TTCT - Một số nghiên cứu cảnh báo thuốc nhuộm tóc làm tăng nguy cơ ung thư hạch không Hodgkin, bệnh máu trắng và ung thư bàng quang. Các nghiên cứu khác khẳng định không có sự liên hệ nào giữa thuốc nhuộm tóc và các bệnh ung thư. Nghiên cứu mới lại cho rằng thuốc nhuộm tóc, duỗi tóc có thể làm tăng rủi ro bị ung thư vú. Theo một nghiên cứu mới, thuốc nhuộm tóc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ. Ảnh: GETTY IMAGES Bất chấp những cảnh báo, nhuộm tóc đã tạo nên một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 17,8 tỉ USD (năm 2018, theo marketwatch.com). Phản ứng hóa học trên đầu Năm 1999, Michele Ortiz vào học ở trường làm tóc, đó cũng là lúc cô nhận thấy có điều bất thường với cơ thể mình. Ortiz cho biết: “Tôi bị ngứa và tróc da khắp hai bàn tay, bị xốn, ngứa mắt”. Cô cảm thấy mệt mỏi thường xuyên, buồn nôn và đau khớp. Cô bị những cơn nóng bức không thể kiểm soát xảy ra cả ngày lẫn đêm, bị nổi ban hình cánh bướm ở cổ, mệt mỏi và xây xẩm khi ra nắng, toàn thân đau nhức. Hàng ngàn hóa chất có trong thuốc nhuộm tóc và ảnh hưởng của chúng với sức khỏe chúng ta vẫn còn là vấn đề chưa được kết luận dưới ánh sáng khoa học. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các loại thuốc nhuộm tóc có thể có hại, nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất này như thợ làm tóc. Nhuộm tóc là một phản ứng hóa học phức tạp, tùy thuộc vào loại tóc của khách và được thực hiện ngay trên đầu khách. Sợi tóc được bao phủ bởi lớp biểu bì, như vảy cá. Các phân tử màu trong thuốc nhuộm tóc có kích cỡ quá lớn để chui qua lớp biểu bì trên. Do đó, các nhà hóa học đã tìm cách phá vỡ các phân tử này thành các mảnh nhỏ để khi bôi thuốc nhuộm lên tóc, các mảnh màu nhỏ này có thể khuếch tán qua thân tóc. Để tạo điều kiện cho quá trình khuếch tán này, người thợ cần một tác nhân kiềm hóa - thường là amoniac hoặc một amin hữu cơ. Một khi các phân tử nhỏ đi được vào tóc, một tác nhân oxy hóa, thường là hydro peroxide, sẽ kích hoạt phản ứng hóa học của các hóa chất để tạo màu sắc. Melissa Piliang - bác sĩ da liễu thuộc Phòng khám Cleveland, Mỹ - cho biết hai cách chính mà các hóa chất nhuộm tóc xâm nhập cơ thể chúng ta là trong quá trình nhuộm khi hít thở và hai là qua da. Các phân tử màu rất bé có khả năng xâm nhập vào da hoặc ngấm xuống da qua chân tóc. Dù bằng cách nào, các hợp chất trong thuốc nhuộm tóc có thể đi vào máu chúng ta. Đây là vấn đề đáng lo ngại, vì nhiều hóa chất trong thuốc nhuộm tóc có liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Hóa chất trong thuốc nhuộm tóc Một trong những hợp chất hữu cơ phổ biến trong thuốc nhuộm tóc là para-phenylenediamine, viết tắt là PPD, có nguồn gốc từ dầu mỏ. PPD có khả năng tạo màu bền, lên màu tự nhiên cho tóc. Tuy nhiên, chất này có thể gây dị ứng và có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như suy thận, phù mạch máu thần kinh, suy hô hấp, dị tật cho thai nhi. Còn amoniac là chất kích thích hô hấp, hydrogen peroxide gây kích ứng da và phổi. Vấn đề đáng lo ngại khác là chì (một chất độc thần kinh), formaldehyde (chất có khả năng gây ung thư và liên quan đến sẩy thai) và benzen (liên quan đến bệnh bạch cầu). Theo một phóng sự trên Đài PBS, nhiều hóa chất khác trong thuốc nhuộm tóc chưa được nghiên cứu trong tư cách là một chất riêng hoặc khi kết hợp với các chất khác. Trong khi đó, ở Mỹ, hơn 75% phụ nữ từng nhuộm tóc trong đời. Ronnie Citron-Fink là một trong số đó. Cô nhuộm tóc từ những năm 30 tuổi để giấu những sợi tóc bạc. Mái tóc là thứ rất quan trọng với Ronnie. Khi còn trẻ, tóc cô dài, thẳng và đen bóng. Khi nó được xõa xuống vai nữ chủ nhân, nhiều người phải trầm trồ. Citron-Fink cho biết “mái tóc là tài sản sắc đẹp lớn nhất của tôi”. Trong hơn 20 năm, cô nhuộm tóc hầu như mỗi hai tuần một lần. Chuyên gia da liễu Melissa Piliang lý giải vì sao những nghiên cứu này cực kỳ khó thực hiện: “Chúng ta phải nghiên cứu hàng ngàn người, họ có cuộc sống khác nhau, tiếp xúc với nhiều yếu tố rủi ro, rất khó xác định nhân tố nào là nguyên nhân gây ra bệnh gì. Chúng ta cũng phải xem xét việc sử dụng những hóa chất này trong nhiều năm. Cuối cùng, để kết luận chúng ta đã tiếp xúc những gì lại càng khó khăn hơn”. Đối tượng nghiên cứu dễ nhất là những thợ làm tóc chuyên nghiệp, vì họ tiếp xúc nhiều và thường xuyên nhất với hóa chất nhuộm tóc. Năm 2014, các nhà khoa học của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế đã thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của hóa chất với thợ làm tóc về các bệnh như hô hấp, ung thư, ảnh hưởng đến mang thai, sinh nở và các vấn đề thần kinh như bệnh Alzheimer. Họ phát hiện vấn đề phổ biến của thuốc nhuộm tóc liên quan đến da: gây viêm, ngứa da. Vấn đề hô hấp cũng phổ biến. Người thường xuyên phải tẩy và nhuộm tóc cho khách có nhiều khả năng gặp các triệu chứng hen suyễn. Trong một số trường hợp, bệnh trở thành mãn tính. Cuối cùng là ung thư, thợ làm tóc có nguy cơ mắc các bệnh ung thư phổi, thanh quản, bàng quang và đa u tủy cao so với bình quân dân số. Kết luận của các nhà khoa học là bệnh nghề nghiệp, như đối với thợ làm tóc, có nguy cơ cao bị ung thư. Trong đó thuốc nhuộm đen tóc có ảnh hưởng xấu hơn cả, vì nó cần nhiều hóa chất hơn so với nhuộm sáng màu. Dễ bị ung thư vú? Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí International Journal of Cancer ngày 3-12-2019, những sản phẩm làm đẹp phổ biến như thuốc nhuộm tóc, duỗi tóc có thể làm tăng rủi ro bị ung thư vú. Nghiên cứu do Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ và Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Mỹ tài trợ, thực hiện với 46.700 phụ nữ Mỹ, những người có chị hoặc em gái đã bị ung thư vú nhưng bản thân họ không mắc bệnh. Thời điểm tham gia nghiên cứu (2003-2009), các phụ nữ này tuổi 35-74. Họ trả lời các câu hỏi về sức khỏe, lối sống (các sản phẩm chăm sóc, làm đẹp tóc đã sử dụng), đặc điểm nhân khẩu học lúc tham gia và cập nhật thông tin trong thời gian nghiên cứu (trung bình 8 năm). Hơn một nửa phụ nữ cho biết họ có sử dụng thuốc nhuộm tóc bền màu trong khoảng 1 năm trước khi tham gia nghiên cứu và khoảng 10% có duỗi tóc. Kết quả cho thấy những người này có nguy cơ cao thuộc về nhóm 2.800 người có tiến triển ung thư vú hơn, đặc biệt là phụ nữ da màu. Nhìn chung, sử dụng thuốc nhuộm tóc bền màu làm tăng nguy cơ bị ung thư vú 9% so với người không sử dụng. Tuy nhiên, ở phụ nữ gốc Phi, nguy cơ này tăng lên đến 45% so với những người không sử dụng. Những người nhuộm tóc mỗi 8 tuần một lần hoặc thường xuyên hơn có đến 60% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Phụ nữ da màu ở Mỹ cũng có xu hướng duỗi tóc nhiều hơn: 74% duỗi tóc so với 3% phụ nữ da trắng. Kết quả: họ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn 18% so với toàn bộ những người tham gia nghiên cứu. Alexandra White, nhà dịch tễ học của Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia và là một trong những tác giả nghiên cứu, lưu ý sự liên hệ này có thể do sự khác biệt trong công thức của thuốc nhuộm và thuốc duỗi tóc mà phụ nữ da màu và phụ nữ da trắng sử dụng. Ngoài ra, mái tóc dày hơn có thể cần nhiều hóa chất hơn.■ Anh chinh Sơn móng tay Nghiên cứu của các nhà khoa học Trường ĐH Duke, Mỹ và các nhóm hoạt động vì môi trường (EWG) cho biết hóa chất trong sơn móng tay có thể xâm nhập vào máu chỉ sau 2 giờ làm móng. Kiểm tra mẫu nước tiểu của 24 phụ nữ sau khi làm móng, họ phát hiện chất diphenyl phosphate (DPHP), một hóa chất cho thấy triphenyl phosphate (TPP) đã được chuyển hóa trong cơ thể. Sau 10 - 14 giờ làm móng, nồng độ chất DPHP trong huyết thanh tăng gấp 7 lần. Các hóa chất này có thể gây vô sinh, ung thư nội tiết tố như ung thư vú và ung thư buồng trứng, ảnh hưởng tới tuyến tiền liệt, rối loạn tuyến giáp, các vấn đề về thần kinh, tiểu đường và thậm chí là bệnh béo phì. Dù cho rằng chị em không quá lo vì TPP lượng độc cấp tính và mãn tính đều thấp ở người, đôi khi chỉ gây kích ứng nhẹ, các nhà khoa học khuyên người dùng không nên dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc hay đã quá hạn sử dụng. Khi sơn móng tay cần phải tăng thông gió phòng hoặc đeo khẩu trang để tránh hít phải khí độc. Không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu liên tục để giảm bớt thời gian tiếp xúc với hóa chất. Son môi, eyeliner, mascara Son đỏ, mascara chuốt lông mi, eyeliner kẻ mắt là những sản phẩm có thể chứa chì, nhà sản xuất cho rằng cánh chị em không cần lo lắng vì lượng chì quá nhỏ. Tuy nhiên, chưa có ngưỡng chì nào là an toàn cho cơ thể. Mỗi ngày đưa một ít chì vào cơ thể không phải là ý tưởng hay. Dù chì không gây ung thư, nó là chất độc gây ra vô số hậu quả cho cơ thể như thoái hóa dây thần kinh, ức chế tổng hợp hồng cầu, tổn thương thận, tăng axit uric và bệnh gout, tăng co bóp thành mạch máu dẫn tới tăng huyết áp. Chì làm giảm chức năng sinh sản ở cả nam và nữ giới, gây sinh non, sẩy thai, chậm phát triển ở trẻ sau sinh, tăng tỉ lệ dị dạng thai nhi... Tags: Thuốc nhuộm tóc
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư: Thanh niên quân đội phải xung kích đi đầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại NAM TRẦN 18/12/2024 Ngày 18-12, tại Bộ Quốc phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm, bí thư Quân ủy Trung ương, đã gặp mặt, động viên đại biểu thế hệ trẻ trong Quân đội.
Thân nhân 3 hộ dân Làng Nủ xin nhường nhà tái định cư CHÍ TUỆ 18/12/2024 Người thân của ba hộ dân ở Làng Nủ mong muốn nhường những ngôi nhà 'đẹp như mơ' này cho những người khó khăn hơn.
Khuyến mãi đến 80%, người dân TP.HCM kéo đi 'săn' nước hoa, giày dép... hàng hiệu ngay sau khai mạc NGUYỄN TRÍ 18/12/2024 Sự kiện 'Khuyến mãi hàng hiệu - City Sale mùa 2 năm 2024' với mức khuyến mãi đến 80% vừa được khai mạc tại TP.HCM đã thu hút nhiều khách hàng.
Vụ ám sát trung tướng Kirillov: Nga bắt nghi phạm người Uzbekistan TRẦN PHƯƠNG 18/12/2024 Các điều tra viên Nga cho biết đã bắt một nghi phạm người Uzbekistan liên quan đến vụ ám sát trung tướng Igor Kirillov ở thủ đô Matxcơva gây chấn động.