ chức, một cộng đồng có thể tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn so với tư cách cá nhân. 

Bằng cách được quyền tự quyết, họ sẽ xây nên những căn nhà phù hợp nhất với lối sống và túi tiền của họ. 

“Cơ chế linh hoạt này, nơi người nghèo có thể tiếp cận trực tiếp các quỹ xây dựng nhà ở, là khác với các dự án nhà ở xã hội mà tiền hoàn toàn do nhà nước nắm giữ” - Supreeya Wungpatcharapon, trợ lý giáo sư ở Đại học Kasetsart từng nghiên cứu về nhà ở xã hội, nói với Reuters.

Tất nhiên, sẽ có vô vàn khó khăn trong việc triển khai các chương trình như vậy, nhất là với yêu cầu minh bạch, ý chí chính trị của người thực thi và một cơ cấu xã hội cho phép sự tham gia rộng khắp. 

Nhưng bất chấp những trở ngại đó, nhà ở xã hội, bởi những lợi ích lớn lao và rõ rệt của nó, nhất thiết phải có mặt trong nghị trình của mọi chính quyền.■

Nhà nước sẽ phải can thiệp mạnh tay hơn là phó mặc cho các “giải pháp thị trường” thuần túy, để có thêm nhiều người có nhà ở.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận