TTCT - Cuộc họp báo trưa thứ năm 4-1 của Nhà Trắng đã bắt đầu với những "tố khổ" Bắc Triều Tiên của đô đốc John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: The Daily BeastTheo ông, trong mấy ngày đầu năm 2024, Nga đã tung ra hàng loạt cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine bằng UAV và tên lửa, và điều này là do có sự hỗ trợ mà Nga đang nhận được từ các nước thứ ba, bao gồm Triều Tiên, quốc gia mà ông Kirby cho là "cùng chí hướng" với Nga.Những tố cáoVừa chiếu hình ảnh ghi lại việc phóng tên lửa từ Nga vào Ukraine cùng các đồ họa cho thấy khu vực mà Nga đã phóng tên lửa đạn đạo do Triều Tiên cung cấp trong hai ngày 30-12-2023 và 2-1-2024 cùng các vị trí bị tấn công trong lãnh thổ Ukraine hai ngày đó, ông Kirby quả quyết: "Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng CHDCND Triều Tiên gần đây đã cung cấp cho Nga các bệ phóng và vài chục tên lửa đạn đạo".Rồi ông đi vào chi tiết: "Hôm 30-12, lực lượng Nga đã phóng ít nhất một trong các tên lửa đạn đạo này của Triều Tiên vào Ukraine. Tên lửa này dường như đã rơi xuống một bãi đất trống ở vùng Zaporizhzhia. Qua ngày 2-1, Nga đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào Ukraine, cả ban ngày lẫn ban đêm. Chúng tôi vẫn đang đánh giá tác động của những tên lửa này".Ông cảnh báo: "Chúng tôi dự đoán Nga sẽ sử dụng thêm tên lửa của Triều Tiên để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và giết hại thường dân Ukraine vô tội". Đặc biệt, ông lưu ý chi tiết: "Những tên lửa đạn đạo này của Triều Tiên có tầm bắn khoảng 900km", trước khi kết luận: "Đây là sự leo thang đáng kể và đáng lo ngại trong việc hỗ trợ của Triều Tiên cho Nga".Triều Tiên chi viện Nga tên lửa đạn đạo, đổi lấy gì từ Nga? Đô đốc Kirby tự trả lời: "Chúng tôi đánh giá rằng Bình Nhưỡng đang tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Nga, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, xe bọc thép, thiết bị hoặc vật liệu sản xuất tên lửa đạn đạo và các công nghệ tiên tiến khác. Điều này sẽ có những tác động liên quan đến an ninh với bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Ông Kirby không quên nêu chuyện Nga đang ráo riết đàm phán với Iran để mua tên lửa tầm gần, song nhấn mạnh: "Chúng tôi không tin rằng Iran đã chuyển tên lửa đạn đạo tầm gần cho Nga".Ảnh: ReutersÔng Kirby sau đó giở lý lẽ và luật pháp ra: "Việc Nga mua tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên vi phạm trực tiếp nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cùng các đồng minh và đối tác của mình, chúng tôi sẽ nêu các thỏa thuận vũ khí này trước HĐBA LHQ, đồng thời sẽ yêu cầu Nga phải chịu trách nhiệm về việc một lần nữa vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của họ". "Thứ hai, chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung với những bên tạo điều kiện cho việc chuyển giao vũ khí giữa Nga và Triều Tiên, cũng như giữa Nga và Iran. Thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục công bố thông tin cho công chúng và vạch trần những giao dịch vũ khí này, như đang làm hôm nay, bởi vì chúng tôi sẽ không cho phép các nước bí mật hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga".Các nghị quyết ông Kirby nói tới đã được HĐBA LHQ thông qua nhằm trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 5-7-2006. Lần đó, tất cả thành viên HĐBA - gồm cả Nga và Trung Quốc, hai trong năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết - đã nhất trí thông qua nghị quyết số 1695 ngày 15-7-2006 lên án và áp lệnh trừng phạt Triều Tiên. Từ đó tới nay, Triều Tiên "lĩnh" tổng cộng 9 nghị quyết như vậy, liên quan đến việc cấm không phổ biến vũ khí hạt nhân và tên lửa, tất cả đều được nhất trí thông qua. Nghị quyết cuối cùng trực tiếp liên quan là nghị quyết số 2397 ngày 22-12-2017, theo đó HĐBA nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15.Các biện pháp trừng phạt chủ yếu là kinh tế, tỉ như cấm Triều Tiên xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên như than và quặng sắt và cấm các quốc gia thành viên LHQ xuất khẩu sang Triều Tiên. Trừng phạt nặng nề nhất là cấm xuất khẩu dầu hỏa tới Triều Tiên, song lệnh này chưa được áp dụng trong thực tế. Trong thực tế, các nghị quyết trừng phạt đó cứ như "nước đổ lá môn", không cản được Triều Tiên tiến bước trở thành thế lực có bom hạt nhân, thậm chí bom khinh khí, và chế tạo, sản xuất tên lửa đạn đạo.Ảnh: KCNA/ReutersMối thâm tình mới mẻNhững trao đổi "vượt rào" qua lại giữa Nga và Triều Tiên như đã nêu ở trên, thiệt ra là mới mẻ, bởi mới năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn ký sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên theo tinh thần nghị quyết 2321 của HĐBA LHQ. Tất nhiên, cùng thời gian đó, ông Putin cũng đã lên tiếng phản biện việc cứ khăng khăng trừng phạt Triều Tiên, đơn giản vì không hiệu quả. Trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc đầu tháng 9-2017, ông Putin nói: "Chế độ trừng phạt đã đến đường cùng rồi: nó không hiệu quả. Ở Triều Tiên, họ thà ăn cỏ chứ không từ bỏ chương trình này, trừ khi họ cảm thấy an toàn... Và điều gì có thể đảm bảo an toàn?".Cũng phải nhắc là ông Kim Jong Un, dù lên nắm quyền Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên từ tháng 4-2012, song mãi tới tháng 4-2019, tức 7 năm sau, ông mới lần đầu sang Vladivostok (Nga) gặp Tổng thống Nga Putin. Trong khi đó, ông đã gặp tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore từ tháng 6-2018. Sau lần gặp ở Vladivostok năm 2019 đó, mãi tới tháng 9-2023, ông Kim mới gặp lại ông Putin, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sang thăm Triều Tiên vào tháng 7 và được mời dự cuộc diễu binh khổng lồ trong đó ông Kim cho "trình diễn" các tên lửa tầm xa có thể nhắm bắn tới Mỹ.Có thể thấy, với ông Kim, "quân sự trước hết" (Songun, tiếng Hán Hàn là "tiên quân", viết tắt của "tiên quân chính trị" hoặc "tiên quân tư tưởng") là nguyên tắc định hướng cơ bản chi phối tất cả. Sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-9-2023 tại một sân bay vũ trụ của Nga, đã nổi lên rất nhiều đồn đoán về những gì hai ông có thể đã thỏa hiệp vào thời điểm mà Nga đã lâm chiến ở Ukraine được một năm rưỡi hơn.Một tháng sau cuộc gặp Kim - Putin, tiến sĩ Cenk Tamer của Trung tâm Nghiên cứu khủng hoảng và chính sách Ankara (Ankasam, Thổ Nhĩ Kỳ) đã có thể bình luận về cuộc gặp: "Triều Tiên, một quốc gia khép kín, đang cố gắng trở thành một cường quốc tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng. Trong bối cảnh này, do Bình Nhưỡng thiếu kinh nghiệm về hàng hải, công nghệ vũ trụ và thiết bị quân sự năng lượng hạt nhân, họ có thể chọn mua từ Matxcơva". "Đổi lại, Nga có thể yêu cầu tên lửa đất đối không, máy bay không người lái, thiết bị tình báo, xe bọc thép và hậu cần từ Triều Tiên, những thứ mà Nga phải chịu tổn thất lớn trong cuộc chiến ở Ukraine và do đó, là những thứ họ cần". Qua tháng 11-2023, cây bút cao cấp của Politico Joshua Posaner ghi nhận: "Triều Tiên đã giao 1 triệu viên đạn pháo (cho Nga), vượt EU về việc cung cấp đạn pháo (cho Ukraine)".Có thể thấy tốc độ "thâm giao" giữa Triều Tiên với Nga trong hai năm qua là rất nhanh so với trước kia! ■ Mới đây hôm 31-12, nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un, phát biểu tại cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên, đã ra lệnh phát triển mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này và nhấn mạnh tầm quan trọng của máy bay không người lái, theo thông tấn xã Nga TASS cùng ngày, dẫn lại hãng tin KCNA của Triều Tiên. Theo đó, ông Kim cho biết trong năm 2024, nước này sẽ đặt nền móng sản xuất vũ khí hạt nhân với số lượng ngày càng lớn trong tương lai. Ông cũng cho biết chiến tranh hiện đại đòi hỏi phải sản xuất tất cả các loại máy bay không người lái và hệ thống tác chiến điện tử. Ông kêu gọi thực hiện "cuộc cách mạng lần thứ hai trong ngành đóng tàu" và xây dựng hạm đội tàu ngầm và tàu chiến mặt nước lớn hơn. Có thể thấy những mệnh lệnh của tổng bí thư 41 tuổi của Triều Tiên, trong định hướng "quân sự trước hết" là sát thực tế và cập nhật tình hình từ sau cuộc chiến tranh Ukraine và ở các nơi khác. Tags: Bắc Triều TiênAn ninh quốc gia MỹNgaHội đồng an ninh quốc giaPhóng tên lửa
Siêu bão Milton tăng cấp trở lại với sức gió 270km/h, người Mỹ 'nín thở' THANH HIỀN 09/10/2024 Siêu bão Milton đã tăng cấp từ bão nhiệt đới thành bão cấp 5 trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Xe chết máy trên cầu, kẹt xe 8km trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây MINH HÒA 09/10/2024 Hàng ngàn xe bị ùn ứ, nhích từng chút khó khăn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng từ nút giao An Phú đi cầu Long Thành.
Lớn lên nhờ tình thương của xã hội, nay Đức thành sinh viên ĐH Nông lâm Huế NHẬT LINH 09/10/2024 “Năm 3 tuổi cha mẹ mình chia tay rồi mỗi người một ngả. Mình ở với dì ruột đến năm 6 tuổi thì được đưa vào Trung tâm bảo trợ trẻ em".
Iran 'đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh' THANH BÌNH 09/10/2024 Ngoại trưởng Abbas Araghchi khẳng định không muốn căng thẳng leo thang ở Trung Đông, nhưng đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.