TTCT - Cuối tháng 6 này, thao diễn hải quân hằng năm RIMPAC của Mỹ, quy tụ hải quân 26 quốc gia, sẽ khai diễn. Trước đó, từ cuối tháng 5, hải quân Trung Quốc và Nga đã độc lập diễn tập cũng trên Thái Bình Dương. Bên cạnh quan hệ đối kháng sẵn có, năm nay còn thêm tác động của cuộc chiến Ukraine, nên các cuộc diễn tập này càng hàm chứa tính đối đầu. Hôm 3-6, Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ AA loan tin 40 tàu chiến và 20 máy bay tham gia diễn tập thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga tại phía đông nước này từ ngày 3 tới 10-6. Cũng theo AA, cuộc tập trận nhằm phối hợp nhóm tàu trên với không quân của hải quân trong việc rèn kỹ năng săn ngầm, tác xạ các mục tiêu trên mặt nước và trên không, đồng thời tổ chức tiếp tế trên biển cho hải quân trong vùng biển Thái Bình Dương. Binh sĩ các nước Úc, Mỹ, Sri Lanka, Malaysia, Brunei, Nhật Bản, và New Zealand chụp ảnh chung trên tàu sân bay trực thăng HMAS Adelaide trong cuộc tập trận RIMPAC 2018. Ảnh: navy.milNga vờn Nhật, Nhật vờn lại Nga Tất nhiên, đại dương bao la là “của chung”, tập trận đâu cũng được, trừ trong vùng biển của nước khác, song các khoa mục săn ngầm và tác xạ mục tiêu các loại nêu trên ở khu vực phía đông nước Nga, quả là ngụ ý nhiều ý nghĩa “thực tế”, không chỉ riêng với láng giềng gần như Nhật Bản, mà còn cả với láng giềng bên kia Thái Bình Dương Mỹ.Tờ US News and World Report 2-6 không giấu giếm thắc mắc: “Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh cuộc xâm nhập Ukraine của Nga đã kéo dài ba tháng. (Mà) Ukraine thì lại nằm cách nơi diễn ra cuộc tập trận hàng nghìn kilômet về phía tây so với Thái Bình Dương”. Tức nếu Nga tập trận hải quân trên vùng biển Baltic hay biển Đen thì dễ hiểu. Song, đây lại là ở Thái Bình Dương về phía Nhật Bản. Điều đó phát đi tín hiệu rằng quân đội Nga vẫn còn rất hùng mạnh, vẫn đủ sức “chơi tất tay” trên hai mặt trận cùng lúc, ở hai vùng biển cách xa nhau nửa vòng Trái đất, và hạm đội Thái Bình Dương của Nga vẫn có thực lực đáng gờm.Bình thản đợi cho hải quân Nga bắt đầu tập trận hôm thứ sáu 3-6, hai ngày sau báo Nhật Yomiuri Shimbun 5-6 mới loan tin kèm theo nhận xét: “Các cuộc tập trận dường như nhằm kiểm tra các nước, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Nhật Bản, vốn đang đối đầu sâu sắc với Nga về cuộc xâm lược Ukraine”. Từ ngữ “dường như” mà tờ Yomiuri Shimbun sử dụng không mang tính đề quyết, mà nhẹ nhàng “tương đối hóa” câu hỏi, khác với nhận xét của tờ US News and World Report. Tất nhiên, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ đang là “đối tượng” số 1 của Nga, còn Nhật Bản cũng đã lọt vào danh sách “các nước không thân thiện” với những đối kháng bằng ngôn từ, lệnh cấm vận, và cả một cuộc vận động mini ở khu vực châu Á. Cho nên, chuyện Nga tập săn ngầm trên Thái Bình Dương không có gì gây ngạc nhiên: Nhật Bản cũng tập săn tàu ngầm.Đầu năm nay, Nhật đã tham gia cuộc tập trận chống tàu ngầm nhiều bên mang tên “Rồng biển 2022” do hải quân Mỹ chủ trì từ ngày 2 tới 20-1 với sự tham gia của hai máy bay Mitsubishi-P1 do Nhật sản xuất, thuộc không đoàn 31 của lực lượng phòng vệ biển.Đây là những máy bay tuần thám và săn ngầm và tàu mặt nước, bốn động cơ phản lực, được xem là tương đương máy bay P-8 Poseidon của Mỹ, trang bị mìn, thủy lôi, tên lửa diệt hạm. Mục đích của việc tham gia tập trận này là “cải tiến khả năng chiến thuật của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản trong tác chiến chống tàu ngầm và tăng cường phối hợp với các bên tham gia”. Rồi hôm 18-5, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết trước đó một ngày máy bay hải quân Nhật tham gia tập trận chống tàu ngầm với hải quân Mỹ.Giữa tháng 3, nổi lên vụ hai tàu hải quân Nga bị lực lượng phòng vệ biển của Nhật phát hiện đang đi về phía tây trong vùng biển cách mũi Shiriyazaki ở tỉnh Aomori khoảng 70km về phía đông đông bắc vào tối 15-3, khiến Nhật phải phái tàu khu trục JS Shiranui từ căn cứ Ominato (tỉnh Aomori) và một máy bay tuần tra P-3C Orion từ căn cứ không quân Hachinohe (cũng ở Aomori), theo dõi các tàu Nga trên (Yomiuri Shimbun 7-4).Ngay trong những ngày này, đang có những diễn biến mới khác, cụ thể là mới hôm 6-6, hai tàu hải quân Nhật JS Kashima và JS Shimakaze đã tham gia diễn tập chung với hải quân NATO ở Địa Trung Hải, chính xác là với Nhóm phản ứng tức thì NATO 2 (SNMG2) gồm chiếc ITNS Carlo Margottini của hải quân Ý, chiếc TNS Salihreis của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ (Trang web của lực lượng phòng vệ Nhật Bản 7-6).Việc Nhật phái đến hai chiến hạm tham gia lần này trên Địa Trung Hải, cho dù mục đích là rèn khả năng “vận động chiến thuật”, là một sự đột biến, phản ánh ý muốn can dự cụ thể hơn vào vụ việc Ukraine và gắn bó với NATO. Ngược lại, việc 40 tàu chiến Nga tập trận về phía đông nước này cũng là dấu chỉ “bánh ít đi bánh quy lại”.Một tin khác thường nữa của truyền hình DW Đức hôm 30-5 cho thấy quan hệ đối kháng Nga - Nhật đang trượt dần ra khỏi mức “truyền thống”, dễ bị kích hỏa hơn: “Matxcơva đã lên án quyết định của Nhật Bản không mời đại diện nước này tham dự các buổi lễ thường niên đánh dấu vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để đáp trả cuộc chiến của Nga với Ukraine”.Tất nhiên, va chạm giữa hai lực lượng hải quân Nga và Nhật là điều có thể xảy ra tuy chưa phải là ngay trước mắt. Trong số những điều trì hoãn cuộc chạm trán là việc hải quân Nhật sát rạt với hải quân Mỹ. Có thể đọc được trên trang chủ của lực lượng phòng vệ Nhật Bản tin tức về 10 cuộc tập trận song phương Nhật - Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ tính từ đầu năm đến nay, và chưa tính các cuộc tập trận đa phương. Hải quân Nga tập trận đổ bộ. Ảnh: Asia TimesTrung vờn NhậtTờ Japan News 26-5 đã dành nhiều bút mực để loan một tin gây bức xúc: “Tàu sân bay Trung Quốc tập trận gần Nhật Bản nhằm luyện khả năng tấn công suốt ngày đêm”. Tờ báo cho biết các cuộc tập trận được tổ chức từ ngày 3 đến 20-5 trên Thái Bình Dương thuộc vùng biển gần tỉnh Okinawa, với hơn 300 lần cất và hạ cánh đã được thực hành trên tàu sân bay Liêu Ninh, kể cả vào ban đêm.Tờ báo dẫn một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết mục đích của cuộc tập trận là rèn kỹ năng hoạt động cho máy bay trên tàu sân bay để tấn công suốt ngày đêm trong trường hợp xung đột Đài Loan xảy ra. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng xác nhận rằng hoạt động tập cất và hạ cánh trên tàu Liêu Ninh đã được tổ chức từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối.300 lượt cất và hạ cánh nghe qua có vẻ là nhiều, song đó là tổng số trong suốt 17 ngày luyện tập, trung bình chỉ 17 lần cất hay hạ cánh mỗi ngày! Ngay cả nguồn tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiếp xúc với báo Yomiuri Shimbun cũng thừa nhận như thế là còn quá ít và so sánh với Mỹ: “Một tàu sân bay của Mỹ có thể thực hiện hơn 100 lần cất và hạ cánh để luyện tập trong một ngày. Vẫn còn sự khác biệt lớn về năng lực tác chiến”.Những mô tả và tường thuật trên của tờ Yomiuri cho thấy vấn đề “tàu sân bay” của hải quân Trung Quốc vẫn là khả năng phóng máy bay cất cánh và thu hồi máy bay. Những rèn luyện kỹ năng của phi công và nhân viên kỹ thuật trên boong bất quá chỉ giúp họ thao tác thành thục hơn, ít sơ sót, nhất là trong khi bay về lại tàu sao cho đúng cao độ bắt buộc để hạ cánh an toàn, rút ngắn chút ít thời gian cất và hạ cánh.Song hải quân Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi vòng kim cô khó gỡ. Các tàu sân bay như Liêu Ninh vốn thuộc lớp “tàu tuần dương hạng nặng chở máy bay” được hải quân Liên Xô đóng dở dang trước năm 1990. Lớp tàu này không có hệ thống phóng máy bay cất cánh bằng hơi nước (steam-powered catapult), có thể phóng một chiếc máy bay cất cánh đạt 270km/giờ chỉ trong 2 giây. Vì vậy, họ vẫn phải sử dụng hệ thống boong cầu trượt tuyết, vừa tốn thời giờ không chỉ cho từng chiếc máy bay cất cánh, mà còn cho việc sắp xếp máy bay trên boong tàu vốn đã chật hẹp. Các máy bay vì vậy phải dồn cục đợi nhau cất cánh và tránh cho luồng khí từ các động cơ phản lực thổi vào nhau hay vào người hoạt động trên tàu.Tàu sân bay Trung Quốc chưa vượt qua được ải sáng chế máy phóng bằng hơi nước, một bí quyết chỉ hải quân Mỹ và Pháp làm chủ. Mà thường trên mỗi tàu sân bay trang bị đến bốn máy phóng nên hết chiếc này cất cánh, chiếc khác cất cánh theo ngay. Chưa nói tới hệ thống máy phòng điện từ còn tinh vi hơn trên các tàu sân bay đời mới của Mỹ như USS Gerald R. Ford. Những máy này còn ít phụ thuộc vào kỹ năng điều khiển của con người hơn, tức bớt nguy cơ hơn. Các trận chiến tàu sân bay như trận Midway cách đây đúng 80 năm (4 tới 7-6-1942) cho thấy sự sống chết của một tàu sân bay tùy thuộc như thế nào vào khả năng phóng máy bay lên trời và giải phóng boong tàu cho máy bay hạ xuống.Một nguồn tin khác liên quan đến vụ này cho biết các máy bay tham gia cuộc diễn tập của Trung Quốc đã không mang các tên lửa lớn như tên lửa không đối đất hoặc chống hạm, cho dễ thao tác hơn, cũng như để phòng ngừa sự cố gây nổ. Đến đây, mọi ý định coi thường hay xem nhẹ khả năng phóng đi máy bay tấn công và thu hồi của tàu sân bay Liêu Ninh phải ngừng: nguồn tin này nói thêm rằng các cuộc tập trận mô phỏng việc đánh chặn máy bay quân sự Mỹ và các cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ ở Okinawa.Một thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật cho biết thêm rằng hôm 18-5, họ phát hiện hai máy bay ném bom H-6 bay từ Biển Hoa Đông qua khu vực giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyakojima, sau đó quay trở lại (Japan News 26-5). Đây mới là mối đe dọa thực sự với Nhật, khi các máy bay H-6 này, sao chép máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô, có tầm hoạt động lên đến 6.000km, tốc độ 1.050km/giờ, chở được tới 18 tấn bom, bom hạt nhân, tên lửa chống hạm và tấn công đất liền. Không lấy làm lạ khi phân nửa số cuộc tập trận hải quân Nhật - Mỹ từ đầu năm tới giờ tập trung ở khu vực quanh các quần đảo Okinawa và Guam.■RIMPACTrong bối cảnh chung đó, có thể hiểu tại sao năm nay 26 quốc gia tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) đang được rao là cuộc tập trận hải quân lớn nhất lịch sử thế giới, dự kiến sẽ có sự tham gia của 38 tàu chiến, 4 tàu ngầm, 9 lực lượng đánh bộ, hơn 170 máy bay và khoảng 25.000 quân nhân, và kéo dài hơn 1 tháng, từ ngày 29-6 đến 4-8, với một địa bàn cực rộng: xung quanh quần đảo Hawaii tới tận vùng Nam California.Cuộc tập trận năm nay bao gồm các lực lượng từ Úc, Brunei, Canada, Chile, Colombia, Đan Mạch, Ecuador, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Tonga, Anh và Hoa Kỳ. Chủ đề của RIMPAC 2022 là “Đối tác có năng lực, thích ứng”.Các quốc gia và lực lượng tham gia sẽ thực hiện từ các hoạt động cứu trợ thảm họa và an ninh hàng hải đến kiểm soát biển và chiến đấu phức tạp. Chương trình đào tạo thực tế có liên quan bao gồm hoạt động đổ bộ, tập trận pháo, tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không, chống cướp biển, rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ, lặn và cứu hộ...Để dễ hiểu tại sao các nước tham gia, không gì bằng tin của Bộ Quốc phòng Úc ngày 5-6: “Hôm 26-5, một máy bay tuần tra hàng hải P-8 của không quân Hoàng gia Úc (RAAF) đã bị một máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc ngăn chặn trong hoạt động giám sát hàng hải thường lệ trên không phận quốc tế ở khu vực Biển Đông”. Hôm 17-2, một tin tương tự cũng đã được đăng. Úc có lẽ chưa phải một cường quốc tầm thế giới, song không hề là một nước nhỏ, trang bị máy bay P-8 cũng là thượng hạng rồi, mà còn bị áp chế, huống hồ các nước nhỏ yếu thực sự!NATO tập trận lớn ở biển BalticTình hình châu Âu cũng đang nóng rẫy vì cuộc chiến Ukraine. NATO ngày 6-6 đã bắt đầu cuộc tập trận với sự tham gia của 16 nước, 7.000 binh sĩ và 45 tàu chiến, trong đó Thụy Điển và Phần Lan - các nước đang nộp đơn gia nhập NATO - cũng tham dự.Các khoa mục của cuộc tập trận BALTOPS 22 kéo dài 10 ngày sẽ bao gồm chiến dịch đổ bộ, năng lực chống tàu ngầm, phòng không và rà phá bom mìn, theo trang chủ của NATO. Ba Lan, Đức, Đan Mạch, Latvia, Lithuania, và Estonia, tất cả các thành viên NATO có bờ biển ở vùng Baltic, đều đã tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát. Các nước đó, cùng các đồng minh NATO Bỉ, Bulgaria, Pháp, Anh, Na Uy, Hà Lan, Mỹ, và Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tham gia BALTOPS 22 cùng với Thụy Điển và Phần Lan.“Trong các cuộc diễn tập BALTOPS quá khứ, chúng ta nói về việc cần đáp ứng những thách thức tương lai. Những thách thức đó giờ đã thành hiện thực - ngay lúc này, ngay bây giờ”, phó đô đốc Gene Black, tư lệnh hạm đội 6 của hải quân Mỹ, nói. Anh cử tàu khu trục HMS Defender tham gia. Cụ thể, tàu này sẽ là nhân vật chính trong một bài diễn tập mà Defender cùng một nhóm các tàu chiến nhỏ hơn của Lithuania, Latvia và Na Uy phải chống trả một cuộc “tấn công” của “một bầy đông đúc” các tàu tuần tra cỡ nhỏ P2000, cũng do Anh cung cấp.Về cuộc chiến ở Ukraine, cựu tướng Mỹ James Stavridis nói vào cuối tuần trước rằng một “mặt trận mới” sẽ sớm mở ra ở biển Đen liên quan tới việc đồng minh hộ tống những tàu chở hàng và lương thực ra vào Ukraine. Vùng biển này hiện đang bị hải quân Nga phong tỏa và phương Tây cáo buộc Nga đang “bắt cóc tống tiền” với ngành cung cấp sản phẩm từ lúa mì của thế giới, khi chặn việc chở hàng và bắt các tàu chở ngũ cốc của Ukraine. Đầu tháng 6, báo Mỹ The New York Times có một phóng sự dài, dẫn lời các quan chức Mỹ cảnh báo 14 quốc gia, hầu hết là các nước ở châu Phi, về việc ba con tàu Nga chở khoảng 500.000 tấn lúa mì trị giá 100 triệu USD mà họ cho là “đã lấy của Ukraine” để mang sang đây bán.Stavridis nhận định tàu chiến Nga “đang làm chủ vùng phía bắc biển Đen”. “Họ có khoảng 40 tàu chiến, còn số tàu chiến của Ukraine trên thực tế là zero”, ông Stavridis nói trong chương trình radio Cats Roundtable. “Nga đang phong tỏa bờ biển Ukraine, ngăn chặn các hoạt động chở ngũ cốc thiết yếu với nền kinh tế Ukraine, và với cả nguồn cung thực phẩm cho thế giới... Vì vậy một mặt trận mới của cuộc chiến này sẽ bao gồm việc hộ tống các tàu hàng ra và vào Odessa”.C.VĂN Tags: Tập trậnTàu sân bayChiến tranh Nga UkraineQuan hệ Nga NhậtRIMPACTàu sân bay Liêu Ninh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.