"Nhập gia tùy tục" ở Premier League

NGUYỆT PHƯƠNG 07/03/2014 04:03 GMT+7

TTCT - Theo BBC Sports, các cầu thủ nước ngoài đến Premier League nhận được sự hỗ trợ khá toàn diện từ chuyên viên liên lạc của CLB. Tuy nhiên, chuyện thích nghi bên ngoài sân bóng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Tiền vệ Yacouba Sylla hội nhập nhanh ở Aston Villa, nhưng anh mất bốn tháng để thích nghi cuộc sống ở Birmingham - Ảnh: birminghammail.co.uk

Trong đợt chuyển nhượng mùa đông vừa qua, các CLB Premier League đã chi 50% trong tổng số 120 triệu bảng để mua các cầu thủ nước ngoài. Khi đến Anh, các cầu thủ nước ngoài lập tức được hỗ trợ để thuê nhà, mua xe, điện thoại và tài khoản ngân hàng. Chuyên viên liên lạc cũng tư vấn cho họ các vấn đề tâm lý, thậm chí cả chuyện nhỏ nhặt nhất như đỗ xe ở chỗ nào trong ngày đầu tiên tại CLB mới.

Theo chuyên gia phân tích phong độ Gavin Fleig của Manchester City, phải mất một năm để cầu thủ nước ngoài “an cư”. Học ngôn ngữ là khó khăn đầu tiên, thích ứng với nền văn hóa khác biệt là thử thách thứ hai. Họ có thể rơi vào tâm trạng bối rối khi cảm giác nhớ nhà và cô đơn. Cách ăn uống cũng có sự khác biệt.

Thủ môn David De Gea đến sân Old Trafford từ Atletico Madrid là một trường hợp: anh ngủ từ 2-3 lần mỗi ngày và ăn quá nhiều bánh thịt. Do đó, ban huấn luyện buộc De Gea phải uống thức uống chứa protein ngay sau khi luyện tập và ngừng ăn bữa chính vào nửa đêm.

Ngay cả sự ồn ào của các thành phố ở Anh cũng có thể gây ra vấn đề cho các cầu thủ nước ngoài. “Vài năm trước, chúng tôi ký hợp đồng với một cầu thủ châu Phi chưa từng rời châu lục này trước đó. Khi ra khỏi sân bay Birmingham, anh ấy ngồi trong xe nhưng lấy hai tay bịt tai vì không thể chịu nổi tiếng ồn từ giao thông. Anh ấy không quen với môi trường đó” - bà Lorma McClelland kể.

Chuyên viên liên lạc của Aston Villa này khẳng định các ngôi sao bóng đá cũng là những người bình thường, cũng phải đối mặt với những vấn đề và nỗi lo như người khác.

Từ giữa thập niên 1990, Liverpool đã có nhân sự hỗ trợ các cầu thủ định cư. Tuy nhiên, Aston Villa mới là CLB đầu tiên ở Premier League tuyển dụng chuyên viên liên lạc vào năm 2002. Ngay khi một cầu thủ mới đến, bà McClelland đã ra đón ở sân bay, hỗ trợ dịch thuật khi đàm phán hợp đồng.

Bà nói: “Tôi là một chuyên gia tư vấn, do đó thỉnh thoảng tôi giúp đỡ các cầu thủ mới đối phó với những vấn đề trong cuộc sống. Khi một cầu thủ mới gặp vấn đề với cầu thủ khác, tôi sẽ hỗ trợ anh ấy và hoàn toàn kín tiếng. Những gì tôi nói trong văn phòng được giữ bí mật hoàn toàn. Các cầu thủ mới có thể gặp những vấn đề như người thân qua đời, quan hệ tình cảm không thuận lợi...”.

Trong những năm qua, bà McClelland đã giải quyết rất nhiều vấn đề cho các cầu thủ mới vì “HLV Paul Lambert rất quan tâm đến cảm giác của các cầu thủ”. Aston Villa cũng thiết lập hệ thống “bạn bè”, tạo cặp giữa một cầu thủ mới với một đồng đội có cùng độ tuổi, nguồn gốc, ngôn ngữ, như trường hợp tiền vệ người Mali Yacouba Sylla được xếp cặp với cầu thủ nói tiếng Pháp Christian Benteke.

“Anh ấy giải thích mọi việc cho tôi khi tôi mới đến. Anh ấy đã ở đây sáu tháng nên hiểu rõ mọi thứ. Anh ấy giúp tôi thích ứng với môi trường mới bởi anh ấy cũng giống như tôi sáu tháng trước” - Sylla nói.

Cầu thủ người Mali này cảm thấy buồn cười khi các cầu thủ gặp nhau vào buổi sáng mà không ôm hoặc bắt tay nhau như ở Pháp: “Tôi thấy ở Anh mọi người thiên về gia đình hơn. Ở đây, mọi người giúp đỡ lẫn nhau và không đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài như ở Pháp”.

Anh đã mất bốn tháng để an cư ở Birmingham. Điều đầu tiên bà McClelland giúp anh là đưa đi thăm các siêu thị ở địa phương. Có một số câu nói quan trọng mà các cầu thủ nước ngoài phải học khi đến Anh. “Trong tuần đầu tiên, bà ấy dạy tôi cách nói chuyện để mua cá và khoai tây. Tôi được học cách hỏi mua nhiều thứ” - Sylla cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận