Nền kinh tế "gig": Cuộc đua xuống đáy ?

HẠNH NGUYÊN 07/04/2018 02:04 GMT+7

TTCT - Các lái xe - đối tác của Uber tại Việt Nam - rất hoang mang sau khi Grab Group tuyên bố mua lại Uber Đông Nam Á và hợp nhất hai ứng dụng từ ngày 8-4.

Áp lực công việc không tương xứng với các phúc lợi cho những tài xế tưởng rằng họ được làm việc tự do. Ảnh: The Ringer
Áp lực công việc không tương xứng với các phúc lợi cho những tài xế tưởng rằng họ được làm việc tự do. Ảnh: The Ringer

 

Rất nhiều người trong đấy thuộc về lực lượng lao động tham gia “gig economy” - nền kinh tế của những công việc tạm, ngắn hạn, mang tính thời vụ đang bùng phát vài năm trở lại đây nhờ sự lên ngôi của các nền tảng kỹ thuật số giúp kết nối mọi người.

Nền kinh tế “gig”

“Gig” có thể hiểu là một công việc tạm bợ, thời vụ trong khi chờ một việc làm chính thức, lâu dài. Trước đây, gig hay được hiểu là những việc cho sinh viên làm thêm, người lao động ngắn hạn, bán thời gian, như các công việc phục vụ nhà hàng, quán bar, khu du lịch...

Đặc điểm của nền kinh tế đó là hợp đồng ngắn hạn, công việc tự do, tự quản, thay vì việc làm lâu dài, chịu sự kiểm soát, trả lương thường xuyên và có các phúc lợi từ người thuê lao động. Riêng tại Anh, số lao động kiểu này hiện đã lên tới 5 triệu người, và gần 1/4 người lao động Mỹ đang có thu nhập từ nền kinh tế nền tảng kỹ thuật số, một trọng điểm của nền kinh tế gig hiện tại. Thống kê cũng cho thấy 53 triệu người Mỹ, tức hơn 1/3 lực lượng lao động, là những người lao động tự do (freelancer).

Kiểu làm việc này thuận lợi ở chỗ giờ giấc linh hoạt, được chọn công việc phù hợp với khả năng và hứng thú, để dành thời gian cho những ưu tiên khác trong cuộc sống, cân bằng cuộc sống - công việc. Lý tưởng nhất là mô hình người lao động được quyền chọn công việc họ quan tâm, thay vì buộc phải làm các việc mà họ có thể không đủ khả năng để giữ việc trước nhiều áp lực cạnh tranh.

Nhưng những lợi ích đó có thể phải trả giá đắt: phúc lợi việc làm như bảo hiểm, lương hưu, nghỉ thai sản, nghỉ ốm, nghỉ phép được trả lương..., bị cắt giảm tối đa hoặc không có.

Đó là môi trường làm việc hiện thân của sự khai thác đến tận cùng và rất ít sự bảo vệ dành cho người lao động. Những ai tham gia nền kinh tế gig, nếu bị sa thải bất công cũng không được bảo vệ, không có quyền lợi nhận bồi thường thôi việc, không có lương tối thiểu theo tiêu chuẩn quốc gia...

Sự tăng trưởng của nền kinh tế gig có thể nhanh hơn so với chúng ta trông đợi. Nghiên cứu của Intuit dự báo vào năm 2020, 40% người Mỹ sẽ là những “người làm việc với hợp đồng độc lập” (independent contractor).

Công nghệ đóng vai trò quyết định: lực lượng lao động giờ cơ động hơn bao giờ hết, và cũng đang có nhiều công việc hơn bao giờ hết có thể làm từ bất kỳ đâu. Công nghệ cũng khiến nhiều công ăn việc làm cho con người biến mất, áp lực tài chính buộc ngày càng nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, trong khi thế hệ thiên niên kỷ (sinh vào đầu những năm 1980 tới đầu những năm 2000) năng động, tự do và am tường công nghệ tham gia và có vai trò ngày càng lớn trong lực lượng lao động.

Nền kinh tế gig cũng chỉ là một phần của môi trường kinh doanh và văn hóa đang thay đổi chóng mặt, bao gồm nền kinh tế chia sẻ (sharing economy), nền kinh tế quà tặng (gift economy) và nền kinh tế đổi chác (barter economy).

Tính chất của việc làm sẽ thay đổi hoàn toàn trong nền kinh tế gig. Ảnh: rstreet.org
Tính chất của việc làm sẽ thay đổi hoàn toàn trong nền kinh tế gig. Ảnh: rstreet.org

 

Công nhân hay “người hợp đồng độc lập”?

Trong nền kinh tế gig, doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lực qua cắt giảm chi phí phúc lợi, không gian văn phòng và đào tạo nhân sự. Họ cũng có khả năng thuê được các chuyên gia hoặc nhân sự kỹ thuật cao cho những dự án cụ thể, vốn dĩ sẽ rất tốn kém nếu thuê những nhân sự lâu dài.

Nhưng đằng sau mỗi báo cáo kinh doanh là số phận con người cụ thể, những “người hợp đồng độc lập”. Tháng 2-2017, Công ty Pimlico Plumbers ở London đã thua kiện trong một phiên tòa phúc thẩm, khi tòa phán quyết một trong những thợ bơm làm việc lâu năm của công ty được hưởng các quyền cơ bản của người lao động, trong đó có cả việc được nghỉ phép được trả lương, thay vì chỉ là “người hợp đồng độc lập”. Đó chỉ là một trong nhiều vụ mà pháp luật phải can thiệp ở Anh khi những doanh nghiệp tìm cách coi nhân viên như “người hợp đồng độc lập” để không phải chi trả các phúc lợi cơ bản cho họ.

Trong một ví dụ khác, tài xế Uber ở Anh tháng 10-2016 đã thắng trong vụ án đòi quyền là “người lao động” (worker) thay vì chỉ là “người có hợp đồng độc lập”, đồng nghĩa giờ họ sẽ được nghỉ phép có lương và nhận lương tối thiểu. Đây là một thắng lợi mang tính bước ngoặt cho khoảng 40.000 lái xe ở Anh và Xứ Wales. (Uber đang kháng án).

Tương tự, tháng 1-2017, tòa án phán quyết Hãng chuyển phát Maggie Dewhurst, thuộc Công ty kho vận City Sprint, phải đảm bảo các quyền cơ bản cho người lao động.

Vấn đề quyền của người lao động ở các công ty tham gia nền kinh tế gig có tính lan tỏa với nhiều rủi ro hệ thống. Người lao động bị tước mất các quyền cơ bản không chỉ là chuyện của cá nhân họ, mà sẽ ảnh hưởng tới cả mạng lưới phúc lợi xã hội.

Các nghiên cứu ở Anh cho thấy nền kinh tế gig đã gây ra thâm hụt tiền thuế và ngân sách cho chính phủ. Văn phòng phụ trách ngân khố Anh (OBR) ước tính năm 2020-2021, Bộ Tài chính sẽ thiệt hại 3,5 tỉ bảng (4,9 tỉ USD) vì các doanh nghiệp gig không đóng thuế.

Khảo sát mới nhất của Marketplace-Edison Research Poll cho thấy 1/4 người lao động Mỹ tham gia nền kinh tế gig có những lo lắng về tiền bạc cao hơn rõ ràng so với những người lao động lâu dài. Họ lo không đủ tiền cho những nhu cầu căn bản hay trong trường hợp đột xuất và nói những công việc gig có thể không sử dụng hết kỹ năng, kinh nghiệm và nền tảng học vấn của họ.

Kinh tế gia của Đại học Harvard Lawrence Katz nói nhiều người đang cảm thấy họ kiếm không đủ sống trong nền kinh tế gig. Katz và kinh tế gia ở Đại học Princeton, Alan Krueger, đã thực hiện nghiên cứu về việc làm trong nền kinh tế gig và thấy rằng khi không có chủ thuê nhân sự ổn định, người làm sẽ có ít chế độ hơn, lương thấp hơn, sự ổn định thu nhập kém hơn nhiều.

Đáng nói hơn, đó có thể là tương lai của việc làm, khi 59% người được hỏi tham gia vào nền kinh tế gig ở độ tuổi 25-34 nói đây là nguồn thu nhập chính của họ.

Những hậu quả là nhãn tiền. Trang TruthDig mới đây kể lại trường hợp một tài xế 65 tuổi ở New York (Mỹ) treo cổ trong gara với thư tuyệt mệnh nói rõ các công ty như Uber và Lyft đã khiến ông không thể kiếm đủ tiền để sống.

Trong 4 tháng qua, đây là vụ tài xế tự sát thứ tư tại New York. Lượng xe quá lớn và cạnh tranh về giá dưới mức chi phí hoạt động khiến những người lái xe không còn đường sống. TruthDig gọi đây là “một xã hội nông nô tân phong kiến” khi trong nhiều nghề nghiệp, không hề tồn tại luật lao động, lương tối thiểu, phúc lợi, bảo hiểm thất nghiệp... Những người đi làm tuyệt vọng và nghèo khổ buộc phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày, và kéo giá của nhau đi xuống.

Người viết bài này từng dùng ứng dụng Uber gửi một món hàng từ trung tâm Q.1 (TP.HCM) tới Thảo Điền (Q.2), và giá tiền là 27.000 đồng. Trừ đi xấp xỉ 30% cho nhà cung cấp ứng dụng, tiền xăng, khấu hao xe, nhiều rủi ro, vài cuộc điện thoại, số tiền cho một cuốc xe nếu không kẹt xe hết 45 phút đó chưa đủ để người lái xe mua một ổ bánh mì.

Người lái xe phải tự lo bảo hiểm, không tiền lương hưu, không gì hết. Về cơ bản, họ nghỉ làm tức là nghỉ ăn, và tự mình lo cho mình. Họ, theo một cách nào đó, tạo ra những khối tài sản khổng lồ cho những kẻ ngồi trên đỉnh “chuỗi thức ăn” đang ngày càng nghiệt ngã.

Sự thức tỉnh của chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cuộc cạnh tranh xuống đáy của người lao động bằng cách giảm giá, tăng giờ làm, chấp nhận những thua thiệt với kỳ vọng sẽ có thêm thu nhập bằng việc bán sức lao động càng nhiều càng tốt chỉ có thể sẽ thay đổi với sự thay đổi nhận thức nơi doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tháng 3-2018, Công ty giao nhận DPD (Anh) cho biết họ đang đưa ra lựa chọn cho lái xe trở thành người lao động dài hạn, được những phúc lợi vốn từng là đương nhiên như nghỉ ốm có lương, nghỉ phép có lương và lương hưu. Lái xe sẽ không còn phải ký vào những hợp đồng tưởng như bình thường nhưng lại rất bất thường, loại bỏ những điều khoản liên quan tới phúc lợi.

Sự việc diễn ra sau cái chết của tài xế Don Lane, 53 tuổi, ở Christchurch Dorset, người chở hàng cho DPD trong 19 năm. Quá sợ hãi trước áp lực phải hoàn tất công việc, nếu không sẽ bị phạt 150 bảng/ngày, Don Lane, vốn bị đối xử như người làm tự do, chỉ nhận lương theo sản phẩm, đã phải hoãn 3 cuộc khám bệnh của ông và qua đời vì một cơn đột quỵ.

Những mặt tích cực của nền kinh tế gig là giảm giá cho người tiêu dùng, trong khi giúp người lao động được làm việc linh hoạt, nhưng nguy cơ là rất lớn khi người lao động đứng trước mối đe dọa bị vắt kiệt sức trong cuộc cạnh tranh về giá. “Tư duy tự mình làm chủ, và có thể làm việc đến chết là bằng chứng của một hệ thống kinh tế lầm lạc” - tác giả Jia Tolentino viết trên tờ The New Yorker.

Giữa những quảng cáo rùm beng và những bài hùng biện hay ho về nền kinh tế gig (mọi người đều kết nối, khách hàng vui vẻ hài lòng, và người lao động làm tốt mọi việc!) và các điều kiện cho phép những điều đó tồn tại (việc làm với mức lương đủ sống) vẫn tồn tại sự mâu thuẫn cố hữu và sâu sắc.

Quan trọng hơn, sự giàu lên của một số doanh nghiệp gig có thể khiến cái giá phải trả được dồn cho cả xã hội, như lời Taynya Plibersek, phó thủ lĩnh Công Đảng Áo viết trên tờ The Guardian đầu tháng 3-2018: “Những mô hình kinh doanh mới không được phép tạo ra cơ hội cho các công ty né thuế, hay né tránh việc trả lương phù hợp cho người lao động”.■

Tờ Entrepreneur cho biết theo Công ty tư vấn McKinsey & Company, khoảng 800 triệu người trưởng thành trên khắp thế giới sẽ phải tìm ra các cách thức mới để kiếm sống vào năm 2030. Có người sẽ đổi việc, có người sẽ tham gia thị trường việc làm tự do. Sự chuyển đổi này đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực, với 72% người ở độ tuổi thiên niên kỷ thích làm chủ chính mình, theo Intelligence Group. Intuit ước tính số người làm gig chiếm 34% nền kinh tế hiện giờ và sẽ tăng lên 43% vào năm 2020.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận