TTCT- Ngày 20-1-2017, tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dõng dạc hứa với dân chúng Mỹ: “Từ lúc này trở đi, sẽ là 'nước Mỹ trên hết!'”. 12 tháng qua, ông Trump đã theo đúng ý hướng đó, cho dù ông có nhận bao nhiêu điều tiếng ra sao. Tờ The Straits Times của Singapore 15-1-2018 đã đánh giá về ông Trump: “Ngày 20-1 này đánh dấu một năm ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Đã đến lúc chấp nhận rằng nhà lãnh đạo này sẽ ở lại cương vị đó lâu dài”. Sở dĩ tác giả kết luận như vậy là do trong năm qua, “trò chơi vương quyền” ở Washington giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã không ít lần làm dấy lên câu hỏi “liệu ông Trump có ngồi lại được đến hết nhiệm kỳ hay không?” Do năm đầu nhiệm kỳ ông Trump quá rối rắm, nên The Straits Times chua thêm nhận xét: “Cũng rất khó để có được một đánh giá chừng mực về ông Trump và chính phủ của ông ấy, do lẽ hầu hết các chính trị gia Hoa Kỳ và hầu hết các chuyên gia trên toàn thế giới đều bị hút vào dòng xoáy sôi động hằng ngày của câu hỏi: “Trời trời, thử đoán xem bữa nay cha Trump đã nói gì!”, mà điều duy nhất chắc chắn là “những phát hiện” ngày mai về những gì đang diễn ra trong Nhà Trắng sẽ gây sốc hơn hoặc tiêu cực hơn ngày hôm qua”. Chứng minh cho nhận xét đó, ngay những ngày này, dư luận Mỹ - và cả thế giới - còn đang um sùm vì những phát biểu của ông Trump bị cho là “phân biệt chủng tộc” về vấn đề cấm nhập cư... Kiên trì với một tâm trạng Thế nhưng, nếu gạt sang những “sôi sục ngôn ngữ” đó, sẽ có thể thấy ông Trump là một người rất kiên định trong cảm xúc, suy nghĩ và hành động, kiên định như một lý lẽ sống còn. Phải thừa nhận rằng ông Trump có một cái nhìn rất khác với cách nhìn cố hữu của cái định chế “ăn trên ngồi trốc” (establishment) của chính trường Mỹ lưỡng đảng và xã hội Mỹ lâu nay. Có thể nói là một cách nhìn “nổi loạn”, mượn từ ngữ “l’homme révolté” (con người phản kháng, nổi loạn) của A. Camus. Donald Trump “nổi loạn” ngay từ diễn văn nhậm chức khi ông đả phá guồng máy chính trị lưỡng đảng lâu đời và hô hào dân chúng: “Hôm nay, chúng ta không chỉ đơn thuần chuyển giao quyền lực từ chính quyền này sang chính quyền khác, hoặc từ đảng này sang đảng khác - mà chúng ta đang chuyển giao quyền lực của thủ đô này, trao lại cho người dân Mỹ. Trong một thời gian dài, một nhóm nhỏ ở thủ đô đã gặt hái mọi thành quả, trong khi người dân phải gánh chịu chi phí. Washington rực rỡ thêm, nhưng người dân lại không được chia sẻ sự giàu có đó. Các chính trị gia thì phát tài, nhưng công ăn việc làm thì cứ bỏ đi, các nhà máy thì đóng cửa. Định chế này chỉ lo bảo vệ bản thân, chớ không bảo vệ các công dân của đất nước chúng ta”. Rồi ông mô tả “thực tại khách quan thay thế” (“alternative fact” - từ ngữ của ông) bằng một giọng điệu “nổi loạn”, đầy yêu sách: “Người dân Mỹ muốn có những trường học tuyệt vời cho con cái của họ, những khu phố an toàn cho gia đình mình, và những việc làm tốt cho bản thân. Đây là những đòi hỏi hợp lý của một quần chúng công chính. Nhưng với quá nhiều công dân của chúng ta, một thực tế khác tồn tại: Các bà mẹ và trẻ em bị mắc kẹt trong đói nghèo ở những thành phố; những nhà máy gỉ sét rải rác như những bia mộ trên toàn đất nước; một hệ thống giáo dục chỉ biết có tiền và tiền, nhưng lại để cho các sinh viên trẻ và xinh đẹp của chúng ta thiếu kiến thức; tội phạm, băng đảng và ma túy đã cướp đi quá nhiều mạng sống và đánh cắp biết bao tài năng chưa được bộc lộ”. Ngôn ngữ “sổ toẹt tất cả”, chẳng coi những người tiền nhiệm đang dự lễ nhậm chức ra chi, quả là hiếm thấy trong một bài diễn văn nhậm chức, nghe cứ như một thông điệp đảo chính! Phải nhìn nhận rằng ông Trump đã đắc cử vì cái thông điệp dân túy của ông, và rằng những gì ông làm, hay hoặc dở, cũng xuất phát từ cái nhìn đó. Đây không phải là lần duy nhất ông Trump “đả” các tiền nhiệm của ông đang ngồi sờ sờ chứng kiến ông nhậm chức; ông sẽ còn ra rả “tố khổ”, lôi hẳn tên từng ông ra trong những lần đổ lỗi sự thất thế của Mỹ... Giấc mơ nước Mỹ thống trị là một nỗi ám ảnh với nhiều người ở thế hệ ông Trump. -Ảnh: japantimes.com Lời hứa giảm thuế Một năm sau, tờ Townhall 15-1-2018 đăng một bài đánh giá kinh tế Mỹ: “Khảo sát kinh tế của CNBC công bố trước lễ Giáng sinh cho thấy lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, đa số người dân lạc quan về nền kinh tế, và đã có một sự thay đổi về việc ghi công ai: đó là Donald J. Trump. Tăng trưởng kinh tế trong quý 4-2017 đạt gần 4%. Hơn 100 công ty đã chi thưởng từ ít nhất 1.000 đôla trở lên cho hơn 1 triệu công nhân, thậm chí một số nhân viên bán thời gian cũng được phần. Dự luật thuế của Đảng Cộng hòa, mà theo cánh tả sẽ là khúc dạo đầu cho “ngày tận thế”, hoàn toàn không phải vậy với người lao động Mỹ. Hơn 90% người Mỹ trung lưu sẽ được giảm thuế”. Tất nhiên, Townhall là một hãng tin cánh hữu bảo thủ ủng hộ ông Trump. Song, dù là “cổ động gà nhà”, những con số đó không thể nói dối: thực tế là ông Trump cũng đã có những thành tựu không thể chối bỏ, nổi bật nhất là đạo luật cắt giảm thuế được ký ban hành hôm 22-12-2017. Đây là lời hứa tranh cử lớn nhất của ông được thực hiện. Ngôn ngữ của ông Trump hôm ấy cũng hừng hực khí thế như hôm đọc diễn văn nhậm chức: “Như quý vị đều biết, chúng ta đã có những cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử vừa được (quốc hội) thông qua. Và tôi sẽ phải đợi đến đầu tháng 1 để ký ban hành. Nhưng sau đó, tôi đã xem tin tức sáng nay, và nghe ai cũng thắc mắc: “Liệu ông ấy có giữ lời hứa? Liệu ông ấy có ký vào dịp lễ Giáng sinh?”. Ai cũng biết rằng chúng ta sẽ phải đợi đến ngày 7 hoặc 8-1 để ký trong một buổi lễ lớn, chính thức. Song, người ta cứ hỏi. Thế là tôi gọi điện thoại xuống nhà dưới (tức Văn phòng Nhà Trắng), và nói tôi đã sẵn sàng ký, chúng ta phải ký ngay bây giờ... Hãy chuẩn bị ký thôi”. Ông Trump mô tả những lợi ích của đạo luật cắt giảm thuế theo sáng kiến của ông: “Như quý vị biết, cắt giảm 3,2 nghìn tỉ đôla tiền thuế cho các gia đình Mỹ, bao gồm tăng gấp đôi khấu trừ tiêu chuẩn thuế thu nhập lẫn thuế tín dụng cho trẻ em. Một gia đình điển hình bốn người có thu nhập 75.000 đôla sẽ thấy được cắt giảm hơn 2.000 đôla thuế thu nhập, có thể còn nhiều hơn rất nhiều - thậm chí cắt giảm phân nửa tiền thuế họ đang đóng. Và họ sẽ bắt đầu thấy điều đó. Bởi vì chúng tôi ký ngay hôm nay. Họ sẽ bắt đầu cảm nhận được vào tháng 2 tới. Các con số nói lên tất cả”. Công nghiệp chế tạo trở lại Một trong những chủ đề tranh cử của ông Trump là khôi phục hào khí của ngành công nghiệp chế tạo “sản xuất tại Mỹ” từng lừng lẫy một thời. Đó là một giấc mơ và một niềm kiêu hãnh Mỹ đích thực. Những người ở lứa tuổi ông Trump không thể nào quên thời hoàng kim của hàng hóa “Made in America”, từ cái tủ lạnh, tivi, tới chiếc xe hơi đều là... hàng Mỹ trên hơn phân nửa địa cầu. Ở miền Nam Việt Nam chẳng hạn, cho tới cuối những năm 1950 chỉ có mỗi danh từ “xe Huê Kỳ” chớ không có từ “xe Tây”, cho dù cũng có khối hãng Pháp (Peugeot, Renault, Citroen DS), thậm chí Anh (Morris) nổi đình nổi đám! Một góc của “lối sống Mỹ” (“the American way of life”), gắn liền với “giấc mơ Mỹ”, vẫn còn được giới thiệu trong bộ sách giáo khoa tiếng Anh nổi tiếng “English For Today” trước 1975, tràn ngập trong đó là những hàng hóa “Made in America”. Có thể cũng chính vì hoài niệm, nhiều người Mỹ đã sống qua những năm huy hoàng đó không tài nào hiểu nổi cái gọi là toàn cầu hóa: Tại sao lại đóng cửa nhà máy trong nước, chuyển sản xuất ra nước ngoài, để rồi dân mình thì thất nghiệp, còn thiên hạ nhờ đó mà “vùng dậy”, khiến nước Mỹ thua thiệt trong thương mại? “Made in America”, vì thế, không chỉ là nỗi ám ảnh của mình ông Trump. Có hô có ứng, ông Trump gọi, và các “ông lớn” công nghiệp Mỹ đã trả lời. Cũng theo Townhall, hàng loạt đại gia đã tận dụng đạo luật miễn thuế vừa thông qua nhằm tăng lương thưởng cho người lao động: “AT&T, Boeing, Sinclair, Wells Fargo, và cả Comcast - mặc dù là công ty sở hữu đài truyền hình NBC vốn không tử tế lắm với tổng thống - đã công bố các khoản đầu tư mới, tăng lương, và tăng tiền thưởng cho người lao động”. Theo lời ông Trump, những khoản tiền thuế được cắt giảm còn đồng nghĩa với việc “các doanh nhân đang bước ra nhận lãnh trách nhiệm, và họ sẽ mua các nhà máy từng bị đóng cửa, bị bỏ phế, để bây giờ không còn bị bỏ phế nữa. Tác động (của đạo luật thuế) thậm chí còn lớn và nhanh hơn tôi nghĩ”. Một trong những lời hứa tranh cử của ông Trump là làm cho “nước Mỹ lại vĩ đại”. Có nhiều cách hiểu tuyên ngôn này. Với ông Trump là đưa sản xuất trở lại, là lợi ích Mỹ trên hết, và cả tăng cường đầu tư quốc phòng. Hôm 22-12-2017, ông đã long trọng ký một đạo luật mua sắm mà ông giới thiệu: “Chúng tôi đang đặt hàng các thiết bị phòng thủ tên lửa và các tên lửa trị giá 4 tỉ USD. Cực kỳ quan trọng. Hàng “đỉnh”. Tốt nhất thế giới. Tôi rất vinh dự được làm điều đó”. Cũng chính vì thôi thúc “nước Mỹ trên hết” mà ông Trump đã làm nhiều việc khác khiến ông hứng chịu không ít chỉ trích, như rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, và cả các lệnh hạn chế nhập cư. Lịch sử rồi sẽ trả lời những đúng sai của các quyết định đó, nhưng cho tới giờ, ông Trump đã nhất quán với nghị trình của mình.■ Đối ngoại Cây bút Joanthan Eyal tổng kết trên The Strait Times về chính sách đối ngoại của Mỹ sau một năm dưới thời ông Trump: “Một trong những nghịch lý lớn nhất của ông Trump là ông tỏ ra khó đối phó hơn nhiều với các đồng minh, thay vì những nước đang thách thức quyền lực tối cao của Mỹ. Ông làm rúng động châu Âu bằng lời đe dọa giải thể NATO, trừ phi châu Âu chấp nhận chi nhiều tiền hơn cho sự phòng vệ của họ. Ông rút khỏi thỏa thuận thương mại với các đồng minh châu Á gần gũi nhất, trong khi lại rất ngọt ngào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và thư thả bàn bạc một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin”. Tags: Tổng thống MỹDonald TrumpNước Mỹ trên hết
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).