Ông Erdogan và tấm huân chương Hồi giáo

SÁNG ÁNH 26/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Những tranh cãi về việc “cực đoan hóa” Hồi giáo gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bao gồm trong nó lịch sử lâu dài của một vùng đất và một con người hết sức phức tạp.

“Các đền thờ là doanh trại

Các vòm mái là mũ sắt

Các lưỡi lê là ngọn tháp

Và tín đồ là chiến sĩ”

Là 4 câu thơ của Ziya Gokalp, người được coi là nhà xã hội học đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ vào thời đầu thế kỷ 20. Người đọc 4 câu thơ trên là một nhà chính trị đang lên. 

Ông Erdogan (giữa) bên trong Hagia Sophia. Ảnh: Daily Sabah

 

Ông 43 tuổi và 3 năm trước được bầu làm thị trưởng của Istanbul. Tương lai của ông là tầm quốc gia chứ không phải thành phố, dù có là thành phố 15 triệu dân lớn nhất nước. Nhà chính trị đó tên là Recep Tayyip Erdogan và thời điểm ông đọc thơ là năm 1997.

Đấy có vẻ là khổ thơ ưa thích của Erdogan, ông từng đọc trong những diễn văn đó đây của mình. Lần này là tại Siirt, thị trấn 120.000 dân vào dạng nghèo nhất nước ở vùng đông nam hẻo lánh, chuyên làm nghề dệt thảm và sản xuất xà bông. 

Đa số dân cư Siirt là người Kurd, và một thiểu số lớn người Ả Rập chứ không phải người Thổ. Đây là quê vợ Erdogan và sau này ông sẽ là đại biểu quốc hội của đơn vị Siirt. 

Nhưng bài diễn văn hôm đó sẽ đưa ông vào tù về tội kích động hận thù tôn giáo. Ở tù 4 tháng ra, Erdogan tuyên bố từ bỏ con đường Hồi giáo cực đoan để theo đuổi con đường “tiết chế”. 

Ông thành lập Đảng Công lý (AK) và từ bầu cử năm 2002 đến nay không ngưng nghỉ, hết làm thủ tướng lại tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thật là độc tài?

Hình ảnh Erdogan tại Tây phương là một nhà độc tài Hồi giáo lớn lối, dạng Gaddafi hay Assad. Nhưng không giống những nhà lãnh đạo đó, ông Erdogan và Đảng AK thắng các cuộc bầu cử dân chủ đàng hoàng, liên tục từ 2002 tới nay. 

Ông Erdogan phát biểu trước chân dung của chính ông (phải) và lãnh tụ Ataturk. Ảnh: Getty Images

 

Mới nhất, năm 2018 sau khi thay đổi hiến pháp, ông Erdogan đắc cử tổng thống với 52,3%. Bầu cử quốc hội cùng năm, AK chiếm 42,56% và 295/600 ghế.

Tuy nhiên năm 2020, bầu cử địa phương, đối lập chiếm 5 thành phố lớn nhất nước, gồm thủ đô kinh tế Istanbul và thủ đô chính trị Ankara. Như vậy, Erdogan và Đảng AK cầm quyền nhờ lực lượng cử tri bình dân đông đảo: nông dân, thành phần ít học, phụ nữ bảo thủ...

Nếu sang thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ta sẽ thấy mỗi văn phòng công hay tư, nha sĩ, bảo hiểm nhân mạng, chợ thực phẩm hay cửa hàng tạp hóa, đâu đâu cũng treo ảnh Kemal Ataturk - người cha lập quốc của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ năm 1923. 

Đâu cũng có đại lộ, công viên, sân vận động... mang tên ông. Đâu cũng thấy tượng và ảnh ông kèm trên cờ quốc gia. Từ dạo có phong trào xăm mình, có kẻ xăm ảnh ông, người xăm chữ ký.

Người viết đến Thổ Nhĩ Kỳ 10 bận từ 20 năm nay, 6 tháng vừa qua vì bệnh dịch cho nên ở dí. Suốt thời gian này, có thể vì không bao giờ đến nông thôn lầm lũi nên chỉ thấy chân dung Erdogan có hai bận, đều trước trụ sở Đảng AK. 

Khác với Hoa Kỳ hay Pháp, công sở ở Thổ Nhĩ Kỳ không để ảnh lãnh tụ đương thời mà để ảnh Ataturk. Thế Đảng AK và Erdogan có phải hậu thân của phong trào quốc gia chủ nghĩa do Ataturk sáng lập và lãnh đạo không? 

Không hề! Các thành phần tự nhận là Ataturk tuy phân hóa thành nhiều đảng, hữu có, tả có nhưng đều đối lập với AK!

Giữa thế tục và sùng tín

Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thành lập năm 1923, là hậu thân của đế quốc lừng lẫy 6 thế kỷ Ottoman (1299-1922), ở đỉnh điểm rộng hơn 3 triệu km2 trải khắp 3 lục địa Á, Âu, và Phi. 

Một chuyện bên lề: Ngày nay ta có cà phê uống là nhờ họ. Thức uống này từ phía Ả Rập của đế quốc đến Istanbul, rồi Budapest, lan sang Ý, Pháp rồi tìm đường đến Buôn Ma Thuột. 

Một người Thổ ngày nay có thể đến Athens, Hy Lạp hay đứng trước sông xanh Danube, Hungary mà trầm ngâm cảm thán, đây là lãnh thổ cũ của tổ tiên ta. Nhưng sau Thế chiến I, Ottoman bị Anh và Pháp phanh thây và chia chác, lãnh thổ ngày nay Thổ Nhĩ Kỳ còn giữ được là nhờ phong trào Ataturk.

Phong trào đó là một ý thức hệ quốc gia cách tân và chống lại ảnh hưởng của Hồi giáo. Ataturk cho rằng Đế quốc Ottoman suy thoái vì ảnh hưởng cổ hủ của đạo Hồi, nên bị Tây phương đè đầu và vượt qua. 

Có thể ví nó với cuộc Vận động Ngũ Tứ cùng thời tại Trung Quốc, chống những giá trị Nho giáo cổ truyền. 

Nếu ở Trung Quốc chống phụ nữ bó chân thì ở Thổ Nhĩ Kỳ, cô Sabiha Goksen là phụ nữ đầu tiên trên thế giới tốt nghiệp võ bị không quân và trở thành phi công chiến đấu vào năm 1936 (nữ phi công chiến đấu Mỹ đầu tiên tốt nghiệp là năm 1975).

 
  Sabiha Goksen là phụ nữ đầu tiên trên thế giới tốt nghiệp võ bị không quân. Ảnh: iWOAW 

 

Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ vì vậy rất khắt khe trong việc thế tục hóa đời sống. Khắt khe đến mức nào? Đến mức đọc 4 câu thơ ở trên thì bị ghép tội dùng tôn giáo gây hận thù và đi tù! 

Dĩ nhiên phụ nữ Thổ không phải từ năm 1936 ai cũng lái máy bay, bắn tên lửa, tới giờ vẫn còn rất nhiều người phải gánh củi ẵm em. 

Chỉ có điều 70 năm sau, phụ nữ lái máy bay nay tiếp tục bầu cho phong trào Ataturk, còn phụ nữ gánh củi thích quấn khăn đội đầu thì bỏ cho ông Erdogan.

Để duy trì quyền lực trong thế bấp bênh này, gần 20 năm qua chính quyền Erdogan sử dụng đủ chiêu trò và nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ quả có thụt lùi. 

Sau cuộc đảo chánh hụt năm 2016, chính quyền lấy cớ đó nhân tiện ra tay bắt giữ, cấm đoán và vô hiệu hóa các thành phần “nguy hiểm” trong xã hội, từ giáo chức đến nhà báo.

Nhưng ông Erdogan càng bị phê bình là cực đoan Hồi giáo thì ông lại càng vỗ ngực tự xưng, đúng rồi, ông là Hồi giáo chính hiệu đây. Thế là sao? 

Có lúc hoàn cảnh và quyền lợi của hai bên đối nghịch lại khiến họ phải đồng lõa. Bạn ở xóm ngoài, muốn vu tội cho một thằng nhãi xóm trong là côn đồ. Thằng này muốn bảnh với đám nhóc trong xóm, bèn vỗ ngực, tao còn chém người là khác, tên tao là Ba Dao Thái. 

Xóm ngoài hô hoán, thấy chưa, thằng Ba Dao Thái! Thằng kia chửi luôn, mày vô đây tao cho mày một nhát là bốn dao luôn! Xóm ngoài biết là nó không hầm hố tới vậy, nhưng cần lừa một số người. 

Thằng Ba Dao nhiều khi cũng chết nhát, nhưng nó cũng phải lừa một số người khác - rốt cuộc hai bên đồng thuận về sự giang hồ của nó!

Nếu vào chi tiết, thì những huênh hoang “Hồi giáo” của Erdogan không phải là không có lý lẽ và nhờ vậy vang vọng trong tâm tư người Hồi. 

Một chuyện nổi tiếng là ông biến di tích lịch sử Hagia Sophia trở lại thành đền Hồi, dù đền Hồi ở Thổ không thiếu, như đền Taksim lộng lẫy vừa khai trương. 

Hagia Sophia xây hồi thế kỷ 6 từng là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất thế giới. Đến năm 1453 khi Đế quốc Ottoman hạ thành này thì cải nó thành đền Hồi. 

Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ sau đó biến nó thành một viện bảo tàng. Năm 2020, ông Erdogan trở về quá khứ, như một sự nhắc nhở thời đế quốc huy hoàng. Phe đối lập tức thì nhạo báng gọi ông là “Sultan”.

Những lợi ích chồng chéo

Về mặt ngoại giao, chính sách của ông Erdogan được gọi là “Tân Ottoman”. Tại Ai Cập, vì ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo, nay ông Erdogan đã thất thế vì chính quyền mới là do phương Tây hậu thuẫn. 

Với Iran, tử thù của trục Saudi Arabia - Israel - Mỹ, ông tuy không yêu mến gì nhưng cũng phải thân thiện. Iran ở ngay bên nách của ông, lại có chung một vấn đề là người thiểu số Kurd, 15-20 triệu ở Thổ Nhĩ Kỳ và 8-10 triệu ở Iran. 

Thái tử Saudi toan tính làm trùm thế giới Hồi giáo thì Mỹ và Israel gật gù “tốt, tốt”. Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan làm vậy thì thành Hồi giáo cực đoan.

Thực ra, Hồi giáo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ và kiểu Saudi là một trời một vực. Cũng phải nhắc chuyện chưa cũ lắm: ông Erdogan chẳng phải người cho tiền Taliban tại Afghanistan hay Al Qaeda này IS kia tại Iraq và Syria. 

Ở những nơi này, chính sách của Ankara là chống Assad nhưng không nhiều tham vọng, chủ yếu là bảo vệ người Thổ thiểu số tại đó, và nhất là không cho phong trào Kurd ở Syria có đất tự trị để làm bàn đạp cho phong trào Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một mâu thuẫn nữa của ông Erdogan với phương Tây là tại Libya, nơi ông ủng hộ chính quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận trong khi Mỹ, Saudi và Ai Cập ủng hộ chính quyền Từ Hải của tướng Khalifa Haftar trong cuộc nội chiến.

Nhưng phải chăng ở đâu và lúc nào Thổ Nhĩ Kỳ cũng mâu thuẫn với Mỹ? Không hề, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan hay ai đi nữa vẫn là đồng minh của Hoa Kỳ, là thành viên của NATO từ năm 1952. 

Tại đây có 3 căn cứ lớn và một chục căn cứ nhỏ của NATO - Hoa Kỳ. Hoa Kỳ từng trữ vũ khí nguyên tử tại Thổ Nhĩ Kỳ để đe nẹt Liên Xô. Vị trí chiến lược này vẫn không thay đổi ngày nay.

Hiện giờ, bầu cử 2023 không còn xa mấy nữa, Hồi giáo với ông Erdogan đã trở thành một tấm huân chương. Còn Hoa Kỳ, nhiều khi họ “mắng” ông là để giúp ông lại thắng cử đấy?! Chứ còn thật tình yêu thế tục, sao vẫn cứ ôm nhà Saud - gương sáng “ôn hòa” mọi mặt trên thế giới?■

Mới đây ông Erdogan phát biểu là tại Athens (thủ đô Hy Lạp) không còn đến một đền Hồi được bảo tồn. Hy Lạp trong 4 thế kỷ (1453-1832) từng thuộc Đế quốc Ottoman và có rất nhiều đền Hồi. 

Đền hồi ở Athens nay được dùng vào mục đích du lịch. Ảnh: Middle East Eye

 

Hiện thực ra còn hai đền Hồi tại Athens nhưng không được dùng vào mục đích tôn giáo nên 300.000 người đạo Hồi ở đây không có nơi đi lễ. Họ cầu nguyện ở nhà riêng. 

Đến năm 2006, Chính phủ Hy Lạp chấp nhận xây một đền Hồi mới nhưng gặp này gặp kia và bị chống đối, đến giờ vẫn chưa thấy thực hiện. 

Để so sánh, tại Thổ Nhĩ Kỳ, số người Kitô giáo là 200.000 và họ có 350 nhà thờ. Người Do Thái ở đây hiện cũng còn 20.000 - 25.000 người, và riêng tại Istanbul có 26 đền Do Thái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận