Phim nhà nước, phim tư nhân và câu chuyện hoán đổi

HOÀNG OANH 06/12/2009 02:12 GMT+7

TTCT - Trong nhiều năm, điện ảnh VN quen với “phân khúc thị trường” thế này: các liên hoan phim, giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước là điểm đến sang trọng và an toàn cho các phim do nhà nước bao cấp sản xuất. Còn rạp phim, phòng vé, khán giả, doanh thu... là những khái niệm dường như chỉ dành riêng cho phim tư nhân. Nhưng sự “phân khúc” nay đã bắt đầu có sự hoán đổi.

Phóng to
Cảnh trong phim Dòng máu anh hùng của hãng phim tư nhân Chánh Phương - Ảnh: images.google.com.vn

1. Trước đây khá lâu, theo quan niệm của nhiều người: phim nhà nước là dòng phim nghệ thuật với nội dung chỉn chu, đạo diễn biên chế, diễn viên uy tín, được làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước và hoàn toàn bằng kinh phí bao cấp. Đôi khi dòng phim này may mắn nhận được tài trợ trong những chương trình hợp tác chính thống của điện ảnh Việt với các tổ chức nước ngoài.

Phim nghệ thuật làm xong được đưa thẳng đến các liên hoan, được trao giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước nếu đó là phim hay, hoặc có thể đưa thẳng vào... kho nếu không đạt. Khán giả thân thiết của dòng phim này là các ban giám khảo, những nhà chuyên môn và giới báo chí. Một số phim có chất lượng như Thung lũng hoang vắng, Lưới trời, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi... cũng chỉ coi việc tham dự các liên hoan phim như một lối thoát. Những giải thưởng trong và ngoài nước không làm phim trở nên đông khách hơn. Doanh thu của phim là vấn đề xa lạ và không ai quan tâm, không ai nhắc tới.

2. Trước đây, nhưng cũng chưa lâu lắm, người ta thống nhất với nhau rằng: phim nhựa tư nhân là dòng phim giải trí với nội dung đơn giản, dễ xem, dễ hiểu, được làm hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa của các hãng phim tư nhân. Phim thường được giao cho các đạo diễn trẻ và “quái” như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Lê Bảo Trung... thực hiện. Diễn viên được chọn thường là những gương mặt người mẫu, ca sĩ trẻ đẹp, có sẵn một lượng người hâm mộ đông đảo.

Ngay từ lúc phim còn đang bấm máy là các hãng đã liên tiếp tung nhiều chiêu quảng bá, tiếp thị: tổ chức các cuộc thi thiết kế poster, trang phục, cập nhật thông tin và hình ảnh trên website, tự tạo tin đồn “phim giả tình thật” của các diễn viên tham gia để thu hút sự chú ý...

Khán giả mà dòng phim này hướng đến chủ yếu là đối tượng trẻ dưới 30 tuổi nên phim là tập hợp của những khuôn hình nhiều màu sắc, những tình tiết gây cười (đôi khi hơi nhảm), những thông điệp đơn giản. Những cô gái chân dài, Đẻ mướn, Khi đàn ông có bầu, Võ lâm truyền kỳ... là những bộ phim mở đầu cho xu hướng làm phim thuần giải trí của các hãng tư nhân. Doanh thu là điều quan trọng nhất đánh giá thành công của một dự án phim tư nhân, có tính chất quyết định những dự án tiếp theo của mỗi hãng.

3. Tuy nhiên, gần đây mọi việc đã có sự thay đổi đáng kể. Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh do ba đơn vị tư nhân phối hợp sản xuất: Công ty BHD, Công ty Ánh Việt và Hãng phim Phước Sang, đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Người ta thấy ông bầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến doanh thu như Phước Sang đã bắt đầu dành tâm huyết cho dòng phim nghệ thuật kén khán giả.

Tiếp nối sự thành công đó, Phước Sang lại liều một phen khi tiếp tục mời Lưu Huỳnh thực hiện bộ phim Huyền thoại bất tử, với nội dung khá nặng và tông màu nâu trầm ngay trong mùa phim tết 2008. Phim thất bại về doanh thu nhưng lại “đại thắng” trong mùa giải Cánh diều vàng 2008. Và Phước Sang đang hi vọng Huyền thoại bất tử sẽ tiếp tục gây chú ý tại Liên hoan phim VN lần 16 sắp tới.

Dòng máu anh hùng của Hãng phim tư nhân Chánh Phương lại là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa một bộ phim vừa có giá trị nghệ thuật ở một câu chuyện nghiêm túc, cảnh quay chỉn chu, vừa có đủ chất giải trí ở những thế võ đẹp mắt, tình tiết gay cấn...

Trong khi đó, với bộ phim Tết này ai đến xông nhà (2002, đạo diễn Trần Lực), Hãng phim truyện VN đã bắn phát súng đầu tiên trong việc một hãng nhà nước làm phim có tính giải trí. Bộ phim quy tụ nhiều danh hài đất Bắc và trở thành một món lạ bất ngờ dành cho khán giả khi đó.

Nhưng kỳ tích nhất là phim Gái nhảy (đạo diễn Lê Hoàng) do Hãng phim Giải Phóng thực hiện bằng tiền tài trợ của Nhà nước năm 2004. Bộ phim đạt doanh thu hơn 13 tỉ đồng, và trở thành bộ phim thăng về doanh thu của hãng này trong nhiều năm.

Thừa thắng xông lên, Hãng phim Giải Phóng tiếp tục đầu tư thực hiện phim Chuông reo là bắn, với các “chân dài” và nhiều cảnh nóng bỏng. Và ở Liên hoan phim VN lần 16 này, Hãng phim Hội Điện ảnh tham gia với bộ phim Em muốn làm người nổi tiếng (đạo diễn Nguyễn Đức Việt). Đây là một bộ phim nhà nước nhẹ nhàng, thời thượng với người đẹp, thời trang đẹp, cảnh quay đẹp.

Bên cạnh đó, Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) do Hãng phim truyện I sản xuất lại là một ví dụ nóng hổi nhất cho tính hấp dẫn của một bộ phim nhà nước - phim tài trợ. Chơi vơi có những cảm xúc khác lạ, nhạy cảm về tình cảm con người, có những cảnh quay nghệ thuật, có một poster bắt mắt và cách tiếp thị hình ảnh tiến bộ rõ rệt so với những phim nhà nước trước đó. Chơi vơi cũng đã đánh dấu sự thành công của một bộ phim nghệ thuật gắn mác nhà nước với các chủ rạp phim bằng các suất chiếu rộng rãi và kéo dài.

4. Có thể thấy việc nhà nước làm phim giải trí hay tư nhân làm phim nghệ thuật đã không còn quá mới mẻ trong những câu chuyện về phim ảnh gần đây. Mọi thứ có vẻ đang xích lại gần nhau để tạo nên một thế cân bằng cần có với một nền điện ảnh từng “ngủ đông” trong bao cấp quá lâu.

Tuy nhiên, “phim nghệ thuật tư nhân” có đủ sức chống chọi với thói quen “chỉ đi coi phim nghệ thuật bằng vé mời”, hay “phim giải trí nhà nước” có tránh những hào hứng quá mức kiểu “chuông reo là... cởi” hay không, đó cũng là một vấn đề không nhỏ. Nhưng dù thị trường điện ảnh phân khúc thế nào thì nói như đạo diễn Vinh Sơn: “Tôi không bao giờ quan tâm phim của Nhà nước hay tư nhân sản xuất. Khái niệm này sẽ lỗi thời thôi. Tôi sẽ gọi chung là phim VN”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận