Những cơn lũ đã không mang phù sa...

HỒ SĨ BÌNH 05/12/2011 00:12 GMT+7

TTCT - Nói đến lũ lụt hằng năm ở miền Trung, ai nấy cũng đều nghĩ đến những mất mát, thiệt hại về người và của mà người dân đã gánh chịu từ bao đời nay.

Nhưng có một điều đối với người nông dân gắn chặt đời mình với ruộng đất thì không phải mọi cơn lũ lụt đều mang đến tai ương, bởi chính nhờ nó mà đất đai trở nên tươi tốt hơn nhờ vào phù sa. Đặc biệt là những cơn lũ cuối mùa, sau khi nước lũ rút đi để lại một lớp bùn đỏ - phù sa, cũng là lúc bắt đầu một mùa vụ, nhất là đối với những vùng ven sông, cồn bãi. Người ta bắt đầu gieo trồng, tỉa bắp, tỉa đậu, trồng dưa, gieo mạ… trên vùng đất của mình.

Những người sống ven sông đều hiểu rằng không thể có một thứ phân hóa học nào có thể thay thế phù sa, vừa làm chức năng cải tạo đất vừa bồi đắp, phục sinh cho đất đai cây cối. Phù sa là máu của dòng sông tiếp sức cho ruộng đồng, nhất là đối với vùng đất cát ven sông.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Vùng châu thổ sông Thu Bồn được biết đến với những làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa, nổi tiếng mấy trăm năm cũng nhờ phù sa hằng năm bồi đắp để những biền bãi nương dâu quanh năm xanh biếc. Bùi Giáng đã từng tự hào về quê mình: Hỏi tên rằng biển dâu ngàn, Hỏi quê rằng xứ mơ màng đã quên... Dân gian từng giải thích về miếng thịt bê thui Cầu Mống danh bất hư truyền thơm ngon, nhờ người ta thui bê bằng củi dâu.

Và quan trọng nhất, con bò xứ này được ăn cỏ tươi tốt trên đất Gò Nổi. Một thứ cỏ hảo hạng được vun đắp bởi những cơn lụt hằng năm. Người ta nói đặc sản hến ở Hội An ngon ngọt không đâu bằng cũng nhờ sau mùa nước lớn, lớp bùn trầm tích đầy vi sinh là điều kiện lý tưởng cho con hến sinh sôi nảy nở.

Vùng cồn bãi ở đâu mà chẳng thế. Cồn Hến ở Huế cũng có hai sản vật đã đi vào danh mục ẩm thực trứ danh của đất nước là cơm hến và chè bắp. Thời mới lớn, theo chúng bạn đạp xe về cồn Hến để ăn chè bắp, những trái bắp non được thái rất mỏng, nấu chín với đường làm cho chén chè thêm phần thanh tao với hương vị ngọt thanh. Người Huế thường giới thiệu một cách gọn gàng: Bắp cồn đây... Thế là đủ cho một thương hiệu trứ danh.

Hội An cũng thế, bắp cồn hầu như đã vượt ra ngoài địa giới của phố cổ mà có mặt khắp Đà Nẵng, Tam Kỳ. Đến Hội An mà không thưởng thức hến xào, chè bắp là chưa biết về ẩm thực đặc trưng của miền di sản này. Bắp cồn ngon cũng nhờ phù sa của mùa lũ sông nước mà thôi.

Về Hội An sau mùa lũ, qua khỏi thời khắc 23 tháng mười “Ông tha mà bà chẳng tha”, có lẽ là đợt lũ cuối mùa. Hội An vốn là vùng trũng năm nào cũng lụt, nên chuyện sống chung với lũ, người phố cổ đã quen. Mùa lũ năm nay, khách Tây lại hồ hởi và phấn khích hè nhau mà lội nước chèo thuyền khắp phố vì không dễ gì họ được trải nghiệm một không gian lũ lụt như thế. Cái gì lạ là khách Tây đều tỏ ra thích thú và hưởng ứng ngay. Ngư dân nghèo lại có cơ hội đưa du khách quanh phố cổ bằng thuyền, cũng là cách giúp họ một quãng mưu sinh mùa mưa lũ. Làm du lịch phải biết nắm lấy cơ hội này…

Người địa phương còn cho biết cũng nhờ lũ lụt mỗi năm mà những ngôi nhà cổ Hội An mấy trăm năm giảm đi phần hư hại, xuống cấp. Vì sao? Đơn giản mối mọt là khắc tinh của nhà gỗ mà có lụt thì mối mọt sẽ bị tiêu diệt, không có điều kiện phát triển…

Qua sông, nhìn nước sông Hoài đã bắt đầu trong xanh lại, thấy mừng. Lụt, nước chưa rút hết, xanh gì mà xanh. Một người nông dân ở bên kia cồn bãi đang ngồi đợi thuyền bực tức thốt lên. Rồi ông thêm: “Bọn tôi khổ vì mưa lũ mà sống cũng nhờ mưa lũ. Nước lụt năm nay không đỏ ngầu như mấy năm trước. Vì sao anh biết không, vì nó không còn chở phù sa nữa. Mới mưa đầu nguồn chưa có gì cả mà nước lên nhanh chưa từng thấy, vì nước về không phải chỉ là lũ, mà là nước do mấy chục cái thủy điện trên sông Thu Bồn thay nhau xả... Dân cồn bãi như bọn tôi nhìn nước nôi kiểu ni chỉ có nước than trời, biết làm chi mà sống...”.

Chợt nghĩ đến những bãi bắp trổ cờ trong ký ức, thảm cỏ xanh mướt trên vùng đất Gò, vườn rau Trà Quế dưới kia... Thiên nhiên vốn vẫn có luật bù trừ, lấy đi cái này bù lại cái khác nhưng con người đôi khi lại tạo ra nhiều hệ lụy, mà hệ lụy đau đớn cho người nông dân ở cuối sông Thu lại nảy sinh từ những cơn lũ không mang về phù sa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận