Mùa "phong lưu"

LÊ MINH NHỰT 20/07/2014 20:07 GMT+7

TTCT - Chỉ có dân làm biếng mới đợi tới mùa mưa mới ăn ốc. Cậu từng nói với mình vào mùa hạn của một năm nào. Còn nhớ rõ buổi sớm mùa xa lắc đó, cậu dắt cháu ra đồng.

Minh họa: VIIP

Cây mác vót trên tay, cậu xom thoăn thoắt vào chân bờ, vừa xom vừa bật mũi mác, hễ sau một tiếng rột lạ tai vang lên là đã bắn ra vài con ốc lát. Có khi xom trúng ổ, cậu ngồi bẹp xuống, cạy nhẹ mớ đất khô queo cứng còng bên trên là đã lộ ra vài chục con ốc lát đang say ngủ suốt mùa hạn.

Tới bây giờ mình vẫn tin rằng ốc lát mùa hạn là loại thịt sạch nhất trần đời, bởi con ốc lát vùi mình sống khổ hạnh trong đất suốt sáu tháng nắng ròng rã. Chỉ khi đến mùa mưa chúng mới phá đất chui ra đi kiếm ăn, lúc này phải ngâm nước vo gạo cho sạch nhớt, thêm lá sả, lá ổi vừa át mùi tanh vừa phòng “tào tháo rượt”.

Giờ thì có lộn trái hết đồng đất xứ mình lên cũng không tài nào nhìn thấy được một con ốc lát nào nữa. Cứ như tụi sinh vật bé nhỏ ấy vào một mùa hạn, đâm buồn tình đã vĩnh viễn lặn sâu hoặc bốc hơi ngay vừa khi lũ ngoại lai được trịnh trọng rước về.

Giữa mùa mưa khi lúa ngậm sữa thì chỉ cần vài chục cần câu, năm ba cái lờ, vài thước lưới. Chiều tối, làm siêng lội vài vòng ngoài ruộng là ngày hôm sau khỏi tốn tiền chợ. Muốn chế biến món gì thì tùy nhưng cỡ nào cũng phải có ơ cá rô kho trái giác, nhấc xuống khỏi bếp, bên trong cái ơ đất nước vẫn còn sôi lắc rắc với tóp mỡ nhảy dựng (phần này dành riêng cho ông già chồng).

Cá rô đồng ăn lúa ngậm sữa, con nào con nấy mập ú, kho lên là đã thấy sóng sánh lớp mỡ. “Rau cỏ” mọc đầy giữa đồng, ngoài vườn vào mùa mưa. Nhớ được mấy chỗ hái rau đồng, từng một thời cũng được liệt vào một trong những tiêu chuẩn dâu giỏi của mấy bà già chồng ở xứ mình.

Cuối mùa mưa đồng đất lại đãi con người một bữa thịnh soạn: mùa cá về đìa. Trời chạng vạng tối, đứng ở họng đìa còn nhìn thấy từng cú nhảy tưng bừng của những con cá lóc mọc râu, tiếng xé nước phăm phăm của bầy rô mề... dường như trong tiềm thức, tất cả lũ cá đều nhớ đường về “nhà”.

Xứ mình đặt tên cho bữa thịnh soạn ấy là tát đìa: tát cạn nước trong ao để bắt cá, khởi thủy tát bằng gàu, sau đó mới ứng dụng khoa học kỹ thuật: dùng máy bơm nước ra. Còn bắt cá bằng lưới ém từ trên mé đìa rồi kéo lần xuống tận đáy, khép kín lưới lại kéo cá lên thì gọi là chụp đìa. Cách thứ hai này sót cá nhiều hơn cách thứ nhất nhưng lại có ưu thế là chừa lại kha khá giống má cho mùa sau.

Riêng cách thứ ba “bất nhơn” trên hết, đó là sau khi tát cạn đìa thì dùng điện để “xiệc”. Mỗi khi hai que sắt dẫn điện chọc xuống sình thì từ con cá lòng tong khờ khạo cho đến con chạch, con lươn trơn tuột nổi tiếng ma mãnh nhất cũng “đố cha thoát khỏi tay ông Hội”.

***

Dân xứ mình sống nhờ vào đồng ruộng, “phong lưu” nhất lại là vào mùa mưa. Bởi vậy khi cơn mưa đầu mùa vừa kéo về là cả xóm bừng tỉnh, như con ốc lát nếm được vị của từng giọt nước trời len lỏi qua từng kẽ đất. Mưa đầu mùa báo hiệu một cuộc “đi săn” mới.

Ruộng vừa xem xép nước thì bắt cá nhảy hầm, đập chuột, soi ếch... Khi mạ lún phún trên tất cả cánh đồng thì chuyển sang cắm câu rắn, nhấp cá lóc hay lùng sục “rau tuyệt đối an toàn” mang ra chợ. Lúc con đê ngăn mặn chưa được bêtông hóa, tầm bốn năm giờ sáng đã nghe rộn ràng tiếng bước chân của dân xóm, phần lớn là phụ nữ, tay xách nách mang “sản phẩm” còn đẫm mùi quê xứ đi “tham gia thị trường”.

Nhờ những mùa mưa và đồng đất hào phóng mà nhiều gia đình xứ mình đỡ khổ, có người sau gần hai chục mùa mưa từ tay trắng đã gầy dựng được cơ ngơi. Quan trọng hơn (nhưng nghe có vẻ nghịch lý) là sửa soạn được mớ hành trang cần thiết để con cái của họ thoát khỏi đồng đất xứ này.

Vẫn còn đó cánh đồng, vẫn còn đó những người nông dân với bất tận luân chuyển mùa màng, nhưng niềm háo hức về một mùa mưa đã không thể như xưa bởi “mình” mãi nuôi dưỡng sự “hồn nhiên” từ muôn thuở: chỉ biết nhận về.

Sau bao mùa thất bát, thêm năm ba mùa “đi săn” trở về nhẹ hẫng hai tay, không ít “thợ săn” dày dạn đã cảm khái thốt lên: Đất đai bây giờ, thiệt tình, không hiểu nổi!

Hóa ra dù cho sống với đất đủ lâu, hay quá lâu đi chăng nữa, dân xứ mình vẫn không tài nào hiểu hết ngọn ngành nết đất!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận