​Những câu hỏi dành cho Serena và Bouchard

TRƯỜNG MINH 25/01/2015 04:01 GMT+7

Đoạt bảy danh hiệu ở mùa giải năm 2014, trong đó có Giải Mỹ mở rộng, nhưng Serena Williams ra về sớm ở cả ba giải Grand Slam còn lại. Với Eugenie Bouchard, thành tích hai lần vào bán kết và một lần vào chung kết Grand Slam giúp cô gái trẻ 20 tuổi được chú ý tại giải Grand Slam đầu năm này.

Serena Williams - Reuters

Serena có đảm bảo thể lực chuẩn?

Trả lời phỏng vấn trên tạp chí ESPN, Serena cho biết cô đang tìm cách cải thiện lối chơi, trong đó có cả kỹ năng di chuyển: “Tôi cần phát huy tốt trở lại cú giao bóng. Trong năm 2014 tôi hơi thất vọng về cú giao bóng của mình, phạm khá nhiều lỗi giao bóng kép, có khi đến bảy lần trong một trận đấu. Tôi muốn giao bóng như năm 2013, nhưng với phiên bản tốt hơn cho năm 2015”.

Với danh hiệu Grand Slam thứ 18 trong năm 2014, Serena đã sánh ngang hai huyền thoại Martina Navratilova và Chris Evert. Nhưng cô muốn nhắm đến 22 danh hiệu của đàn chị Steffi Graf. “Hiện giờ tôi thật sự tập trung vào danh hiệu thứ 19 tại Úc. Nhưng tôi cũng không rõ mình có đạt được mục tiêu hay không. Một khi có được danh hiệu thứ 19, tôi sẽ nghĩ đến con số 20”.

Tuy nhiên, giới chuyên môn nghi ngờ khả năng tái đăng quang của Serena tại Úc sau năm lần đoạt giải. Thành tích tốt nhất trong ba năm qua của cô là một lần vào đến tứ kết. Tham vọng của Serena càng bị lung lay sau khi thua hai trong bốn trận đơn ở giải đồng đội Hopman Cup đầu năm tại Perth (Úc): gác vợt trước Agnieszka Radwanska lần đầu tiên trong chín lần đối đầu, thậm chí thua Bouchard ở vòng bảng với tỉ số 2-6, 1-6 chỉ trong 50 phút.

“Tôi không biết chuyện gì xảy ra, tôi quá mệt. Tôi không thể di chuyển nổi. Tôi cảm thấy không còn năng lượng” - Serena nói sau trận thua Bouchard. Có lẽ vì “thiếu năng lượng” nên trong trận đầu tiên ở Hopman Cup thắng Flavia Penetta, Serena đã đề nghị lúc nghỉ giải lao được phục vụ... một ly cà phê espresso!

Trên sân, Serena phản ứng ngày càng nóng nảy hơn, mặt nhăn nhó nhiều hơn, ngược với hình ảnh của một tay vợt 33 tuổi có quá nhiều kinh nghiệm đỉnh cao. Theo các chuyên gia, Serena cần đạt thể lực thật chuẩn tại Melbourne bằng cách hoặc luyện tập tốt hơn để chuẩn bị cho giải, hoặc nghỉ ngơi tích cực để cơ thể khỏe khoắn, hoặc chỉ cần may mắn hơn trong bốc thăm và thi đấu.

Chuyện “lên voi xuống chó” liên quan đến sức khỏe không phải là điều mới đối với Serena. Điều tích cực là cô chưa mất đi niềm hứng khởi tranh tài, thậm chí còn được ông bố Richard động viên hãy chơi thoải mái để có kết quả tốt hơn.

Theo chuyên gia McGrogan, sở dĩ dư luận bàn nhiều về sức khỏe của Serena là vì cô giống như Rafael Nadal: khi ở đỉnh cao thể lực, lối chơi của họ đạt một trình độ hơn hẳn bất cứ ai. Serena chẳng xa lạ gì với lối chơi trên mặt sân cứng ở Melbourne đang vào mùa hè nóng khắc nghiệt.

Nhưng để thắng trận, nhất thiết Serena phải phát huy được cú giao bóng mạnh và chính xác, vì nếu như đôi công kéo dài hơn ba cú đánh trả thì khoảng cách giành điểm thắng giữa cô và đối thủ sẽ thu hẹp đáng kể. Trong năm 2014, chẳng ai trong số Ana Ivanovic (tại Giải Úc mở rộng), Garbine Muguruza (Roland Garros) và Alize Cornet (Wimbledon) lật đổ được Serena bằng cú giao bóng, mà chủ yếu bằng lối di chuyển bao sân tốt và bền bỉ đánh trả ra hai góc để ngăn không cho cô tung cú đánh dứt điểm sớm như mong muốn.

Eugenie Bouchard - Reuters

Bouchard có sẵn sàng cho danh hiệu?

So với một Serena đã có tất cả, Bouchard được giới chuyên môn đặt câu hỏi trên sau một mùa giải 2014 thi đấu rất tốt, vào đến bán kết Giải Úc mở rộng, Roland Garros và sau đó là chung kết Wimbledon. Theo logic, nhiều người nghĩ rằng vấn đề chỉ là thời gian để Bouchard đoạt một danh hiệu sau khi cô đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm từ các trận thua. Tuy nhiên, vầng hào quang cũng bao phủ vài điểm tối của cô.

Cú đột phá của Bouchard trong năm 2014 được đánh giá là ấn tượng nhất của quần vợt nữ kể từ thời kỳ khởi đầu của chị em nhà Williams. Nhưng điều kỳ lạ là cô chỉ đoạt được một danh hiệu WTA trong năm, với tỉ lệ thắng thua là 45-23. Điều đó cho thấy cô còn thiếu sự ổn định.

Bouchard đánh bóng chuồi và không để đối phương khai thác những sai sót trong lối chơi, nhưng thật khó để bảo rằng cô làm chủ được cú đánh dứt điểm. Bouchard có thể là một trong những thủ lĩnh của thời kỳ hậu Serena, nhưng cô chưa là sản phẩm hoàn chỉnh và cần phải có sức đề kháng tốt hơn. Bouchard có thể đoạt nhiều danh hiệu trong năm nay, nhưng đoạt một Grand Slam là đề tài gây tranh cãi.

Theo chuyên gia Steve Tignor, Bouchard có cách tiếp cận tâm lý rất tốt, nhưng cần cải thiện nhiều hơn cú giao bóng, đặc biệt là thành tích đối đầu với các tay vợt hàng đầu (chỉ thắng được năm tay vợt thuộc tốp 10). Cô đoạt danh hiệu WTA duy nhất tại Nurnberg (Đức) mà không phải thắng đối thủ nào có thứ hạng cao hơn hạng 52 thế giới.

Hơn nữa, cô còn phải vượt qua được áp lực sau khi đã tạo nhiều kỳ vọng ở hệ thống Grand Slam. WTA hi vọng Bouchard sẽ trở thành một gương mặt mới của lối chơi, một dạng Chris Evert của quần vợt hiện đại. Đây là những kỳ vọng quá lớn đối với một tay vợt 20 tuổi.

Hãy nhìn Caroline Wozniacki, tay vợt người Đan Mạch đang sở hữu 22 danh hiệu WTA. Cũng từng được kỳ vọng nhiều ở độ tuổi của Bouchard, nhưng Wozniacki không tạo được cú đột phá nào để rồi nay vẫn còn bị dán nhãn là “cựu số 1 thế giới chưa có danh hiệu Grand Slam”.

Với Bouchard, không ít người cho rằng cô sẽ đăng quang Grand Slam trong năm nay nhờ lối chơi tấn công quyết liệt và chấp nhận rủi ro cao. Nhưng cũng đừng quên rằng có những lúc cô tụt giảm phong độ một cách bất thường, như trận thua 0-6, 6-2, 0-6 trước một tay vợt xếp hạng 113 thế giới phải dự giải từ vòng đấu loại ở Rogers Cup 2014 tại Canada.

“Bù giá” tiền thưởng

Năm ngoái, nhà vô địch nội dung đơn Giải Úc mở rộng nhận tấm ngân phiếu 2.650.000 đôla Úc. Theo đà cạnh tranh tiền thưởng ở các giải Grand Slam, từ tháng 10-2014 ban tổ chức giải Úc đã thông báo tăng thưởng cho chức vô địch nội dung đơn lên tròn 3 triệu đôla Úc. Nhưng trong bảy tháng qua, đồng đôla Úc bị tụt giá mạnh so với USD mà nếu căn cứ theo tỉ giá hiện nay (1 đôla Úc chỉ bằng 0,81 USD) thì nhà vô địch sẽ nhận ít hơn 10.000 USD. Vì vậy, ban tổ chức giải vừa quyết định “bù giá” bằng cách nâng tổng tiền thưởng lên con số kỷ lục 40 triệu đôla Úc (32,5 triệu USD), theo đó nhà vô địch nội dung đơn sẽ được 3,1 triệu đôla Úc (2,52 triệu USD). Trong vòng bảy năm qua, tiền thưởng ở giải Grand Slam đầu năm đã tăng gấp đôi.

L.T.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận