Nơi bảo tồn vĩnh viễn gen tràm

SƠN LÂM - VIỄN SỰ 22/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT - Tháng 9-2016, giữa lúc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Long An) đang phát triển thành một trong những địa điểm du lịch xanh, nơi bảo tồn dược liệu quý giá thì dược sĩ Nguyễn Văn Bé - người làm nên vùng đất độc đáo này - đột ngột nằm xuống.

Tràm gió có bông màu trắng tinh, là loại gen đang được bảo tồn vĩnh viễn với hơn 965ha tại đây.-Ảnh: VIỄN SỰ
Tràm gió có bông màu trắng tinh, là loại gen đang được bảo tồn vĩnh viễn với hơn 965ha tại đây.-Ảnh: VIỄN SỰ

 

Một năm sau ngày “ông Ba Đất Phèn” (biệt danh mà người dân quanh vùng gọi ông Bé) ra đi, chúng tôi về thăm lại di sản của vị anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới này.

Rừng dược liệu từ đồng bưng

Dù đến nay đã có đường cho xe máy chạy vào khu Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, nhưng giám đốc Bùi Đắc Thắng vẫn cho tiếp những đoàn khách đến đây theo cách thức cũ: gửi xe tại cầu Trục Dầu Tràm, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa (Long An) rồi cho người đưa tắc ráng ra rước.

“Con đường đất hơi khó đi, với lại đến với khu du lịch thì phải đi bằng tắc ráng vào mới chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của vùng sông nước” - ông Thắng cười đon đả.

Những tòa nhà chính của trung tâm vẫn như cũ từ ngày ông Ba Đất Phèn ra đi. Bên khoảng sân đầy những cây si rợp mát mà người anh hùng lao động gieo xuống khi lần đầu đặt chân đến vùng đất này gần 35 năm trước, còn có một gian trưng bày mới.

Dưới bức tranh trang trọng dành để tưởng nhớ ông Ba Đất Phèn là những sản phẩm dược liệu. “Những sản phẩm trưng bày nơi đó là tâm huyết một đời của ông Ba, từ đồng bưng đất phèn mà hình thành” - ông Thắng kể.

Không chỉ thế, một nhà máy tinh luyện, chế biến tinh dầu và nhà thí nghiệm với đầy đủ máy móc hiện đại nhằm phục vụ cho quá trình nghiên cứu, thí nghiệm, trích xuất dược liệu, tinh dầu vừa được xây dựng khang trang, hoàn chỉnh. Hương thơm tinh dầu tràm ngạt ngào khắp nơi, dễ chịu.

Từ khi còn là Xí nghiệp dầu tràm Mộc Hóa Long An thành lập từ năm 1983 theo quyết định của Bộ Y tế, sang Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (năm 1993), rồi cổ phần hóa (trực thuộc Tổng công ty Dược VN năm 2002) cho đến nay, trung tâm mới có thể hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để có thể nghiên cứu, thí nghiệm, chế biến từ nguồn dược liệu trồng sẵn cho đến sản phẩm tung ra thị trường theo bất cứ đơn đặt hàng nào.

Đây cũng là mục tiêu mà ông Ba luôn hướng đến lúc sinh thời. “Từ lúc anh Ba đột ngột ra đi, tôi tiếp nối và luôn nhắc mình phải nỗ lực để không chỉ kế thừa mà làm sao phát huy cho được vùng đất này” - ông Thắng nói.

Bản thân ông Thắng cũng là người có cơ duyên ở vùng đất này. Hơn 30 năm trước, ông Thắng là một trong những sinh viên được về đây theo ông Ba thực tập, “uống phèn ngủ muỗi” khi vùng này còn là nơi khai thác tràm. “Học xong, tôi lập nghiệp ở TP.HCM và lập công ty riêng.

Năm 1999, trong một lần về thăm anh Ba, tôi may mắn được nghe anh tâm sự kế hoạch để phát triển vùng đất này.

Vậy là bắt tay cùng hợp tác với anh luôn” - ông Thắng kể. Từ đồng bưng, hàng chục sản phẩm từ tinh dầu, dược liệu chiết xuất từ tràm và các giống cây thuốc khác dưới nhãn hiệu Mộc Hoa Tràm như tinh dầu tràm, thuốc xoa bóp, thuốc xịt muỗi côn trùng thân thiện với tự nhiên... đã từ đây xuất ra thị trường.

Giám đốc Bùi Đắc Thắng giới thiệu về giống bạch đàn chanh, một loại cây có tỉ lệ tinh dầu rất lớn, nhiều giá trị ứng dụng đang được bảo tồn và phát triển gen tại đây.-Ảnh: VIỄN SỰ
Giám đốc Bùi Đắc Thắng giới thiệu về giống bạch đàn chanh, một loại cây có tỉ lệ tinh dầu rất lớn, nhiều giá trị ứng dụng đang được bảo tồn và phát triển gen tại đây.-Ảnh: VIỄN SỰ

 

Bảo tồn gen bền vững

Nhìn từ bản đồ vệ tinh, cả rừng tràm bảo tồn được ngăn cách bởi bốn con đường tạo thành hình chữ nhật.

Chỉ con đường thẳng tắp hun hút giữa rừng tràm, ông Thắng bảo tổng chiều dài các con đường đã bồi đắp ở khu này hơn 130km.

“Nghĩ lại, tôi vẫn thấy những con đường này thật kỳ diệu. Nhiều khi không tưởng tượng nổi đây từng là vùng ngập mịt mùng lúc tôi về đây thực tập” - ông Thắng bộc bạch.

Những rừng tràm bạt ngàn bông trắng mùa nước nổi, thân khẳng khiu sần sùi, không to lắm theo đặc trưng của loại tràm vùng Đồng Tháp Mười ken nhau tít tắp.

Ông Thắng bứt một chiếc lá bạch đàn vo nhẹ, đưa cho chúng tôi. Hương tinh dầu tràm nồng lên từ chiếc lá đã nhàu.

Ông Thắng giới thiệu là cây bạch đàn chanh, một trong những giống cây xuất xứ từ Nam Mỹ, phải cất công mua tận Brazil, làm nhiều thủ tục mới có thể nhân rộng được ở xứ này.

“Còn cây có bông trắng này là cây dành dành, một loại cây hay mọc vùng này và có thể chữa được rất nhiều bệnh như vàng da, viêm gan... đang được Đại học Y dược Hà Nội phối hợp nghiên cứu thêm. Còn kia là quao nước, kia là xuyên tâm liên, lạc tiên...” - ông Thắng vẫn thỉnh thoảng chỉ, ngắt cành bông, giới thiệu.

Tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học nguồn gen cây dược liệu vùng Đồng Tháp Mười do UBND tỉnh Long An tổ chức tháng 8-2017, xác định có 50 loại gen đang được bảo tồn tại đây.

Trong đó có nhiều loại gen khá đặc trưng của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười: tràm trà, tràm gió, cỏ ngọt, dứa gai... Ngoài ra còn nhiều loại được sưu tầm từ khắp nơi về phát triển như sả Java, rau má Thái, tràm Úc, bạch đàn chanh...

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã đánh giá rất cao đề án Bảo tồn vĩnh viễn gen cây tràm gió. Trước đây, đề tài nghiên cứu cây tràm gió cấp nhà nước thực hiện tại đây đã nghiên cứu thành công, góp phần bảo tồn gen của giống cây này và nhiệm vụ bảo tồn cây tràm gió Đồng Tháp Mười không bị mất đi.

“Đây là việc làm cần thiết khi diện tích rừng tràm tự nhiên của tỉnh Long An nói riêng và của cả nước nói chung liên tục giảm qua từng năm” - ông Lê Tấn Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhận định.

Hiện các thủ tục để chuyển diện tích này thành rừng đặc dụng đang được tiến hành, nhằm tiếp tục việc bảo tồn hiệu quả vĩnh viễn cho khu rừng này.

Còn các hoạt động khai thác để nghiên cứu, trồng giống, bảo tồn các giống loài khác đều được thực hiện ở các vùng đất rìa lân cận. Tuyệt đối khu vực bảo tồn gen này không được xâm phạm vào.

Giúp vùng quê nghèo vượt khó

Là địa danh “nổi tiếng” nhất hiện nay của huyện Mộc Hóa (vừa tách với thị xã Kiến Tường) và còn vô vàn khó khăn, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười cũng đang hứa hẹn là điểm sáng về kinh tế cho vùng quê nghèo này.

Đây cũng được xem là điểm du lịch duy nhất tại huyện Mộc Hóa xuất hiện đều đặn trên các trang mạng xã hội, các danh sách lữ hành của các hãng du lịch nổi tiếng.

Đến đây, khách có thể được tham quan rừng tràm nguyên sinh, thưởng thức các món sản vật thiên nhiên đặc trưng vùng đất ngập nước, thư giãn vật lý trị liệu, tham quan và trải nghiệm trực tiếp các sản phẩm dược liệu từ tự nhiên.

Khu du lịch “ông Ba Đất Phèn” cũng là một trong những di sản anh hùng lao động Nguyễn Văn Bé để lại cho vùng đất Mộc Hóa.

Tuy nhiên, ông Thắng cho biết mong muốn của những người làm nên vùng đất này còn nhiều hơn thế. Việc bảo tồn, đầu tư mở rộng nghiên cứu xem như đã ổn định, hiện ông Thắng đang tiếp tục xin các thủ tục để có thể bước qua giai đoạn 2: cùng người dân khai thác rừng tràm.

“Người dân sẽ được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật khai thác, cho người dân vay dài hạn để đầu tư thiết bị nhằm có thể thu mua lại tinh dầu tràm theo giá thỏa thuận” - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, điều này rất có lợi cho kinh tế địa phương. Người dân có thu hoạch ổn định thì rừng tràm khi làm mới liên tục sẽ ngày càng phát triển hơn, tạo ra nguồn tinh dầu tràm bền vững cho các xí nghiệp dược phẩm.

Ông Thắng nói thêm: “Hiện trên thế giới chỉ có Việt Nam và Indonesia là có diện tích rừng tràm vào loại lớn nhất. Vậy mà qua số liệu thống kê cho thấy hằng năm vẫn phải nhập khẩu hơn 2.000 tấn tinh dầu tràm”.

Thực tế, nhiều hộ dân quanh xã Bình Phong Thạnh này cũng đã gắn liền kinh tế chính với trung tâm từ nhiều năm nay, nhờ vào việc trồng sả và bán lại để trung tâm làm nguyên liệu chế biến tinh dầu. Trung tâm cung cấp giống và các kỹ thuật để họ trồng theo đúng yêu cầu, rồi mua lại.

Giá sả còn cao hơn giá lúa, rất thích hợp với môi trường nơi đây, giúp tăng thu nhập cho hàng chục hộ gia đình quanh vùng đất ngập nước này.■

Diện tích tràm đang thu hẹp dần

Theo báo cáo xác định giá trị cây tràm gió được trình bày tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học nguồn gen cây dược liệu vùng Đồng Tháp Mười, tràm gió là loại cây nhỏ, cao khoảng 2-3m, hàm lượng tinh dầu trong lá cao (0,5-1,2%).

Hiện ở đây đang bảo tồn 965ha tràm gió và diện tích trồng đang tiếp tục tăng. Còn với rừng tràm tự nhiên, chỉ riêng vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang có trên 100.000ha.

Theo thống kê sơ bộ mỗi năm có khoảng 100 tấn tinh dầu tràm được chưng cất để đáp ứng nhu cầu người dân.

Tinh dầu tràm có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, giảm đau, chống viêm, chống co thắt phế quản, cặn tin dầu tràm có tác dụng điều trị bệnh nấm da, ghẻ ngứa, lang ben, xua đuổi côn trùng...

Tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên cây tràm ở Việt Nam khá phong phú và đa dạng, nhưng gần đây nguồn tài nguyên bị giảm sút nghiêm trọng, bị thu hẹp do nạn phá rừng...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận