Người tử tù bán sách trong sân Tuol Sleng

MỸ LỆ 12/09/2013 07:09 GMT+7

TTCT - 1. Survivor - Sống sót vừa là câu chuyện quá khứ với chiến tranh, nhà tù, diệt chủng..., vừa là câu chuyện hiện tại với cuộc mưu sinh của một người dân Campuchia bình thường.

Phóng to
Một ngôi mộ tập thể tại “cánh đồng chết” Choeung Ek, khách viếng thăm đã đặt những vòng tay bằng chỉ để tưởng niệm các nạn nhân - Ảnh: Mỹ Lệ

Vì ông là Chum Mey, vì tôi nói tôi là người Việt Nam (nên ông muốn làm người thuyết minh cho tôi trong buổi thăm viếng ngắn ngủi nhưng đặc biệt hôm ấy), và vì tôi muốn đọc sách ông viết về cuộc đời thật ra không bình thường của ông?

Giữa chúng tôi không chỉ có chiếc bóng lịch sử mà còn là thương vụ giảm giá 2 USD kèm lời mời “one more pictures” mà vào thời điểm ấy tôi không biết gọi tên, mắc máng vào đâu trong sự lẫn lộn về thời gian, không gian của chính mình. Một bức ảnh thôi mà. Chẳng phải mình đang là khách du lịch. Sao cũng được!

Không phải những gì nhìn thấy ở Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng - nơi giam giữ, tra tấn hay “Cánh đồng chết” Choeung Ek - nơi giết hại và chôn lấp mười mấy ngàn người Khmer vô tội khiến tôi ấn tượng nhất mà là ông, trên hình bìa cuốn sách, đứng sau song sắt nhà tù Toul Sleng - nay trở thành bảo tàng, với chân dung những tù nhân đã chết làm nền đằng sau.

Là ông trong bức ảnh mời tôi chụp cùng, bên chiếc bàn nơi cuốn sách này và những cuốn khác về giai đoạn đau khổ đã qua của đất nước được bày bán. Ông đã sống sót, đang tồn tại. Ở tuổi 82, trong nét mặt tràn đầy sức sống và thân hình khỏe mạnh ấy, tôi thấy cả sự trường tồn ít nhiều mang tính biểu tượng.

Chum Mey ở Toul Sleng sống để kể lại. Khách thăm Choeung Ek được cảm ơn vì đã nhớ. Nếu không quên mà vẫn có thể sống, như Chum Mey, thì thật là hi vọng biết bao vào tương lai Campuchia. Một tương lai nhìn vào quá khứ một cách không mặc cảm, sẽ né tránh và vượt qua nó.

2. Lịch sử như một phông nền lớn hơn, lùi đằng sau, xa. Lịch sử ấy đưa đẩy ông tới vai trò nhân chứng trong những phiên tòa quốc tế về tội ác diệt chủng 1,7 triệu dân của chế độ Khmer Đỏ, đứng đầu là Pol Pot. 30 năm sau ngày chế độ này sụp đổ, ông mới lần đầu tiên gặp lại Duch - kẻ đứng đầu nhà tù Toul Sleng - tại một phiên tòa như thế.

Trong các trả lời phỏng vấn, ông nói lúc đầu mình vẫn nguyên cảm giác sợ hãi như thể Duch kia vẫn còn là cai ngục chứ không phải là bị cáo. Nhưng rồi trước các thẩm phán, ông đã làm chứng cho chính mình khi mô tả 12 ngày đêm bị tra tấn. Ngoài việc bị sốc điện, móng chân của ông bị rút hết khiến về sau này chúng trở nên dị dạng.

Khi thẩm phán hỏi “ông có thể cho xem sự dị dạng ấy?”, ông đã cởi giày ra và ống kính máy quay zoom vào đó. Có rất nhiều bình luận về bản án được tuyên nhưng chí ít công lý đã ghé thăm người dân Campuchia và với riêng ông, công lý ấy gói trong “một giấc ngủ ngon sau nhiều năm đêm nào cũng thấy ác mộng” như lời ông thú thật.

Chum Mey - một trong bảy tù nhân của nhà tù Tuol Sleng còn sống sót tới ngày quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh, chấm dứt sự cai trị của chế độ Khmer Đỏ vào năm 1979 - là một trong ba người còn sống tới nay. Ông viết Survivor và bán Survivor tại nơi mình từng bị giam giữ, tra tấn, chứng kiến cái chết của không biết bao nhiêu đồng bào. Thỉnh thoảng ông tình nguyện trong vai người thuyết minh.

Đây không phải lần đầu tiên ông trở lại Tuol Sleng. Ông đã trở lại nhiều lần với tư cách “nhân vật” cùng nhiều nhà làm phim, viết báo, những lần ấy hơi “ồn ào”, có chút “áp lực” với sứ mệnh “tố cáo” chứ không lặng lẽ ngồi một góc như ông đang bán sách mưu sinh đây. Cũng bởi sự lặng lẽ ấy, ông mới có thời gian cho tôi, người phát hiện hình bìa cuốn sách mình cầm trên tay giống ông bán sách. “Yes, I’m”, thật là một sự ngạc nhiên thú vị! Giờ đây, ông chỉ là “sống để kể lại”...

Phóng to
Người sống sót Chum Mey cùng cuốn sách do ông viết và bán tại Tuol Sleng - Ảnh tác giả cung cấp

3. Nếu như không có tiếng súng của quân tình nguyện Việt Nam tại Phnom Penh năm ấy, ông đã không có cơ hội thoát khỏi Tuol Sleng.

Theo lời ông trong Survivor thì một nhóm chừng 30 người gồm cai ngục - những tên chuyên làm cái việc tra tấn với súng ống trong người - và tù nhân ra đi trong im lặng với đích đến là Choeung Ek - một địa danh mà ông không hề hay biết sẽ là nơi những tù nhân cuối cùng, bao gồm cả mình, bị thi hành án tử hình.

Trong một không khí được mô tả là “hỗn loạn” kéo dài một tháng kể từ ngày rời Toul Sleng, ông tình cờ gặp vợ và đứa con mới mấy tháng tuổi tại một trại tập trung, chứng kiến cảnh vợ con bị bắn chết khi cả gia đình cùng nhau chạy trốn quyết định hành quyết họ vào lúc nửa đêm, trên giường ngủ thay vì ở Choeung Ek như kế hoạch.

Dọc đường chạy thoát thân, ông “nhặt” được vợ mới - một phụ nữ kém ông 20 tuổi mà ông chưa từng gặp trước đó, người bị nhốt chung với vợ cũ và biết ông là chồng của chị ấy. Tất nhiên, cũng còn nhờ vào sự may mắn, như ông tự nhận “I’m a lucky man”. Trước khi rút khỏi nhà tù Tuol Sleng, lính của Duch kịp giết thêm 14 tù nhân còn lại, “những người sau đó được chôn trong những ngôi mộ ở ngay lối vào nhà tù”, ông chỉ tay và nói.

Nhưng bằng cách nào ông có thể không chết trong hai tháng làm tù nhân của Toul Sleng? Bởi dù không chết trong 12 ngày đêm bị tra tấn dã man ấy, đến nỗi ông phải nhận mình làm việc cho CIA - một tổ chức ông chưa từng nghe đến tên - theo lời ép cung, thì những người như ông đều bị đưa đi Choeung Ek để... chết.

Một ngày sau khi ký vào bản cung “kết án mình”, tên cai tù đến phòng giam chung hỏi “ai là người đến từ O-Russei (một trại lao động do Khmer Đỏ thiết lập - PV) và có thể sửa máy?”, ông trả lời “tôi”. Hai, ba ngày sau, kẻ tra tấn ông mang đến chiếc máy đánh chữ hỏng, loại được dùng để gõ lời khai của các tù nhân, và yêu cầu ông sửa nó. Ông sửa được không chỉ một cái, đâu biết rằng một bản án tử hình vừa được hoãn thi hành.

4. Đọc Survivor mới hay mối lương duyên của ông với Việt Nam lâu và riêng tư hơn câu chuyện mang tính lịch sử về sự cứu tinh của quân tình nguyện Việt Nam. Cả đời ông gắn với nghề thợ máy, đặc biệt là máy các loại xe. Trước khi Khmer Đỏ nắm quyền, ông sống giàu có nhờ nghề này, còn vinh hạnh được chọn làm người giúp việc cho một vị tướng, cậu (chú) của vua Sihanouk, người sở hữu một chiếc trực thăng và xe jeep.

Ít ai biết công việc đầu tiên mà ông kiếm được vào năm 20 tuổi sau nhiều ngày trốn nhà lên Phnom Penh trong đói khát là từ một người Việt Nam. “Đó là một người đàn ông già ốm yếu có chiếc xe tải chạy chở cát bằng gas” - ông kể. Làm phụ lái, ông được tiếp xúc với động cơ và bắt đầu được dạy lẫn tự học những sửa chữa đơn giản.

Thời gian đầu, khi quân tình nguyện Việt Nam vừa vào Phnom Penh, ông vừa từ Toul Sleng ra, không khí rất tranh tối tranh sáng. Ông và nhiều người khác vừa sợ Khmer Đỏ vừa nghi ngờ cả những người tấn công Khmer Đỏ. Nhưng sau đó dù nhìn dưới bất kỳ lăng kính chính trị nào thì với tư cách người dân như ông, họ đã được giải thoát.

Vì vậy, cuộc biểu tình của 20.000 người Campuchia trong tháng 6 vừa qua do ông phát động với tư cách chủ tịch Hội những người là nạn nhân của Khmer Đỏ phản đối lời của một lãnh đạo đảng đối lập của Campuchia rằng Toul Sleng chỉ là sự ngụy tạo của Việt Nam không chỉ là sự phẫn nộ đối với lời nói dối về một sự thật mà ông là nhân chứng cho mình và hàng triệu nạn nhân, nó còn gắn với sợi dây tình cảm đó.

Phóng to
Bảy tù nhân còn sống sót từ nhà tù Toul Sleng năm 1979, Chum Mey là người đứng bìa trái - Ảnh tư liệu của Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng

5. Thật ra nếu Chum Mey không giới thiệu thì theo lịch trình, tôi cũng đến “cánh đồng chết” Choeung Ek cách trung tâm Phnom Penh chừng 17km. Ở đây, thật cảm động với lời cảm ơn phát ra từ chiếc máy và tai nghe trong vai trò hướng dẫn viên mà khách được phát để tự mình bước vào hành trình về quá khứ. Ừ thì “dù sao đây cũng là câu chuyện theo lẽ thông thường cần quên để sống, nhưng cảm ơn bạn đã nhớ”.

Mỗi một vị trí được đánh dấu trên mảnh đất giờ xanh tươi cây cỏ này là một câu chuyện, một sự kiện đau lòng. Này là hố chôn tập thể, kia là nhà kho đựng dụng cụ giết người, nọ là gốc cây để đập đầu trẻ con bằng tay không. Chính giữa, một đền thờ được xây chứa 9.000 hài cốt trong những chiếc tủ kính. Có một bảo tàng trưng bày tư liệu về chế độ Khmer Đỏ và mối liên hệ giữa Tuol Sleng với Choeung Ek.

Bước lên ngọn đồi nhỏ bên phải, nhìn ra có thể thấy toàn cảnh một lòng hồ ước tính còn 40/126 ngôi mộ tập thể bên dưới mà Chính phủ Campuchia quyết định để yên cho họ ngủ. Đồi đó, nhìn vào, nhìn xuống, tôi như bắt gặp mình vừa nãy trong những bước chân như bị thôi miên của bao du khách.

Ai, dù có đi theo đoàn, cũng riêng lẻ trong sự tĩnh lặng của không gian và ý nghĩ, tiếng thở dài và những giọt nước mắt. Cho đến khi mọi người bước ra khỏi cánh cổng chết chóc ấy, những ồn ào của cuộc sống hiện tại mới trở lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận