Mỹ - Ấn Độ: Đồng ý là sẽ có khác biệt

H.MINH 13/04/2022 20:04 GMT+7

TTCT - Trong khi Pakistan vừa có một tân thủ tướng hứa hẹn sẽ thuận tình với Mỹ hơn trong cuộc phong tỏa và cấm vận Nga hiện giờ, thì việc Washington nỗ lực lôi kéo hàng xóm 1,4 tỉ dân của Islamabad, Ấn Độ, lại chưa mang đến kết quả như mong đợi.

Ngày 12-4, cuộc gặp giữa những nhà lãnh đạo cao nhất hai nước: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ dẫn tới một kết quả mà báo chí Mỹ gọi là “đồng ý sẽ có khác biệt”. 

 
 Ảnh: The Quint

Cho tới nay, Ấn Độ vẫn chưa lên án cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine như mong muốn của Mỹ, dù Delhi cũng đã lựa chọn những từ ngữ khá mạnh mẽ, bao gồm việc nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng chủ quyền quốc gia. 

Cần biết, cuộc gặp này không có trong kế hoạch và do phía Mỹ yêu cầu. Trong khi ông Modi xác nhận lại chính sách không liên kết của Ấn Độ về phía Ukraine, “ông Biden... có vẻ thông cảm hơn với lập trường của Delhi”, theo bình luận của BBC. 

Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken khá thẳng thắn khi nói Ấn Độ “phải tự ra quyết định về cách tiếp cận thách thức này” và “quan hệ Nga - Ấn đã phát triển qua nhiều thập niên, khi mà Hoa Kỳ còn chưa thể là một đối tác của Ấn Độ”.

Blinken cũng nói rằng “thời đại đã thay đổi” và Mỹ giờ sẵn sàng trở thành đối tác được lựa chọn của Ấn Độ trong hàng loạt lĩnh vực, thương mại, công nghệ, giáo dục và an ninh. Hay nói đơn giản như nhà cựu ngoại giao Ấn Độ Anil Triguniyat: “Hai phía đều có quá nhiều thứ để mất trong mối quan hệ này”.

Một trong những thứ đó là vai trò then chốt của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. “Trung Quốc đang tìm cách định hình lại khu vực và hệ thống quốc tế nói chung theo những cách thức phục vụ cho lợi ích của họ”, cũng lời ông Blinken khi nói về vai trò của Ấn Độ trong khu vực.

Washington còn phải chấp nhận thực tế rằng Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ - chiếm hơn 50% vũ khí nhập khẩu của nước này. Trong khi đó, Mỹ là nước bán vũ khí nhiều thứ hai cho Ấn Độ giai đoạn 2011 - 2015, nhưng đã bị Pháp và Israel qua mặt giai đoạn 2016 - 2021. 

Lý do không nhất thiết là chuyện giá cả hay chất lượng: “Mỹ cần đưa ra cam kết về chuyển giao công nghệ nếu muốn bán nhiều vũ khí hơn cho Ấn Độ”, nhà cựu ngoại giao Jitendra Nath Misra nói, đồng nghĩa vấn đề ở đây còn là lòng tin giữa hai phía.

Về thương mại, trong khi Ấn Độ tuyên bố đã và vẫn sẽ tiếp tục mua dầu mỏ từ Nga, Mỹ đã tăng đều lượng xuất khẩu cả dầu thô lẫn sản phẩm từ dầu cho Ấn Độ, chiếm 15% tổng thương mại song phương vào năm 2021, tương đương 113 tỉ đôla. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận