TTCT - Ở vùng đất nhiều sông rạch ĐBSCL, những cây cầu đóng vai trò rất quan trọng trong nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa. Thế nhưng vẫn còn đó những cây cầu hoang phí, làm tắc giao thông. Phóng to Cầu Mười Ba Ngàn chỉ thiếu đường dẫn là hoàn thiện nhưng bỏ hoang tám tháng nay - Ảnh: Trung Cường Hằng ngày, người dân đi qua cầu Hòa Thành (xã Hòa Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thấy xót xa khi cạnh đó có thêm một cây cầu nữa nhưng không sử dụng. Thường qua lại chiếc cầu này, ông Lê Chí Thanh nói: “Tôi không biết khi làm cầu người ta có tính chuyện lâu dài hay không mà cây cầu sau “phụ” cây cầu trước”. Xây cầu bị “lệch” do quy hoạch Ngành giao thông đã rút ra “bài học xương máu” là khi đầu tư công trình giao thông phải xét đến điều kiện tự nhiên, nhu cầu bền vững của công trình và cả yếu tố tương lai. Theo ông Trần Hòa Xuân - chủ tịch UBND xã Hòa Thành, cầu nhỏ xây dựng trước có kinh phí khoảng 200 triệu đồng, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của thầy cô giáo Trường THCS Hòa Thành và người dân trong vùng. Sau này, khi có công trình giao thông từ trung tâm TP Cà Mau về đến xã thì cầu nhỏ không còn phù hợp cho giao thông, phải xây cầu mới rộng hơn, lớn hơn với kinh phí trên 3 tỉ đồng. “Người dân thấy việc bắc hai cây cầu Hòa Thành song song và chỉ sử dụng một thì lãng phí quá. Chúng tôi cũng thấy xót lắm! Trên địa bàn xã có ba cây cầu thuộc dạng như vậy” - ông Xuân nói. Tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau), công trình giao thông từ trung tâm huyện về các xã Tân Duyệt, Ngọc Chánh đã thi công xong giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Trên tuyến đường này, người dân cho biết trước đây đã có một tuyến đường tương tự nhưng đã bị “hà bá” nuốt mất. Ông Lê Văn Lực (nhà ở gần cầu Bào Vuông, xã Tân Duyệt) nhớ lại: “Trước đây đường đất đỏ và còn thời kỳ làm nông nghiệp, khi chuyển qua làm thủy sản thì tuyến đường này nhanh chóng bị xói lở, chỉ còn lại các cây cầu bằng bêtông cốt thép tải trọng 8 tấn. Do đường lở nên các cây cầu nằm ở... dưới sông, vì vậy khi đường mới làm ngang qua thì các cây cầu này làm cảnh. Cách đây chừng ba tháng, các cây cầu làm cảnh như Bào Vuông, Ông Bỉnh... đã bị đập bỏ hết”. Tương tự, nhiều hộ dân ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) bức xúc trước hai cây cầu Mười Ba Ngàn và Mười Một Ngàn Rưỡi nằm trên tỉnh lộ 932 nối TP Vị Thanh với TP Cần Thơ. Hai cây cầu khá bề thế nằm phơi mình dưới nắng mưa, cây cối mọc um tùm che khuất. Mỗi cây cầu làm bằng bêtông dài 38m, rộng 8m. Thường xuyên đi qua tỉnh lộ này, ông Mười nói: “Cầu xây gần xong rồi bỏ trơ đó khoảng tám tháng nay, lộ này có nhiều người qua lại nhưng phải đi qua cầu tạm nhỏ hẹp, bụi bặm”. Nhiều người dân ở xã Vị Thanh nói họ trông chờ hai cây cầu trên để đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, nhưng không hiểu sao công trình sắp hoàn tất thì ngưng trệ. Thắc mắc này được ông Lê Thanh Việt, trưởng ban quản lý dự án Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang, lý giải bằng sự bất cập trong việc giải tỏa bồi thường và triển khai thi công. Ông Việt cho biết dự án xây dựng cầu Mười Ba Ngàn và Mười Một Ngàn Rưỡi nằm trong kế hoạch xây dựng đường ôtô về trung tâm xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nóng vội muốn có cầu sớm nên dự án được triển khai từ tháng 3-2009 và hoàn thành cơ bản vào tháng 9-2010, chỉ thiếu đường dẫn lên cầu. Trong khi đó, đến giữa tháng 3-2011 mới có phê duyệt giá bồi thường những hộ dân bị giải tỏa. Chính sự tréo ngoe này làm “tắc” công trình. “Công tác bồi thường đang tiến hành, nếu người dân nhận xong thì tiếp tục dự án, khoảng ba tháng là hoàn thiện công trình” - ông Việt nói. Được biết hai cây cầu có tổng đầu tư 10,6 tỉ đồng từ vốn ngân sách và bị đội giá do thời gian thi công kéo dài. Phóng to Hai cây cầu Hòa Thành xây dựng song song và cách nhau khoảng 3m - Ảnh: Tấn Thái “Sông kia rày đã nên đồng” Tại TP Cần Thơ, nhiều cây cầu bắc qua kênh rạch được xây xong không bao lâu đã trở thành... cầu cạn vì nạn san lấp kênh rạch bừa bãi, hoặc do xây cầu quá thấp nên xe trọng tải lớn lưu thông ở đường dưới dạ cầu không qua lọt. Nhiều người lưu thông trên đường Quang Trung - Cái Cui (quận Cái Răng) không khỏi phì cười khi thấy hai cây cầu Bà Rựa và Ngọn Chùa bắc qua khu vực đất trống. Khi chúng tôi nêu thắc mắc bắc cầu như thế thay vì san lấp luôn đoạn đường này sẽ tốt hơn, ông D., gần 60 tuổi sống tại khu vực cầu, nhớ lại khoảng 10 năm trước cầu Quang Trung và các cầu trên tuyến đường này được xây dựng nhằm tạo đường đến cảng Cái Cui và phát triển khu vực nam sông Cần Thơ. Lúc này các cầu Bà Rựa và Ngọn Chùa đều bắc qua kênh rạch. Khi những dự án khu dân cư mọc lên thì kênh rạch bị chủ đầu tư san phẳng, để lại hậu quả như hiện nay. Hiện một bên cầu Ngọn Chùa là bãi giữ xe của bệnh viện, một bên là các dự án khu dân cư bao vây, kênh rạch đã bị “xóa sổ”. Cầu Bà Rựa cũng trong tình trạng tương tự. Một kỹ sư cầu đường tại TP Cần Thơ xót xa: “Theo tôi, cái mất của TP không chỉ là lãng phí tiền xây cầu mà là sự buông lỏng quản lý để các chủ dự án san lấp hết kênh rạch. Rồi đây TP sẽ bị ngập bởi việc làm trên”. Tại địa bàn quận Ninh Kiều có cầu Rau Răm bắc qua rạch Rau Răm trên đường Nguyễn Văn Cừ. Thế nhưng khi cầu này xây xong, xe tải lưu thông trên đường Nguyễn Văn Trường đi ngang qua dạ cầu này bị bí lối đi, do độ cao cầu này chỉ cách mặt đường Nguyễn Văn Trường khoảng 2m. Oái oăm đối với giới tài xế là đường Nguyễn Văn Trường cho xe tải đến 5 tấn lưu thông, nhưng khi đến cầu Rau Răm thì các xe có tải trọng như vậy đều không qua được dạ cầu. Anh Hải, tài xế xe tải chở vật liệu xây dựng, than do không thể lưu thông từ đường Nguyễn Văn Trường để ra tỉnh lộ 923, anh phải vòng qua đường Nguyễn Văn Cừ đến đoạn gần làng du lịch Mỹ Khánh mới có đường ra. Đi theo đường này phải mất khoảng 3km. Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, dự án đường Nguyễn Văn Cừ (trong đó có cầu Rau Răm) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ cho rằng “đúng là dạ cầu này thấp thật” và theo ông, muốn xe có trọng tải lớn lưu thông được thì phải “khoét” đường Nguyễn Văn Trường cho thấp xuống. Tuy nhiên, phương án này khó khả thi vì nếu khoét sâu, thấp hơn mực nước trên kênh Rau Răm thì rất dễ bị ngập đường. Phóng to Cầu Bào Vuông hiện hữu và cầu Bào Vuông đã đi vào dĩ vãng (hiện còn lại những trụ cầu) - Ảnh: Tấn Thái Sẽ bài bản hơn? Ông Trần Văn Duyên, trưởng phòng quản lý giao thông Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã quy hoạch giao thông xong từ năm 1997, ở thời điểm chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp. Nhưng khi chuyển dịch cơ cấu sang nuôi trồng thủy sản, quy hoạch này không còn phù hợp và đến năm 2003 phải điều chỉnh lại. Theo ông Duyên, trước đây giao thông đường bộ trên địa bàn Cà Mau phát triển rất chậm nên có tư tưởng nóng vội trong đầu tư, các tuyến đường giao thông chủ yếu xây cặp theo bờ sông. Do nền đất yếu nên tốc độ xói lở rất nhanh, nhiều công trình sử dụng mau bị hỏng. Khi đầu tư lại cũng không tận dụng được những công trình đã xây trước đây và gây nên lãng phí. Cũng theo ông Duyên, hiện Sở Giao thông vận tải Cà Mau đang tiếp tục điều chỉnh hệ thống giao thông đường bộ để phù hợp với tốc độ và xu thế phát triển giao thông trong tình hình mới. Ông Duyên nói: “Quy hoạch lần này sẽ bài bản và lâu dài hơn là đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Ngành giao thông đã rút ra “bài học xương máu” là khi đầu tư công trình giao thông phải xét đến điều kiện tự nhiên, nhu cầu bền vững của công trình và cả yếu tố tương lai. Sau này nếu có mở rộng nâng cấp cũng tận dụng được cầu và đường đã đầu tư trước đó, tránh được tình trạng lãng phí”. Ông Nguyễn Thành Nhơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thừa nhận trên địa bàn tỉnh còn một số dự án cầu, đường ôtô bị ngưng trệ gây lãng phí. Ông Nhơn cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng theo đúng quy định. Đối với các dự án chậm tiến độ do nhà thầu kém năng lực thì mạnh dạn cắt hợp đồng để tìm đơn vị khác.
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
Bắt chủ tiệm net và 1 nghi phạm hành hung 2 thiếu niên ở phường Tân Thới Hiệp, TP.HCM ĐAN THUẦN 07/07/2025 Công an TP.HCM đã ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với chủ tiệm net và 1 nghi phạm đánh dã man 2 thiếu niên ở phường Tân Thới Hiệp vào ngày 23-3.
Thành lập đảng mới thách thức ông Trump, liệu ông Musk có đủ kiên nhẫn? HÀ ĐÀO 07/07/2025 Tuyên bố thành lập Đảng nước Mỹ của tỉ phú Elon Musk không chỉ đánh dấu sự đứt gãy quan hệ chính thức với Tổng thống Donald Trump mà còn khuấy đảo cả chính trường Mỹ.
Tin tức sáng 7-7: Người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn tiếp tục được hỗ trợ mức quy định BÌNH KHÁNH 07/07/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Khối ngoại mua ròng chứng khoán mạnh nhất 2 năm; Phạt Chứng khoán CV vì không gửi báo cáo liên quan rửa tiền...
Học phí đại học năm 2025 sẽ cao hơn năm ngoái bao nhiêu? TRẦN HUỲNH 07/07/2025 Năm 2025, mức thu học phí các trường đại học cao hơn năm ngoái và sẽ tiếp tục tăng qua từng năm theo lộ trình.