TTCT - Sau mười năm triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giống và công nghệ vẫn là điều nhiều nông dân Đà Lạt phải tự tìm đường bước qua vạch xuất phát. Canh tác thủ công trong những khu nhà kính trồng hoa - Ảnh: Mai VinhĐà Lạt có hơn 14.000ha rau hoa sản xuất có áp dụng công nghệ cao. Nhưng mười năm nhìn lại, nhiều nông dân đang sở hữu những khu nhà kính trồng hoa, ươm giống bạt ngàn vẫn mơ hồ về khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao”.Có người thậm chí ngơ ngác trước nhận xét của chuyên gia Hà Lan rằng sự xuất hiện nhà kính không còn là dấu hiệu đại diện cho nông nghiệp công nghệ cao, mà chỉ là lối thích ứng của sản xuất nông nghiệp chuyên canh.May nhờ, rủi chịuNăm 2004, Đà Lạt chính thức khởi động áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và định hướng tập trung vào hoa, rau củ và dâu tây.Mới đây, ông Trần Huy Đường, giám đốc Công ty LangBiang Farm, khi làm việc với một chuyên gia của PUM, một tổ chức tập hợp các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu tại Hà Lan, đã bàng hoàng nghe câu trả lời: “Giống dâu tây Mỹ đá đang phổ biến ở Đà Lạt đã thôi nghiên cứu ứng dụng tại Hà Lan gần 40 năm vì không đáp ứng được tiêu chí công nghệ cao”. Còn với anh Nguyễn Thanh Trung, chủ trang trại dâu sạch Thanh Trung (phường 9, TP Đà Lạt), ba năm khởi nghiệp trồng dâu sạch là ba năm khổ ải. Hi vọng dâu tây sạch bán được không chỉ tại Đà Lạt mà ở nhiều tỉnh thành khác, anh đầu tư trồng dâu.Đến lúc đầu tư xong nhà kính anh vẫn không biết sẽ chọn giống nào, nhập từ đâu. Anh tới những vườn dâu đang cho trái đẹp để mua giống về trồng thử nghiệm rồi dần mở rộng ra khoảng 500m2. Niềm vui vụ thu hoạch đầu tiên chưa kịp tan thì toàn bộ vườn dâu thủy canh đổ bệnh.Tìm tới nhà vườn bán giống, họ cũng chỉ biết cười trừ vì vườn dâu của họ cũng tan nát, thậm chí còn bị nặng hơn. Lần đó, anh lỗ 500 triệu đồng - gần như toàn bộ gia tài của người khởi nghiệp.Sau này khi đã có kinh nghiệm, anh mới biết giống dâu tây đã chọn không thích hợp với trồng thủy canh và kháng bệnh trong không khí rất thấp. Hiện anh vẫn tiếp tục mò mẫm chọn giống. Ông Trần Huy Đường kể một câu chuyện đau lòng xảy ra mới đây của một người trồng hoa xuất sang Nhật Bản tại Đà Lạt mà ông không tiện nêu tên. Một ngày nọ, đối tác phát hiện hoa của người trồng không có bản quyền về giống và trả toàn bộ lô hàng vừa nhập. Phải chấp nhận đền hợp đồng cho đối tác, toàn bộ hợp đồng đã ký kết bị đối tác hủy.Ông Đường cho rằng: “Đối với một doanh nghiệp mới bắt đầu xuất khẩu hoa thì đó là thất bại quá lớn. Lỗi cũng tại thiếu thông tin cây giống cơ bản”.Ông Mai Văn Khẩn, chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Tiến, nói ông sợ nhất là nguồn cấp giống không ổn định, có khi vừa mua giống của một công ty và rất hài lòng thì họ đổi giống, ông không biết tìm đâu ra giống cũ để tiếp tục trồng.Những lúc như vậy ông phải chấp nhận đền hợp đồng hoặc nghỉ trồng một thời gian để tìm giống mới. Tìm được rồi lại phải bỏ công trồng đối chứng trước khi sản xuất đại trà.“Tôi bị nhiều lắm rồi, mỗi lần như vậy tốn nhiều thời gian và mất khoảng 50 triệu đồng/tháng” - ông Khẩn kể. Sau hơn 10 năm làm nông, ông Khẩn vẫn tiếp tục mua giống do người quen giới thiệu, chấp nhận chọn giống theo kiểu may rủi này.Ươm giống hoa tại Đà Lạt - Ảnh: Mai VinhTự cứu mìnhCách mà ông Đường tự cứu mình để khỏi thất bại ngay từ đầu vì thiếu thông tin về cây giống, quy trình trồng trọt là cùng một người bạn chuyên sản xuất rau xuất khẩu thuê chuyên gia từ Hà Lan đến Đà Lạt hằng năm để “khám bệnh” cho nông trại và tư vấn về giống tốt.Nhìn ra phía ruộng rau với hàng chục nông dân đang lúi húi thu hoạch, ông nói: “Họ chắc chắn không thể thuê được chuyên gia uy tín. Nếu có tiền thì cũng không biết ở đâu mà tìm vì thực tế Đà Lạt không có kênh giới thiệu chuyên gia uy tín”.Ông cười buồn: “Mỗi khi có chuyện, thấy nông dân chạy đôn chạy đáo tìm người giúp đỡ mà tưởng tượng đến cảnh một vùng quê nghèo khó, người có bệnh chạy khắp tứ phương tìm thầy thuốc chữa đúng bệnh”.Đà Lạt có khoảng 30 cơ sở tạo giống bằng nuôi cấy mô, mỗi năm cung cấp cho thị trường 22 triệu cây giống. Ngoại trừ một số phòng cấy mô phục vụ nghiên cứu của các viện trường thì đa số của nông dân. Những phòng cấy mô là cách nông dân tự cứu mình khi loay hoay đi tìm nguồn giống tốt.Ông Lê Văn Hải (phường 12) tự lập phòng cấy mô và thuê sáu kỹ sư chuyên làm công việc sản xuất giống. Ông gần như mất niềm tin vào việc đi mua giống hoa cúc ở những trại giống trên địa bàn.Ông nói: “Họ sản xuất giống không có ai kiểm soát nên giống mua về có lúc đạt lúc không, mua một đằng bán một nẻo. Bởi vậy tự túc cho chắc”. Cũng với khởi đầu tương tự ông Hải, ông Trương Đức Phú, giám đốc Công ty giống PH Biotech (phường 11), hiện là chủ phòng ươm giống trong ống nghiệm lớn nhất nhì Đà Lạt với 34 công nhân làm việc thường xuyên.Phòng cấy mô của ông ra đời cũng từ nhu cầu giống và quy trình trồng hoa tốt cho chính bản thân, dần dà thành lập luôn trại giống để cung cấp cho người cần trong vùng. Là công ty giống cung cấp hơn 40% nhu cầu cho nông dân Đà Lạt nhưng ông Phú khẳng định sản phẩm trồng ra không thể xuất khẩu do giống không có bản quyền, chỉ có thể bán nội địa.Ông nhấn mạnh: “Công nghệ cao phải bán cho những thị trường cao cấp, trả nhiều tiền hơn, còn hoa rau trồng ra bán quanh quẩn trong nước thì chưa thể nói là cao”. Ông đã phải tự bỏ chi phí đi Hà Lan và bốn nước khu vực châu Á để học ươm giống và tìm hiểu về những loại cây giống mới.“Nếu có kênh thông tin về giống thì đâu phải tốn kém như vậy, nông dân đâu phải ai cũng đủ chi phí đi nước ngoài học nghề” - ông nói. Những người như ông Phú, ông Hải đều thừa nhận rằng xu hướng nông dân tự sản xuất giống là không phù hợp với một nền nông nghiệp được định hướng bền vững nhưng “không còn cách khác”.PGS.TS Dương Tấn Nhựt, phó viện trưởng Viện Sinh học Tây nguyên, cũng nhìn nhận xu hướng tự sản xuất giống của nông dân hiện nay là không phù hợp. Cấy mô nhân giống ồ ạt có lợi trước mắt nhưng khó tránh khỏi những hậu quả lâu dài.Ông nói: “Làm giống cần phải chặt chẽ trong nhiều khâu và máy móc tốt. Nếu không, những loại virút tác động đến gen gây ra những hậu quả lâu dài sẽ nhiễm vào cây giống, lúc phát tán thì kiểm soát không kịp”.Tại Đà Lạt có khoảng 30 phòng nuôi cấy mô nông dân tự lập để tự chủ nguồn giống - Ảnh: Mai VinhTìm đâu giống có bản quyền?Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho rằng chỉ khoảng 20% giống rau hoa tại Đà Lạt là có bản quyền cây giống, chủ yếu ở khối doanh nghiệp. Nhiều nông dân có giống tốt để sản xuất sau đó cấy mô nhân ra nhưng đáng tiếc là giống nhập về qua những kênh không chính thức.Ông Trương Đức Phú hi vọng: “Qua làm việc với một số đối tác nước ngoài, tôi được biết có những giống còn mới nhưng hết thời gian bảo hộ bản quyền nên rất rẻ. Nếu có cơ quan chức năng tìm kiếm và hỗ trợ nông dân thì sẽ rất hữu ích”.Theo ông Đường, nếu Nhà nước không tạo ra được những giống rau, hoa có chất lượng phục vụ sản xuất công nghệ cao thì nên có hướng dẫn thông tin để nông dân tự nhập. Chỉ cần có thông tin nông dân sẽ cân nhắc lựa chọn.Ông Đường nói: “Phải có giống hợp pháp thì nông dân mới có thể bán cho các thương lái chuyên xuất hàng đi nước ngoài, lợi nhuận mới đảm bảo”.10 năm làm việc trực tiếp với nông dân Đà Lạt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thạc sĩ kinh tế nông nghiệp người Hà Lan Siebe Van Wijk, giám đốc Công ty Fresh Studio, cho rằng giống giờ đây “thật sự là vấn đề” với nông dân Đà Lạt.Ông cho rằng Nhà nước phải thông tin nhiều hơn về vấn đề này, tìm cách kéo các công ty sinh học uy tín trên thế giới lại gần với nông dân Việt Nam.“Hà Lan bắt đầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng không thuận lợi hơn Đà Lạt, nhưng chúng tôi đã giải quyết ngay từ đầu khâu giống bằng nhiều cách. Chính phủ vừa lo tìm đầu ra cho nông dân vừa tìm cách kéo các công ty công nghệ sinh học lại gần nông dân” - ông Siebe Van Wijk nói.Cần một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao“Cần phải có một trung tâm tập hợp được những chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học và công nghệ nguyên tử để nghiên cứu riêng về rau, hoa công nghệ cao phục vụ cho Đà Lạt và hướng ra các địa phương khác.Việc này sẽ giải quyết được vấn đề giống và kỹ thuật cho nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt. Hiện Đà Lạt có rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành, có lẽ cần có nhạc trưởng lo câu chuyện chung nông nghiệp công nghệ cao”.Ông NGUYỄN TRÚC BỒNG SƠN Tags: Đà LạtCông nghệGiống cây trồngAi làm nông nghiệp công nghệ cao
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê thêm 335 trang, có người ủng hộ 1 đồng THÀNH CHUNG 14/09/2024 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục đăng tải 335 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ ngày 1 đến 12-9, trong đó có tên nhiều nghệ sĩ.
Quân đội đã đưa hơn 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3 NAM TRẦN 14/09/2024 Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn YẾN TRINH 14/09/2024 Ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.