TTCT- Bối cảnh giành giật ảnh hưởng tại Trung Á còn phải đặt trong một bàn cờ chiến lược lớn hơn của quan hệ Nga - Trung, bao quát cả một vùng địa chính trị rộng lớn, giàu tài nguyên và có tính chiến lược khống chế cục diện cả hai lục địa Á - Âu trải dài từ biển Caspian đến bờ tây Thái Bình Dương, tức vùng Viễn Đông Nga và Đông Bắc Trung Quốc. Nga và Trung Quốc chỉ là những đối tác tạm bợ khi đụng chạm tới các quyền lợi cốt lõi của cả hai bên? -censoo.com Đường đi của đồng tiền Giải thích về “cơ chế vận hành” của đồng tiền Trung Quốc, tác giả Georgi Zotov - trưởng ban đối ngoại của tờ báo uy tín Nga Luận chứng và sự kiện - vẽ ra bức tranh tổng thể: “Ngay trong nội bộ Trung Quốc, bạn có thể quan sát các vùng dân tộc đã thay đổi ra sao sau sự phát triển kinh tế bùng nổ. Hiện giờ ở Tây Tạng có 10% người Hán, ở vùng tự trị Tân Cương - Duy Ngô Nhĩ có 40% người Hán (người Duy Ngô Nhĩ còn chưa tới một nửa), còn ở Nội Mông - tới 80% người Hán, tức người Mông Cổ bản địa hoàn toàn lép vế. Hệ thống vận hành thế này: Bắc Kinh đầu tư hàng đống tiền vào xây dựng đường sá, các công trình, nâng cao mức sống, hào phóng ban phát tín dụng. Mức lương cao thu hút công nhân và người nhập cư, và khi người dân địa phương chưa kịp chớp mắt, họ đã trở thành thiểu số, trong khi xung quanh đã nghe toàn tiếng Hoa”. Theo ông Zotov, khó có chuyện Trung Á nhập vào Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã đủ đau đầu với Tây Tạng và Tân Cương rồi. “Việc xuất hiện các chế độ lệ thuộc Bắc Kinh về tài chính ở các nước cựu cộng hòa Xô viết là hoàn toàn có thể, mặc dù Trung Quốc không nhất thiết phải đặt các căn cứ quân sự tại đây, bởi ảnh hưởng của Bắc Kinh được đo bằng tiền, không phải bằng tên lửa”. Jeremy Cheng, một nhà phân tích Hong Kong được dẫn lời trên Luận chứng và sự kiện, thẳng thắn: thật ra hiện nay Trung Quốc không cần đất đai, mà cần khoáng sản, tài nguyên. Ông dẫn chứng: “Cách đây không lâu Trung Quốc còn bán dầu cho Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng từ năm 1993 Bắc Kinh đã phải mua dầu ở nước ngoài. Rồi năm 2007, Trung Quốc biết họ không có đủ than. Nền kinh tế phát triển nhảy vọt cần ngày càng nhiều tài nguyên. Chính vì thế mà Trung Quốc cố gắng tạo dựng một vành đai “các quốc gia - bò sữa” mà họ sẽ chắt bóp nhiên liệu cho mình. “Chẳng ai ngốn mất Tajikistan hay Kyrgyzstan - Jeremy Cheng nói - Để làm gì chứ? Ở Thái Lan đã có 15% người Trung Quốc, tại Malaysia là 25% người Hoa, nơi họ kiểm soát 70% nền kinh tế. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 và để xâm chiếm một đất nước, đâu cần phải đưa quân đến đó. Đồng tiền tin cậy và an toàn hơn nhiều”. Bài học Kazakhstan Việc Trung Quốc thâu tóm Trung Á có thể thấy qua bài viết “Trung Quốc nuốt Liên Xô (cũ) bắt đầu từ Kazakhstan” trên cổng thông tin Kazakhstan diapazon.kz. Bài viết giới thiệu hai quan điểm hiện nay ở Kazakhstan nhìn về Trung Quốc: “Một quan điểm chính thức, khẳng định biên giới chung giữa hai nước 1.700km và thực tế Trung Quốc là nền kinh tế năng động nhất thế giới khiến Astana không thể xem nhẹ mối quan hệ này”, trong khi quan điểm thứ hai “không tin tưởng nước láng giềng lớn này, e sợ mối đe dọa Trung Quốc từ trong bản năng”. Sau khi Liên Xô tan rã, Kazakhstan trải qua một thời gian dài phát triển dựa vào xuất khẩu dầu và khí đốt, trước khi lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Do Kazakhstan tích cực tham gia hệ thống tài chính toàn cầu, nên khi các ngân hàng kiểu Lehman Brothers từng hậu hĩ cho các ngân hàng Kazakhstan vay với lãi suất thấp, gặp khó khăn, phải thu hồi vốn từ các thị trường mới nổi, Kazakhstan là một trong những nước đầu tiên chịu đòn. Cùng lúc, các dự án năng lượng đòi hỏi vốn, nhưng Astana không thể vay ở đâu, kể cả từ Nga. Đó là lúc Trung Quốc nhảy vào. Từ năm 2002, Trung Quốc đã ký với Kazakhstan Hiệp ước hợp tác láng giềng và hữu nghị, và nhiều năm đã quan tâm đến lãnh thổ rộng lớn Kazakhstan (lớn thứ 9 thế giới, với dân số xếp thứ 61 và mật độ dân số chỉ 6 người/km2). Đến năm 2008, Trung Quốc đã kiểm soát 21% sản lượng dầu khai thác của Kazakhstan (nhiều hơn “đối tác chiến lược” Nga 2,5 lần). Năm 2009, với khoản tín dụng 10 tỉ USD, Trung Quốc đã giành được một tài sản then chốt của ngành dầu khí Kazakhstan mà Tập đoàn Nga Gazprom từng mơ ước: 49% Công ty Mangistaumunaigas (MMG), chưa kể tiềm năng tiếp cận mỏ uranium cũng do MMG quản lý. Theo các chuyên gia, phần chia của Trung Quốc trong tổng kim ngạch dầu xuất khẩu của Kazakhstan bằng với phần của công ty nhà nước KazMunaiGaz! Nắm trong tay 1/3 nguồn năng lượng từ Kazakhstan, Trung Quốc bảo đảm được tuyến cung ứng dầu với công suất đường ống lên đến 20 triệu tấn/năm. Cùng với hệ thống đường ống khí đốt Kazakhstan - Trung Quốc, chuyên chở cả khí đốt từ Turkmenistan, thế độc quyền trước kia của Nga và Gazprom đã suy yếu nghiêm trọng. Một vấn đề khúc mắc khác trong quan hệ ba bên Nga - Kazakhstan - Trung Quốc là nguồn nước và các dòng sông xuyên biên giới. Từ lâu Trung Quốc đã khai thác mạnh tay sông Irtysh Đen và sông Ili, gây ra những mối lo lớn về môi trường với cả Kazakhstan và Nga. (Irtysh Đen là phụ lưu chính của sông Ob ở vùng Omsk - dòng sông dài thứ hai của Nga). 50 năm qua, tài nguyên nước của Kazakhstan đã giảm 20 tỉ m3. “Kazakhstan hiện không còn khai thác được một giọt nước nào từ sông Ili - đại sứ đầu tiên của Kazakhstan ở Trung Quốc, ông Murat Auezov nói - Nông dân Trung Quốc đã tháo lấy hết nước”. Còn trên sông Irtysh Đen, Trung Quốc xây một hồ chứa nước và bất cứ lúc nào cũng có thể ngăn dòng chảy về Kazakhstan. Giống như nhiều rắc rối đa phương, Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận đàm phán đa phương. Họ nói chuyện hoặc chỉ với Nga, hoặc chỉ với Kazakhstan về vấn đề nguồn nước. Trong tương lai, các nhà môi trường cảnh báo việc xây dựng con kênh “Irtysh Đen-Karamai” và nắn dòng sông Irtysh sẽ dẫn tới các hồ Balkhash và Zaysan biến mất, đồng nghĩa với một thảm họa môi trường có tính chất sinh tồn với cả đất nước Kazakhstan. “Nhưng chúng tôi có thể làm gì chứ? - Auezov cám cảnh - Người Trung Quốc đã nắm đằng cán, chúng tôi chẳng có đòn bẩy nào để gây áp lực với họ. Bắc Kinh không chịu tham gia Hiệp ước quốc tế về sử dụng các con sông xuyên biên giới. Còn đánh nhau ư? Các chuyên gia quân sự chúng tôi đã tính một cuộc chiến Kazakhstan - Trung Quốc có thể chỉ kéo dài 40 phút!”. Trung Á trong “chính sách đối ngoại mới” của Nga Dù nỗ lực nhiều, Nga vẫn đang loay hoay không lối thoát ở Trung Á. Điều đó cũng dễ hiểu khi mà không chỉ ở sân sau, ngay trên sân nhà Viễn Đông của họ, ảnh hưởng từ Trung Quốc đang đe dọa chính sự kiểm soát từ Matxcơva. Trong một chuyến đi mới đây tới vùng này, nhà báo của tờ Sự Thật Komsomol Oleg Adamovich viết bài “Ai sống tốt ở Viễn Đông: người Nga hay người Trung Quốc”, trong đó ông thừa nhận “người Trung Quốc ở Viễn Đông đang ngày càng giàu lên, và người Nga ở đó đang ngày càng nghèo đi”. Sau khi Liên Xô tan rã, các nông trang, nông trường phá sản, máy móc bị bán đổ bán tháo, đất đai bị tư hữu hóa và phần lớn cho Trung Quốc thuê, nông dân Nga được giữ lại một ít đất đai nhưng không còn kỹ thuật canh tác. Họ cũng không được ưu đãi tín dụng, so với nông dân Trung Quốc sang Nga lao động, điện như được cho không, nhờ đó người Trung Quốc chiếm lĩnh hết thị trường nông nghiệp Viễn Đông. Đó có lẽ là một trong những lý do mà Kremli đưa ra quyết định có hiệu lực từ ngày 1-2-2017: cấp không đất cho người Nga tình nguyện canh tác ở Viễn Đông, một kế hoạch mà theo Adamovich, sẽ khó hữu hiệu nếu không kèm theo nhiều biện pháp phát triển hạ tầng và cải thiện năng lực cạnh tranh đủ quyết liệt. Ở tầm vĩ mô, kế hoạch khôi phục ảnh hưởng của Nga tại hành lang Á - Âu đã được Matxcơva đưa ra từ ngày 1-12-2016, trong “Quan điểm chính sách đối ngoại” mới. Theo tài liệu này, ưu tiên đối ngoại của Nga trong thời gian tới là các liên kết khu vực, bởi Matxcơva nhận định đang diễn ra khuynh hướng “chẻ nhỏ không gian kinh tế toàn cầu thành các cấu trúc khu vực... mà các sáng kiến của Mỹ và Trung Quốc trong việc thành lập các nhóm thương mại vùng là điển hình”. Do hội nhập khu vực được cho là nhân tố chính để tăng cường khả năng cạnh tranh, an ninh và ổn định kinh tế nên “Quan điểm” mới của Nga cho rằng phát triển các dự án hội nhập trong không gian hậu Xô viết phải ở hàng đầu trong các ưu tiên của Matxcơva. Trong bối cảnh đó, quan hệ với Belarus và Ukraine đã đổi chỗ, lùi lại phía sau, nhường ưu tiên cho liên minh kinh tế Á - Âu và các nước châu Á láng giềng. Kế hoạch Á - Âu của “Quan điểm” mới nêu ra thời hạn 10 năm để thúc đẩy các bước liên kết Nga với không gian ảnh hưởng cũ của mình. Liệu nước Nga, trong khó khăn kinh tế do cấm vận, trong chật vật xoay xở với vấn đề Syria, và cả nỗi lo Ukraine, lấy đâu ra sức lực và nguồn lực để đối phó với một đối tác mà họ phải “ngủ với một mắt mở”? Valeri Korovin, nhà phân tích địa chính trị Nga, khi được hỏi về “vấn đề Trung Quốc” ở Viễn Đông Nga, nhận định rằng ít có khả năng nổ ra xung đột quân sự, nhưng mối đe dọa không vì thế mà giảm bớt. Kịch bản sắp tới, theo Korovin, có thể như sau: “Trung Quốc sẽ thành lập những cộng đồng dân cư khép kín. Những làng lao động thời vụ dần biến thành những làng dân cư thường trú. Không loại trừ trong một số vùng của chúng ta đã có những cộng đồng dân cư này rồi. Người Trung Quốc thường đi cả đại gia đình, họ sinh đẻ nhiều, chuyện bị cấm đoán ở Trung Quốc nhưng lại được tự do ở Nga. Doanh nghiệp Trung Quốc, các cộng đồng “người Trung Quốc gốc Nga” sẽ ngày càng tăng sức mạnh kinh tế và đòi hỏi một vai trò chính trị lớn, có tính tới lợi ích của họ. Người Trung Quốc sẽ không để chúng ta xem nhẹ các lợi ích này của họ. Không loại trừ, chẳng hạn, việc đòi thành lập một vùng tự trị Trung Quốc ở Viễn Đông. Họ sẵn sàng chấp nhận, về hình thức, sẽ hoạt động theo luật pháp Nga, ít ra trong giai đoạn đầu tiên”. ■ “Thôi thì cứ chấp nhận là Trung Quốc - nền văn minh xưa cổ nhất, nền văn hóa vĩ đại, một hành tinh khổng lồ mà chúng tôi đang nằm trong lực hấp dẫn của nó. Kazakhstan - một lãnh thổ rộng lớn nhưng không người ở, cuối cùng rồi phải chịu nằm trong một quỹ đạo nào đó. Và khi người anh lớn Nga đau ốm, yếu ớt, không đủ khả năng bảo bọc dẫu cho người em nhỏ Gruzia, chúng tôi đành lặng lẽ quay sang Trung Quốc. Mặc dù, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ còn tiếc nuối nhiều về ông chủ thực dân Nga, người gần như thiên thần: ông ta đã xây trường học, nhà hát, những đại lộ thênh thang. Chưa bao giờ lãnh thổ này sống sung túc như thế, như dưới thời Nga, điều mà bây giờ chúng tôi không được phép nói. Chúng tôi đã được tặng không nền độc lập, chẳng ai phải chiến đấu vì nó. Chúng tôi là nước cuối cùng rời khỏi Liên Xô và khu vực đồng rúp. Và giờ chúng tôi đứng, loạng choạng, tự hỏi: Mình sẽ tựa vào ai đây?”. Nhà báo Kazakhstan Vladimir Rerikh (http://www.diapazon.kz/kazakhstan/21872-kitajj-nachnet-pogloshhat-byvshijj-sssr-s.html) Tags: Trung ÁNga Trung QuốcRồng đấu với gấu
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Chậm hoàn thuế VAT vẫn 'nóng' tại phiên đối thoại thuế ở TP.HCM ÁNH HỒNG 13/12/2024 Câu chuyện chậm hoàn thuế VAT tiếp tục là tâm điểm tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 13-12.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, khiển trách bà Trương Thị Mai THÀNH CHUNG 13/12/2024 Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và kỷ luật khiển trách bà Trương Thị Mai.
Giá vàng lại rơi tự do ÁNH HỒNG 13/12/2024 Giá vàng thế giới lúc 21h30 hôm nay, 13-12, bốc hơi thêm 23 USD/ounce, về mức 2.657 USD/ounce.
Hàn Quốc bắt 3 chỉ huy quân đội và cảnh sát liên quan thiết quân luật DUY LINH 13/12/2024 Bị bắt cùng ngày với Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Ji Ho còn có Giám đốc Cảnh sát Seoul Kim Bong Sik và Tư lệnh Bộ phòng thủ thủ đô Lee Jin Woo.