Những kệ hàng lại trống

TRÚC ANH 20/01/2022 18:50 GMT+7

TTCT - Bóng ma của những quầy kệ trơ trọi trống rỗng và hiện tượng mua sắm trong hoảng loạn giữa làn sóng COVID-19 thứ nhất hồi tháng 3-2020 đang trở lại với nhiều nước khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh, nhưng có chút khác biệt: cái thiếu không phải là hàng hóa mà là người vận chuyển và bày bán chúng.

 
 Quần trứng bị dọn sạch tại 1 siêu thị ở Sydney (Úc) ngày 7-1. Ảnh: Mick Tsikas/AAP

Đợt thiếu thốn hàng hóa cách đây gần 2 năm xảy ra khi người ta đổ xô tìm mua các mặt hàng thiết yếu để tồn tại qua những ngày phong tỏa. Nhu cầu tăng đột biến đó làm hệ thống cung ứng không đáp ứng được. 

Lần này thì khác, các quầy hàng trong siêu thị từ Anh, Úc đến Mỹ trống vắng vì quá nhiều công nhân trong các khâu vận chuyển, phân phối và trực cửa hàng đang nhiễm bệnh hoặc bị yêu cầu cách ly. 

Hàng đây, nhưng người đâu?

Tại Úc, theo Bloomberg, các siêu thị đang “thiếu hàng thực phẩm như hồi 2020”. Chuỗi siêu thị lớn nhất Úc Woolworths Group hồi đầu tháng này cho biết hơn 20% nhân viên tại các trung tâm phân phối phải nghỉ làm vì COVID-19. Tại các siêu thị, virus corona khiến ít nhất 10% nhân viên phải nghỉ việc.

Theo Hiệp hội Công nhân vận tải Úc, từ 1/3 đến một nửa số tài xế xe tải hiện không thể đi làm. Điều này khiến các siêu thị gặp khó khăn trong việc bổ sung hàng hóa và đôi khi khó nhập được một số loại thịt, bánh mì, rau củ quả…, theo Bloomberg. Coles Group, công ty vận hành chuỗi siêu thị lớn thứ hai của Úc, hồi đầu tháng chỉ cho phép khách mua tối đa 2 gói với xúc xích, đùi, ức gà và thịt băm.

Bang New South Wales đang phải chịu tình trạng thiếu hàng ở siêu thị trầm trọng nhất, khi số ca nhiễm được ghi nhận qua xét nghiệm PCR lên đến trên 45.000 (ngày 9-1), so với chưa đầy 500 mỗi ngày hồi đầu tháng 12-2021.

Ở Mỹ, sự lây lan nhanh và rộng của Omicron cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm và có thể gây thiếu hụt hàng hóa. Các cửa hàng thiếu người nhập kho, chất hàng lên kệ và đứng quầy thâu ngân, còn các công ty thực phẩm không có nhân công, dẫn đến thiếu hụt các sản phẩm như ngũ cốc, xúp và thịt. Nhà phân phối hàng bách hóa SpartanNash nói với Bloomberg số ca nhiễm COVID-19 trong lực lượng 18.000 nhân viên của họ gần đây đã tăng gấp ba lần.

Trang Market Watch ngày 11-1 dẫn lời Jim Dudlicek, giám đốc truyền thông Hiệp hội Bách hóa quốc gia Mỹ cho biết nhiều cửa hàng còn chưa đầy một nửa lực lượng lao động so với bình thường. “Mặc dù có rất nhiều thực phẩm trong chuỗi cung ứng, nhưng chúng tôi dự đoán người tiêu dùng sẽ tiếp tục gặp phải sự gián đoạn lẻ tẻ với một số loại sản phẩm nhất định do các thách thức liên tục về nguồn cung và lao động ” - Dudlicek nói.

Còn tại Vương quốc Anh, người tiêu dùng từ nam London, Hampshire và Essex đến Leicestershire và miền nam xứ Wales đăng ảnh chụp các quầy kệ trống rỗng lên mạng xã hội và than phiền không thể mua thực phẩm tươi, theo báo The Independent. 

Đây là lần thiếu hụt hàng hóa thứ 2 trong vòng 6 tháng. Nhiều người đổ cho Brexit, nhưng cũng có người cho rằng nguyên nhân là vì nhiều người lao động phải tự cách ly vì COVID-19.

Hoặc cũng có thể là do cả hai. Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Anh từng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt thực phẩm trong nước sau khi các biện pháp kiểm soát nhập khẩu mới với hàng hóa từ EU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1, và thực tế diễn ra y như thế. “Một số nhân viên siêu thị cho biết xe tải [chở hàng nhập vào Anh] đã không đến được, gây ra tình trạng thiếu hàng” - The Independent viết.

Trấn an và hợp tác

Đại dịch đã phơi bày sự yếu kém của việc quản lý chuỗi cung ứng theo kiểu đáp ứng nhu cầu “vừa kịp lúc”, khi các nhà sản xuất, bán buôn và bán lẻ đều trữ hàng với lượng tối thiểu. Bình thường thì điều này giúp tối đa lợi nhuận nhưng khi có biến, mọi thứ nhanh chóng rối tung.

“Giờ là lúc để kêu gọi phải có một cách làm khác, không chỉ “vừa kịp lúc” mà là “phòng khi có lúc”, đủ linh hoạt để tránh cả hệ thống sụp đổ khi có khủng hoảng” - Flavio Macau, giáo sư Đại học Edith Cowan và là thành viên ban quản trị tổ chức quản lý chuỗi cung ứng ASCI, viết trên The Conversation.

Công bằng mà nói, các siêu thị đã trữ nhiều hàng hơn nhằm tránh lặp lại các cuộc khủng hoảng nguồn cung năm 2020 và 2021, song điều này không thể giải quyết vấn đề. Không gian trưng bày và trữ lạnh của các cơ sở kinh doanh là có giới hạn, họ không thể trữ hàng nhiều hơn khả năng.

Macau cho rằng điều cần làm là một cơ chế phi tập trung, trong đó các điểm bán được phép tự áp đặt số lượng mua tối đa với từng sản phẩm mỗi khi hàng sắp cạn, thay vì đợi quyết định từ cấp cao hơn trong hệ thống. Trường hợp không thiếu hàng dự trữ mà là không đủ người để chuyển sản phẩm từ kho đến cửa hàng, giải pháp là cho người tiêu dùng biết về tình trạng thiếu nhân viên, trấn an họ rằng hàng hóa vẫn dồi dào, chỉ kẹt khâu vận chuyển chút đỉnh. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng không hoảng loạn và giải được một mắt xích trong vòng luẩn quẩn: người mua thấy kệ trống lại đổ xô gom hàng khiến sự thiếu hụt càng trầm trọng hơn, và cứ thế.

Ông Macau còn nêu ra một giải pháp có vẻ khó tin: các đối thủ cạnh tranh tạm “đình chiến” và bắt tay hỗ trợ nhau vì người tiêu dùng. Riêng tại Úc, điều này đã có tiền lệ vào tháng 4-2020, khi Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc ủy quyền tạm thời cho các công ty viễn thông, ngân hàng, nhà cung cấp y tế và siêu thị hợp tác để đảm bảo cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

“Có lý do để các siêu thị hợp tác với nhau lúc này khi Hiệp hội Bán lẻ Úc dự đoán các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp diễn trong ít nhất 12 tháng tới… Nếu tất cả đều sẵn sàng, làm điều họ có thể làm, chúng ta sẽ xây dựng được văn hóa kiên cường ở Úc, nơi các quầy kệ trống trong siêu thị chỉ là chút ký ức buồn” - ông viết.

Và điều đó tất nhiên không chỉ đúng với riêng nước Úc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận