TTCT - Tuần qua, lần đầu tiên trong 9 năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc phải phát đi cảnh báo trên phạm vi toàn quốc vì thời tiết cực đoan khi lượng mưa xuống thấp hơn mức trung bình và đợt nắng nóng kéo dài nhất trong 6 thập niên. Mực nước sông Dương Tử xuống thấp trong tình trạng nắng nóng kéo dài những ngày qua tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: ReutersCảnh báo hiện đã ở cấp độ "vàng" - mức cao thứ 3 trên 4 cấp độ cảnh báo của Trung Quốc. Ngay lúc này, ít nhất 2 tỉnh đang đối mặt tình trạng hạn hán và dự kiến các đợt thời tiết khô hạn còn kéo dài trong các ngày tới. Khoảng 4,5 triệu km2 diện tích đất liền Trung Quốc hiện phải chịu đựng mức nhiệt độ cực đoan, theo báo South China Morning Post 20-8.Trong thông báo ngày 19-8 của cơ quan khí tượng Trung Quốc, ít nhất 244 thành phố trên cả nước có thể có mức nhiệt lên tới 40oC, 407 thành phố khác là hơn 37oC. Đáng ngại hơn, các chuyên gia thời tiết cho rằng đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục sẽ còn tiếp tục và tình trạng khô hạn sẽ còn căng thẳng.Thiếu nước sinh hoạt, sản xuấtCho tới giữa tuần trước, ít nhất hơn 830.000 người ở 6 tỉnh Trung Quốc đã bị thiếu nước sinh hoạt, theo dữ liệu của Bộ Thủy lợi. Hơn 300.000 người gặp khó khăn tạm thời trong tiếp cận nguồn nước. Các tỉnh miền nam và miền trung - đặc biệt là những tỉnh dọc hai bờ sông Dương Tử như Giang Tô, Hồ Bắc và Tứ Xuyên - là các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất.Chính quyền các tỉnh này được yêu cầu tiết kiệm nguồn nước cho nhu cầu dân sinh và giảm bớt nước sử dụng trong nông nghiệp, thương mại và công nghiệp. Nhiều địa phương cũng đang tính tới phương án làm mưa nhân tạo. Đợt nắng hạn ảnh hưởng tới hơn 8 triệu ha đất nông nghiệp tại 6 tỉnh. Hậu quả sẽ rất đáng kể với nguồn cung thủy điện và sản lượng thu hoạch mùa vụ năm nay.Nắng nóng cực đoan tất yếu làm gia tăng nhu cầu sử dụng máy lạnh, gây sức ép lớn cho lưới điện. Theo dữ liệu của Bộ Thủy lợi, lượng mưa ở vùng lưu vực sông Dương Tử đã giảm khoảng 45% so với lượng mưa trung bình các năm qua. Trong khi đó, mực nước hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây - cũng đã giảm 75%, mức thấp nhất kể từ năm 1951.Tứ Xuyên - tỉnh có khoảng 84 triệu dân - đã chật vật ứng phó nắng nóng và khô hạn cực đoan từ tháng 7. Giữa tuần trước, tỉnh này phải yêu cầu những nhà máy lớn tiêu thụ điện tạm ngưng hoạt động 6 ngày để "nhường" điện cho dân sinh, đồng thời phân bổ lượng điện khả dụng cho các đơn vị trong tỉnh. Không chỉ Tứ Xuyên, thành phố Trùng Khánh cũng phải yêu cầu các nhà máy tại địa phương dừng hoạt động trong 1 tuần cho tới 24-8 để tiết kiệm điện.Với vai trò của Tứ Xuyên là trung tâm sản xuất lớn vật liệu bán dẫn và tấm pin quang điện, giới chuyên gia lo ngại tình trạng thiếu điện có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới đang đặt nhà máy tại đây, trong đó có Intel, Apple và Foxconn.Tứ Xuyên cũng là trung tâm của ngành công nghiệp khai thác lithium ở Trung Quốc. Ảnh hưởng của thời tiết và thiếu điện được dự báo sẽ làm tăng giá thứ kim loại vốn là thành phần quan trọng để làm pin cho thiết bị điện tử này, bao gồm cả xe điện. Nguồn cung lithium vốn đã căng thẳng thời gian qua do nhu cầu xe điện tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc nhà sản xuất lithium hàng đầu Trung Quốc - Sichuan Yahua Industrial Group - dừng hoạt động 5 ngày được dự báo sẽ đẩy giá loại vật liệu thô này lên cao nữa trong ngắn hạn.Lo nắng hạn kéo dàiGiới quan sát nhận định đợt nắng hạn ở Trung Quốc sẽ không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực cục bộ, mà còn có thể gây hiệu ứng sóng lan ra khu vực và toàn cầu. Thậm chí có chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của nắng hạn lên kinh tế còn nghiêm trọng hơn cả đại dịch xét ở một số phương diện."Những đợt đóng cửa (nhà máy) này có thể ảnh hưởng tương đương, nếu không muốn nói là lớn hơn lên chuỗi cung ứng so với tác động của các đợt phong tỏa phòng COVID-19 gần đây" - ông Mirko Woitzik, giám đốc toàn cầu về giải pháp thông minh tại hãng phân tích rủi ro và nghiên cứu sâu về chuỗi cung ứng Everstream Analytics (Mỹ), nhận định với tạp chí Fortune.Thực tế cho thấy ngay trong những giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt trên quy mô lớn, một số nhà máy tại Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động nhờ áp dụng mô hình "vòng tròn khép kín" - các công nhân sẽ tự cách ly tại nhà máy để vẫn tiếp tục công việc và không làm gián đoạn sản xuất."Lúc này mọi người đều đang phụ thuộc vào thủy điện, do đó toàn bộ khu vực sẽ thực sự bị ảnh hưởng. Hiện không có bất cứ ngoại lệ nào, nên so với các đợt phong tỏa phòng COVID-19 chỉ nhắm tới một số điểm, tác động bao trùm khiến tình hình hiện tại nghiêm trọng hơn nhiều", ông Woitzik phân tích.Tuần trước, hai công ty Tesla và SAIC Motor Corp cho biết đã đề nghị chính quyền sở tại ưu tiên cho họ để có thể duy trì sản xuất, nhưng việc này có lẽ không đơn giản. Theo Hãng tin Kyodo News, hãng Toyota cũng đã phải tạm dừng hoạt động một nhà máy ở Tứ Xuyên vì thiếu điện, trong khi Tập đoàn công nghệ BOE, một nhà cung cấp linh kiện của Apple, cho biết sẽ phải "điều chỉnh" hoạt động tại Tứ Xuyên để phù hợp với quy định "quota" điện mới. Nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới Contemporary Amperex Technology thì phải dừng hoạt động nhà máy tại Tứ Xuyên của họ tới 20-8 vì thiếu điện."Vùng Tứ Xuyên trong 10 năm qua đã trở nên rất quan trọng xét về phương diện sản xuất vật liệu thô - ông Woizik phân tích - Foxconn có nhà máy sản xuất pin tại đây và danh sách còn nhiều nữa, do đó sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều nếu xét về chuỗi cung ứng". Từ đây ông cho rằng nếu đợt hạn hán hiện nay còn kéo dài, các nhà máy không chỉ tạm dừng hoạt động trong 5-7 ngày mà hơn thế, thì tình hình sẽ trở nên rất khó lường.Thực tế, chính quyền Trùng Khánh đã kéo dài thời gian đóng cửa một số nhà máy tại địa phương tới 24-8. "Nếu chuyện này kéo dài 10 ngày, hai tuần hoặc thậm chí lâu hơn, khi đó chúng ta sẽ phải thực sự nói về những gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng", ông Woizik nói.Chia sẻ quan điểm này, bà Dan Wang, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Hang Seng Bank China, bình luận trên CNBC ngày 18-8 rằng tình trạng nắng nóng tồi tệ hiện nay rất dễ kéo dài "2 đến 3 tháng nữa". Theo bà Dan, thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, ảnh hưởng lên cả nền kinh tế Trung Quốc và cả chuỗi cung ứng toàn cầu."Chúng ta đã thấy hoạt động sản xuất chậm lại trong ngành công nghiệp thép, công nghiệp hóa chất và phân bón. Đây là những ngành rất quan trọng liên quan tới xây dựng, nông nghiệp và sản xuất nói chung", bà Wang nói.Hạ dự báo tăng trưởngCác nhà kinh tế học cảnh báo tình trạng nắng hạn có thể tiếp tục kéo lùi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, sau khi quốc gia tỉ dân vốn đã gặp nhiều khó khăn để giải quyết tác động của đợt tái bùng dịch COVID-19 và hậu quả của cuộc khủng hoảng bất động sản."Năm ngoái, như chúng tôi ước đoán, giai đoạn thiếu điện khiến Trung Quốc mất khoảng 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Năm nay chúng tôi nghĩ con số này sẽ cao hơn nhiều... Tôi cho rằng [GDP Trung Quốc] sẽ giảm 1,5 điểm phần trăm" - bà Dan nói - Ngay lúc này, chúng tôi ước tính tăng trưởng GDP là 4% cho cả năm. Nếu tình hình tiếp diễn như hiện giờ, tôi phải nói tỉ lệ tăng trưởng có thể còn thấp hơn, khoảng 3%".Ngân hàng Goldman Sachs và Hãng tài chính Nomura đều đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay sau khi cân nhắc rủi ro tác động từ đợt nắng hạn đang diễn ra. Cụ thể, trong thông cáo phát đi ngày 17-8, Goldman Sachs điều chỉnh dự báo từ mức 3,3% xuống 3% sau khi xem xét các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7-2022, giảm hơn do với kỳ vọng, cộng thêm tình trạng căng thẳng về năng lượng do nắng nóng. Đây cũng là lần thứ 3 Goldman Sachs điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc kể từ tháng 5-2022.Trong khi đó, ngày 18-8 Tập đoàn Nomura thông báo hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 3,3% xuống 2,8% trong năm nay với 3 căn cứ là tình trạng giảm động lực phát triển trong tháng 7, tái bùng dịch COVID-19 và nắng nóng kéo dài. Trong báo cáo, Nomura cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa còn lại của năm nay chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tác động xấu của lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu cũng sẽ giảm. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 5,5%.■ Tags: Hạn hánTrung QuốcTăng trưởngGDPGDP của Trung Quốc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.