TTCT - Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trong đó quy định doanh nghiệp có trách nhiệm công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt lên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp đó. Đây là bước thụt lùi so với quy định hiện hành. Chẳng ai thích làm điều đóTrước đây, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) làm theo thông tư 27 của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) ngày 29-5-2015, nhưng từ năm nay thực hiện theo thông tư số 25 ngày 31-12-2019.Báo cáo ĐTM gồm 6 chương, với những yêu cầu rất chi tiết.Chương 1 là những thông tin chung và tóm tắt các vấn đề môi trường chính của dự án như tác động về sự thu hẹp không gian, biến đổi cấu trúc, chức năng, giá trị của danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên hay những thay đổi về chức năng, dịch vụ sinh thái của các hệ sinh thái tự nhiên, hành lang đa dạng sinh học và các khu vực có đa dạng sinh học cao, những vùng đất ngập nước quan trọng, hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, thủy sinh… cùng với cam kết của chủ dự án về tính trung thực, chính xác của số liệu (thông tin về dự án, các vấn đề môi trường của dự án ).Chương 2 về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và hiện trạng môi trường khu vực. Đây là chương khó nhất và tốn kém nhất của báo cáo ĐTM, bởi nó đòi hỏi phải mô tả hiện trạng chất lượng môi trường (tự nhiên và xã hội ) và nguồn tài nguyên sinh vật khu vực chịu tác động do dự án. Trong chương này, chủ đầu tư và nhóm tư vấn lập báo cáo thường có rất nhiều lỗi kỹ thuật. Để thực hiện các nội dung yêu cầu của chương này, cần có một nhóm tư vấn môi trường đa ngành có kinh nghiệm và năng lực giỏi.Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư lại tiết kiệm trong việc thuê một nhóm tư vấn môi trường đa ngành để làm báo cáo. Với khoản tiền giới hạn, các nhóm tư vấn không tích cực trong việc điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng tài nguyên sinh vật trên vùng bị tác động. Họ tham khảo số liệu có sẵn từ các nguồn nào đó nên nội dung thường không đạt yêu cầu.Có nhóm tư vấn còn “cắt” và “dán” các thông tin số liệu một cách khiên cưỡng. Chỉ sau khi các thành viên hội đồng thẩm định phát hiện sự việc, chủ đầu tư mới chịu chi tiền bổ sung cho nhóm tư vấn tiến hành “làm thật”, thu thập số liệu trên hiện trường với các phương pháp nghiên cứu có sơ sở khoa học đáng tin cậy. Thực tế, nhiều dự án phải chi số tiền gấp hàng chục lần so với ban đầu để bổ sung số liệu đầu vào một cách nghiêm túc.Số liệu, thông tin về đa dạng sinh học trên cạn bị tác động bởi dự án: nơi cư trú, các vùng sinh thái nhạy cảm diện tích các loại rừng (nếu có); danh mục và hiện hạng các loài thực vật, động vật hoang dã, trong đó có các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loài đặc hữu có trong vùng có thể bị tác động do dự án (nếu có) cũng có nhiều điều cần bàn.Không ít báo cáo ĐTM né tránh, không đề cập đến các loài nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu có trong vùng bị tác động. Điều này chỉ bị phát hiện khi có đoàn thẩm định của hội đồng đánh giá của Bộ TN-MT lặn lội vào tận vùng bị tác động xem xét, chụp ảnh và ghi hình để có bằng chứng “nhìn tận mắt”, lúc đó chủ đầu tư và nhóm tư vấn mới đề cập.Với những dự án có liên quan đến rừng tự nhiên, chủ dự án ghi là rừng nghèo kiệt sau nương rẫy, là đất trống lâm nghiệp không có cây gì đáng kể… Có dự án còn xin được những giấy phép xác nhận của cơ quan chức năng trong tỉnh là đã thẩm tra và đồng ý cho chuyển đổi vì diện tích rừng bị tác động không đáng kể và rừng nghèo kiệt có thể hoán đổi được.Số liệu, thông tin về đa dạng sinh học dưới nước chịu tác động trực tiếp của dự án như sông, suối, đất ngập nước ven biển... càng đáng lo ngại hơn. Không ít báo cáo ĐTM bỏ qua những vấn đề như phải chuyển dòng nước sang một lưu vực khác hoặc chỉ mô tả rất sơ sài. Việc chuyển dòng nước trong tự nhiên của các con suối nằm trong rừng sâu sang lưu vực khác là một tác động rất lớn, nguy hại về môi trường vì nó sẽ gây ra các thảm họa về sinh thái cho các loài sinh vật và cho cộng đồng xunh quanh.Những năm qua, nhiều dự án thủy điện nhỏ đều có yếu tố chuyển dòng và gây nên những đoạn “sông chết”, không cứu vãn nổi nhưng vẫn được thông qua. Việc này bắt nguồn từ nhận thức chưa đầy đủ của chủ đầu tư và nhóm tư vấn cũng như cả hệ thống liên quan có tiếng nói ra quyết định. Họ chấp nhận đánh đổi và hi vọng rằng các “dòng chảy môi trường” sẽ được tính toán, thiết lập một cách hoàn hảo để cứu sống các loài sinh vật không bị chết khát trong những dòng suối, sông bị khô cạn đó. Thực tế là họ không thể làm được điều này.Chương 3 là đánh giá, dự báo tác động môi trường của dự án và đề xuất các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố môi trường. Nhưng do những lỗ hổng trong chương 2 là rất phổ biến nên việc nhận dạng vùng bị tác động, những mức độ tác động của dự án là rất yếu, không rõ ràng và những dự báo tác động cho cả 3 giai đoạn cũng không thể chính xác. Những dự báo tác động môi trường phải được đưa ra một cách toàn diện, nên nhiều báo cáo ĐTM gây thất vọng vì những dự báo tác động môi trường không quan trọng lại được mô tả kỹ. Trong khi đó, những vấn đề nhạy cảm nhất thì không được đánh giá tích cực và thỏa đáng, thậm chí bị bỏ qua.Chương 4 là phương án cải tạo, phục hồi môi trường (dự án khai thác khoáng sản). Chương 5 là chương trình quản lý và giám sát môi trường. Trong chương này, báo cáo ĐTM phải đưa ra một kế hoạch bảo vệ môi trường mang tính lâu dài và chương trình giám sát môi trường, kế hoạch bồi hoàn môi trường hay phục hồi các hệ sinh thái bị tổn thương, mất mát do chuyển dòng nước… Thực tế, nhiều chủ đầu tư né tránh việc bồi hoàn những giá trị sinh thái và dịch vụ môi trường đã bị tác động. Sự mất mát về đa dạng sinh học hầu như không được quan tâm đến.Chương cuối cùng là kết quả tham vấn, gồm tham vấn cộng đồng, tham vấn chuyên gia - nhà khoa học (dự án sản xuất giấy, hóa chất, nhiệt điện than...) và tham vấn tổ chức chuyên môn về tính chuẩn xác của mô hình. Tham vấn cộng đồng là hạng mục rất quan trọng.Tuy nhiên, phần lớn sự tham vấn của các báo cáo ĐTM rất hình thức. Nhóm tư vấn và chủ đầu tư thực hiện tham vấn như một cuộc họp thông thường và thiếu sự tham gia của chuyên gia, cộng đồng. Các biên bản họp đôi lúc rất giống nhau về hình thức, nội dung và dường như đã soạn trước. Khi các đoàn thẩm định đến kiếm tra, gần như tất cả đều phải thực hiện lại các cuộc họp tham vấn này. Sau khi làm nhà máy thủy điện Yaly (tỉnh Kon Tum và Gia Lai), thác Yaly huyền thoại đã mất đi và hiện chỉ là một dấu tích hố xói bên dưới chân đập. Ảnh: V.N.L.Bộ TN-MT nên giữ quyền công khai ĐTMTrao đổi với báo chí chiều 17-11 về Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), bộ trưởng Bộ TN-MT nói doanh nghiệp có trách nhiệm công khai báo cáo ĐTM trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp đó.Có thể nói, sau bao nhiêu cố gắng nhằm đưa vấn đề công khai minh bạch các báo cáo ĐTM đến với các nhà khoa học và cộng đồng để tạo điều kiện cho họ góp ý, lên tiếng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng theo hướng phát triển bền vững thì sắp tới đây họ sẽ khó khăn hơn khi tiếp cận các thông tin tác động đến môi trường.Những quyết định như vậy là chưa phù hợp với thực tế đang xảy ra trên khắp đất nước. Năm nay, thiên tai và thảm họa môi trường xảy ra nhiều hơn mọi năm, nhất là khu vực miền Trung vẫn đang còn đau thương, tan nát. Hậu quả này một phần do con người gây ra. Có những vấn đề của hôm nay phải đến hàng chục năm sau mới thấy được hậu quả và lúc đó chúng ta mới nhận ra rằng: nếu như không xây dựng nhà máy ở nơi đấy, nếu như không quy hoạch các khu định canh định cư mới dưới các chân núi ấy thì sẽ không có những tiếng khóc thương ai oán… Cây hoa Trà Mi (Camellia longii) - một loài mới được phát hiện tại vùng dự án thủy điện Đồng Nai 6A, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng năm 2009. Ảnh: V.N.L.Xin đừng chờ vào tính tự giác cao của một số doanh nghiệp vốn đang hưởng sự ưu đãi nào đó của địa phương muốn thu hút đầu tư, khai thác cạn kiệt những vùng tài nguyên giàu có. Rất ít nhà đầu tư chủ động công khai minh bạch các kế hoạch khai thác tài nguyên của mình và các tác động liên quan vì đó là vấn đề nhạy cảm, họ cần che giấu. Chúng ta chưa có đủ một cơ chế thật mạnh để ràng buộc các nhà đầu tư, trừ khi họ vay vốn làm dự án từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Khi đó, họ buộc phải tuân thủ yêu cầu công khai minh bạch tất cả các báo cáo ĐTM cho công chúng.Do vậy, Bộ TN-TM nên giữ các quyền quyết định công khai minh bạch tất cả các báo cáo ĐTM cũng như các cơ chế pháp lý ràng buộc các nhà đầu tư theo một khuôn mẫu chặt chẽ, để không còn những kẽ hở cho các nhà đầu tư có thể luồn lách và trốn tránh trách nhiệm của mình khi gây ra những tác động môi trường. ■(*) Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam.Trong đó, các trung tâm tư vấn dịch vụ môi trường có những trung tâm là “sân sau” của một số cơ quan, đơn vị đang quản lý lĩnh vực này nhưng năng lực khoa học của họ không toàn diện. Họ có thể được nhận những hợp đồng làm dịch vụ tư vấn ĐTM theo nhiều kiểu cách khác nhau, nhưng báo cáo ĐTM của họ làm chưa tốt và rất thiếu kinh nghiệm. Vậy chúng ta có tin được rằng họ sẽ công khai minh bạch các báo cáo ĐTM và những tác động môi trường của dự án? Tags: Tác phẩmNew Space Art FoundationĐánh giá tác động môi trườngBộ TNMT
Xót xa nhìn biển nước mênh mông muốn chạm mặt những cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống HỒNG QUANG 10/09/2024 Nước lũ sông Hồng, sông Đuống lên rất cao, nhấn chìm nhiều bãi bồi ven sông Hồng. Nhiều đoạn nước sông ngày càng tiến dần tới mép cầu.
Lũ lụt chưa từng có ở miền Bắc: Triển khai ngay các biện pháp bảo vệ hồ thủy điện Thác Bà CHÍ TUỆ 10/09/2024 Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký công điện gửi 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Đề nghị Trung Quốc phối hợp, không xả lũ thủy điện thượng nguồn sông Hồng DUY LINH 10/09/2024 Việt Nam gửi công hàm đề nghị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng nước trên thượng nguồn sông Hồng đổ xuống hạ lưu.
Cả gia đình một cô giáo mầm non tử vong do sạt lở đất HÀ QUÂN 10/09/2024 Một gia đình 4 người, cháu nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi đã tử vong sau trận sạt lở đất trong đêm tại Yên Bái.