Phong tỏa nhìn từ chuyện cắt tóc chui

TRÚC ANH 21/07/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Chuyện dân Hà Nội chen nhau đến hiệu cắt tóc ngay trước lệnh đóng cửa mới, trong khi nhiều người Sài Gòn bắt đầu khoe ảnh “mái tóc nhà làm” cũng chỉ là một chu kỳ nữa của cái vòng lặp lại: “đóng rồi mở rồi lại đóng” của nhiều thứ chứ không riêng chuyện tóc tai, từ khi thế giới biết đến COVID-19.

 
 Ảnh: The Telegraph

Ta có thể “nhịn” đến tiệm cắt tóc trong bao lâu? Vài tuần hay 1 - 2 tháng? Với người dân bang Ontario (Canada), con số đã lên đến hơn 200 ngày khi các dịch vụ chăm sóc cá nhân, bao gồm salon tóc và tiệm nail, ngừng hoạt động vì “một trong những lệnh đóng cửa dài nhất thế giới” - theo tờ The Star ngày 27-6.

Chừng ấy thời gian là đủ cho người dân đi hết các cung bậc với mái tóc của mình: từ ráng chịu chút (chắc sẽ sớm thôi) đến thử tự cắt (và thất bại) hay cạo trọc cho rồi, và cuối cùng là thành “chánh quả”: có sao để vậy người ơi.

Nhưng nếu người ta không muốn đợi thì sao? Khi các tiệm làm đầu buộc phải đóng cửa từ tháng 3-2020 ở Anh, nhiều người vẫn ra phố hoặc xuất hiện trên Zoom với tóc tai gọn gàng, rõ là được thợ chuyên nghiệp cắt chứ không phải tay kéo bất đắc dĩ. Nhà báo Sirin Kale sống ở London đã tìm hiểu và phát hiện ra cả một thế giới ngầm, mà ở đó những thợ cắt tóc làm đầu quảng cáo từ thì thầm truyền miệng đến kín đáo online về dịch vụ chui của mình.

Những người cắt tóc sẵn sàng phục vụ, bất chấp việc vi phạm quy định giãn cách và nguy cơ lây nhiễm của bản thân và khách hàng. Như Kale viết trên The Guardian hồi tháng 6-2020: Họ lén làm sau cánh cửa đóng - khách hàng đến nơi trong trang phục thể thao vì phải giả vờ là ra đường để chạy bộ, hoặc đến tận nhà khách hàng dưới danh nghĩa một cuộc viếng thăm.

Theo tác giả, với những thợ làm tóc, có người biết rõ mình đang làm sai nhưng “vì tôi phải trả tiền nhà và cần phải sống” mà nhắm mắt; cũng có người chẳng sợ gì vì có cầu thì có cung. Còn khách hàng? Có chỗ giúp họ giải quyết chuyện đầu bù tóc rối theo nghĩa đen thì lại chẳng tốt quá.

Với nhiều người, sự khó xử không nằm ở chỗ phá luật, mà là làm sao che giấu chuyện sai trái của mình khi bằng chứng quá rành rành: Đồng nghiệp trao đổi qua Zoom, mới hôm nay còn thấy tóc dài thậm thượt, hôm sau đã ngăn nắp gọn gàng. Lúc này câu hỏi dung dị “mới cắt tóc à” bỗng dưng khó trả lời.

 
 Ảnh: The Guardian

Ai cũng sẽ có lý do cho việc tiếp tục cắt tóc và đi cắt tóc, một cách lén lút, trong những ngày phong tỏa. Nhưng nếu một người thợ sẵn sàng đến từng nhà cắt tóc cho khách đã nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng, anh ta có thể đã lây bệnh khắp nơi. “Dù lý do vi phạm phong tỏa nghe hợp lý đến thế nào đi nữa, sự thật là mỗi lần tương tác, mỗi cú dùng tay phủi tóc ra khỏi vai, mỗi cái đẩy tôngđơ dọc theo gáy đều làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19, có khả năng dẫn đến làn sóng dịch thứ 2 và thêm nhiều người chết” - Kale viết.

Vấn đề là nhiều người không cảm thấy phiền bởi thực tế đó. Sasha (tên giả), một nhân viên nhà nước thường xuyên đi làm đầu chui thời phong tỏa, nói: “Tôi không cho là mình thấy tội lỗi hay gì. Tôi biết những người khác cũng đâu có tuân thủ phong tỏa 100% đâu”.

Theo Kale, những người cô đã phỏng vấn cho bài viết đều có tâm lý đó: họ có thể gắng chịu, tuân thủ hoàn toàn lệnh phong tỏa nếu tất cả mọi người đều làm theo quy định. Nhưng vì có người phạm quy thì việc gì họ phải làm thế? “Tôi thấy thật bất công. Người ta vẫn xếp hàng đi siêu thị mà chẳng giãn cách gì kia kìa. Tôi cũng phải kiếm sống chứ?” - Ellen (tên giả), một người cung cấp dịch vụ làm đầu tại nhà chui, nói.

Chuyện một quan chức như Dominic Cummings (cố vấn trưởng của thủ tướng Anh, nay đã mất chức) giữa đợt phong tỏa hồi tháng 4-2020 rời London để về căn nhà thứ 2 ở thành phố Durham lại là cú hích cho hoạt động cắt tóc chui. Những người còn do dự không muốn phạm luật đã thôi không lăn tăn nữa khi chính một quan chức cấp cao đã làm thế.

Đó là chuyện hơn 1 năm trước, nhưng khi đại dịch vẫn còn (ngay với chính nước Anh, dù đa số các lệnh phong tỏa đã được dở bỏ), không bài học nào từ năm COVID-19 đầu tiên là không có giá trị. Vấn đề cũng chẳng còn là của riêng chuyện tóc tai. “Ai là người đáng trách? - Kale đặt câu hỏi - Những thợ làm tóc kiếm chỉ đủ ăn hay chính phủ, vì đã đưa ra các thông điệp rối rắm và đôi khi mâu thuẫn nhau?”.

Không có câu trả lời, chỉ có lời một thợ cắt tóc về các lệnh phong tỏa: “Thật khó để bảo người ta không được làm cái này mà phải làm cái kia. Một lệnh cấm bao trùm là cách duy nhất giúp quản lý tình hình”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận