Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện

VIỆT ANH 04/09/2024 10:12 GMT+7

TTCT - Những lá thư trong một thư khố Pháp hé mở nhiều điều về sự kiện lịch sử từng gây chấn động châu Á 100 năm trước của một nhà ái quốc Việt Nam.

Sự kiện nhà ái quốc Phạm Hồng Thái (1894-1924) đánh bom mưu sát Toàn quyền Đông Dương Merlin ngày 19-6-1924 tại đảo Sa Diện (thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) là chủ đề nổi bật không chỉ trong Việt sử, mà trong cả lịch sử thế giới về giai đoạn đấu tranh chống thực dân đế quốc sôi nổi của nhiều dân tộc châu Á.

Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện - Ảnh 1.

Chân dung Phạm Hồng Thái trong hồ sơ "Attentat de Shameem 19 Juin 1924" [Vụ mưu sát ở Sa diện 19.06.1924] của Sở Liêm phóng Đông Dương. Ảnh: tư liệu tác giả

Nói ví dụ, sử gia chuyên về lịch sử Đông Nam Á của Đại học Cambridge (Anh) Tim Harper đã dành nhiều đoạn kỳ công trong tác phẩm lớn của ông in năm 2020, Underground Asia: Global Revolutionaries and the Assault on Empire (Châu Á hoạt động bí mật: Những nhà cách mạng toàn cầu và cuộc tấn công đế quốc), để kể lại chi tiết và giải thích vụ ám sát của Phạm Hồng Thái.

Nhìn lại tiếng bom Sa Diện

Nhiều nguồn tài liệu từ phía Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Triều Tiên... đã được khảo cứu để tái hiện minh bạch sự kiện này, trong số đó có di thư viết tay bằng chữ Nôm và Hán văn được cho là của Phạm Hồng Thái, những tài liệu hiện được bảo quản trong Lưu trữ hải ngoại Pháp.

Phạm Hồng Thái, tên thật Phạm Thành Tích, sinh vào cuối thế kỷ 19, xuất thân trong gia đình theo nếp Nho học ở Nghệ An. 

Lớn lên trong bối cảnh các phong trào yêu nước phát triển ở quy mô ngày càng lớn và sôi nổi cả trong và ngoài nước, Phạm Hồng Thái không đứng ngoài dòng chảy thời sự ấy. Ông ít nhiều có liên hệ với các tổ chức cách mạng của người Việt thời kỳ này như Việt Nam Quang Phục hội (ra đời năm 1912) hay Tâm Tâm xã (hiện diện năm 1924).

Với tư cách thành viên của Tân Việt thanh niên đoàn (tức Tâm Tâm xã), cùng người đồng chí Hồng Sơn, ngày 19-6-1924, Phạm Hồng Thái đã nhận nhiệm vụ mưu sát Martial Merlin (1860-1935) trong chuyến công du của viên toàn quyền Đông Dương ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc, đương thời là nhượng địa Pháp - Anh). 

Chiều tối ngày hôm ấy, khi Merlin tới khách sạn Victoria trong địa phận đảo Sa Diện thuộc Quảng Châu, Phạm Hồng Thái trực tiếp quăng vali có chứa tạc đạn vào bàn tiệc có nhiều quan khách Âu Tây. 

Tạc đạn phát nổ gây một số thương vong, song không hại gì tới Merlin. Bị truy đuổi gắt gao, Phạm Hồng Thái đã hy sinh trong dòng nước Châu Giang (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).

Đã có một số tài liệu được công bố về sự kiện này, đáng kể là báo cáo bằng tiếng Pháp của chính Merlin: "Vụ ám sát cách mạng ngày 19-6-1924 ở Quảng Châu" gửi bộ trưởng Thuộc địa Pháp; bài nghiên cứu "Đóng góp vào việc tìm hiểu thêm về Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Diện" của giáo sư sử học Vĩnh Sính từ Nhật Bản khai thác tài liệu lưu trữ ở Nhật; cuốn sách của Harper đã nói; hay luận văn tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Singapore năm 2016 của nhà nghiên cứu người Hàn Quốc Hwang Eun-shil "Sharing the Same Predicament": Mutual Perceptions and Interactions between Korean and Vietnamese Intellectuals, 1900-1925" ("Cùng chung hoạn nạn": Nhìn nhận và tương tác giữa trí thức Triều Tiên và Việt Nam, 1900-1925).

Riêng trong Lưu trữ hải ngoại Pháp (Aix-en-Provence, Pháp), hồ sơ Attetntat de Shameen 19 Juin 1924 [Cuộc mưu sát ở Sa Diện 19-6-1924] gồm nhiều tài liệu Pháp văn, Hán - Nôm gốc về vụ việc. 

Trong số đó có thư chữ Nôm và thư chữ Hán của nhân vật tự xưng là Phạm Hồng Thái, đều viết trước khi khởi sự. Bên cạnh đó là những tài liệu khác, gồm thư tay Hán văn của người Triều Tiên Từ Hưng Á (Seo Hung-a) tự xưng có quen biết và chung chí hướng với Phạm Hồng Thái, viết từ Hong Kong gửi chủ bút của tờ Hiện tượng báo (Xianxiang Bao) ở Quảng Châu và báo cáo bằng Pháp văn của các cấp chức năng trong Sûreté intérieure de l'Indochine [Sở Liêm phóng Đông Dương] thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương.

Cơ quan đặc trách an ninh này đã thu được bản gốc thư chữ Nôm và thư chữ Hán nói trên. Từ đó họ cho rằng: thực tế người chủ trương nội dung và phương cách truyền bá những thư này sau khi vụ mưu sát diễn ra là Nguyễn Hải Thần (1869-1959), nhà cách mạng Việt Nam, thành viên Việt Nam quang phục hội, vốn luôn theo đuổi đường lối bạo động chống thực dân Pháp. 

Cơ quan mật thám Pháp xác định Nguyễn Hải Thần là người đã cho chụp chân dung Phạm Hồng Thái, đưa Phạm Hồng Thái giữ trong mình bản viết tay những lá thư kia để giành gây tiếng vang sau khi thực thi nhiệm vụ. Những điều này cũng được đề cập trong báo cáo của Merlin.

Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện - Ảnh 2.

Thư viết bằng chữ Nôm, được cho là của Phạm Hồng Thái, trong hồ sơ "Attentat de Shameem 19 Juin 1924" [Vụ mưu sát ở Sa diện 19.06.1924] của Sở Liêm phóng Đông Dương. Ảnh: Tư liệu tác giả

Cũng cần nhắc tới thư Hán văn của Từ Hưng Á. Thư viết sau khi được tin Phạm Hồng Thái hy sinh trong dòng nước Châu Giang, Từ đã chép di thư tuyên ngôn đính cùng di ảnh của nhà chí sĩ Việt Nam gửi tới tòa báo Hiện Tượng ở Quảng Châu, những mong được đăng tải để công luận thế giới hay biết. 

Ngày 25-6-1924, tức là bảy ngày sau cuộc mưu sát bất thành, Hiện Tượng Báo đã cho đăng hai thư Hán văn của Phạm Hồng Thái và Từ Hưng Á, liền sau đó có lời chú của tòa báo: "Di thư này hình như đã được viết thay sau khi Phạm Hồng Thái, đoàn viên Nghĩa Liệt đoàn mất. Theo lệ nghe sao đăng vậy, bổn báo cho đăng tải" (theo Vĩnh Sĩnh).

Nguyên văn hai lá thư

Nguyên văn thư Nôm và bản dịch thư Hán văn nhân danh Phạm Hồng Thái trước khi diễn ra sự kiện tiếng bom Sa Diện sẽ được giới thiệu nguyên văn sau đây. Tài liệu được dẫn nguyên vẹn cho thấy không chỉ lòng yêu nước của một nhà cách mạng mà còn là diện mạo Việt Nam trong giai đoạn lịch sử bi hùng.

Thư Nôm - Phạm Hồng Thái:

"Tên tao là Phạm Hồng Thái, người ở xứ Bắc kỳ. Tao chuyến này ra tay giết thằng toàn quyền Mễ Lan [Merlin]. Bởi vì nó tội ác nhiều quá, ở thế giới này xem như Anh Mỹ đối mấy [mới/với] Ba lan [Pologne], Ba tư [Iran], Ấn độ, Phi luật tân [Philippines], thực là có lòng khai hóa ủng giúp cho độc lập. Thế mà thằng toàn quyền Mễ Lan nó đối đãi mấy nước An Nam tao, ở trong thời nó nhiều đường áp chế, trăm sự bưng mắt bịt tai, không muốn cho dân biết sự gì tất cả. Ở ngoài thời lập kế che đậy, không cho các nước liệt cường biết. Những sự nó áp chế, kể không hết được. Tức như cấm người nước An Nam tao không cho xuất dương du học và du lịch, cấm không cho tự do ngôn luận, cấm không cho tự do kết hội, các việc không có một tí gì tự do tất cả. Đến như sai người đi các nơi đem thuốc độc toan sự âm sát những người có lòng chúng tao. Thực là đê liệt quá. Thực là âm độc không có một chút nhân đạo gì tất cả. Phen này lại còn đi khắp các nước Á Âu, đặt điều nói xấu người nước An Nam tao, muốn cho người có chí chúng tao đi đến đâu cũng không thể vận động được việc gì tất cả. Tội nó thực là nên giết. Hóa cho nên tao định giết nó ở trong xứ An Nam nhưng mà không gập được cơ hội, phải theo đến đất Quảng Đông mới giết được. Tao giết nó để cho chính phủ Pháp sau này phải lấy nhân đạo đối đãi người nước An Nam tao, và cho toàn thế giới đều biết người nước An Nam tao thực là không chịu nổi được chính phủ Pháp áp chế đấy."

Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện - Ảnh 3.

Thư viết bằng chữ Hán, được cho là của Phạm Hồng Thái, trong hồ sơ "Attentat de Shameem 19 Juin 1924" [Vụ mưu sát ở Sa diện 19.06.1924] của Sở Liêm phóng Đông Dương. Ảnh: Tư liệu tác giả

Thư Hán văn - Phạm Hồng Thái đi liền đó:

Di thư Tuyên ngôn của thích khách người An Nam là Phạm Hồng Thái

"Phạm Hồng Thái, Đoàn viên Nghĩa Liệt đoàn Việt Nam Quang Phục quân, cúi mình kính cẩn tuyên cáo trước chư vị quân tử toàn thế giới rằng: Hồng Thái được chào đời ở Việt Nam, lớn lên dưới cường quyền hết sức ngang ngược hết sức dã man của người Pháp; lâu nay đã nung nấu [ý nguyện] kháng cự mà thoát ly khỏi ách ấy. Vì thế từ sau khi Nghĩa Liệt đoàn Việt Nam Quang Phục quân thành lập, liền ghi danh vào sổ đảng, xuôi ngược vì việc đảng, nguyện hiến thân mình. Ngày tháng Tư năm nay [1924] vâng mệnh lệnh của bản đoàn tìm giết Toàn quyền Pháp ở An Nam là Merlin. Cùng vâng mệnh lệnh hôm ấy có hơn chục người, từ An Nam đi các xứ Đông Dương, Bắc Kinh, Hương Cảng, theo tung tích mà ám sát. Hồng Thái sau khi nhận lệnh, từ An Nam bám sát hành tung, rình cơ hạ sát. Duy bởi đường đi nhiều khó khăn, không thể đạt được mục đích. Đến ngày 19 tháng Sáu Merlin đến Sa Diện ở Quảng Châu, thì mới quăng được tạc đạn tấn công.

Merlin này từng đảm nhiệm Toàn quyền ở châu Phi. Từ sau khi nắm chức Toàn quyền ở đất Việt, chuyên dùng chính sách dã man cai trị châu Phi để áp dụng ở Việt Nam, cấm người xuất dương, cấm người du học, cấm người Việt Nam không được tự do lập hội, cấm người Việt Nam không được tự do ngôn luận, cấm đoán các loại không bút nào tả xiết. Gần đây còn lợi dụng những kẻ du côn vô liêm sỉ người Việt Nam, dùng kim tiền nhử mồi, đem quan tước ve vãn rồi phái đi các xứ lén liên kết với người trong đảng, ngầm đợi thời cơ ra tay đầu độc. Thực là thủ đoạn tột cùng vô nhân đạo hết sức đê tiện hết sức thâm độc. Merlin này đã được bầu làm Tổng thống Pháp quốc, đang đợi về nước nhậm chức. Trước khi rời khỏi Việt Nam lại còn mượn cớ du lịch đi khắp các nước Á châu, thực thi các thủ đoạn ngoại giao đối với Việt Nam mà ngược đãi nhân dân Việt Nam, che đậy tai mắt các nước mạnh. Mỹ đối với Phi Luật Tân, Anh đối với Ấn Độ, Miến Điện, thực không có loại tàn độc như vậy. Tội ác chồng chất đã không thể dung tha.

Hồng Thái vâng mệnh lệnh của Nghĩa Liệt đoàn chỉ giết một mình Merlin. Song le tạc đạn quăng ra vội vã, ngọc trên núi cá trong ao không khỏi không chuốc lụy. Ấy thực là sự hối hận vạn bất đắc dĩ, những mong các vị quân tử bị liên lụy lượng tình tôi mà rộng lòng cho.

Hồng Thái vâng mệnh của đảng, vì 40 triệu đồng bào Việt Nam mà hy sanh, chết không đáng tiếc. Chỉ mong toàn thế giới cùng thấu tỏ cho mà cứu vớt cho, để dân tộc Việt Nam được tồn tại trên địa cầu. Được vậy thì Hồng Thái cũng mang ơn ở nơi chín suối vậy.

Năm Giáp Tý ngày 18 tháng Năm, tức dương lịch ngày 19 tháng Sáu.

Việt Nam Nghĩa Liệt đoàn đảng viên Phạm Hồng Thái tỏ lòng".

Dựa vào các bản phiên dịch tài liệu được cho là di thư của Phạm Hồng Thái, có thể nhận thấy chủ trương bạo động sắc nét và thái độ quyết liệt hành động của thành viên tổ chức Tâm Tâm xã gồm những người trẻ quyết chí làm cách mạng chống Pháp. 

Lời lẽ trong thư Nôm gần với lối nói khẩu ngữ, văn phong chân thực, văn khí sinh động, nồng nhiệt, tựa như nhân vật đang phát biểu thành lời. Từ trong thư Nôm này, nổi bật khát vọng được đối đãi "nhân đạo" - đạo làm người - mà các nhà cách mạng như Phạm Hồng Thái đã không tiếc sinh mạng để đòi bằng được cho người dân Việt.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận