TTCT-

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

 

Thời gian gần đây, không ít lần chúng ta đọc hoặc nghe thấy tin tức về tử vong do sự cố y khoa (SCYK) với những mất mát không thể bù đắp của người bệnh và gia đình.

Những kết luận và kỷ luật đã được đưa ra, nguyên nhân trực tiếp của sự việc cũng đã và đang được hội đồng chuyên gia và các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, các nguyên nhân tiềm ẩn chưa được nhận diện rõ ràng để hiệu chỉnh nhằm giảm thiểu nguy cơ từ SCYK.

Nỗi khiếp sợ

Sự cố không mong muốn trong thực hành y khoa là những tác hại liên quan đến các lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, sử dụng trang thiết bị y tế để cung cấp dịch vụ y tế.

Ở các nước phát triển như Mỹ, số lượng tử vong do SCYK là 44.000 - 98.000 người/năm; tại Úc là 18.000 và ở Canada khoảng 15.000 người/năm... Có thể thấy tử vong do SCYK là vấn đề toàn cầu. Đến nay, không có các số liệu đầy đủ từ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhưng tỉ lệ này không thể ở mức thấp.

Giới thầy thuốc cả trong và ngoài nước đều khiếp sợ SCYK chính vì nó xảy ra rất bất ngờ, chớp nhoáng, trong một số trường hợp có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng mà đối tượng phải chịu hậu quả nặng nề.

SCYK ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế bởi còn tồn tại nhiều hiểu biết không đầy đủ và tâm lý bức xúc thiếu kiểm soát, dẫn đến suy nghĩ lệch lạc về ngành y và các hành vi bạo lực với nhân viên y tế không thể chấp nhận được và cần nghiêm trị.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc những thầy thuốc liên quan đến SCYK - những người được nhắc đến như là nạn nhân liên đới.

Nghiên cứu của WHO chỉ ra các trạng thái tâm lý mà người thầy thuốc liên quan đến SCYK trải qua như xấu hổ, cảm thấy nhục nhã, sợ hãi, hoảng loạn, cảm giác tội lỗi, giận dữ và tự nghi ngờ bản thân. Những ảnh hưởng đó là nguy cơ tăng các sai sót trong nghề nghiệp, do sự mất tự tin của cán bộ y tế trong hành nghề.

Một điểm quan trọng là tử vong từ SCYK có thể gây ra từ lỗi của cá nhân người thầy thuốc. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy ở các trường hợp tử vong nguyên nhân từ cá nhân chỉ chiếm 30%, phần lớn nguyên nhân (70%) đến từ lỗi hệ thống.

Đầu tiên, các lỗi từ cá nhân của người thầy thuốc có liên quan chặt chẽ đến năng lực chuyên môn và tính cẩn trọng trong công việc bởi lẽ nghề y là nghề nghiệp đặc biệt, liên quan mật thiết đến sức khỏe và sự sống chết của con người. Nếu sự cố xảy ra vì sự tắc trách hay bỏ bớt, làm tắt quy trình có thể sẽ gây nên các hậu quả nghiêm trọng không thể sửa chữa sau này.

Mối nguy chất lượng đào tạo

SCYK liên quan chặt chẽ đến chất lượng cán bộ y tế, chất lượng đào tạo trong trường đại học y và đào tạo liên tục. Việc bác sĩ được học tập và thực hành tại các bệnh viện đạt chuẩn là điều kiện rất quan trọng.

Hiện nay, các mô hình như Đại học Y Hà Nội có kết hợp với các bệnh viện T.Ư tuyến đầu như Bạch Mai, Việt Đức... đã phần nào đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, việc mở rộng đào tạo ồ ạt ngành y ở một số trường công và tư không đảm bảo chất lượng đặt ra những mối nguy trong tương lai không xa đối với sức khỏe của người dân.

Trong những năm qua, Tổng hội Y học Việt Nam và các hội chuyên khoa đã phối hợp tập huấn 10 chuyên khoa cho 30 tỉnh và khoảng 9.000 lượt bác sĩ, cán bộ y tế được đào tạo lại. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận trong hoàn cảnh không có ngân sách hỗ trợ.

Các giảng viên là giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của các chuyên ngành đã tranh thủ những ngày cuối tuần đến giảng bài, chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp...

Tuy nhiên những hoạt động này vẫn như muối bỏ bể, chưa trở thành một chiến lược đào tạo trong ngành và là nhiệm vụ trọng tâm như đáng lẽ nó phải như vậy.

Làm sao giảm thiểu?

Như thống kê, 70% SCYK là do lỗi hệ thống và tình trạng này có thể giảm một nửa nếu áp dụng chặt chẽ các quy chuẩn về an toàn người bệnh. Thông thường khi xảy ra SCYK, câu hỏi thường đặt ra là ai làm sai và kết luận buộc tội cá nhân rồi kỷ luật.

Để giảm được lỗi hệ thống này, cần đặt ra các vấn đề một cách tổng thể gồm các câu hỏi sai sót có thể xảy ra ở những giai đoạn nào?

Có thể do những nguyên nhân nào? Con người? Thiết bị? Thuốc? Vật tư? Phương pháp/kỹ năng? Đào tạo?... Từ đó đưa ra các giải pháp để cải thiện gồm: quản lý, quy trình khám điều trị, quản lý chất lượng thuốc, đấu thầu và sử dụng trang thiết bị, hóa chất, môi trường làm việc và tập huấn chuyên môn.

Cần xác định hiệu quả điều trị là quan trọng nhất và coi là một nguyên tắc bao trùm toàn bộ, chứ không chỉ là một khẩu hiệu.

Các vấn đề về đấu thầu thuốc, trang thiết bị và cả việc chi trả của bảo hiểm xã hội cũng cần được coi là giải pháp để phục vụ việc đạt được chất lượng điều trị tối ưu. Ngoài ra, để giảm thiểu lỗi hệ thống cần công khai và minh bạch các SCYK theo quy định.

Thông tin từ những tập huấn gần đây chúng tôi phối hợp tổ chức với Vụ Truyền thông (Bộ Y tế) cho thấy việc giải quyết SCYK như thế nào cũng là các kiến thức mà cán bộ y tế đang rất thiếu.

Thầy thuốc và cơ sở y tế cần ý thức được trách nhiệm cứu chữa người bệnh tận tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào và cần tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân một cách tận tụy. Các cấp quản lý về y tế cần có những hỗ trợ về mặt tâm lý cho các cán bộ liên quan đến SCYK.

Ảnh hưởng tâm lý của những cán bộ y tế này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của SCYK, tính cách của gia đình bệnh nhân, nhưng đồng thời cũng đến từ chính thái độ của đồng nghiệp, của cơ quan, đơn vị và thái độ khi điều tra sự việc.

Những sai sót đó cần lắm một thái độ đúng mực, tôn trọng vì với người thầy thuốc, SCYK có thể đến từ những yếu tố khách quan, hoặc đến từ chính những lỗi hệ thống là nguyên nhân chính nhưng âm thầm như một tảng băng chìm. ■

Vấn đề xã hội hóa ở các cơ sở y tế cần được xem xét lại một cách nghiêm túc và có những quy định rất cụ thể về triển khai, giám sát và đánh giá. Xã hội hóa y tế công như con dao hai lưỡi đã dẫn đến nhiều mặt trái, trở thành một yếu tố gây ra tiêu cực ở các bệnh viện công. Công việc quá tải, đời sống eo hẹp với mức lương và phụ cấp thấp, cộng thêm sự lỏng lẻo của cơ chế xã hội hóa đã đẩy không ít thầy thuốc thành đồng phạm.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận