Nhà tổ chức mỹ thuật đương đại

THU HÀ THỰC HIỆN 03/06/2007 02:06 GMT+7

TTCT - Khó có thể gọi thật chính xác “danh hiệu nghệ thuật” của Trần Lương. Hơn một thập niên trước, anh là thành viên của nhóm năm họa sĩ “Gang of five”: Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng và Trần Lương.

Phóng to
Trần Lương, curator của nghệ thuật đương đại VN. Việt Dũng

Cái ngả ấy, theo Trần Lương, “không biết gọi là gì, đành gọi là nghệ thuật đương đại”. Ở đó, tên anh lùi xuống đằng sau để lần lượt giới thiệu trên “mặt tiền” của nghệ thuật trẻ VN hàng trăm chân dung - tác phẩm mới, trong số đó không ít cái tên ở lại được với công chúng yêu nghệ thuật: Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, Ly Hoàng Ly, Đinh Gia Lê, Trần Anh Quân, Trần Kim Ngọc...

Vừa hội họa, vừa trình diễn, vừa sắp đặt, vừa video-art, vừa điêu khắc và tổ chức âm thanh... - thế giới của sự hỗn độn mới mẻ ấy có chung một nhà tổ chức, tuyển trạch và đạo diễn: chính là Trần Lương. Chưa có từ tiếng Việt tương ứng, dân “nghệ” vẫn gọi Trần Lương là curator. Và có lẽ anh là curator duy nhất của nghệ thuật đương đại tại VN.

Một chiếc giường bằng... thủy tinh bày trang trọng giữa một cuộc triển lãm lớn; khách đến xem đang phân vân không hiểu ý đồ của tác giả là gì thì một anh chàng vẹt đám đông chạy vào nằm ngay lên giường, chân tay khua khoắng loạn xạ. Một cô gái kiên nhẫn ngồi bắt từng con côn trùng bỏ vào một cái hũ, chúng bò ra cô lại bắt vào, cứ kiên nhẫn như thế suốt... một tuần tại một phòng triển lãm lớn. Một bức màn xô gợi nhớ thời bao cấp, vén lên thấy nguyên một mẹt... cá khô, bốc mùi đã hơi nằng nặng...

Những hình ảnh như vậy có thể thấy ở bất kỳ cuộc triển lãm hay festival nghệ thuật đương đại nào mà Trần Lương thường đóng vai trò curator suốt hơn 10 năm nay. Người ta đến lúc đầu vì tò mò, lâu dần thành nhu cầu và sự phê phán lúc đầu chỉ vì dị ứng cũng ngày càng đi vào chiều sâu với câu hỏi: liệu đã đến lúc bế tắc của nghệ thuật đương đại?

* Thưa anh Trần Lương, khái niệm “nghệ thuật đương đại” mà anh đang theo đuổi và cổ xúy nghe có vẻ vừa bất ổn vừa không được... khiêm tốn lắm?

Phóng to
Nguyễn Minh Thành với một triển lãm sắp đặt . Dương Minh Long
- Cái mà chúng tôi đã và đang làm, mà mọi người vẫn gọi là nghệ thuật đương đại không có gì là mới mẻ với thế giới cả. Nó chỉ mới và lạ ở VN thôi. Mà cái gì mới và lạ ở ta thì hay gây phản ứng “sốc phòng vệ” từ phía các cơ quan chức năng cũng như “các bậc phụ huynh”. Các nghệ sĩ trẻ thì hăng hái và hay cực đoan, trong sáng tạo cá nhân thì cần thiết và đáng quí nhưng trong hành xử và phát ngôn thì thật bất lợi cho bản thân cũng như cho tác phẩm của họ. Có lẽ vì vậy mà cần đến một curator như tôi.

Công việc của tôi, theo các đồng nghiệp trên thế giới, có thể gọi là sự kết hợp giữa các chức năng: tìm kiếm, tổ chức, tuyển chọn và đôi khi là đạo diễn. Còn ở VN, nhiều khi thêm chức năng thuyết phục, thậm chí... năn nỉ (cả cơ quan chức năng và cả nghệ sĩ). Trên thế giới, curator ban đầu hầu hết là họa sĩ và không được đào tạo bài bản gì cả, chỉ là tự phát, ngẫu hứng.

Mất 10 năm mày mò, sau đó đã có những người thật sự chuyên nghiệp, có bằng cấp cao về curator, có hiểu biết sâu sắc không chỉ về lịch sử mỹ thuật, phê bình mỹ thuật mà cả lịch sử thế giới, chính trị, địa lý, văn hóa, điện ảnh, sân khấu, âm thanh... Tóm lại là họ đã kịp đào tạo và tự đào tạo để tổng hợp được những kiến thức cổ kim đông tây cần thiết cho công việc. Ở VN, tôi nghĩ cũng sẽ phải mất 10 năm “bọc lót”, sau đó sẽ có một lớp nghệ sĩ trẻ hơn, được đào tạo bài bản hơn thay thế chúng tôi.

* Rất nhiều khán/thính/độc giả, trong đó có tôi, vẫn chưa bao giờ hết băn khoăn về cái gọi là tính bền vững và sự thiết thực của một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Nó chỉ được trình bày chỉ một lần, không bao giờ lặp lại, không bao giờ có bản thứ hai y hệt như thế. Cũng rất ít người được trực tiếp chứng kiến - thưởng thức nó...

- Tôi luôn nhận được những câu hỏi như vậy và bản thân cũng không ít lần tự hỏi mình và hỏi bạn bè như thế. Nhưng bằng những gì tôi đã trải nghiệm, qua cuộc sống, qua những chuyến đi đến hàng trăm nơi trên thế giới, từ những chốn xa xỉ nhất đến chỗ khốn cùng nhất, tôi cho rằng tính mong manh của nghệ thuật đương đại phản ánh đúng tâm thế của nhân loại. Căn bệnh hiện đại dễ gây tử vong nhất lại là căn bệnh phổ biến và tưởng như vớ vẩn nhất: cúm; còn thứ dễ sụp đổ nhất lại là thứ giá trị tinh thần lẽ ra phải bền vững nhất: thần tượng.

Mà nguyên nhân gây sụp đổ nhiều nhất lại cũng là nguyên nhân trái khoáy nhất: sự tiến bộ. Vì thế, muốn tồn tại phải chấp nhận sự mong manh. Nhưng ngược lại, tôi vẫn luôn tin vào lẽ công bằng: “ký ức” luôn có giá trị nếu được ghi nhận trong não của một số người tích cực, được nhân lên và được nhắc lại nhiều lần - “trăm năm bia đá cũng mòn” mà...

* Nhưng liệu sự mong manh ấy có thật sự đủ hấp dẫn để anh từ bỏ những giá trị đích thực của nghệ thuật truyền thống mà theo đuổi nghệ thuật hiện đại đến đích cuối cùng không; trong khi rất nhiều người vẫn đang tự hỏi: giới làm nghệ thuật đương đại sống bằng gì khi tác phẩm của họ không mua bán được vì không thể lưu trữ như tranh, tượng...?

- Vậy thì tôi cũng thú thật là đến giờ này tôi vẫn sống bằng tiền bán tranh từ thuở “Gang of five”. Tôi không ăn lương của bất kỳ cơ quan đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nước nào vì không muốn bị ràng buộc vào bất kỳ một định hướng ngoài nghệ thuật nào. Số tiền tôi nhận được cho mỗi dự án chỉ đủ cho tôi sống và làm việc trong khi thực hiện dự án đó. Nhưng đó là thách thức của toàn bộ nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận trên khắp thế giới, chỉ điều kiện là khác nhau.

Riêng ở New York, đã có tới 1.000 quĩ tài trợ cho văn hóa từ vài chục ngàn USD đến khổng lồ như Rockefeller. Họ luôn đảm bảo cho nghệ sĩ một cuộc sống tối thiểu để sống và làm nghệ thuật. Làm nghệ thuật đương đại nghĩa là dám hứa với đời mình sẽ sống giản dị (nhưng không chết đói) để sáng tạo nghệ thuật, cống hiến cho đời (ngược lại, xã hội cũng không được để cho họ chết đói!). Phúc lợi xã hội dành cho phát triển nghệ thuật còn quá mới ở VN nhưng sẽ là xu hướng tất yếu, chỉ cần nghệ sĩ đừng hi vọng trông vào đó để sống xa xỉ mà thôi.

* Những “tuyên ngôn” như thế cùng những hình ảnh mới nhất trong các liên hoan nghệ thuật mà anh tham gia tổ chức cho thấy có một giới nghệ sĩ trẻ cùng với một Trần Lương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề nhân sinh, thậm chí gắn với thời sự.

- Đúng thế. Nói đã là nghệ sĩ thì không cần quan tâm đến thời sự chính trị là giả dối và vô trách nhiệm. Bạn có biết trong cuộc biểu tình khổng lồ gần 1 triệu người chống chiến tranh Iraq ở New York mà tôi có cơ hội tham gia thì ai là người đi đầu không? Toàn bộ ban lãnh đạo Quĩ Rockefeller cùng các nghệ sĩ hàng đầu của Mỹ.

Đơn giản thôi, tiền tài trợ cho các hoạt động văn hóa của Quĩ Rockefeller là từ lợi nhuận của tiền quĩ mang đi đầu tư. Chiến tranh xảy ra thì chứng khoán rớt thê thảm, lợi nhuận cũng rớt thê thảm, còn đâu ra mà tài trợ cho nghệ sĩ. Vậy đấy!

Trở lại với đời sống của chúng ta, các nghệ sĩ VN đang sống trong mỏ vàng của chất liệu sáng tạo. Cuộc sống của chúng ta đang vận động mãnh liệt, cái gì cũng cựa quậy, cái gì cũng phát triển, có thể quá đà, có thể cực đoan, có thể sai lầm, thậm chí đổ vỡ, nhưng đó là chất liệu vô cùng quí giá mà những xã hội ổn định, già nua như Thụy Điển hay Đan Mạch hoặc sát vách chúng ta như Singapore không bao giờ có được.

Tại sao lại không dùng nó làm chất liệu và cảm hứng? Sắp tới tôi sẽ tổ chức một cuộc triển lãm ở Hội đồng Anh với tên gọi nôm na là “Bún ngan VN trên đường phát triển và hội nhập”. Tôi đã thỏa thuận với bà bán bún ngan ngon nhất chợ Hàng Da gánh bún lên sân khấu để bán bình thường, giá chỉ có 500 đồng. Xem mọi người có ngồi xuống ăn không. Cũng là một cách test tâm lý, thử thái độ của công chúng...

* Xin cảm ơn anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận