Những giấc mơ mùa hè

NGUYỄN THỊ KIM HÒA 06/07/2018 02:07 GMT+7

TTCT - Nghỉ hè, bạn tay xách nách mang công chúa, hoàng tử nhà bạn ra thăm xứ nắng. Trẻ nhỏ thành phố lần đầu nghe hơi nắng hăng giòn, mùi gió nồng hơi biển mừng như đám chuột bạch con được xổ lồng kính. Ôm cừu, hái nho, dang nắng đỏ lừ hết da vẫn nhao nhao đòi cho tụi con đi biển.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Bà cô thổ địa ngẫm ngợi một hồi. Biển đất Phan Rang, từ Cà Ná đến Ninh Chữ, bãi nào cũng đáng để “tiếp thị” với khách nhí. Nhưng xét khoảng cách di chuyển, độ nổi tiếng, quyết định chọn Vĩnh Hy làm điểm mở màn.

Trời đẹp. Nắng trong. Biển Vĩnh Hy xanh như ngọc.

Tàu chạy nhanh, sóng chồm qua cả thành gỗ sơn xanh, tưởng công chúa hoàng tử sợ, hai người lớn thi nhau ngó chừng nhưng chỉ thấy hai trẻ cười khoái chí, trưng bày răng sún.

Chơi “thú nhún” chán chê với bầy sóng trắng, tàu vào vùng nước lặng của bãi san hô ngầm. Mặt kính lắp dưới đáy tàu như đôi cánh cửa thần tiên từ từ mở ra, hai cặp mắt trẻ con còn in bóng sóng thêm lần nữa vỡ òa.

Cả thảm san hô rực rỡ bày ra bên kia mặt kính trong suốt. Con tàu như không còn được nâng lên bởi nước nữa mà nhờ một tấm thảm bay sặc sỡ khổng lồ. Cứ nhìn những tia mắt rộn ràng lẫn hồi hộp của hai cô cậu nhỏ cũng biết thế giới sắc màu và chuyển động tha thướt ấy vẫn còn sức hút lắm với trẻ con, những tâm hồn mới thực biết yêu mộng mơ và cái đẹp.

Rồi cũng tới lúc rời chốn mơ mộng trẻ thơ trở về cõi thực. Tàu đáy kính theo dòng chảy du lịch, cập dãy bè kinh doanh hải sản. Các cô cậu nhỏ lóc cóc bước xuống thiên đường người lớn. Không chỉ con bạn, vài gương mặt nhỏ như ấm ức luyến tiếc. Có ánh nhìn còn thảng thốt ngó con tàu lại quay đầu, rẽ sóng.

Bè hải sản đương mùa du lịch chật ních khách. Tôm hùm, cá bè cu, cua gạch, mực lá... chất đầy ụ trên những mặt bàn hẹp. Để được no bụng phải chịu cảnh chen nhau. Thấy đám ăn uống, cười nói dần lặp lại, chán phèo, các trẻ nhỏ rủ hết nhau lẻn đi. Cả đám nhóc trên bè túm tụm lại một góc, lập không gian riêng trong thế giới người lớn.

Trẻ nhỏ nhà bạn tham gia được nửa chừng quay về, dắt theo một cậu nhóc đen nhẻm, cắp cái rổ xếp phải tới mấy chục bị trứng cút luộc: “Bạn này bán trứng cút ngon lắm mẹ!”.

Trẻ nhỏ không xin tiền, không đòi mẹ mua. Nhưng đâu riêng mẹ, cả bà cô thổ địa tháp tùng cũng nhanh tay mở bóp. Không phải chỉ vì tấm lòng trẻ thơ thương nhau, còn vì nụ cười cậu nhỏ da đen, đứa trẻ sớm bươn chải, sao đẹp quá.

“Nhà con ở đâu?”.

Mẹ trẻ nhỏ hỏi. Thổ địa để ý thấy mắt bạn mình rớt nhanh từ mái tóc đen mượt của hai đứa con xuống đầu tóc rối nùi cháy nắng. Nặng trĩu.

“Trong xóm á!”.

Khách hướng theo cái hất đầu, giữa ánh trời trưa chói mắt, xóm biển cậu chỉ hệt vệt đen mờ bên tấm gương vịnh biển xanh óng.

Bạn gắp mấy lát mực hấp to nhất, quấn cho cậu cuốn bánh tráng. Da đen kiên quyết lắc đầu:

“Hổng có đói. Con nhịn tới chiều bán về còn được!”.

Câu nói lại trống không. Nhưng hai người lớn bỗng không ai muốn chỉnh.

Cậu chàng cười. Thoắt cái đã cùng cái rổ vốn liếng đu ra mép bè, rồi thoăn thoắt chuyền như Tarzan trên các đà nối, nhảy qua bè hải sản bên cạnh.

Công chúa nhà bạn mắt ngưỡng mộ nhìn miết chàng Tarzan đánh đu trên biển. Còn hoàng tử không nén nổi câu ước: “Mai mốt lớn, con thích làm nghề bán trứng cút như ảnh!”.

Mới hay cùng nhìn một sự việc, nhưng lăng kính người lớn và trẻ con khác xa nhau lắm. Yêu thương tồn tại trong thế giới trẻ thơ rõ ràng là loại thương yêu trong veo, không gợn chút thương hại hay ban phát.

Tarzan da đen để lại trên mặt bàn mấy mẩu san hô cụt xám xịt, món quà cậu chàng lặn mò tặng riêng mấy người bạn mới quen.

Chiều về, tàu ra đón nhổ neo, bạn nhắc hai con đem những mẩu hóa thạch trả lại vào lòng biển.

“Để biển nuôi san hô nở hoa tiếp, phải không mẹ?”.

Bạn gật đầu, nuôi tiếp giấc mơ cổ tích cho hai con.

Tàu gần dần xóm biển, bỗng mong được thấy lại dáng hình da đen, rổ đậu phộng cắp ngang hông.

Hè còn dài. Liệu có ai nuôi giấc mơ cho những nụ cười trẻ thơ dang nắng biển?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận