Nghịch lý đào tạo quản lý giáo dục

TTCT - Trong nhiều vấn đề ngổn ngang hiện hữu của nền giáo dục, đã có nhiều ý kiến cảnh báo sự yếu kém của hệ thống quản lý giáo dục VN.

Năm 2010, lãnh đạo ngành chỉ thị: quản lý giáo dục phải là khâu đột phá, năm 2011 lại tiếp tục yêu cầu “đổi mới quản lý giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm”... Đầu niên học này, bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo thừa nhận “Quản lý giáo dục vẫn là nhu cầu bức xúc hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục”. Phải chăng chúng ta thiếu các nhà quản lý giáo dục giỏi?

Phóng to

Và phải chăng, khi nền giáo dục đang phát triển “nóng”, các trường đại học đã không theo kịp trong việc đào tạo đáp ứng được số lượng các nhà quản lý giáo dục (QLGD)?

Học quản lý, làm giáo vụ

“Tính đến nay cả nước có 10.400 cán bộ QLGD làm việc ở bộ, sở và phòng giáo dục. Có 80.000 cán bộ QLGD làm việc tại các trường từ mầm non đến đại học. Đội ngũ cán bộ QLGD chiếm khoảng 10% tổng số cán bộ ngành giáo dục. Phần lớn họ có trình độ từ cao đẳng trở lên, trừ hệ mầm non. Tuy nhiên phần lớn cán bộ QLGD còn thiếu những kiến thức chung về quản lý, đặc biệt là QLGD. Nghiên cứu cho thấy mới có 47,5% trong số họ tự tin và biết xây dựng kế hoạch. Trình độ tin học và ngoại ngữ của họ cũng còn rất hạn chế. Cán bộ có bằng tin học ở bộ là 1,5%, sở là 45,7%, phòng là 28,4%. Cán bộ có chứng chỉ ngoại ngữ ở bộ là 84%, sở 51%, phòng 24%, nhưng nói chung khả năng giao tiếp là rất hạn chế”.

“Có hiệu trưởng cứ sao y kế hoạch năm trước gửi cho sở thì rõ ràng không có chiến lược phát triển giáo dục cho trường mình, không hình dung được cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, học sinh năm năm, mười năm tới sẽ như thế nào? An Giang phải mở 12 lớp QLGD kéo dài sáu tháng cho 1.600 hiệu trưởng, kế toán trưởng từ mầm non đến THPT học tập, sao cho họ phải lập được chiến lược phát triển giáo dục cho trường mình.

Vì làm những gì mình không biết, nói gì không hiểu thì làm sao kiểm định chất lượng giáo dục?” - ông Nguyễn Thanh Bình, giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, từng phát biểu trong một hội thảo về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục các tỉnh phía Nam tại Đồng Tháp năm 2010. Còn ông Bùi Văn Dũng, giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, lại có sáng kiến đào tạo cán bộ QLGD như sau: “Tỉnh Hậu Giang, dân số giảm 50.000, học sinh giảm. Có hiện tượng thừa giáo viên cục bộ. Cách xử lý của Hậu Giang theo hai hướng: một số giáo viên quá kém, gần tới tuổi hưu sẽ giảm biên chế; đào tạo 217 giáo viên thành nhân viên quản lý trường học” (1).

Ai cũng thấy việc chuyển đổi giáo viên, thậm chí là giáo viên diện cần giảm biên chế hay bồi dưỡng ngắn ngày cho hiệu trưởng chỉ là những biện pháp chữa cháy tạm thời. Muốn có những cán bộ QLGD thật sự cần tổ chức đào tạo bài bản. Từ mười năm nay, VN đã mở ngành QLGD ở vài ba trường nhưng nhìn vào đầu vào, đầu ra của chuyên ngành này thật đáng lo. Hầu như điểm chuẩn của các khoa này đều chạm đáy điểm chuẩn hằng năm.

Sinh viên nói chung không mặn mà với QLGD vì nhìn thấy tương lai các anh chị ở các khóa trước thật mờ mịt, ra trường không tìm được việc làm hoặc nếu tìm được việc làm kiểu như làm giáo vụ thì đồng lương không đủ sống. Một thống kê sơ bộ (2) cho hay có đến hơn 50% sinh viên (có lúc tới 70% sinh viên) ra trường phải đổi nghề. Tình hình một vài năm gần đây tuy có khá hơn nhưng cũng không đủ sức khích lệ các em thi vào ngành này.

Vậy tại sao có “cầu” mà “cung” lại không thể đáp ứng? Vậy thì các cán bộ QLGD hiện nay được cung cấp từ nguồn nào? Thăm dò của chúng tôi với một số trường cho thấy hiện nay các cán bộ quản lý tại các trường thường được đề bạt từ các giáo viên có kinh nghiệm, có uy tín và đạo đức tốt, sau đó được bồi dưỡng thêm đôi chút về kỹ năng quản lý. Điều này không sai nhưng chắc chắn là chưa đủ.

Những đòi hỏi của giáo dục hiện đại

Chuyển từ giáo dục quốc gia riêng lẻ sang giáo dục toàn cầu giúp VN nhanh chóng tiếp cận với những kiến thức tiên tiến nhất thế giới, tiếp thu công nghệ mới, phương thức quản lý mới. Nhưng toàn cầu hóa cũng đầy những cạm bẫy cam go và chỉ thật sự có hiệu quả ở những quốc gia mà nền giáo dục phát triển, người dân đủ kiến thức để tiếp nhận bình tĩnh và chủ động các làn sóng quốc tế ồ ạt với đủ mọi thành phần.

Nếu giáo dục phát triển không kịp với sự thay đổi đó thì toàn cầu hóa với những yêu cầu hợp tác và cạnh tranh khốc liệt lại làm cho quốc gia nhanh chóng suy kiệt và người dân lại trở thành kẻ làm công rẻ mạt cho nước ngoài ngay chính tại quê hương mình. Vì vậy, nhận thức được toàn cầu hóa cũng phải nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục. Những người quản lý giáo dục không thể bỏ lỡ thời cơ này để tiếp cận và lĩnh hội các kỹ năng quản lý giáo dục hiện đại. Nếu trước kia ta cần những cán bộ trung thành và có khả năng hòa mình với quần chúng thì ngày nay cần những cán bộ QLGD tiên tiến về mọi phương diện.

Vận động và phát triển theo một xã hội liên tục thay đổi là xu thế của các nền giáo dục hiện đại. Mục đích của giáo dục là “đào tạo những con người đủ năng lực tổ chức các tri thức, chứ không phải tích lũy các hiểu biết theo kiểu chất đầy vào kho” (Edgar Morin). Và vì giáo dục phát triển trên cơ sở chuyển dịch kinh tế, dù vai trò dẫn đường và tiên phong của giáo dục vẫn được tôn trọng và giữ nguyên giá trị, nhưng làn gió kinh tế thị trường vẫn cứ thổi vào giáo dục, nhất là giáo dục đại học và chuyên nghiệp.

Các hiệu trưởng ngày nay càng được tự chủ bao nhiêu thì gánh nặng trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đào tạo và nhất là gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè lên vai họ bấy nhiêu. Trong bối cảnh ấy, người cán bộ QLGD không chỉ là những người giỏi về kiến thức, biết lãnh đạo mà còn là những người có tư duy quản trị hiện đại để lèo lái sự tự chủ tài chính của mỗi trường, giải quyết gánh nặng mưu sinh trên vai những giảng viên để đội ngũ này có thể dành toàn bộ chất xám cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

Khi chuyển mình từ nền giáo dục ưu tiên “đạo đức trị” sang “pháp luật trị”, đồng thời nền giáo dục VN cũng đang ngày càng được dân chủ hóa, học trò là trung tâm của lớp học và người thầy có trách nhiệm hướng dẫn, gợi mở để tạo nên một thế hệ thanh thiếu niên sáng tạo. Cán bộ QLGD cũng phải biết tổ chức liên kết cả gia đình và xã hội cùng tham gia giám sát, quản lý giáo dục. Mỗi cán bộ QLGD do vậy chính là những hạt nhân để thực hiện bốn trụ cột cho giáo dục mà tổ chức giáo dục quốc tế UNESCO đã đề ra: học để biết, học để làm, học để chung sống với người khác và học để tự khẳng định mình.

Đổi mới quản lý giáo dục thế nào?

Ở các nền giáo dục tiên tiến, nước nào cũng có ngành QLGD với đủ bậc học, đào tạo từ cử nhân tới tiến sĩ. Cán bộ của các trường và chuyên viên của các tổ chức giáo dục, sở giáo dục, bộ giáo dục hầu hết đều được đào tạo qua ngành này. Chương trình học tuy rất cơ bản nhưng khá mềm dẻo, tạo điều kiện cho mọi cán bộ có thể học suốt đời. Chẳng hạn Trường Payap (Thái Lan) chỉ học vào thứ bảy, chủ nhật, Trường đại học Hong Kong học các buổi tối, Trường Swinbern (Úc) chỉ cần lên lớp mỗi tuần một buổi...

Thay đổi nhận thức về vai trò của giáo dục trong thời kỳ mới phải là yêu cầu trước tiên đối với các nhà quản lý, lãnh đạo giáo dục. Như trên đã phân tích về những thay đổi và yêu cầu mới của nền giáo dục hiện đại, vai trò của giáo dục vì thế càng trở nên quan trọng và nặng nề hơn. Cơ chế QLGD ở nước ta cũng đang thay đổi dần từ quản lý tập trung theo kiểu trung ương tập quyền sang quản lý theo kiểu phân tán mạnh hơn, lấy nhà trường làm đơn vị giáo dục cơ sở. Các trường đang được tạo điều kiện để tăng cường tính tự chủ, đồng thời với tự chịu trách nhiệm.

Trước kia việc QLGD dường như chỉ thực hiện theo một chiều, cấp dưới phục tùng mệnh lệnh cấp trên, chỉ cần triển khai các nghị định, thông tư từ trên đưa xuống nên cán bộ QLGD chỉ cần là người có tinh thần kỷ luật, có trách nhiệm nhằm đảm bảo trật tự giáo dục, kỷ cương trường lớp và viết báo cáo đầy đủ lên cấp trên - như một công chức hành chính. Nhưng ngày nay với yêu cầu đa dạng, trong một cơ cấu xã hội phức tạp, họ vừa phải là thuyền trưởng trên dòng thác kiến thức vừa như một giám đốc điều hành doanh nghiệp.

Trách nhiệm của những người QLGD sẽ nặng nề hơn rất nhiều nhưng quyền chủ động và trí sáng tạo cũng có cơ hội để phát huy nhiều hơn. Đòi hỏi phải đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới QLGD, diễn ra âm thầm nhưng lại rất sôi sục.

Sản phẩm cán bộ QLGD không thể đạt chất lượng cao nếu nhà trường vẫn là một “ốc đảo cô đơn”. Nếu các trường, đơn vị giáo dục, các địa phương cùng nhạy bén với những thay đổi này, có chiến lược quy hoạch cán bộ và đặt hàng cho các trường đại học thì chắc rằng họ sẽ không lúng túng đi tìm những người tài để phục vụ việc cải tiến, nâng cao chất lượng của đơn vị mình. Và nếu các khoa giáo dục để tâm hơn đến sự phát triển của ngành mình chắc sẽ tìm mọi cách để tiếp cận với các cơ sở giáo dục, tìm hiểu yêu cầu của họ, tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó.

Tiếc thay, cho đến nay mối quan hệ này vẫn còn hết sức lỏng lẻo, nên giữa cung và cầu vẫn còn là một khoảng cách chưa thể lấp đầy.

__________

(1) Theo Nguyễn Ngọc, Giáo Dục và Thời Đại (12-4-2010)
(2) ĐH KHXH&NV TP.HCM, 2007.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận