Myanmar chuyển đổi

DANH ĐỨC 20/06/2013 02:06 GMT+7

TTCT - Myanmar một lần nữa lại được nhắc đến tuần qua với Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á lần thứ 22 tổ chức tại thủ đô Naypyidaw. Tính từ “can đảm” trong chủ đề “Sự chuyển đổi can đảm hướng tới hội nhập và phát triển bền vững” của hội nghị tóm tắt chính xác tiến trình chọn lựa ở đất nước này.

Phóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) cùng Tổng thống Myanmar Thein Sein tại lễ khai mạc hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á ngày 6-6 ở Myanmar - Ảnh: Reuters

Nếu nhớ rằng hội nghị đầu tiên WEF năm 1971 do giới doanh thương châu Âu tổ chức tại Davos từ một sáng kiến của giáo sư kinh tế học Klaus Schwab, và sang đầu thập niên 1990 càng nổi lên như là biểu tượng tột đỉnh của kinh tế thị trường, thì việc những nhà lãnh đạo Myanmar mạnh dạn đăng cai tổ chức WEF, chỉ hai năm sau cải cách, cho thấy họ khát khao “tầm sư học đạo” đến đâu qua sự kiện này.

Như định nghĩa của WEF năm nay: Với sự tham gia của những nhà quyết định cao cấp từ giới công thương, chính phủ, học giả và xã hội, hội nghị này sẽ là cơ hội có một không hai giúp hiểu biết và định hình những cải cách đang tiến hành cùng quá trình hòa giải của Myanmar, đồng thời giúp dẫn dắt khối ASEAN gồm 10 nền kinh tế thành viên đến việc hội nhập kinh tế dự trù vào năm 2015.

Di sản nặng nề

“Tôi kỳ vọng Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực”

(Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại WEF)

Tại sao chủ đề của WEF lần này lại gồm cụm từ “Sự chuyển đổi can đảm”? “Chuyển đổi” từ cái gì mà cần phải “can đảm”? Nửa thế kỷ trước, vào ngày 2-3-1962, tướng Ne Win đảo chính cướp chính quyền. Từ đó, quân đội kiểm soát mọi thứ.

Hậu quả của nửa thế kỷ bế quan tỏa cảng dưới ách quân đội là những cái điện thoại bàn đặt trên ghế đẩu sử dụng như điện thoại công cộng khắp phố xá ở Myanmar. Là một đoàn xe hiếm hoi mà đa số thuộc thế hệ 1950-1960, tuy cũng đã có những chiếc xe bóng lộn mới được nhập. Là chỉ có 26% dân số (trên 60 triệu người) được bật tắt công tắc điện hằng ngày cho dù Myanmar có một nguồn dầu khí dồi dào... Là đến năm 2012 mới bắt đầu biết đến đấu thầu (quốc tế)... do bị cấm vận.

Tháng 12-2010, những du khách đầu tiên của đường bay thẳng từ TP.HCM đi Rangoon đã ngơ ngác trước sự “xơ xác” của thành phố này và đất nước này. Ấy vậy mà chỉ hai năm sau, khách sạn cổ kính bên hồ Inya “vô phương liên lạc ra nước ngoài” nay đã tăng giá phòng gấp ba và đã kịp cung cấp dịch vụ WiFi miễn phí! Những chiếc xe bóng lộn đã bắt đầu chen vào những chiếc Toyota cổ lỗ thập niên 1950-1960 (1).

Dẫu sao, di sản của nửa thế kỷ bế quan tỏa cảng vẫn còn đó: Myanmar ở năm thứ hai của hiến pháp 2011 vẫn còn nghèo, GDP/đầu người vẫn còn thấp so với Việt Nam, mới chỉ 834 USD (theo IMF, World Economic Outlook Database, tháng 4-2013) nên mới là “vùng đất hứa” của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam.

Phóng to
Trên đường phố Yangon, nhiều người bán dạo rao bán các văn bản luật về đầu tư - Ảnh: Đ.V.

“Can đảm chuyển đổi" là gì?

Trở lại cuộc phỏng vấn Tổng thống Thein Sein do Christiane Amanpour của CNN thực hiện hôm 24-5, có thể thấy sự chuyển đổi từ quá khứ đó không phải là dễ. Nhà báo Amanpour đặt vấn đề: Đại đa số dân chúng Myanmar vẫn đang sống trong nghèo khó, chưa đến 1 USD/ngày. Trong khi đó, phần lớn những ai được hưởng lợi từ các cải cách là các tầng lớp thị dân... Ai cũng thấy rằng tham nhũng là một vấn nạn lớn ở Myanmar. Người ta nói rằng bản thân ông không tham nhũng, nhưng nhiều người khác thì có. Ông có nhất trí rằng đó là một vấn đề cực lớn?

Thein Sein: ...Myanmar, cũng như các nước khác, đều có những vấn đề tham nhũng của mình. Song chính phủ chúng tôi quyết tâm là một chính phủ sạch sẽ, một chính phủ đàng hoàng. Thành ra, chúng tôi đang cố sức làm giảm tham nhũng và, nếu được, loại bỏ tận gốc tham nhũng ra khỏi đất nước chúng tôi. Để loại bỏ tận gốc tham nhũng, chúng tôi đang ra sức tiến hành ba kế hoạch. Trước hết, chúng tôi ra sức phát triển kinh tế vì sự sung túc của dân chúng. Kế đến, chúng tôi ra tay hành động chống lại các quan chức tham ô. Sau cùng, chúng tôi đang ra sức giáo dục dân chúng “miễn nhiễm” với tham nhũng.

Hai vế đầu tiên mà ông Thein Sein đề cập là điệp khúc quen thuộc. Thế nhưng, vế thứ ba, “giáo dục dân chúng miễn nhiễm với tham nhũng” lại là một điều ít khi nghe nói đến, tuy rằng đây mới chính là bài quan trọng nhất trong bài bản xóa bỏ tham nhũng tận gốc tại các nước trên thế giới. Một chính quyền “sạch” không hề tự nhiên mà “sạch”. Những nước có chỉ số tham nhũng (CPI) tốt nhất là những nước mà từ lâu người ta đã kiên trì giáo dục dân chúng nói không với tham nhũng, đồng thời tạo điều kiện cho dân chúng làm được điều đó.

Không đâu xa, Singapore, chỉ sau hai thế hệ, nay thế hệ thứ ba đã không biết đến đút lót là gì, y hệt như chưa từng nghe, thấy đốt pháo, nhai kẹo cao su, sẽ không cần phải đốt pháo, nhai kẹo cao su... Nhiều nước vẫn đang chịu nạn tham nhũng như rươi, song cũng đang hướng đến một “xã hội miễn nhiễm với tham nhũng”, và dứt khoát hiểu rằng “luật pháp phải bảo vệ được việc các công dân tin nơi luật pháp và quyền được tin nơi luật pháp”... như Ấn Độ, Pakistan, Peru... (2).

Là một “miền đất hứa” nên các cơ hội tham ô rất nhiều. Thế cho nên, diễn đàn WEF đã dành một khóa thảo luận về vấn nạn nhức nhối ở các nước đi trước Myanmar. Giáo sư Roy Prosterman của Viện nghiên cứu Landesa đem đến cho các viên chức Myanmar những bài học “xương máu” trong việc đền bù giải tỏa đất đai ở Trung Quốc và những kinh nghiệm tốt đẹp hơn của Thái Lan...

Thảm kịch là do các chủ dự án thường cho rằng chính quyền địa phương, một số vai vế ở địa phương hoặc trong gia đình, có thể nói chuyện thay cho cả cộng đồng... Nữ giáo sư Ardeth Maung Thawnghmung của Đại học Massachusetts Lowell, vốn là người gốc Myanmar, nêu vấn đề đền bù thu hồi đất. Theo bà, nhất thiết ở Myanmar cần phải đặt ra những hướng dẫn chung về quyền sử dụng đất, cơ chế tranh chấp và hướng dẫn về bồi thường công bằng về tài sản bị giải tỏa.

Song song, cần có những nỗ lực đồng thời để cải thiện các phương tiện truyền thông sao cho không chỉ trở thành một bộ phận giám sát có hiệu quả mà còn có trách nhiệm... giúp cung cấp thông tin cho công chúng về toàn bộ quá trình... (của dự án) (3).

Những báo cáo như trên không xa lạ gì. Vấn đề là nếu muốn “giáo dục dân chúng miễn nhiễm với tham nhũng”, như Tổng thống Thein Sein muốn, thì không chỉ các quan chức Myanmar mới được nghe ở diễn đàn WEF, mà cả dân chúng sau đó cùng nghe và được giải thích trên báo chí. Cần “can đảm” để “chuyển đổi” là ở chỗ đó.

___________

(1): Ken Turner, Myanmar must seize the moment - at home and abroad, REUTERS Jun 7th 2013
(2):
http://www.cmi.no/publications/file/3004-corruption-free-education.pdf
http://justjoicy.wordpress.com/2013/02/26/the-role-of-youth-towards-corruption-free-society/
(3): //www.bangkokpost.com/business/wef/354267/land-appropriation-seen-as-volatile-issue.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận