TTCN - Ông bà xưa có câu “Sống dầu đèn, chết kèn trống” - không ai có thể dửng dưng khi nghe những âm giai của tiếng kèn trổi lên trong phút tiễn biệt người quá cố. Song công việc của những người tạo nên khúc biệt ly đó - những nghệ-sĩ-kèn-thầm-lặng - hầu như chẳng mấy ai biết đến. Phóng to Đội kén Tân Việt trước giờ xuất phátTTCN - Ông bà xưa có câu “Sống dầu đèn, chết kèn trống” - không ai có thể dửng dưng khi nghe những âm giai của tiếng kèn trổi lên trong phút tiễn biệt người quá cố. Song công việc của những người tạo nên khúc biệt ly đó - những nghệ-sĩ-kèn-thầm-lặng - hầu như chẳng mấy ai biết đến. Một ngày như... mọi ngày 3g sáng, trời còn mờ tối nhưng trong con hẻm nhỏ đường Lê Lai, phường 12, quận Tân Bình (TP.HCM), anh em nhạc công kèn đã lục tục tập trung đầy đủ tại nhà ông Lê Đình Thám, năm nay tuổi đã ngũ tuần, trưởng đội nhạc kèn Tân Việt. Ban nhạc chỉnh tề trong đồng phục trắng - đen, đến một nhà có tang lễ thuộc giáo xứ Tân Việt, đứng dàn đội ngũ thổi kèn nghi lễ động quan rồi theo xe tang đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa thổi kèn lần nữa lúc hạ huyệt. 6g30 xe chở đội kèn lại trực chỉ một đám tang ở Đông Hưng Thuận (quận 12). Tiếng kèn ngừng vang lên sau khi cỗ quan được an táng trên mảnh đất nhà cũng là lúc đồng hồ chỉ 8g. Bấy giờ anh em nhạc công ai nấy mới trở về... ăn sáng. 14g chiều, mưa lất phất, trời ảm đạm, cũng tốp anh em ban sáng tập trung ở trại hòm Tân Lập (quận Phú Nhuận) rồi lần lượt đi đến ba nơi thổi kèn trong nghi thức tẩn liệm cho một tang gia ở phường 10, Phú Nhuận lúc 15g; kế tiếp là một tang gia khác ở phường 7, quận Bình Thạnh lúc 17g; cuối cùng là đến một nhà ở đường Phan Đình Phùng, cạnh chợ Phú Nhuận lúc 19g. Phóng to Người cầm gậy chỉ huy và đội kèn Các bản nhạc thường xuyên được họ trổi lên có nhạc Pháp (Khúc tang hành, Nghỉ yên đời đời), nhạc Anh (Love story, Romeo&Juliet), nhạc Hoa (Chiêu Quân cống hồ), nhạc Việt (Lòng mẹ - Y Vân, Ơn nghĩa sinh thành -Dương Thiệu Tước, Cát bụi - Trịnh Công Sơn). Vô nhà thấy tang gia theo Thiên chúa giáo thì trổi nhạc thánh ca; theo đạo Phật thì kèn cất lên các bài Trầm hương, Sen hồng, Đăng đàn... Có bản như Tình cha cả đội xen kẽ thổi kèn từ đầu đến đoạn giang tấu thì hát đồng ca “Ơn cha như Thái Sơn cao bao tầng. Ngoài tuy cương quyết mà lòng thương mến...” rồi thổi tiếp khúc nữa và lại hát hết bài. Tiếng hát của họ trong giờ phút đau thương đó khiến thân nhân càng nhớ đến người vừa khuất bóng, lại thấm thía hơn sự phù du của kiếp người. Mỗi suất kèn thổi lúc tẩm liệm hoặc di quan trung bình khoảng 40 phút (thổi 10 bài), chia ra hai nội dung “nghi lễ” và “báo hiếu”. Ông Thám cho biết hằng ngày có thể có ba, bốn tang gia đặt đội Tân Việt thổi kèn (tròm trèm 100 suất/tháng). Mỗi đội kèn đám tang thường khoảng mười nhạc công: hai người đánh trống lớn - trống nhỏ, tám người thổi kèn trompet, saxo, trombone, bass... (tùy theo yêu cầu của tang chủ, một đội kèn có thể tăng cường lên đến 30 nhạc công). Trong dàn nhạc, lĩnh ấn chủ lực là người thổi trompet, các kèn khác đệm chồng giai điệu lên. Đội nhạc nhận thù lao trung bình 500.000 đồng/suất, thường thông qua cơ sở mai táng (lo dịch vụ trọn gói với gia chủ). Thù lao có thể tăng gấp đôi nếu tang gia ở xa như Bình Chánh, Củ Chi. Nếu gia quyến khá giả, mời đội nhạc trổi nghi thức đón khách đến viếng suốt đám tang thì trả thù lao 2,5 triệu đồng/ngày. Sài Gòn hiện có khoảng 20 đội kèn, chủ yếu tập trung ở quận Tân Bình (các giáo xứ Bùi Phát, Nam Hòa, Tân Thái Sơn, Nam Thái...), còn vùng Chợ Lớn có đội Bửu Tinh, quận Phú Nhuận có đội Phú Nhuận... Các đội có mối liên hệ chặt chẽ với các trại hòm, cơ sở mai táng để giới thiệu công việc qua lại. Thật ra trong đội ngũ nhạc kèn đám tang số người chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là “không chính qui” do anh em bà con gia đình dắt díu nhau đi làm. Đơn giản vì chẳng có trường nhạc nào dạy thổi kèn... đám ma cả, anh em phải học và tập sự ít nhất một năm mới có thể đi làm chính thức. Trong giới này có từ “kèn đời sống”, nghĩa là tự rèn nghề. Thực tế, nhạc công kèn đám ma đa số yếu hoặc... mù nhạc lý, chỉ nghe theo và thổi theo kiểu thuộc lòng. Thậm chí đội trưởng cầm gậy chỉ huy cũng chưa chắc đã biết nhạc, miễn có người cầm gậy đi trước cho... vui, huơ thảy gậy có khi còn rớt xuống đầu người khác! Tâm tình nhạc kèn Thổi kèn đám ma là một nghề vất vả! Nhạc công hành nghề đặc thù trong môi trường tang tóc buồn đau, nhang khói nghi ngút nước, mắt ngắn dài, đồ nghề có tới 95% là kèn cũ, mua trôi nổi trên thị trường (giá từ 3-5 triệu đồng/cây). “Chơi nhạc tang lễ dĩ nhiên phụ thuộc giờ giấc của tang chủ, phải đến đúng giờ bất kể mưa gió. Thu nhập rất có khuôn khổ, đi làm bất cứ giờ nào trong ngày, rạng sáng - đêm thâu gì thì “lương” cũng như vậy” - anh Vương, trưởng đội nhạc kèn Tân Thái Sơn, nói. Nhạc công đám ma phải phục vụ theo ý cơ sở mai táng, ý tang gia, ý thân nhân, ý khách viếng... “Thổi lạng quạng bị gia chủ chê lên mắng xuống là chuyện thường tình - ông Thám Tân Việt cười kể - Từng có đám đội kèn vừa thổi lên đã bị yêu cầu ngưng ngay. Cùng một gia đình người bảo thổi bài này, người khác lại bắt thổi bài kia. Ai cũng có thể yêu cầu bài theo ý mình, có khi nói người chết “thích bài này đó, thổi đi!” làm sao mình dám từ chối”. Lẽ thường đội kèn cần chơi nhạc trong không khí xúc động. Nốt trầm nốt bổng vang lên phải trang nghiêm hay nhuộm buồn ai oán. “Nhưng cũng còn tùy, nhiều tang chủ người Hoa đôi khi lại muốn đội kèn thể hiện điều gì đó tươi tắn, bởi theo họ, khi người cao tuổi mất thì mọi người nên vui vì ông (bà) ấy đã được thọ” - ông Thám nhắc một kinh nghiệm. Lại có lắm khi vì ý tối hậu của gia chủ mà đội kèn phải thổi nhiều bài bản không đúng nội dung tang lễ trong sự áy náy, mắc cỡ, không thoải mái lương tâm (yêu cầu thổi... nhạc “giựt”, sôi động chẳng hạn). Có lần một gia chủ ở Bình Trị Đông (Bình Chánh) đã yêu cầu nhạc đoàn Tân Việt phải... làm xiếc. Đội kèn phải thuê người biểu diễn xiếc nuốt kiếm, thảy bi sắt, phun lửa, dùng răng cắn yên sau xe đạp nâng bổng lên... Bà con lối xóm xúm lại xem thích thú, đám trẻ con khoái chí: “Đám ma vui quá xá!”. Ngược lại, không khí nhiều đám ma đôi khi trở nên lố bịch bởi rước nhằm đội kèn kém nghề, thổi “tá lả âm binh”, đưa cả nhạc trẻ topten thời thượng vô “danh mục biểu diễn”. Năm 2000, Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM từng ra văn bản yêu cầu các đội nhạc kèn không được thổi loại “nhạc vàng” mùi mẫn, nhạc có nội dung tiết tấu không phù hợp với không khí tang lễ. Đội trưởng Lê Đình Thám luôn nhủ với anh em nhạc công trẻ “đã làm nghề này thì phải tâm huyết và cốt giữ gìn sự nghiêm túc”. Trong đội kèn Tân Việt, người lớn tuổi nhất là ông Hào, 52 tuổi, từng là trưởng ca đoàn xứ đạo, vẫn chơi trompet say sưa gần 30 năm qua; trẻ nhất hiện là anh Phúc, vào nghề 10 năm trước lúc mới 16 tuổi, nay đã lập gia đình, có một con. Phúc cho biết: “Thu nhập ở mức 3 triệu đồng/tháng trở lên sống cũng thoải mái” và bảo đã trót gắn bó với nghề thì sẽ an phận với nghề nhạc kèn “nghĩa tử nghĩa tận”.
Chúc mừng năm mới Ất Tỵ 2025! TUỔI TRẺ ONLINE 28/01/2025 0h sáng, pháo hoa rực rỡ thắp sáng bầu trời các vùng miền cả nước, mang theo những ước vọng về một năm mới bình an, sung túc, nhà nhà yên vui.
Thông điệp chúc Tết Ất Tỵ 2025 của Chủ tịch nước Lương Cường THÀNH CHUNG 29/01/2025 Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường đã thân ái gửi lời chúc Tết tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Những lời chúc năm mới Ất Tỵ hay và ý nghĩa gửi đến người thân, đồng nghiệp và thầy cô TR. VÂN 28/01/2025 Trước thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tuổi Trẻ Online giới thiệu đến bạn đọc những lời chúc năm mới ý nghĩa dành cho người thân, bạn bè, thầy cô để cùng nhau bước sang năm Ất Tỵ sức khỏe, tài lộc và hạnh phúc.
Những câu nói của Ngọc Hoàng, Táo giao thông 'gây sốt' trong Táo quân 2025 HOÀI PHƯƠNG 28/01/2025 Nhiều câu nói của Ngọc Hoàng, Táo giao thông, Táo y tế… trong Táo quân 2025 ngay lập tức 'gây sốt' trên mạng xã hội.