Người cứu nhà cổ

HOÀI NHÂN 21/03/2004 20:03 GMT+7

TTCN - Bỏ việc cơ quan về nhà nằm đọc sách, rồi một mình lang thang hết vùng này đến vùng khác, lân la hỏi thăm về nhà cổ ròng rã suốt năm năm trời. Anh cán bộ vật tư cấp huyện Lê Văn Tăng (ảnh trên, bên trái) tuyên bố làm lại cuộc đời từ đầu: tìm mua những ngôi nhà cổ mục nát chuẩn bị dỡ xuống bửa củi đun bếp để trùng tu, dựng thành những ngôi nhà cổ uy nghi, bề thế bên vệ đường quốc lộ 1A, thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam...

 
 Nhà rồng cổ

 Suốt 15 năm trời ngược xuôi Bắc Nam để chạy cho ra nguồn vật tư cần thiết cho huyện nhà phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến năm 1990 anh xin nghỉ để... đi ngắm những ngôi nhà cổ trong vùng. Không biết tự bao giờ cái vẻ đẹp từ những nét chạm khắc của nhà rường làm anh mê. Khi di tích Hội An và Mỹ Sơn được công nhận là di sản thế giới, anh bắt đầu chú tâm đọc sách, nghiên cứu kiến trúc cổ. 

Lúc đó Tổ chức JICA (Nhật Bản) có chương trình tài trợ tập huấn về công tác trùng tu nhà cổ và phục hồi làng nghề truyền thống. Dự xong lớp tập huấn của JICA, tôi mới “sáng” ra, tự hỏi tại sao người ta lại quí những kiến trúc cổ như vậy. Họ giúp mình trùng tu sửa chữa, còn mình thì cứ để mặc cho những công trình cổ đó đổ nát...?”. 

Xong tập huấn, anh bắt đầu lang thang từ Hội An đến Mỹ Sơn để nghiên cứu đường nét của những bức tượng và kiến trúc của những căn nhà cổ.

Năm 1998, anh quyết định chuyển sang nghiên cứu kiến trúc chạm khắc trong những ngôi nhà rường cổ ở Quảng Nam và dốc nguồn vốn tích góp bao nhiêu năm đi sưu tầm và mua lại những căn nhà cổ đã đổ nát. 

“Những lần đứng trước đống gỗ của những căn nhà hàng trăm năm tuổi  được dỡ xuống sử dụng làm chuồng bò, hay chuẩn bị bửa củi đun bếp, nhất là những bức chạm trổ hoa văn trên các vì kèo được đem che chắn ở nơi chuồng trâu, bò, tôi tiếc ngân ngơ...”. 

Đã nhiều lần anh đứng trước những ngôi nhà rường có tuổi hơn 100 năm đang đổ nát mà chủ nhân là những nông dân nghèo không có đủ tiền để sửa sang lại. Anh đề nghị họ cố mà giữ. 

Nhiều người nghe anh giải thích hiểu được giá trị nên chạy vạy tiền mua tôn che chắn, nhưng cũng có người đề nghị anh đổi nhà cổ lấy nhà xây, thậm chí kêu anh đến bán với giá rẻ. Anh lắc đầu từ chối: “Những căn nhà rường cổ chỉ có giá trị khi nằm trong không gian của một vùng quê, nếu đem dựng chúng giữa phố phường chật hẹp thì không còn giá trị nữa...”. 

Anh đề nghị họ giữ lại và xin được trùng tu chỉ lấy tiền công, nhưng rất ít người đồng ý vì không có tiền. Trong những năm qua, hàng trăm ngôi nhà rường hơn 100 năm tuổi bị dỡ bỏ để xây nhà mới, khiến nhà rường cổ ở Quảng Nam đang có nguy cơ biến mất. 

Có căn nhà rường cổ ở Tiên Cảnh, Tiên Phước được người từ TP.HCM mua với giá hơn 2 tỉ đồng. “Cứ đà này trong vòng mười năm tới nếu không có kế hoạch bảo vệ, trùng tu thì những căn nhà rường cổ có giá trị sẽ bị người dân bán mất” - anh Tăng bức xúc.

Trong năm năm ròng rã anh Tăng đi về các vùng nông thôn ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận để tìm mua  bất cứ vật dụng gì là đồ gỗ cổ đã bị người ta đem vứt bỏ, hoặc chuẩn bị cho vào bếp nấu cám heo: từ chiếc cối xay lúa, đến chiếc bàn gỗ mục nát, hay những cây cột gỗ mít, những vì kèo của nhà rường... Nhà anh giống như một kho đồ cũ mà kẻ trộm có vào chắc cũng không thèm lấy, bởi có bán cũng chẳng ai mua.

Cuối năm 1998 anh thành lập công ty chuyên trùng tu và trang trí nhà cổ. Ban đầu chẳng có khách hàng vì những nông dân nghèo khó lấy tiền đâu để sửa sang lại ngôi nhà mình đang ở, mặc dù đó là ngôi nhà trị giá hàng trăm triệu đồng. Không có khách hàng, anh vận động những thợ giỏi cùng góp sức trùng tu những ngôi nhà cổ mục nát mua được, rồi dựng đầy trên khu vườn của mình như một shop nhà cổ. 

Anh đã làm cho hàng chục ngôi nhà rường cổ sống lại. Đến năm 2000, các chủ nhà cổ từ Sài Gòn nghe tiếng anh tìm đến “đặt hàng” để trùng tu một số chi tiết bị hư hỏng trong ngôi nhà của họ. Năm 2002, anh nhận trùng tu một số ngôi nhà ở Đà Nẵng, ở TP.HCM, có ngôi nhà mất hơn 965 ngày công mới hoàn thành như khi trùng tu nhà cổ cho họa sĩ Sỹ Hoàng, bởi đây là căn nhà cổ có nhiều họa tiết khó.

Từ năm 2002 đến nay bình quân mỗi năm anh Tăng trùng tu chín ngôi nhà cổ ở các vùng trong nước, và kế hoạch của anh từ năm 2004 trở đi sẽ bắt tay vào trùng tu những ngôi nhà rường ở Quảng Nam nếu được yêu cầu.

Theo thống kê của Tổ chức JICA, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 350 ngôi nhà rường cổ trên 100 năm tuổi, và trong số đó rất ít nhà còn nguyên vẹn, hầu như đều xuống cấp do dột, nát, nhưng không được trùng tu. 

Hi vọng với tình yêu nhà cổ và sự trợ giúp của chính quyền, anh Lê Văn Tăng sẽ là người đi tiên phong cứu nguy cho hàng trăm ngôi nhà rường cổ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ theo thời gian.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận