Mùa xuân thần thánh tung tăng

PHẠM HOÀNG QUÂN 14/02/2023 17:23 GMT+7

TTCT - Trong hai năm đại dịch, thần thánh khắp nơi đâu đâu cũng im re, những tưởng đã giảm phần lớn oai lực, ai dè không phải vậy.

Trong hai năm đại dịch, thần thánh khắp nơi đâu đâu cũng im re, những tưởng đã giảm phần lớn oai lực, ai dè không phải vậy. Xuân này, nhiều cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và dân gian đủ thứ vốn từng bị coi là đầu mối lây nhiễm lại đông rần rần, lễ hội đủ trò còn hoành tráng hơn trước.

Cá lóc nướng ngày Thần tài được bán trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Quang Định

Cá lóc nướng ngày Thần tài được bán trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Quang Định

Mở màn sau ba ngày Tết, thấy ông Thần Bút dựng như tên lửa diễu qua nhiều con đường ở thành phố hoa phượng đỏ, nhà binh thì diễu binh, nhà cầm viết ký thì diễu bút vậy. Theo cái cớ nhà Mạc nhờ cây bút mà tổ chức thi cử lấy đỗ được nhiều trạng nguyên tiến sĩ, thì năm chục năm sau, có khi ông Thần Máy tính sẽ ngồi kiệu dạo quanh phố phường.

Kế đến là "lễ nghinh thần xuất du theo hai con đường, đường bộ và đường thủy" với đội ngũ diễn xướng cả ngàn người ở thành phố Biên Hòa. Ông thần chánh của lễ hội này là Quan Vũ, vốn được thờ theo tín ngưỡng dân gian của một số người Hoa và số rất ít người Việt. Chùa Ông (thờ Quan Vũ) và Chùa Bà (thờ Thiên Hậu) là nơi thờ tự quan trọng bực nhứt, bắt nguồn từ những thương nhân người Hoa. Cũng dịp Nguyên tiêu này, ở Chợ Lớn "thỉnh ngài Quan Thánh xuất môn tuần du" tiền hô hậu ủng rần rần rộ rộ, qua bảy tám con đường rồi trở về chỗ.

Tín ngưỡng là điều ai cũng tôn trọng, nhưng không gian tín ngưỡng là nơi có quy định của pháp luật xã hội. Nói không ngại mích lòng và cũng nói vì công bằng xã hội thì những người thờ Quan Vũ đừng có chọc quê mấy người không ưa Quan Vũ nghe, việc đưa ông thần này tung tăng dạo phố e không hợp lễ và hợp pháp cho lắm. Có rất nhiều ông già khi đọc truyện Tam Quốc xong nói là Quan Vũ kênh kiệu khinh người quá đáng, tướng Đông Ngô cũng oai phong rờ rỡ, cũng khí chất siêu phàm mà ổng cứ kêu người ta là bọn chuột này chuột nọ.

Một lễ hội dân gian ở địa phương nào đó dần đông người đến dự là chuyện khác với việc khiêng tượng thần của một cộng đồng nhỏ đi các nơi nhằm biểu thị tôn kính hay quảng bá gì đó. Luật pháp bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng thì cũng bảo vệ người tự do không tín ngưỡng. Lấy một trường hợp cụ thể, không ai có quyền đến miếu thờ Quan Công nói lời xúc xiểm, và những người tín ngưỡng Quan Công cũng không nên đưa hình tượng Quan Công làm ồn ào đường phố, vốn là nơi chung của nhiều thành phần xã hội.

Chưa kể tín ngưỡng dân gian có rất nhiều điểm không còn phù hợp với đời sống văn minh hiện nay, đáng lẽ phải loại bỏ nhưng lại biến tướng tệ hại hơn xưa.

Mối tệ lớn nhứt là hủy hoại môi trường. Lễ hội càng lớn thì những thứ hằm bà lằng bị đem thiêu đốt càng nhiều, từ vàng mã cho đến rác thải giấy nhựa các thứ.

Nếu đương xuân mà được nói lấn qua thu, cũng nói luôn chuyện mấy nhà chùa nên nghĩ tới sự tệ hại của trò thả hoa đăng lình bình trên sông rạch. Nguồn nước trong trời đất ta bà này là của quần sanh, không phải cõi riêng ai, mà giữ cho trong sạch là chuyện bấy lâu mong mỏi không được, sao còn bỏ thêm rác vô.

Người Nhật đang lo tính chuyện dọn rác vũ trụ, còn người nước Việt thì loay hoay lo dọn rác mê.

Mối tệ thứ hai là lấn chiếm đường phố, cản trở giao thông và gây ồn ào huyên náo. Cơ quan quản lý văn hóa e phải dàn xếp sao đó với các cơ sở thờ tự, để nơi nào không đủ sân bãi dung chứa số đông thì nên tự biết mà tổ chức lễ hội gọn gàng, không thể đổ cho việc tự dưng khách đùn đống.

Mối tệ thứ ba là thiếu bình đẳng xã hội. Những người không theo tôn giáo nào và không tin vào thần thánh dân gian luôn phải chịu đựng những phiền toái vô cớ như ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, kẹt xe… Là một thành phần lớn trong xã hội, họ không nên vô cớ mà bị như vậy, và những người tín Phật tín thần nghĩ cũng không nên hành hạ người khác như vậy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận