Non, xanh và có giá

TRÚC ANH 02/10/2023 16:37 GMT+7

TTCT - Một ứng viên còn "non và xanh" chắc chắn sẽ không lọt mắt nhà tuyển dụng, nhưng người có "kỹ năng xanh" lại là lựa chọn sáng giá cho một nhóm ngành non trẻ, đang nổi lên mạnh mẽ trong thời "bền vững".

Ảnh: carbon-suite.com

Ảnh: carbon-suite.com

Khi bước vào một nhà hàng trong chuỗi Sweetgreen ở Boston (Mỹ), Cooper Elsworth luôn biết mình sẽ gọi món gì. "Có lẽ tôi sẽ chọn món salad giòn với hummus. Đó là món có lượng khí thải thấp nhất tại Sweetgreen" - anh nói với nhà báo Daniel Ackerman trong một tập podcast của MarketPlace.

Nhân viên nhà hàng có thể bối rối, song Elsworth biết mình đang nói gì; xác định lượng khí thải của mọi thứ là nghề của anh, một "kế toán carbon" (carbon accountant) đang làm việc tại Watershed - nền tảng tư vấn cho các công ty muốn giảm phát thải carbon. 

Thay vì cân đối thu chi, Elsworth cân bằng lượng khí nhà kính phát ra và cách bù đắp hay cắt giảm chúng. Vẫn đang ngồi tại Sweetgreen, Elsworth chỉ vào chiếc tủ lạnh khổng lồ chứa đầy cà rốt, rau chân vịt và chanh phía sau cửa hàng. Đây là khoản chi phí 10.000 USD trong mắt kế toán tài chính, nhưng với "kế toán carbon", đó là hai nguồn phát thải: tiêu thụ điện và rò rỉ chất làm lạnh.

Elsworth được thuê để tính toán phát thải carbon trong mọi hoạt động của Sweetgreen - từ nguyên liệu trong mỗi món salad đến việc đi lại của nhân viên. Như nhiều khách hàng khác của Watershed, chuỗi nhà hàng salad này đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trong thập niên này. 

Vì nhu cầu này mà xuất hiện nghề kế toán carbon - những người giúp các công ty từ Apple đến Zoom đáp ứng các cam kết về khí hậu của họ. Nghề này có giá vì lý do đơn giản: muốn cắt giảm thì phải biết mình đang phát thải thế nào, và ai sẽ đo lường, cân đối chúng nếu không phải là kế toán?

Tính toán lượng phát thải carbon, cùng với kỹ thuật hydro và sản xuất pin, được xem là "kỹ năng xanh", một lợi thế để tìm được việc làm hiện nay, theo tạp chí Fortune. Nền tảng việc làm trực tuyến LinkedIn định nghĩa "kỹ năng xanh" là những kỹ năng giúp các hoạt động kinh tế bền vững hơn với môi trường, còn "việc làm xanh" là công việc có bao gồm các mục tiêu hành động về khí hậu như loại bỏ ô nhiễm và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Nhu cầu lao động có kỹ năng xanh đã nhanh chóng vượt xa nguồn nhân lực hiện có. Một báo cáo gần đây của LinkedIn cho thấy số lượng tin tuyển dụng yêu cầu ít nhất một kỹ năng liên quan đến tính bền vững ở Mỹ đã tăng 22,4% từ năm 2022 đến 2023. 

Người lao động cũng nhanh chóng bắt nhịp - số hồ sơ có liệt kê ít nhất một kỹ năng xanh trên LinkedIn ở Mỹ tăng khoảng 8,4% trong vòng một năm qua. Kỹ năng xanh có mức tăng trưởng cao nhất chính là kế toán carbon hay kế toán khí hậu - tăng đến 240% so với năm ngoái, theo sau là các kỹ năng liên quan đến tín chỉ carbon và kiểm toán năng lượng.

Fortune cho rằng mọi nghề ngày nay giờ đều có thể thành "nghề khí hậu", và dù chưa có ý định đổi việc, "nhiều khả năng bạn sẽ cần phải học những kỹ năng mới về khí hậu cho công việc hiện tại của mình". 

Nhưng học ở đâu? Nhiều nền tảng học trực tuyến đã mọc lên để đáp ứng nhu cầu này, như Terra.do hay Climatebase, chuyên tổ chức các khóa học giúp mọi người nhanh chóng chuyển sang công việc về khí hậu hoặc đạt được các kỹ năng cụ thể liên quan đến khí hậu cho vai trò hiện tại của họ.

Các trường đại học cũng nhanh chóng tham gia cuộc chơi. Trường Môi trường Yale mở hai chương trình chứng chỉ trực tuyến, mỗi khóa kéo dài 11 tháng, về 2 chủ đề: tài chính và triển khai năng lượng sạch, và khôi phục, bảo tồn và sử dụng bền vững các khu rừng nhiệt đới. MIT cũng mở lớp trực tuyến về đánh giá tuần hoàn - tính toán một cách có hệ thống tác động môi trường tiềm ẩn của một sản phẩm trong suốt vòng đời của nó.

Theo LinkedIn, chỉ có 1/8 số người lao động ở Mỹ có các kỹ năng xanh. Trong khi chờ lao động được đào tạo bài bản, nhiều công ty áp dụng giải pháp tình thế: tuyển người chưa có kinh nghiệm "làm việc xanh", rồi đào tạo, nâng cao kỹ năng sau. 

May mắn là có rất nhiều vị trí nghề nghiệp truyền thống có thể dễ dàng chuyển đổi sang công việc xanh, chẳng hạn như trong ngành xây dựng, kỹ thuật và điện, theo Kenneth Gillingham, giáo sư kinh tế Trường Môi trường Yale. 

Trên thực tế, theo Wall Street Journal, công nhân nhà máy điện than đang được đào tạo để vận hành các trang trại năng lượng tái tạo hoặc vận hành mạng lưới sạc xe điện. Nền kinh tế xanh hóa thì người lao động cũng vậy, đi từ nhiên liệu "bẩn" sang năng lượng sạch.

Tất cả đều rất hối hả, vì thời gian không còn nhiều. Thế giới chỉ còn 7 năm để giảm phát thải nhà kính toàn cầu từ 30-40%, tương ứng giữ mức nóng lên của Trái đất dưới 2oC và 1,5oC so với thời tiền công nghiệp theo Thỏa thuận Paris về khí hậu. Riêng ở Mỹ còn cấp bách hơn khi nước này đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005.

Theo Anshuman Bapna, chuyên gia công nghệ từng làm việc tại các công ty như Google trước khi quay về mở Terra.do, chỉ có khoảng 2 triệu người đang nghiên cứu về biến đổi khí hậu, trong khi cần hàng trăm triệu người chung tay góp sức. Thế giới bỗng dưng cần rất nhiều người "xanh".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận