Nghĩ về một địa chỉ mùa xuân quanh năm

PHÚC TIẾN 06/03/2018 23:03 GMT+7

TTCT - TP.HCM đang có một khu phố kết nối không gian di sản hơn 100ha, kết nối không gian lịch sử xuyên qua 5 thế kỷ.

Nhóm bạn trẻ và tác giả đi khảo sát khu vực thành xưa vào tháng 10-2017. Ảnh: B.H.
Nhóm bạn trẻ và tác giả đi khảo sát khu vực thành xưa vào tháng 10-2017. Ảnh: B.H.

 

Xuân này, Sài Gòn chạm cột mốc 320 tuổi (1698-2018). Đây sẽ là dịp nhìn lại gia tài lớn lao của một thành phố truyền đi từ bao thế hệ và những gì thế hệ hôm nay có thể đáp đền tiếp nối. Những người Sài Gòn sống “xuyên thế kỷ” quyến luyến ký ức về thành phố thời thơ ấu và thanh xuân của mình, những người Sài Gòn trẻ lại háo hức muốn biết quá trình phát triển đô thị và những đặc điểm đa dạng của một địa chỉ đã và đang thu hút người tứ xứ đến kiếm sống và làm giàu.

Khách phương xa tới muốn hiểu những nét độc đáo, khác biệt giữa thành thị phồn hoa bậc nhất Việt Nam với các thành thị khác của Việt Nam và các nước Á Đông.

Những nhu cầu tự nhiên ấy ngày càng rõ nét và mạnh mẽ, nhất là khi những di sản vật thể và phi vật thể của một thành phố hơn 300 năm tuổi đang mai một, tàn phai do binh lửa và nhiều sai lầm đáng tiếc. Nhiều thế hệ đã bước qua tuổi lão niên, chứng tích và tư liệu cá nhân, gia đình đang thất lạc hay hoang phế.

Thế nên, hơn bao giờ hết, thành phố rất cần có thêm những công trình vật chất và tinh thần, góp phần bảo quản và khôi phục diện mạo và cốt cách Sài Gòn - thể hiện qua đời sống hằng ngày, qua văn hóa và nhiều hoạt động xã hội, trong đó không thể thiếu các bảo tàng.

Đặc biệt, ký ức lớn lao và muôn màu muôn vẻ của Sài Gòn cần được gìn giữ và tái tạo không chỉ bằng một bảo tàng duy nhất. Đã đến lúc cần nghĩ đến việc thiết lập một Khu phố bảo tàng (Museum District) hay Khu phố di sản (Heritage Zone) như Vienna (Áo), Berlin (Đức), Philadelphia (Mỹ) hoặc Manila (Philippines) đã thực hiện và đem lại hiệu quả cao trong giáo dục và kinh tế.

Phác họa khu vực Thành Quy -Thành Phụng với đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn) là trục chính. Đây là bản vẽ trích ra từ trang vẽ phác họa quy hoạch Sài Gòn của chính quyền Pháp năm 1880 (hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris).
Phác họa khu vực Thành Quy -Thành Phụng với đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn) là trục chính. Đây là bản vẽ trích ra từ trang vẽ phác họa quy hoạch Sài Gòn của chính quyền Pháp năm 1880 (hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris).

 

100ha mật độ lịch sử dày đặc

May mắn là Sài Gòn đang có một khu phố kết nối không gian di sản hơn 100ha, kết nối không gian lịch sử xuyên qua 5 thế kỷ. Đó chính là đại lộ Lê Duẩn và khu vực xung quanh. Chính nơi đây, vào khoảng thế kỷ 17, cư dân Việt đã đến định cư, mở ra làng Tân Khai.

Sau đấy, năm 1698, từ ngôi làng này, tướng Nguyễn Hữu Cảnh lập đồn binh và hành dinh, công bố Sài Gòn trở thành phủ Tân Bình của vương quốc Đàng Trong. 92 năm sau, mùa xuân Canh Tuất 1790, chúa Nguyễn Ánh nâng cấp Sài Gòn từ thủ phủ toàn Nam Bộ trở thành kinh đô, tên gọi chính thức là Gia Định kinh, thay cho Phú Xuân đã bị Tây Sơn chiếm.

Bản đồ Thành Quy và Thành Phụng với các chú giải so sánh hiện trạng nguyên thủy với các đường phố xây dựng sau năm 1860 do Petrus Trương Vĩnh Ký thực hiện (Đồ họa: Phan Hảo)
Bản đồ Thành Quy và Thành Phụng với các chú giải so sánh hiện trạng nguyên thủy với các đường phố xây dựng sau năm 1860 do Petrus Trương Vĩnh Ký thực hiện (Đồ họa: Phan Hảo)

 

Cũng từ thời điểm này, khu vực làng Tân Khai và xung quanh được chọn là đất xây dựng Hoàng thành Gia Định (Thành Quy). Khuôn viên Thành Quy rộng khoảng 100ha (1km2) nằm trọn trong ranh giới ngày nay là các con đường Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng (Đông), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tây), Lê Thánh Tôn (Nam) và Nguyễn Đình Chiểu (Bắc).

Sau khởi nghĩa Lê Văn Khôi, năm 1836, Thành Quy bị phá bỏ. Vua Minh Mạng cho xây Thành Phụng ở góc Đông Bắc Thành Quy, diện tích nhỏ hơn (khoảng 36ha). Thành Phụng nằm trong 4 cạnh các con đường Mạc Đĩnh Chi (Đông), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tây), Nguyễn Du (Nam) và Nguyễn Đình Chiểu (Bắc). Năm 1859, thực dân Pháp xâm chiếm Gia Định, đốt phá Thành Phụng, song sau đấy đã quy hoạch và kiến thiết khu vực nền Thành Quy và Thành Phụng trở thành khu trung tâm hành chính và quân sự của toàn Nam Kỳ.

Con đường trung tâm của Thành Gia Định xưa được xây dựng thành đại lộ Chính Phủ, sau đó đổi tên là đại lộ Norodom. Năm 1955, sau khi người Pháp rút đi, đại lộ Norodom được đổi tên là Thống Nhứt, tiếp tục là con đường huyết mạch nối kết các cơ quan đầu não của chính quyền miền Nam như Phủ Tổng thống, Phủ Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp...

Dọc đại lộ có thêm một yếu tố mới là việc dành nhiều phần đất đẹp để làm trụ sở sứ quán các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Sau đảo chính Ngô Đình Diệm tháng 11-1963, khu vực trại lính phòng vệ Phủ Tổng thống được cải biến làm khu đại học, đài truyền hình, sân Hoa Lư...

Và rồi, lịch sử sang trang, sau khi kết thúc chiến tranh, đại lộ Thống Nhứt mang tên mới lần lượt là đại lộ 30-4 (1975), sau đó là đại lộ Lê Duẩn (1987). Ngày nay, dọc đại lộ, nhiều công thự đã được thay đổi chức năng.

Cùng lúc, nhiều cao ốc thương mại chọc trời đang mọc lên nhanh chóng. Diện mạo của đại lộ Lê Duẩn và khu vực xung quanh đã và đang thay đổi nhanh chóng như nhiều khu vực khác trong thành phố. Và nếu không giữ gìn, tôn tạo hiệu quả thì thành phố rất dễ đánh mất một không gian di sản với hơn 100ha “mật độ lịch sử” dày đặc.

“Khu phố Bảo tàng” độc đáo

Với ngần ấy “mật độ lịch sử”, đại lộ Lê Duẩn và các khu đất xung quanh xứng đáng được quy hoạch và tôn tạo trở thành Khu phố bảo tàng. Ngoài các bảo tàng đã có như Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Dinh Thống Nhất, người viết đề nghị có thêm một Bảo tàng trung tâm, gọi tên là Sài Gòn xưa. Bảo tàng này hợp cùng các bảo tàng chuyên đề và nhiều điểm tham quan khác sẽ thể hiện 5 thế kỷ di sản độc đáo.

Tại Bảo tàng trung tâm sẽ trưng bày các bản vẽ, bản đồ, hình ảnh, mô hình về quá trình xây dựng Thành Gia Định và đô thị Sài Gòn hiện đại. Bảo tàng cũng sẽ giới thiệu các kiến trúc và cảnh quan tiêu biểu, lịch sử hình thành và biến đổi của chúng, cùng các chi tiết về người thiết kế và xây dựng.

Những hoạt động đặc trưng của đô thị Sài Gòn như sinh hoạt sông nước, thương mại, văn hóa, học hành, cùng những nhân vật đại diện cho từng thời kỳ sẽ được tái hiện đa dạng tại nhiều gian khác nhau của Bảo tàng trung tâm.

Bảo tàng cũng giới thiệu lịch sử hình thành thị dân Sài Gòn với các chủng tộc, ngành nghề, cá tính phong phú. Một bảo tàng ý nghĩa như thế cần có vị trí và diện tích tương xứng ngay trên đại lộ di sản này. Thiết nghĩ, các công thự và phần đất công phù hợp đang hiện diện dọc theo đại lộ như Hội trường xổ số kiến thiết (23 Lê Duẩn) hay Nhà văn hóa quận 1 (góc Lê Duẩn - Mạc Đĩnh Chi) đều có thể dùng làm Bảo tàng trung tâm Sài Gòn xưa.

Nhà nước hãy ưu tiên sử dụng hai phần “đất vàng” này cho các công trình văn hóa - lịch sử, thay vì chỉ xây dựng chúng thành các cao ốc thương mại đang có khá nhiều trên đại lộ Lê Duẩn.

Mặt khác, nhiều công thự hoặc đất công có thể cải biến hoặc bổ sung chức năng, để một phần hay toàn phần trở thành các bảo tàng chuyên đề hoặc địa điểm tham quan, học hỏi Sài Gòn xưa.

Chẳng hạn, hai tòa nhà cổ (ở Khoa Dược và Trường ĐH KHXH&NV), hợp cùng tòa nhà Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (số 2 Lê Duẩn) nên dùng làm Bảo tàng Thành Gia Định và cuộc chiến chống xâm lăng 1859 vì chúng được xây trên nền Thành Phụng. Ngay bên cạnh, Trung tâm Lưu trữ số 2 Ter Lê Duẩn nên dành một phần làm nơi trưng bày các văn bản quý hiếm về lịch sử Sài Gòn và Nam Bộ, sau này có thể làm Bảo tàng Lưu trữ.

Phía đối diện, tòa nhà dầu khí Petrolimex, nguyên là trụ sở công ty xăng dầu của Hà Lan và Mỹ (1930), có thể chuyển thành Bảo tàng doanh thương quốc tế. Trong khi đó, khu vực xưởng Ba Son trước đây cần dành một số tòa nhà làm Bảo tàng Hàng hải và Bảo tàng Công nhân Việt Nam.

Tại khu vực Thảo cầm viên, ngoài Bảo tàng Lịch sử, Đền thờ Hùng Vương và Bảo tàng Địa chất, có thể xây dựng bổ sung Bảo tàng Thảo mộc, Bảo tàng Hoa, trong đó cần phục hồi những cây bông gòn được cho là nguồn gốc của tên gọi Sài Gòn.

Tại công viên Bạch Đằng và trụ sở Bộ tư lệnh Hải quân rất nên hình thành một Bảo tàng Hải quân, trong đó sẽ có một gian trang trọng dành cho Hoàng Sa - Trường Sa. Đặc biệt, tại cao ốc German House và cao ốc Kumho Asiana cùng khách sạn Inter-Continental - nơi trước đây là Cung điện Nguyễn Vương - rất nên làm những không gian lưu niệm tái hiện lịch sử, qua đó càng làm tăng giá trị các tòa nhà.

CHỨNG TÍCH THÀNH QUY. Một đoạn tường thành được người Pháp tìm thấy ở góc đường La Grandière - Catinat (nay là Lý Tự Trọng - Đồng Khởi) vào tháng 1/2016. Ảnh của Hội nghiên cứu Đông Dương,
Chứng tích thành quy. Một đoạn tường thành được người Pháp tìm thấy ở góc đường La Grandière - Catinat (nay là Lý Tự Trọng - Đồng Khởi) vào tháng 1/2016. Ảnh của Hội nghiên cứu Đông Dương,

 

Không gian Di sản sống động

Ngay cả khi chưa làm được các loại bảo tàng kể trên, Không gian di sản tại đây vẫn có thể xây dựng bằng nhiều cách thức sinh động và thiết thực. Cần bắt đầu bằng công việc đơn giản là lập các bảng báo lịch sử, thay vì hiện tại chỉ có bảng báo giao thông. Tại từng tòa nhà công hay tư, nhất là những kiến trúc cổ và các công thự, cần có biển ghi rõ năm xây dựng và công năng trước đây, những sự kiện quan trọng và những nhân vật lịch sử liên quan.

Ở các ngã tư có thể lập những trụ kim loại hay kiôt đặt máy tính hoặc các bảng quảng cáo LED thiết kế đẹp để trình bày nội dung lịch sử của các ô phố và bản đồ hướng dẫn đi lại, ghi chú các tên đường thời Pháp và sau đấy vào các biển tên đường. Cần mời và “đặt hàng” sinh viên và giảng viên các ngành sử địa, kiến trúc, đô thị học, sư phạm, báo chí và mỹ thuật cùng góp ý, thực hiện những công trình cảm thụ lịch sử và vẻ đẹp của Sài Gòn ngay từng góc phố.

Kế đến, Không gian di sản cần được xây dựng bằng các sự kiện nghệ thuật, sự kiện cộng đồng, sự kiện đường phố.

Nếu phố cổ Hội An có đêm rằm hằng tháng, phố cổ và đường quanh hồ Gươm Hà Nội trở thành phố đi bộ cuối tuần thì tại đại lộ Lê Duẩn vẫn có thể làm những hoạt động thường xuyên tương tự. Trong đó, phần sân trước cổng chính Bảo tàng Lịch sử và Đền thờ Hùng Vương với đường nét kiến trúc cổ truyền nên dùng làm nơi tổ chức các lễ hội truyền thống, các sân khấu, các sân chơi nối kết Sài Gòn xưa và nay.

Ngược lại, khung cảnh và hoạt động Sài Gòn hiện đại sẽ có không gian thể hiện ngay ở đoạn đường trước Nhà văn hóa Thanh niên và cao ốc Diamond Plaza. Phần đất công viên trước cửa Sở Ngoại vụ và đường Alexandre de Rhodes nên dùng làm nơi tổ chức các cuộc thi ngoài trời, các sân khấu hoạt cảnh Sài Gòn qua nhiều thời kỳ khác nhau.

Thêm nữa, vào những ngày đầu năm mới, tại đại lộ Lê Duẩn có thể khôi phục các cuộc diễu hành hoa và trang phục quốc tế mà người Pháp đã làm tại đây từ năm 1900. Đại lộ di sản và Khu phố bảo tàng sẽ là địa chỉ mùa xuân quanh năm cho công dân thành phố và du khách xa gần.

Bản đồ Khu phố di sản Thành Quy (đường màu xanh), Thành Phụng (đường màu đỏ) và đại lộ Lê Duẩn (đường màu vàng) trên Google Map. (Đồ họa: KTS Đồng Lâm Thanh Tùng)
Bản đồ Khu phố di sản Thành Quy (đường màu xanh), Thành Phụng (đường màu đỏ) và đại lộ Lê Duẩn (đường màu vàng) trên Google Map. (Đồ họa: KTS Đồng Lâm Thanh Tùng)

 

Các chứng tích tiêu biểu của Thành Quy - Thành Phụng và nền đất sử dụng hiện tại

1. Cung điện chúa Nguyễn: tòa nhà German House, cao ốc Kumho Asiana và khách sạn Inter-Continental, cao ốc 41 Lê Duẩn, đoạn đầu Đường sách Nguyễn Văn Bình và mặt sau Bưu điện TP.HCM (125 Hai Bà Trưng).

2. Cung Hoàng hậu: công trường xây dựng cao ốc Lavenue Crown (12 Lê Duẩn) và nhà riêng Tổng lãnh sự Pháp, trụ sở Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ.

3. Thái y viện: Nhà văn hóa Thanh niên (mặt đường Hai Bà Trưng) và trụ sở Tổng lãnh sự quán Pháp (27 Nguyễn Thị Minh Khai).

4. Cung Thế tử: Nhà Hữu nghị (31 Lê Duẩn, đang bị phá bỏ mà không được khảo cổ) và một bên phố Lê Văn Hưu.

5. Nhà kho quân sự: cao ốc Saigon Tower (29 Lê Duẩn) và cao ốc Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên (số 1 Mạc Đĩnh Chi).

6. Doanh trại, kho thuốc súng và pháo đài của hai cổng thành phía Đông: trụ sở Tổng lãnh sự quán Anh (25 Lê Duẩn), Hội trường xổ số kiến thiết (đã bị san bằng), khách sạn Sofitel Plaza, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (17 Lê Duẩn) và tòa nhà Công ty Petrolimex (15 Lê Duẩn).

7. Doanh trại đối diện Cung Thế tử: Nhà văn hóa quận 1, trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội, Kho lưu trữ số 2 Ter Lê Duẩn và Khoa Dược.

8. Sân Giảng Võ & Đồn Đất (phía sau Cung Thế tử): khu vực Bệnh viện Nhi Đồng 2 và xung quanh.

9. Cổng Ly Minh Thành Quy: cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (thời Pháp là bệnh viện quân đội).

10. Cột cờ lớn Thành Quy: trung tâm giao lộ Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch, phía sau Nhà thờ Đức Bà.

11. Lò rèn và xưởng quân khí: Nhà thờ Đức Bà (kiến trúc cổ 1880).

12. Kho súng: trụ sở UBND quận 1 (1876), Bưu điện trung tâm (1891).

13. Kho thuốc súng: Trường Hòa Bình và nhà xứ Nhà thờ Đức Bà.

14. Dinh Tổng trấn Lê Văn Duyệt: trụ sở Sở Ngoại vụ (số 6 Alexandre de Rhodes).

15. Vườn Ông Thượng (Lê Văn Duyệt): khuôn viên Dinh Toàn quyền (Dinh Thống Nhất) và công viên Tao Đàn.

16. Trường thi Gia Định (1813): Nhà văn hóa Thanh niên.

17. Cổng Đông Nam Thành Phụng: giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Lê Duẩn, hai tòa nhà cổ thuộc Khoa Dược và ĐH KHXH&NV.

18. Địa điểm tường Thành Quy phát lộ: giao lộ Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, giao lộ Lý Tự Trọng - Thái Văn Lung.

19. Xưởng Chu Sư: khu Vin Homes Golden River Ba Son.

20. Tường thành và pháo đài phía Nam Thành Phụng: khu Văn phòng Chính phủ, cao ốc Petro Việt Nam.

(Nguồn: Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận, Petrus Trương Vĩnh Ký, NXB Trẻ 1997)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận