TTCT - Patricia Minh Hương là cái tên quen thuộc ở các phòng tranh Canada. Vài năm trước, khi nền kinh tế toàn cầu chưa đi xuống, trung bình mỗi năm có tới 90 bức tranh sơn dầu và sơn ký tên Patricia Minh - Huong được bán ra thị trường. Có lần sau triển lãm tại Gallery Klimantiris, tác giả trình làng 60 bức thì cả 60 bức được bán hết trong năm! Phóng to Tranh của Minh Hương tại Gallery Richelieu - Ảnh do nhân vật cung cấp Duyên dáng, cởi mở và thông minh, người phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực nghệ thuật này ấy vậy lại cho rằng lúc nào “sơn cọ cũng chỉ là thú tiêu khiển thôi”. Từ bé xíu, Patricia đã thích vẽ vời nhưng người cha thường răn “xướng ca vô loài”. Minh Hương học tiểu học rồi trung học ở các trường Pháp như Collège Français - Nha Trang, Lycée Marie Curie - Sài Gòn. Nghe lời cha nên đậu tú tài Minh Hương ra Huế theo học Đại học Văn khoa ngành văn học Pháp và triết học, nhưng vẫn âm thầm song song dự thính Trường quốc gia Mỹ thuật Huế. Rời Việt Nam năm 1978 cùng chồng và hai con trai, gia đình Patricia đến sống tại thị trấn Valleyfield, Montréal. Lúc đầu chị ở nhà nuôi con, rảnh mới vẽ tranh. Rồi sau được nhiều khuyến khích của bạn bè và gia đình, Minh Hương mới nghĩ đến hội họa như nghề tay trái. Vậy mà từ triển lãm đầu tiên tại Việt Nam với các sinh viên mỹ thuật Huế vào đầu năm 1975, rồi hai triển lãm quan trọng đầu tiên tại nước ngoài là ở Business Centre St-Hubert Montréal 1997 và Art Gallery Mulhouse (Pháp) 1999, Minh Hương đã đi rất xa. Họa sĩ Patricia Minh Hương - Ảnh do nhân vật cung cấp Có thể nói hội họa của Minh Hương đã “phủ sóng” khá nhiều triển lãm, phòng trưng bày khắp Canada, Mỹ và Pháp. Như sau triển lãm Artexpo New York, Patricia Minh Hương đã được tạp chí Décor Magazine NY tháng 3-2001 chọn là “Artist of the Month” (nghệ sĩ của tháng). Và tuy triển lãm gần đây nhất của chị là vào năm 2010 tại Galerie Pierre Séguin (Québec), nhưng từ năm 2000 đến nay tên Patricia Nguyễn Minh Hương liên tục có trong bộ tuyển Guide Biennal des Artistes Canadiens en Galeries (sách hướng dẫn mỗi hai năm về họa sĩ Canada tại các phòng tranh). *** Vậy mà đã 35 năm xa xứ và nghề chính của người phụ nữ nay đã là bà nội này vẫn là phụ tá trong một văn phòng luật sư. Trong một tâm sự, chị nói: “Ngẫm lại, không biết vì làm nghề phụ mà hên, hay vì giới thưởng ngoạn thích tranh mình? Cũng có thể còn nhờ nét vẽ hồn nhiên, vui tánh trong hội họa chăng? Hay nhờ cả việc Minh Hương là “da màu” nên sự khác biệt đã gây cái tò mò ngẫu nhiên?”. Ở Minh Hương, nét vẽ luôn còn chất Á Đông: những căn nhà xiên vẹo, những mái tranh, những cành cây khô mà như chị nói “tất cả đều “dan díu” với gốc gác của mình và từ đó hình thành đặc điểm trước khách hàng khi so với họa sĩ Bắc Mỹ, kể cả các họa sĩ gốc Á khác?”. Trong tranh sơn dầu và sơn acrylic, Minh Hương không theo một trường phái nào, dù danh họa Ý Modigliani là một trong những họa sĩ mà chị yêu thích và có ảnh hưởng ít nhiều. Nét vẽ của Minh Hương không thuộc về hí họa, cũng không phải tranh “hồn nhiên”, mà chỉ muốn chia sẻ tâm hồn mình tới các ánh mắt đam mê, thậm chí tới cái nhìn bình dị của người qua đường ghé chân. Thưởng lãm hội họa, như Minh Hương nói, là trong giây lát chạm được hồn - của - bức - tranh. Những người hâm mộ của Minh Hương cho biết họ thích các bức tranh có bảng màu mang đến niềm hạnh phúc và vui vẻ, đồng thời với cảm giác đầm ấm trong đường nét ngẫu nhiên ở các cặp mắt thiếu nữ Á Đông. Chị nói vui: “Vốn thích âm nhạc và lại không có con gái, nên tôi rất thích vẽ thiếu nữ cùng... nhạc cụ! Chính các tác phẩm về “ba đứa con gái cùng dăm cây đàn” đó đã góp phần lớn cho Minh Hương có “tên tuổi”. Ưu tiên thứ hai là cảnh hoa rực sắc, trong phong cảnh với những chiếc nón lá nói lên tấm lòng và gốc gác một người phụ nữ Việt xa xứ”. Vẽ còn là cách giúp Minh Hương giãi bày, như chị nói, lâu lâu chắc do nhớ quê hương quá, lại vẽ một vài cái “đậm đà bản sắc dân tộc” làm quà cho bè bạn hoặc... treo ở nhà! Chưa có dịp về lại Việt Nam, nhưng nữ họa sĩ nói rất muốn tổ chức triển lãm với cộng đồng Việt, và trở về Việt Nam nếu được tạo thuận lợi san sẻ nghệ thuật. “Nếu nét vẽ của mình thích ứng tâm trạng người xem, dù là khách dừng chân, thì nghệ thuật đạt thành tựu. Tôi cũng thấy nếu mình bán được tranh tức là đã làm cho người đó thích thú”. Được coi là họa sĩ có “ít nhiều thu hoạch”, mỗi năm Minh Hương thường hiến tặng tranh cho các bệnh viện nhi đồng, cô nhi viện, khu dưỡng lão để họ bán đấu giá gây quỹ. Ở Canada hay bất cứ đâu, với Minh Hương, hội họa chính là gia tài để người vẽ gói được nội tâm rồi đem ra chan hòa cùng người đối diện. Phóng to Ảnh do nhân vật cung cấp Phóng to Ảnh do nhân vật cung cấp Phóng to Patricia Minh Hương tại triển lãm ở Gallery Richelieu cùng khách mua tranh - Ảnh do nhân vật cung cấp “Khởi đi từ miền nước ấm Việt Nam tới con sông đóng băng Québec, Patricia Minh Hương đã thu vén thế giới thành một hỗn hợp thú vị và quyến rũ của giai điệu sắc màu, đã khám phá cuộc sống sắc nét như chính nó tham dự, đã di chuyển mỗi ngày qua nội tâm, đã nắm bắt những tiểu tiết nhỏ nhất trong khi trang hoàng các thói quen thường nhật với sự dịu dàng và tình yêu chân thành. Tinh hoa sáng tạo của cô có tên gọi: Niềm vui cuộc sống!”. The Rimawi Art Gallery (Canada) Tags: Tranh sơn dầuPatricia Minh HươngPhòng tránhĐỖ QUYÊN
Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Trả tới 30 tỉ/m² rồi xin rút vì 'sợ quá', công an vào cuộc PHẠM TUẤN 29/11/2024 Tại phiên đấu giá 58 thửa đất ngoại thành Hà Nội, nhóm này trả giá 30 tỉ đồng/m2 rồi xin rút vì 'sợ quá'. Công an huyện Sóc Sơn đang vào cuộc.
Tạm giữ bốn vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa TRÀ PHƯƠNG 29/11/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự bốn nhân viên vệ sĩ phân luồng tại ngã tư để đoàn xe đám cưới đi qua.
Black Friday chỉ thực sự sôi động buổi tối, người bán lo không đủ doanh số NHẬT XUÂN 29/11/2024 Dù hàng loạt cửa hàng tung ra chương trình khuyến mãi lớn dịp Black Friday nhưng nhu cầu mua sắm dịp này chủ yếu nhộn nhịp vào buổi tối. Với lượng khách thiếu cân đối, nhiều cửa hàng lo không đạt doanh số đề ra.
Tổng thống Pháp nói 'choáng ngợp' khi thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng NGỌC ĐỨC 29/11/2024 Tổng thống Pháp lần đầu đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris sau phục dựng, chỉ một tuần trước khi di tích này mở cửa cho khách tham quan trở lại.