Một mô hình báo chí kỳ lạ: Vừa thổi còi vừa bán khống

NGUYỄN VŨ 14/06/2024 05:43 GMT+7

TTCT - Vừa viết bài điều tra, vừa mua bán cổ phiếu của các công ty bị đăng bài điều tra. Mô hình báo chí này hoạt động như thế nào?

Một nhóm vài nhà báo tài chính Mỹ kỳ cựu đã hợp tác với một nhóm các nhà đầu tư để lập ra hai tổ chức: Hunterbrook Media, chuyên viết bài điều tra các công ty niêm yết và Hunterbrook Capital, chuyên mua bán cổ phiếu của các công ty bị đăng bài điều tra. Họ đã hoạt động như thế nào?

Về nguyên tắc, các nhà báo kinh tế Mỹ không được mua bán cổ phiếu của các doanh nghiệp họ viết bài. Nói cách khác, họ không được khai thác đặc quyền nắm thông tin để hưởng lợi. Thế mà nhóm này lại công khai tuyên bố sẽ giao dịch cổ phiếu dựa vào tin tức do chính họ khai thác.

Ảnh: The Hustle

Ảnh: The Hustle

Lấy ví dụ, Hunterbrook Media thu thập tài liệu để viết về Công ty ABC, rằng công ty này có nhiều gian dối sổ sách, sắp bị điều tra. Thông tin này chưa đăng tải, họ đã chuyển nó sang cho Hunterbrook Capital để "bán khống" cổ phiếu ABC, tức vay cổ phiếu này, ví dụ với giá 5 đô la/cổ phiếu, rồi bán ra ngay thị trường.

Sau khi Hunterbrook Media đăng tin về ABC, thị trường phản ứng, giá cổ phiếu ABC giảm còn 1 đô la. Lúc này Hunterbrook Capital sẽ mua ABC với giá rẻ, trả lại cổ phiếu đã vay và bỏ túi khoản chênh lệch.

Theo thỏa thuận, Huntebrook Capital sẽ chia lợi nhuận cho Hunterbrook Media để bên này có tiền "làm báo" tiếp.

Nhằm tránh vi phạm quy định cấm mua bán nội gián, họ sẽ chỉ đăng tin tức nào có nguồn công khai, tức là thông tin mở đã có sẵn, họ chỉ tổng hợp và phân tích. Bên đầu tư sẽ mua bán cổ phiếu trước, bên đăng sẽ đưa bài viết lên sau. Cựu tổng biên tập tờ Wall Street Journal, Matt Murray đóng vai trò cố vấn.

Nhóm viết bài bao gồm một số cựu nhà báo của WSJ, BBC, Barron's có mục tiêu sản xuất các bài điều tra có chất lượng, tạo ra tác động lên thị trường.

Thật ra họ không giới hạn vào cổ phiếu mà còn giao dịch ngoại tệ, hàng hóa thương phẩm và các loại tài sản khác, tức đối tượng đưa tin của họ không chỉ là doanh nghiệp mà còn là cả ngành hay cả một nước nữa.

Hunterbrook Media có phải là báo chí không? Theo nghĩa được chấp nhận rộng rãi, đây không phải là hoạt động báo chí vì họ không thể cử người phỏng vấn các nhân vật liên quan đến công ty được nêu tên. Khai thác các tin chưa công khai để hưởng lợi là vi phạm quy định của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC).

Do đó, các cựu nhà báo sẽ đóng vai trò là người nghiên cứu, sục sạo các nguồn dữ liệu lớn, hàng ngàn trang tài liệu công khai, kể cả hình ảnh vệ tinh hay cử người đến các địa phương xa xôi, nơi báo chí chính thống thường bỏ qua để khai thác các thông tin tại chỗ.

Ngay sau khi ra mắt, Hunterbrook Media chào sân bằng bài viết cáo buộc UWM, hãng tài chính cho vay mua nhà trả góp lớn nhất nước Mỹ nói dối.

Đại khái, Hunterbrook Media cho rằng UWM quảng cáo với người mua nhà là họ làm việc với các công ty môi giới độc lập, quan tâm đến lợi ích của người mua nhà, chọn từ hàng chục nhà môi giới để tìm ra nơi phù hợp với khách hàng nhất.

Thực chất UWM, theo bài viết, o ép các nhà môi giới này bằng nhiều cách để các nhà môi giới này chỉ giới thiệu khách hàng cho UWM. Sau đó Hunterbrook Capital đã "bán khống" cổ phiếu của UWM và đầu tư vào cổ phiếu của một hãng đối thủ là Rocket Mortgage.

Đáng buồn cho Hunterbrook, một tháng sau đó, giá cổ phiếu UWM lại lên trong khi giá cổ phiếu của Rocket Mortgage giảm nhẹ - xem như chiêu thức của họ đã thất bại.

Cho đến nay bên Capital chỉ khai thác chừng 50% tin bài bên Media để mua bán cổ phiếu; nhiều bài với tít tựa khá hấp dẫn bên Media không kéo theo động thái "bán khống" bên Capital, có lẽ vì chưa chắc ăn chuyện lời lỗ.

Mô hình Hunterbrook do hai nhân vật đứng ra thành lập: Nathaniel Brooks Horwitz và Sam Koppelman, cả hai mới 28 tuổi, đều tốt nghiệp từ Đại học Harvard.

Có lẽ xuất thân của hai người này đã giúp họ nhanh chóng có sự hỗ trợ của nhiều nhân vật danh tiếng: Horwitz có cha là một nhà báo từng đoạt giải Pulitzer và mẹ là một nhà văn cũng từng đoạt giải Pulitzer; cha của Koppelman là nhà sản xuất truyền hình nổi tiếng, mẹ cũng là nhà văn. Nhờ cha mà Koppelman được diễn viên Matt Damon viết thư giới thiệu để kèm vào hồ sơ tuyển sinh vào Harvard.

Chẳng lạ gì, sau tuyên bố khởi nghiệp của Horwitz và Koppelman, Hunterbrook đã thu hút khá bộn tiền đầu tư, gồm 100 triệu đô la cho Hunterbrook Capital và 10 triệu đô la cho Hunterbrook Media. Kinh phí hoạt động của bên viết bài chừng 5 triệu đô la mỗi năm, nên khoản vốn đầu tư 10 triệu đô la năm ngoái sẽ giúp Media có tiền xoay xở đến cuối năm nay.

Bên Capital đang tính phí quản lý cho người đầu tư chừng 2% cộng thêm 20% phí nếu có lãi. Nếu mô hình này thành công, bên Capital sẽ trang trải chi phí hoạt động cho bên Media, bằng không cả hai sẽ phải sớm giải thể.

Trước Hunterbrook cũng từng có Hindenburg Research đi theo mô hình này khi thực hiện các báo cáo về các công ty họ cho là có vấn đề rồi bán khống cổ phiếu của chúng như thực hiện báo cáo về hãng xe điện Nikola cáo buộc hãng này lừa dối khách hàng và nhà đầu tư để thổi giá cổ phiếu. Ngay sau đó cổ phiếu của Nikola giảm 40%; SEC vào cuộc điều tra, cuối cùng CEO Nikola từ chức và bị khởi tố. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận