Quan điểm đối ngoại mới của Nga: Nước Nga làm rõ bạn thù

TƯỜNG ANH 10/04/2023 09:11 GMT+7

TTCT - Ngày 31-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký "Khái niệm mới về chính sách đối ngoại Liên bang Nga", thay thế cho "Khái niệm chính sách đối ngoại 2016".

Tài liệu dài 42 trang, được công bố trên trang web của Điện Kremlin nói gì, và vì sao Nga cần một kim chỉ nam ngoại giao mới?

Theo Bộ Ngoại giao Nga, "Khái niệm mới" được đưa ra "xuất phát từ thực tế địa chính trị đang thay đổi, với những dịch chuyển mang tính cách mạng ở bên ngoài Nga, đã tăng tốc rõ rệt khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt".

Ảnh: Foreign Policy

Ảnh: Foreign Policy

"Quốc gia - nền văn minh"

Trong khái niệm mới, Nga nói rõ mục tiêu "định vị mình với các nước khác", "tạo điều kiện cho bất kỳ quốc gia nào từ chối các mục tiêu bá quyền và chủ nghĩa thực dân mới".

Cụ thể, trong các điều 4 và 5, Nga khẳng định mình là "một quốc gia đặc thù - một nền văn minh, một cường quốc Á - Âu và Âu - Thái Bình Dương rộng lớn, một thành trì của thế giới Nga, một trong những trung tâm phát triển thế giới có chủ quyền, đóng vai trò duy nhất trong việc duy trì và đảm bảo cân bằng quyền lực toàn cầu". 

Các ưu tiên trong chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài là chống lại nạn bài Nga, bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa và thể thao Nga, Giáo hội Chính thống Nga và bảo vệ "sự thật lịch sử".

Có thể thấy điểm mới của học thuyết lần này là khái niệm "quốc gia - nền văn minh". 

Ông Fyodor Lukyanov, giám đốc Câu lạc bộ Valdai và tổng biên tập tạp chí Global Affairs, phân tích trên cổng thông tin RBC rằng công thức quốc gia - nền văn minh đã được các nhà nghiên cứu Nga đề cập thời gian qua. 

Một chỉ dấu rõ ràng để hiểu công thức này là nền văn minh là tự thân, không cần phải dung hợp với bất cứ đâu. Theo ông, trong Khái niệm mới, Nga định vị mình là cường quốc chính ngăn chặn mối đe dọa của Mỹ "và với chức năng này, nước Nga có giá trị với thế giới".

Pravda.ru phân tích thêm: "Khái niệm này có nghĩa Nga không cần "gắn mình" vào đâu đó (ví dụ: trong các cấu trúc "từ Lisbon đến Vladivostok") mà chỉ tương tác vì lợi ích của mình với các "câu lạc bộ lợi ích" khác dựa trên lợi ích của thế giới Nga". 

Tờ này nhắc lại lời Nữ hoàng Catherine II (trị vì 1762-1796): "Bản thân nước Nga là vũ trụ và nó không cần bất kỳ ai", hay như chính ông Putin đã nói: "Nước Nga không có biên giới - chỉ có những chân trời".

Những yếu tố cho phép Nga định vị mình như thế, theo quan điểm của Khái niệm mới, là: 

(1) Sự hiện diện của các tài nguyên quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. 

(2) Tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nước thắng trận trong Thế chiến II. 

(3) Tư cách thành viên trong các tổ chức và hiệp hội liên quốc gia hàng đầu.

Và (4) vị thế của một trong hai cường quốc hạt nhân lớn nhất, nhà nước kế thừa Liên Xô.

Catherine II, tức Catherine Đại Đế. Ảnh: Wikipedia

Catherine II, tức Catherine Đại Đế. Ảnh: Wikipedia

Làm rõ bạn thù

Về đối ngoại, Khái niệm mới nói thái độ của Nga với các quốc gia khác và các tổ chức liên quốc gia sẽ được "xác định bởi bản chất chính sách của họ đối với Nga: mang tính xây dựng, trung lập hoặc không thân thiện".

Trước hết, thách thức chính với chính sách đối ngoại của Nga, theo Khái niệm mới, là "cuộc chiến hỗn hợp do Hoa Kỳ và các vệ tinh của họ gây ra chống lại Nga". 

Pravda bình luận: "Lần đầu tiên kẻ thù chính được gọi tên rõ ràng và vì sao họ lại bài Nga, một điều rất quan trọng". 

Với những quốc gia "không thân thiện" khác ở phương Tây, Khái niệm mới nêu rõ Nga không phải là kẻ thù của phương Tây và kêu gọi phương Tây "chấp nhận thực tế đa cực", trong đó Matxcơva "ưu tiên loại bỏ những biểu hiện thống trị của Mỹ và các quốc gia không thân thiện khác" trong các vấn đề thế giới, "bao gồm cả tham vọng tân thực dân và bá quyền của họ".

Mặc khác, do Nga "không tự cô lập mình" và "không có ý định thù địch với phương Tây", nên khi giới thiệu Khái niệm mới với các thành viên Hội đồng an ninh Nga hôm 31-3, ông Putin kêu gọi họ "đặc biệt chú ý đến mở rộng quan hệ với các đối tác có tinh thần xây dựng và tạo điều kiện cho các quốc gia không thân thiện từ bỏ các chính sách thù địch với nước Nga". 

Nói ngắn gọn là, dù "Nga không cần mọi người thích mình" (lời của tờ Pravda), nhưng chủ trương thêm bạn bớt thù.

Cũng lần đầu tiên, các đồng minh của Nga được nêu tên rõ ràng, những quốc gia "ủng hộ khôi phục sự tôn trọng phổ quát với luật pháp quốc tế". 

Đó là những quốc gia thành viên của BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), đặc biệt Ấn Độ và Trung Quốc được gọi tên riêng.

Đặc biệt, Nga "coi nền văn minh Hồi giáo là thân thiện" và sẽ "đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của châu Phi với tư cách là một trung tâm phát triển thế giới ban đầu và có ảnh hưởng". 

Tài liệu cũng nói Nga sẽ hợp tác với các quốc gia ASEAN, Mỹ Latin và Caribê, cũng như ưu tiên phát triển hợp tác với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập, và hỗ trợ cho Syria.

Nga xác định gắn bó với các tổ chức đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ảnh: fidh.org

Nga xác định gắn bó với các tổ chức đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ảnh: fidh.org

"Bình minh của thế giới đa cực"?

Kênh Telegram Nga có hơn 250.000 người theo dõi "Kinh tế chủ quyền" của Suverennnaya Ekonomika phân tích phần kinh tế của Khái niệm mới, cho rằng "điều quan trọng nhất là nhìn nhận sự khủng hoảng của toàn cầu hóa". 

10 năm trước, điều này nghe có vẻ không tưởng, nhưng thị trường năng lượng toàn cầu và lĩnh vực tài chính đang nhanh chóng sụp đổ.

"Mỹ không giao thương với Nga, Nga ngừng giao thương với EU, châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và bắt đầu dò xét Trung Quốc. Sau đó, mọi người cùng nhau bắt đầu nhìn đồng đô la một cách nghi ngờ…". 

Mỹ sẽ dần dần chuyển sản xuất sang Mexico từ Trung Quốc. Sau đó, châu Âu sẽ xây dựng ngành công nghiệp vi điện tử của riêng họ và tất cả sẽ cùng cạnh tranh để giành giật thị trường châu Phi. 

"Chúng ta nhìn thấy bình minh của một thế giới đa cực, đa vector, phức tạp, nhưng đang dẫn dắt chúng ta cùng phát triển".

Bình luận về Khái niệm mới, Đài Đức DW cho rằng "Nga ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế nên đã tìm cách tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với các nước ở châu Phi và châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước có lập trường trung lập hơn với cuộc tấn công của Nga ở Ukraine".

Viện Nghiên cứu chiến tranh Hoa Kỳ (ISW) chỉ ra rằng ông Putin đã sử dụng cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây để "tăng cường nỗ lực tập hợp phần còn lại của thế giới chống lại phương Tây", và Khái niệm mới được thiết kế để phục vụ mục tiêu này. 

Ảnh: Financial Times

Ảnh: Financial Times

Đồng thời, Điện Kremlin có thể đã quyết định công bố Khái niệm mới trước thềm đảm nhận chức chủ tịch HĐBA LHQ nhằm thiết lập các điều kiện thông tin cho nỗ lực hình thành một liên minh chống phương Tây. 

Trước đây, ISW từng nhận định Nga có khả năng sẽ "vũ khí hóa chức vụ chủ tịch HĐBA LHQ như một phương pháp thể hiện sức mạnh của Nga".■

Trước học thuyết mới 2023, Nga đã có năm Khái niệm chính sách đối ngoại (1993, 2000, 2008, 2013 và 2016). Căn cứ đó có thể thấy tâm trạng của giới lãnh đạo Nga thay đổi ra sao.

Chẳng hạn, nếu Khái niệm 2000 hối tiếc tuyên bố về "xu hướng tạo ra một cấu trúc thế giới đơn cực dưới sự thống trị về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ", thì Khái niệm 2008 đề cập đến "viễn cảnh phương Tây mất thế độc quyền trong các quá trình toàn cầu hóa", rồi 2016, giới lãnh đạo Nga nói về "sự giảm thiểu cơ hội của phương Tây… thống trị nền kinh tế và chính trị thế giới". Từ "đa cực" được sử dụng 11 lần trong tài liệu mới.

Có thể nói về thực chất, toàn bộ học thuyết mới được xây dựng xung quanh khái niệm này.

Ngoài ra, lần đầu tiên khả năng tấn công phủ đầu được đề cập theo điều 51 của Hiến chương LHQ, cơ sở pháp lý cho việc sử dụng vũ lực để tự vệ.

Theo đó, mục tiêu của Nga là đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các quốc gia trên cơ sở "nguyên tắc có đi có lại" (khái niệm 2016 không đề cập tới nguyên tắc này).

Đặc biệt, Matxcơva tuyên bố "có thể sử dụng lực lượng vũ trang để đẩy lùi và ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào chính mình hoặc các đồng minh, giải quyết các cuộc khủng hoảng (kể cả quyết định của các "cấu trúc an ninh tập thể mà Nga tham gia"), bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài, chống khủng bố quốc tế và cướp biển".

Mục này cũng không có trong khái niệm năm 2016.

Bình luận về những cảnh báo này, chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin nói trên Izvestia:

"Nếu trước đây, các lực lượng vũ trang Nga có thể được sử dụng trong trường hợp bị xâm lược, giờ đây Nga sẽ không tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế và bắt đầu hành động khi cần thiết trong trường hợp bị đe dọa, bao gồm cả tấn công phủ đầu".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận