Podcast và lá phiếu

THANH TUẤN 03/11/2024 07:10 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ trong lịch sử chính trị Mỹ, một cuộc bầu cử lại diễn ra qua nhiều nền tảng truyền thông như hiện giờ, khi các hình thức truyền tải thông điệp kiểu cũ đang mất dần ưu thế trước video TikTok và phỏng vấn podcast.

Podcast và lá phiếu - Ảnh 1.

Ông Trump (phải) và Joe Rogan, người dẫn podcast ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Ảnh: The Daily Beast

Xuất hiện trên chương trình "60 Minutes" của đài CBS từng là truyền thống với các ứng viên tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ. Kể từ năm 1976, mọi ứng viên tổng thống đều trả lời phỏng vấn trên "60 Minutes". 

Nhưng khi lượng người xem ngày càng giảm, truyền hình không còn sức ảnh hưởng như trước nữa, và nhiều phương tiện truyền thông khác đang nổi lên thay thế.

Lấy ví dụ, chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris đã sắp xếp để bà xuất hiện trên đủ các nền tảng vào những tuần cuối, từ podcast tới TikTok, từ talkshow ở đài phát thanh địa phương tới kênh truyền hình quốc gia.

Đa dạng các sô

Bà Harris đã xuất hiện trên "Call Her Daddy", podcast đặc biệt phổ biến với nữ giới trẻ tuổi; "The View" của đài ABC, sô nhiều sức hút với cử tri nữ lớn tuổi hơn; "The Howard Stern Show", nơi có tới 3/4 người xem là nam giới; rồi sô của Stephen Colbert, vốn rất ảnh hưởng với nam giới trẻ. 

"Các chiến dịch thông minh giờ phải làm đủ thứ", người phát ngôn của chiến dịch bà Harris, Seth Schuster, nói với báo Wall Street Journal.

Cả hai ứng viên giờ phải tiếp cận cử tri trên đủ các nền tảng, từ YouTube, podcast tới X. Lượng nghe podcast tin chính trị và thời sự ở Mỹ đạt kỷ lục hồi tháng 8 trên Spotify với số lượt nghe tăng 80% so với một năm trước. 

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, hơn một nửa người trưởng thành ở Mỹ tiếp cận tin tức từ mạng xã hội, thường là Facebook và YouTube.

Joe Rogan là người dẫn podcast nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc này. Chiến dịch của Donald Trump đã rất nỗ lực để sắp xếp cuộc phỏng vấn giữa ông với podcast số 1 nước Mỹ này cuối tuần trước - nỗ lực quan trọng ở chặng nước rút với ông Trump. Rogan có khoảng 15 triệu người thường xuyên theo dõi, con số mơ ước của mọi chính trị gia đang tranh cử. 

Podcast đã trở thành kênh đặc biệt ảnh hưởng trong kỳ bầu cử này, khi những sô lớn nhất chứng minh họ có thể tiếp cận các nhóm thính giả lớn ngang bằng, thậm chí là hơn số khán giả các kênh truyền hình lớn.

Sự đa dạng của phương tiện tiếp cận cử tri năm nay có thể thấy qua thống kê là từ 15-7 tới 16-10, ông Trump xuất hiện trên tivi truyền thống 28 lần, radio 10 lần, báo in 10 lần, podcast và video YouTube 10 lần. (Con số tương tự của bà Harris lần lượt là 12, 7, 2 và 5).

Cả hai phe đều điều chỉnh thông điệp để phù hợp với từng nhóm độc giả tương ứng với mỗi nền tảng truyền thông. 

Như ông Trump khi trả lời đài Fox sẽ có thông điệp cứng rắn về người nhập cư không phép. Nhưng với kênh Univision, vốn đông người xem là cử tri Latin, ông mềm mỏng hơn hẳn, và thậm chí nói nước Mỹ cần cho phép một số người nhập cư.

Podcast và lá phiếu - Ảnh 2.

Bà Harris tranh cử trên TikTok. Ảnh: TikTok

Tương tự, bà Harris khi trả lời "The View" (kênh được coi là thiên tả hơn) thì nói sẽ không thay đổi nhiều so với thời ông Joe Biden, nhưng khi trả lời Fox lại nói "nhiệm kỳ tổng thống của tôi sẽ không phải là tiếp tục của Joe Biden". 

"Chúng ta không còn sống ở kỷ nguyên ba ông dẫn chương trình da trắng đưa tin lúc 6h30 mỗi tối nữa - chiến lược gia Eric Schultz của phe Dân chủ nói - Giờ mọi người tiêu thụ tin tức từ đủ các nguồn, và các ứng viên sẽ cần phải tiếp cận được độc giả trên nền tảng của họ".

Ảnh hưởng vượt trội so với kênh truyền thống

Trong hai tuần cuối, ông Trump đã vượt lên dẫn trước, dù với khoảng cách mong manh, theo thăm dò của WSJ và The New York Times.

Ông có sức hút với nam giới trẻ - nhóm ứng viên mà bà Harris đang gặp vấn đề. Bà Harris thì có sức hút lớn hơn với phụ nữ và đang rất nỗ lực tìm các cách khác nhau để tiếp cận nhóm cử tri nam giới trẻ.

"Với kỳ bầu cử mà rất nhiều cử tri còn phân vân là người trẻ, bạn buộc phải tiếp cận họ trên các không gian họ có mặt" - Ben Leiner, giáo viên về truyền thông, công nghệ ở Trường kinh doanh Darden, Đại học Virginia, nói.

Theo Sounds Profitable, đơn vị chuyên theo dõi dữ liệu ngành, hiện hơn nửa dân số Mỹ xem/nghe ít nhất một podcast mỗi tháng. Sô của Rogan chẳng hạn, là những cuộc trò chuyện thẳng thắn với người nổi tiếng, vận động viên, chính trị gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp… 

Các sô này thường kéo dài ba tiếng hoặc hơn, trong bầu không khí rất thoải mái, khách mời có thể vừa trò chuyện vừa uống whiskey hay hút xì gà. (Elon Musk thậm chí từng hút cần sa trực tiếp trên sô).

Rogan thường yêu cầu khách mời phải trả lời ít nhất một tiếng và không có người kiểm soát trong quá trình phỏng vấn. Bà Harris, trong khi đó, thường rất cẩn thận với phỏng vấn dài. 

Dù vậy, bà cũng đã có cuộc phỏng vấn với podcast của Brené Brown, nhà nữ xã hội học có sức hút lớn với phụ nữ lớn tuổi. 

Ông Trump thì đã xuất hiện trên 17 podcast trong năm nay, bao gồm nhiều sô có sức hút với nam giới trẻ như "This Past Weekend w/ Theo Von" và "Full Send Podcast". Bà Harris xuất hiện trên 8 podcast trước khi là ứng viên của đảng và xuất hiện trên 2 podcast nữa kể từ đó.

Podcast và lá phiếu - Ảnh 3.

Ông Trump xuất hiện trên "Full Send Podcast". Ảnh: Apple Podcasts

Cụ thể, bà đã xuất hiện trên sô "Call Her Daddy" của Alex Cooper, chuyên về các vấn đề tình dục và quan hệ yêu đương, và "All the Smoke" của các cựu cầu thủ bóng rổ NBA nhằm tiếp cận nam giới da đen trẻ. Trên sô "Call Her Daddy", khi bà Harris xuất hiện vào tháng 10, đã có 7,1 triệu lượt người nghe, so với 5,7 triệu lượt người xem trên "60 Minutes".

Theo tính toán của CredoIQ, có khoảng 200 tài khoản TikTok thường xuyên chia sẻ tin tức chính trị với các bài đăng có trên 25.000 lượt xem hồi tháng 6-7. Tổng cộng, các tài khoản này có khoảng 3.000 video viral, tạo ra hơn 700 triệu lượt xem trong giai đoạn này. 

Dù bài đăng từ các kênh truyền thông chính thống vẫn có ảnh hưởng với khoảng 1,2 tỉ lượt xem, các kênh này thường đăng ít bài hơn, và có ít video viral hơn các tài khoản TikTok cá nhân, vốn thường có góc nhìn mới mẻ và thu hút được người nghe trẻ hơn. 

Các ứng viên khi xuất hiện trên podcast còn có một lợi thế nữa là những đoạn hay câu trả lời của họ thường được cắt ra để chia sẻ thành video ngắn, tạo viral trên mạng.

Dù vậy, quy trình đưa tin của các KOL TikTok vẫn là dấu hỏi với các chuyên gia tin tức truyền thống. 

"Không giống các tòa soạn, nơi tin tức thường xuyên được kiểm tra lại nhiều lần để đảm bảo nguồn tin chính xác, các KOL chính trị hầu như không kiểm tra gì hết" - Josephine Lukito, giáo sư báo chí ở Đại học Texas, Austin, nói.

Nhưng chính cách làm phi truyền thống đó cũng là điều tạo ra sức hút cho các KOL. Khán thính giả muốn "một người họ thấy gần gũi và tin tưởng" để diễn giải thông tin cho họ, theo bà Laura Maney, giám đốc Trung tâm Shorenstein về truyền thông, chính trị và chính sách ở Trường Kennedy, Đại học Harvard.

Một số KOL tin tức nói họ đang cạnh tranh trực tiếp với truyền thông chủ lưu, dù không phải ai cũng có thu nhập tốt từ TikTok - nhiều người làm chủ yếu vì đam mê. "Báo chí truyền thống sẽ phải học rất nhiều từ các KOL tin tức, nhưng các KOL cũng sẽ phải học nhiều từ kênh truyền thống" - Samuel Woolley, giáo sư tại Đại học Pittsburgh, nói.■

Podcast được coi là nền tảng gần gũi hơn khi người dẫn có được độ tin cậy cao từ người nghe. Hợp đồng mới nhất của Joe Rogan với Spotify vừa ký năm nay có giá trị lên tới 250 triệu USD, cho thấy sức hút của loại hình này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận