​Những tiếng nói lương tri tỉnh táo sẽ vượt hẳn lên

ANH NGUYỄN 21/06/2015 17:06 GMT+7

TTCT - “Con đường sống của báo chí là tạo ra nội dung chất lượng, tạo ra độ sâu nhất định” - nhà báo Nguyễn Vạn Phú, tổng thư ký tòa soạn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, chia sẻ với TTCT về những tác động của công nghệ đối với báo chí hiện đại.

Con đường sống của báo chí là tạo ra nội dung chất lượng, tạo độ sâu nhất định

“Nói về tương lai báo chí thì khía cạnh tài chính là quan trọng. Báo chí không tìm được nguồn thu thì không thể làm được gì cả. Nhiều người cứ nghĩ chuyển qua báo mạng thành công là có thể đem lại viễn cảnh tài chính tốt đẹp cho báo chí. Theo tôi, đó là ảo tưởng. Vì sao? Ảo tưởng vì báo giấy là một dạng thức độc quyền để đưa thông tin quảng cáo đến người dùng, nhưng trên online báo chí không phải độc quyền về quảng cáo nữa.

Tôi mới quan sát ở nước ngoài. Hằng ngày họ làm gì? Trước hết họ mở smartphone nghe nhạc trên Spotify. Spotify có khoảng 85 triệu người đăng ký và trong đó chỉ khoảng 15 triệu đăng ký trả tiền 9,99 USD/tháng để khỏi phải xem quảng cáo. Số người khổng lồ còn lại nghe nhạc mà chịu quảng cáo, đó là loại quảng cáo người ta bị áp đặt. Chúng ta có làm trang web tin tức hay đến đâu nữa, thời gian người xem dành cho trang web làm sao bằng Spotify - nơi người ta nghe suốt ngày - cứ 30 phút Spotify ngưng phát nhạc và bắt người dùng phải nghe quảng cáo.

Đó là mô hình thịnh hành của tất cả trang web ở nước ngoài, không chỉ báo chí. Ngoài Spotify (âm nhạc) còn có phim ảnh, clip hài trên YouTube, trên các kênh... cho cả định dạng mobile, desktop lẫn smart TV... Như vậy, vừa gia nhập thế giới mạng là người ta lập tức bị quảng cáo bủa vây, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ quảng cáo đến từ báo chí. Một tỉ lệ rất lớn, lớn tuyệt đối, đến từ các nguồn khác.

 Sự hời hợt của các sinh viên báo chí hiện nay thật ra không hoàn toàn là lỗi của họ, mà do xã hội đang bế tắc ở các vấn đề quan trọng, thiết yếu, nên họ phải nhảy qua các vấn đề “hấp dẫn” để tìm lối thoát...”.

(Nhà báo Nguyễn Vạn Phú)

Thế thì báo chí làm sao cạnh tranh được với các nguồn kia để lấy tiền quảng cáo? Trong tổng doanh thu của Google, báo chí chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, còn lại đến từ các blog, các trang dạy nấu ăn, điểm phim, hướng dẫn sử dụng máy móc, điểm báo, điểm các địa chỉ ăn uống... 

Báo chí phải cạnh tranh với những kênh đó một cách khốc liệt. Báo chí online VN hiện nay sống được phải thông qua các đại lý như Google Ads, MicroAd chứ không thể tự đi bán quảng cáo, nhưng khách hàng chính của Google Ads, MicroAd không phải là báo chí mà là hàng loạt trang web loại này”.

Vậy đâu là điều sẽ cứu giúp các tờ báo lúc này? 

- Trông cậy vào sự lành mạnh tài chính nhờ online, theo tôi, là con đường bế tắc. Đó là lý do tại sao các tờ báo hiện nay chạy theo xu hướng lá cải nhằm tăng pageviews với hi vọng biết đâu nhờ đó cải thiện được tình hình tài chính. Đó là suy nghĩ sai lầm. Báo chí không thể sống được bằng con đường đó, mà phải đi vào con đường như New York Times đang theo: tạo ra nội dung chất lượng, tạo ra độ sâu nhất định. 

Càng ngày người ta càng thấy rõ khi báo chí đánh mất niềm tin của người đọc thì phải có một số nơi có thẩm quyền để xác tín thông tin. Báo nào làm được vai trò đó chắc chắn sẽ sống được... Chúng ta phải suy nghĩ theo hướng đó chứ đừng theo con đường xuống đáy là cạnh tranh bằng views với tin tức xìcăngđan... Đó không phải lối thoát.

Hơn một năm qua, tôi thấy trang web của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã cố thay đổi rất nhiều. Ông có thấy mình bắt kịp tốc độ thay đổi công nghệ hiện nay?

- Khi làm tờ online, tôi chỉ chú trọng tới nội dung theo nghĩa cập nhật kịp thời theo đúng nhu cầu của người đọc. Về mặt kỹ thuật chúng tôi chưa làm được gì, chỉ đầu tư băng thông rộng hơn để bạn đọc vào đọc được dễ dàng hơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh hơn cho online để xây dựng một platform có thể thỏa mãn nhu cầu người đọc.

Điều đáng ngại là công nghệ thay đổi nhanh quá nên đầu tư không khéo thì rất dễ lãng phí. Giai đoạn cân nhắc các công nghệ và các lựa chọn chiếm rất nhiều thì giờ. Hơn nữa, không thể trông chờ hoàn toàn tài chính vào tờ báo online, đầu tư vào một nơi mà mình biết là không có khả năng thu hồi vốn thì làm sao dám mạnh dạn đầu tư được, trong khi sẽ phải trông chờ vào các mô hình kiếm tiền khác chưa định hình. Đó là trở ngại lớn.

Tác động của những thay đổi công nghệ đó như thế nào với ngành báo?

- Điều quan trọng tôi muốn nói là khó khăn của làng báo, cạnh tranh để sống còn trong hoàn cảnh đó là chuyện hiển nhiên. Nhưng đáng buồn hệ quả của nó là sự sụt giảm, đánh mất tính chuyên nghiệp, chuyên môn của nghề nghiệp. Chúng ta phải chấp nhận quy mô tờ báo giảm xuống, hệ lụy là thu nhập anh em giảm xuống... 

Nhưng cha ông ta đã nói: “giấy rách” vẫn phải “giữ lấy lề”. Đằng này, vì sự khó khăn đó mà những chuẩn mực cơ bản nhất của báo chí ngày càng bị coi nhẹ. Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc các tờ báo mạng là họ cố gắng tìm cái gì đó kích thích sự tò mò của người đọc để đăng, chạy theo thông tin giật gân, làm sai lệch bản chất của vấn đề, không cần biết đến mục đích của báo chí phải là cung cấp thông tin chuẩn mực, chuẩn xác cho bạn đọc để giúp họ hành xử trong cuộc sống.

Trên mạng xã hội, người ta thường phản ứng tức thì và nhanh chóng chuyển sang chỉ trích, mạ lị nhau. Trước kia khi đọc báo giấy, người ta có thói quen lùi lại để suy nghĩ, nhưng giờ cứ quệt smartphone rồi phản ứng rất nhanh và thiếu suy nghĩ theo nó.

- Đó là vấn đề khác nữa. Một trong những tác dụng tích cực của công nghệ là về độc giả. Độc giả giờ có sự dân chủ hơn trong đón nhận thông tin. Ngày xưa đón nhận thông tin một cách thụ động, một chiều, nên báo chí đưa gì thì đọc nấy, mọi người tin vào báo chí. Bây giờ họ dân chủ hơn trong tiếp cận thông tin và khi đã dân chủ thì họ có quyền phản ứng và phản bác.

Giai đoạn này là giai đoạn tranh cãi nhau dữ dội. Nhưng những tiếng nói lương tri tỉnh táo sẽ vượt hẳn lên. Tôi tin là như vậy. Chỉ có điều sự lộn xộn đó làm mất những giá trị cơ bản của cuộc sống, những giá trị như sự trung thực, lương tâm trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm. Tất cả giờ chỉ còn sự lọc lõi, tinh ranh. Báo chí không còn tác dụng. 

Ở nhiều nước, xung đột giữa phát triển với những vấn đề ảnh hưởng tới đời sống của người dân sẽ là đề tài mà các tờ báo nghiêm túc nhảy vào làm rất đậm. Việc đánh mất giá trị cuộc sống như tôi nói vừa nãy dẫn tới chuyện những tiếng nói mị dân lại được thích và trích đăng.

Ông có nghĩ công nghệ đóng vai trò quyết định?

- Công nghệ nói cho cùng không quan trọng. Nó chỉ đóng vai trò hỗ trợ, cái chính vẫn là con người. Công nghệ có những mặt trái như làm người ta dễ dãi. Bây giờ khi làm điều tra, nhiều phóng viên tìm trên mạng thấy đã có người viết như vậy bèn cắt dán luôn về bài của mình, coi như là đúng mà không cần kiểm chứng gì.

Mặt nào đó thì với công nghệ, chúng ta làm báo thuận lợi hơn chứ?

- Giấc mơ của tất cả nhà báo từ xưa đến nay là làm sao bài của mình được càng nhiều người đọc càng tốt. Nhưng ngày xưa họ làm xong, giao cho tòa soạn là hết nhiệm vụ. Nhưng ngày nay, viết xong bài báo, công việc của họ chưa chấm dứt: họ phải phát hành bài báo của mình bằng các phương tiện như mạng xã hội, nghĩa là họ có quyền đưa bài của mình tới được càng nhiều người đọc càng tốt.

Ước mơ thứ hai của người làm báo xưa là nghe được phản hồi từ độc giả - điều rất hiếm vì độc giả nào rảnh lắm mới ngồi viết thư cho mình. Nhưng giờ bài báo đưa ra thì ngay lập tức bạn đọc phản hồi trực tiếp trên online, comment ở các link chia sẻ... Nhà báo đọc là biết mình đúng hay sai chỗ nào liền. Ngày xưa một bài có thể viết sai mà không ai để ý, nhưng giờ chỉ cần sai một chút sẽ có người phát hiện ngay. Họ sẽ là những độc giả khó tính và nghiêm khắc lần dò tìm ra những lỗi của mình.

Chân thành cảm ơn ông.             

NHÀ BÁO TRONG TƯƠNG LAI SẼ NHƯ THẾ NÀO?

- Theo tôi, công cụ chỉ là một phần của sự đổi thay. Nhưng cách thức tác nghiệp của những nhà báo trong 5-10 năm nữa, thậm chí sớm hơn, sẽ không như các thế hệ trước.

Một nhà báo giỏi theo kiểu truyền thống phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm cũng như sự nhạy bén mang tính cá nhân. Đó thường là người có tư duy tổng hợp tốt, có mạng lưới nguồn tin hiệu quả, có kho dữ liệu lớn về lĩnh vực phụ trách, có khả năng dẫn dắt người đọc qua từng câu chữ. Nhiều phóng viên giỏi xưa kia tác nghiệp khá độc lập trên thực địa, có sự hậu thuẫn của đông đảo êkip tòa soạn từ chọn ảnh, vẽ minh họa đến biên tập, dàn trang... Xưa, người ta theo quan điểm “nội dung là vua” (content is king), nhà báo tạo ra những nội dung độc đáo, hấp dẫn, độc quyền chính là những người tài năng nhất.

Trong tương lai, mọi chuyện sẽ khác hẳn. Nội dung chưa bao giờ rời khỏi ngai vàng nhưng phải có “hoàng hậu công nghệ” (technology is queen). Công nghệ sẽ giúp các nhà báo tác nghiệp dễ dàng hơn nhiều, từ khai thác, thẩm định thông tin đến phát hành những thông tin đó. Sẽ không ngạc nhiên nếu một nhà báo tương lai sử dụng tài khoản Twitter để theo dõi vấn đề họ quan tâm, tin nóng sẽ thông báo ngay lập tức đến chiếc đồng hồ thông minh hoặc điện thoại di động họ đang dùng. Nhà báo đó sẽ dùng Facebook, Google+ hoặc các trang mạng xã hội kết nối nhanh chóng với các nguồn tin ở nhiều nơi, sử dụng điện thoại di động hay các loại máy quay gọn nhẹ để ghi lại chi tiết, viết bài, biên tập ảnh/video, quay phim và tường thuật trực tiếp.

Họ có thể dùng các phần mềm nhận giọng nói để viết bài theo công nghệ voice-to-text, dùng nhiều ứng dụng để tập hợp thông tin, dữ liệu, xác định theo địa điểm và phân loại theo ngữ cảnh, được các phần mềm dịch thuật hỗ trợ chuyển ngữ khi cần.

Nhà báo tương lai sẽ được công nghệ hỗ trợ rất nhiều, song có hai thứ chắc chắn không gì thay thế được con người: thứ nhất là ý tưởng sáng tạo trong cách triển khai vấn đề, thứ hai là tư duy coi độc giả là trên hết.

Ông LÊ QUỐC MINH (tổng biên tập VietnamPlus)

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận